Tin khắp nơi – 30/01/2018

Tin khắp nơi – 30/01/2018

Bắc Hàn hủy diễn văn nghệ với miền Nam

Bắc Hàn đột ngột hủy bỏ một sự kiện văn hóa dự kiến sẽ được tổ chức cùng với phía Nam Hàn, Seoul cho hay.
Dự kiến được diễn ra vào 4/2 tại núi Kumgang ở Bắc Hàn, buổi diễn văn nghệ này là một phần của một loạt các sự kiện diễn ra trước khi Nam Hàn tổ chức Thế vận hội mùa đông PyeongChang.
Các sự kiện được xem là biểu hiện nồng ám dần trong mối quan hệ.
Một bức điện tín của Bắc Hàn được ghi nhận đổ lỗi cho truyền thông Nam Hàn “có định kiến” và “sỉ nhục”.
Phía Nam Hàn cho biết quyết định này là “đáng tiếc” và nói Bắc Hàn nên giữ cam kết như đã thỏa thuận.
Các buổi biểu diễn nghệ thuật và trình diễn võ Taekwondo nằm trong số các sự kiện khác đã nhận được sự đồng ý từ miền Bắc.
Yonhap dẫn lời Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho hay Bắc Triều Tiên cũng nổi giận trước tin về một cuộc diễu binh có thể diễn ra hôm 8/2, một ngày trước khi khai mạc Thế vận hội.
Có mối quan ngại rằng mối liên hệ giữa hai miền Triều Tiên có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn vì chương trình hạt nhân của nước này.
Nam Hàn trước đó đã nói sẽ không trả tiền vé máy bay cho các vận động viên trượt tuyết đến Núi Kumgang vì điều này sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.
Hai miền Triều Tiên đã tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao hiếm hoi trước thềm Olympics.
Cả hai bên đồng ý sẽ đi diễu hành dưới một lá cờ thống nhất, và sẽ hợp thành một đội nữ khúc côn cầu trên băng, dù tin hôm 29/1 cho hay các vận động viên gặp khó khăn về khác biệt thuật ngữ khúc côn cầu giữa hai miền.
Ngoài ra có thêm 10 vận động viên miền Bắc khác tại Thế vận hội, diễn ra từ hôm 9 – 25/2, trong các môn thể thao gồm trượt tuyết băng đồng và trượt băng nghệ thuật.
Bắc Hàn cũng sẽ gửi hàng trăm đại biểu, đội cổ động và nghệ sĩ đến sự kiện này.
Các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận này diễn ra sau những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên đến đỉnh điểm trong nhiều thập kỷ.
Bắc Hàn đã có những tiến bộ nhanh chóng trong các chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí không phải nguyên tử trong những năm gần đây.
Vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới nhất, vào 28/11, làm dấy lên một loạt các lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc nhằm vào xăng dầu nhập khẩu.
Không lâu sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết ông “để ngỏ khả năng đối thoại”.

Mỹ công bố ‘danh sách thân Putin’

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói danh sách những người Nga vừa được Mỹ công bố là nhắm vào toàn bộ nhân dân Nga.
Danh sách vừa công bố bao gồm 210 người Nga trong một phần luật trừng phạt của Mỹ vì cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ.
Ông Putin nói danh sách là hành động không thân thiện nhưng cũng nói ông không muốn leo thang tình hình.
Mỹ vừa công bố danh sách 114 nhà chính trị gia Nga và 96 doanh nhân lớn trong một phần của đạo luật nhằm trừng phạt Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng Mỹ cũng nói danh sách không mang tính “trừng phạt”.
Lý do Mỹ công bố “danh sách Putin”?
Chính phủ Mỹ được yêu cầu đưa ra danh sách này sau khi Quốc hội thông qua đạo luật “chống lại những đối thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) hồi tháng 8.
Đạo luật này nhằm trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ năm 2016 và những hành động mới đây của Nga với Ukraine.
Quốc hội Mỹ muốn liệt kê và tố cáo những cái tên đã hưởng lợi từ mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin và thông báo rằng họ có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Những người có mặt trong danh sách?
Được nhắc đến một cách không chính thức là “Danh sách Putin”, danh sách chưa được phân loại này có đến 210 cái tên. Trong đó, 114 người làm việc trong chính phủ hoặc có mối quan hệ mật thiết với chính phủ, hoặc là các doanh nhân chủ chốt.
96 người còn lại là những doanh nhân lớn có tài sản hơn một tỉ đôla.
Hầu hết các đồng minh lâu năm của ông Putin cũng bị nêu tên, rất nhiều trong số đó là siloviki (những cố vấn an ninh) gồm giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov và giám đốc Cục Tình báo đối ngoại (SVR) Sergei Naryshkin.
Trước đó ông Putin cũng đã từng điều hành FSB.
Những người nắm giữ và kiểm soát các nguồn năng lượng của Nga cũng bị liệt kê bao gồm giám đốc hãng Gazprom – Alexei Miller, giám đốc hãng Rosneft – Igor Sechin và giám đốc điều hành các hãng dầu khí khác cùng với giám đốc của những ngân hàng hàng đầu của Nga như giám đốc ngân hàng Rossiya – Yuri Kovalchuk.
Các đầu sỏ chính trị còn bao gồm Kirill Shamalov, người được cho là con rể của ông Putin, mặc dù Kremlin chưa bao giờ xác nhận cuộc hôn nhân của ông với Katerina Tikhonova, hay thông tin Katerina là con gái của ông Putin.
Các đầu sỏ kinh tế nổi tiếng khác cũng có mặt trong danh sách này như những ông chủ của các câu lạc bộ hàng đầu tại Anh như Alisher Usmanov (Arsenal) và Roman Abramovich (Chelsea).
Liệu họ sẽ đối mặt với những lệnh trừng phạt mới?
Không phải vào thời điểm này. Tài liệu từ Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh: “Đây không hẳn là một danh sách trừng phạt. Việc liệt kê ra những cá nhân và các thực thể doanh nghiệp không nên được xem như là những đối tượng mà tới đây Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt,”
Tài liệu cho biết thêm: “Việc công bố danh sách không tuyệt mật này cũng không hẳn chỉ ra được Chính phủ Mỹ đã nắm được thông tin về sự tham gia của những cá nhân trong các hoạt động phi pháp.”
Mặc dù vậy, có một danh sách tuyệt mật bao gồm những thông tin chi tiết về các cáo buộc tham gia trong các hoạt động tham nhũng.
Danh sách này có ý nghĩa như nào với Nga?
Phân tích từ Steve Rosenberg, phóng viên đài BBC ở Moscow cho rằng tin tốt lành cho Kremlin đó là danh sách này không giống như một danh sách trừng phạt và nó sẽ kết thúc tại đây.
Nhưng những quan chức và “những đầu sỏ chính trị” của Nga bị nêu tên bởi bộ tài chính Mỹ cũng lo ngại cho các khả năng bị trừng phạt trong tương lai.
Trước khi danh sách này được công bố, Kremlin cũng tuyên bố Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của Nga.
Đạo luật Caatsa hạn chế số tiền mà người Mỹ có thể đầu tư vào các dự án năng lượng của Nga và gây ra nhiều cản trở cho các công ty của Mỹ mong muốn được hợp tác với Nga.
Nó cũng áp đặt những lệnh trừng phạt lên Iran và Bắc Hàn.
Khi ký kết đạo luật này, ông Trump kèm theo một tuyên bố cho rằng đạo luật này “có những thiếu sót nghiêm trọng”.
“Với tư cách là Tổng thống, tôi có thể có được những thoả thuận tốt hơn với các quốc gia khác so với những gì Quốc hội làm,” ông tuyên bố.
Dưới đạo luật Caatsa, danh sách những cái tên bị liệt kê phải được đưa ra vào hôm thứ Hai (29/1). Thực tế là nó chỉ được công bố khoảng 10 phút trước 12h đêm, phản ảnh sự lạnh lùng của ông Trump với việc này, và thể hiện sự phản đối của ông trong việc trừng phạt Nga dưới các sắc lệnh trừng phạt mới.
Trước đó, chính phủ Mỹ lập luận rằng đạo luật Caatsa đã thúc đẩy chính phủ các nước trên thế giới huỷ bỏ các hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ đôla với Nga, vì vậy các biện pháp trừng phạt thêm là không cần thiết.
“Theo hướng đó, nếu như luật này đang được thực thi thì các biện pháp trừng phạt cấm vận đối với các công ty hay các cá nhân cụ sẽ không cần thiết bởi vì trên thực tế đạo luật này đang được sử dụng như là một biện pháp răn đe đầy cứng rắn,” phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết.
Nga phản ứng ra sao?
Khi đạo luật Caatsa được thông qua, ông Medvedev tuyên bố điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chính thức tuyên bố một cuộc chiến thương mại toàn diện với Nga.
Phản ứng lần này của Nga có sự dao động của một cơn giận dữ sâu sắc và một biện pháp có chừng mực hơn.
Phát ngôn viên của Kremlin, Dmitry Peskov, người nằm trong danh sách, nói thêm: “Việc công bố một danh sách như thế có thể làm hỏng hình ảnh và danh tiếng của các công ty, những nhà doanh nhân, các chính khách và thành viên lãnh đạo.”
Ông nói thêm: “Đây không phải là lần đầu tiên nước Nga ở trong tình thế mà có những bình luận thiếu tích cực hướng về phía chúng ta, vì thế chúng ta không được nhân nhượng.”
Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny khen ngợi việc công bố các cái tên và gọi đây là “danh sách tốt”.

Mike Pompeo: ‘Trung Quốc là đe dọa lớn cho Mỹ’

Những nỗ lực ngầm của Trung Quốc để xâm nhập và khuynh đảo Phương Tây được nhìn nhận giống như mối đe dọa lật đổ đến từ Nga, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Mike Pompeo nhấn mạnh.
Trước khi trở thành giám đốc của CIA, ông Mike Pompeo từng là một nghị sĩ theo trường phái cứng rắn của Đảng Cộng hoà.
Trả lời BBC News, ông Pompeo cho biết: “Hãy nghĩ về quy mô của hai nền kinh tế,”
”Trung Quốc rõ ràng có sức ảnh hưởng lớn hơn Nga khi thực hiện sứ mệnh đó.”
‘Trung Quốc có mặt khắp nơi’
Ông cũng nhấn mạnh các quốc gia cần hợp tác cùng nhau để ngăn cản các nỗ lực của Trung Quốc tạo ra ảnh hưởng lên Phương Tây.
“Chúng ta có thể nhận ra những nỗ lực của Trung Quốc để đánh cắp thông tin thương mại của Mỹ. Họ thâm nhập vào Mỹ thông qua gián điệp – những người sẽ vì Trung Quốc chống lại chúng ta,” ông nói.
”Chúng ta nhận ra sự hiện hữu của người Trung Quốc trong những trường học. Chúng ta thấy họ trong những bệnh viện, hệ thống y tế. Chúng ta thấy họ trong các công ty, tập đoàn của Mỹ. Điều này cũng ngày càng phổ biến ở ngay cả những nơi khác trên thế giới bao gồm cả châu Âu và Anh.”
”Người Trung Quốc, họ làm việc hết mình để chứng tỏ với thế giới vị thế siêu cường của họ, một quốc gia với quy mô kinh tế khổng lồ. Những nỗ lực này của họ, tất cả chúng ta cần phải thực sự lưu tâm. Chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để ngăn cản những nỗ lực của họ trong việc lén lút tạo ra ảnh hưởng đối với thế giới.”
Trước lo ngại về các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc, ông Pompeo nói:
“Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều các vụ tấn công mạng đến từ Trung Quốc. Họ luôn luôn chuẩn bị cho việc này.
”Trong các hoạt động tình báo mạng, chúng ta cho thể thấy người Trung Quốc họ có khả năng tiềm tàng to lớn. Cùng với một nền kinh tế tiên tiến, họ có những người rất tài năng, thông minh trong lĩnh vực này. Do đó chúng ta thực sự cần phải chú ý đến mối đe doạ này của Trung Quốc.
Tuy là rất khó để đánh giá được nhưng chắc chắn họ ở đẳng cấp thế giới.”
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Gordon Correra của BBC News, ông Pompeo cũng tiên liệu được việc Nga sẽ cố gắng cản trở các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ vào tháng 11/2018.
“Tôi lường trước được việc Nga sẽ cản trở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Nhưng tôi tự tin Mỹ sẽ có được một cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
“Chúng ta sẽ có những hành động mạnh mẽ, cứng rắn để những tác động của Nga với cuộc bầu cử sẽ không thành công”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Phó giám đốc FBI Andrew McCabe từ chức

Phó giám đốc FBI Andrew McCabe, người bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc nhiều lần là có thiên kiến chống ông, từ chức.
Andrew McCabe bị giám đốc FBI Christopher Wray gây áp lực phải ra đi trước khi có một báo cáo về cuộc tổng thanh tra cơ quan này, CBS News tường thuật.
Ông McCabe được ghi nhận từ chức ngày 18/3.
Việc ông này từ chức diễn ra một tuần sau khi có tin rằng ông Trump muốn ông ra đi.
Theo CBS News, một kênh liên lạc nội bộ do ông Wray thiết lập cho thấy ông McCabe phải ra đi sớm là kết quả của một báo cáo tổng thanh tra FBI sắp được công bố, kết luận rằng cơ quan này áp dụng các tiêu chí cao nhất.
Trước đó, tờ New York Times cho hay ông Wray đã bày tỏ ý định muốn chuyển ông McCabe qua một vị trí khác, điều này có thể là một sự giáng cấp, trước khi có báo cáo về cuộc tổng thanh tra.
Hiện chưa rõ khi nào bản báo cáo sẽ được công bố.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói trong cuộc họp báo hôm 29/1: “Quyết định này không phải do Nhà Trắng đưa ra.”
Bà nói thêm: “Chủ tịch không can thiệp vào quá trình ra quyết định này.”
Ông McCabe trở thành quyền giám đốc FBI hồi tháng 5/2017 sau khi ông Trump sa thải người đứng đầu cơ quan này thời điểm đó, James Comey.
Ông Comey đã giám sát cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Ông Trump cuối cùng đã đề cử Christopher Wray làm giám đốc mới của FBI, và ông đã được Thượng viện thông qua hồi tháng 8/2017.

Trung Quốc

không cho vợ nhà hoạt động Đài Loan thăm chồng

Trung Quốc ngăn cản không để vợ của nhà hoạt động dân chủ Đài Loan nhập cảnh thăm chồng là ông Lý Minh Chí, một nhân viên của tổ chức phi chính phủ hiện đang bị chính phủ Trung Quốc bắt giam. Hãng tin AFP loan tin hôm thứ ba ngày 30 tháng Giêng.
Ông Lý bị bắt trong chuyến sang đại lục hồi tháng 3 năm ngoái và đã bị một tòa án ở tỉnh Hồ Nam kết án 5 năm tù về tội lật đổ nhà nước.
Vợ của ông, bà Lee Ching-yu đã nhận được thông báo thăm viếng chồng từ nhà tù Chishan, tỉnh Hồ Nam nhưng khi xuất cảnh, bà lại được thông báo không thể lên máy bay do thiếu giấy phép đi lại cần thiết tại đại lục.
Bà Lee đã từng có giấy thông hành tuy nhiên, giấy này đã bị huỷ bỏ vào tháng 4 năm ngoái, thời điểm bà đang tìm kiếm thông tin của chồng, người bị bắt giữ vài tháng trước đó trước khi bị đem ra xét xử.
Kể từ đó, các nhà chức trách Trung Quốc chỉ cấp thị thực nhập cảnh một lần duy nhất để bà tham dự phiên toà xét xử và kết án ông Lý.
Chính quyền Đài Loan ngay lập tức đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải cấp giấy tờ cần thiết cho bà.
Trong một tuyên bố mới đây của Hội đồng các vấn đề Đại lục, cơ quan liên lạc chính thức với Bắc Kinh, cơ quan này cho rằng đáng tiếc khi Trung Quốc lại không cho phép bà Lee lên máy bay sang Trung Quốc thăm chồng vào ngày 30 tháng giêng. Quyền thăm viếng là quyền cơ bản của con người.
Ông Lý Minh Chí đã thừa nhận cáo buộc trong phiên xử ông hồi tháng 9, nói rằng ông đã viết và phân phát các bài báo trực tuyến nhằm chỉ trích đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc và thúc đẩy dân chủ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan, ông đã chia sẻ “kinh nghiệm dân chủ của Đài Loan” với bạn bè Trung Quốc của mình qua mạng trong nhiều năm và thường gửi sách cho họ.
Đài Bắc gọi việc giam giữ ông Lý là “không thể chấp nhận” và là một cú đánh mạnh mẽ đối với mối quan hệ qua eo biển, trong khi vợ ông, bà Lee Ching-yu, gọi phiên toà của ông là một “chương trình chính trị”.
Bà Lee, người đã xăm tên chồng trên cánh tay của mình trước phiên xử – đã kêu gọi hỗ trợ ở nước ngoài và làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 5 năm ngoái

Tố cáo Manila bịt miệng đối lập

Giám đốc điều hành trang mạng Rappler, vào ngày 30 tháng Giêng nói rằng một số giới chức của Chính phủ Philippines đã tìm cách “bịt miệng tiếng nói đối lập” bằng việc tung tin giả mạo tràn lan trên truyền thông mạng xã hội.
Reuters trong cùng ngày dẫn lời như vừa nêu của bà Maria Ressa, người đứng đầu báo mạng độc lập Rappler, bị Ủy ban Chứng khoán và Hối Đoái Philippines thu hồi giấy phép vào trung tuần tháng Giêng với lý do vi phạm về quyền sở hữu.
Bà Ressa nói với các thượng nghị sĩ Phi đang điều tra tình hình bùng phát tin giả mạo ở Philippines rằng Chính phủ Manila đang sử dụng “chiêu bài yêu nước” để sách nhiễu và hăm dọa. Bà Ressa nhấn mạnh rằng các lực lượng bao gồm cả quân đội lẫn các nhà độc tài dùng truyền thông mạng xã hội để kiểm soát và lôi kéo chính kiến của công chúng.
Bà Ressa còn nói với các thượng nghị sĩ Phi rằng những thông tin giả mạo được tung ra từ các tài khoản giả và lan truyền trên Facebook, một kênh mạng xã hội có gần 70 triệu người sử dụng ở Philippines.
Bà Ressa nói Chính phủ Phi đã “vũ trang hóa internet” để đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng tham gia cùng với các nhà báo, bloggers và thậm chí những văn phòng truyền thông của chính phủ để kiểm tra lại các biện pháp kiềm chế truyền thông mạng xã hội của các thượng nghị sĩ.
Người đứng đầu Rappler nói là Philippines đã có các luật hiện hành và bà không tin rằng cần phải có nhiều luật hơn nữa. Bà Ressa đề nghị các thượng nghị sĩ Phi nên áp dụng các luật hiện hành và đòi hỏi trách nhiệm giải trình.
Các chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào ngày 25/1 lên tiếng kêu gọi chính phủ Philippines cho phép trang Rappler, là 1 trang mạng tin tức độc lập, hoạt động trở lại.

Đài Loan tập trận bắn đạn thật

Đài Loan hôm 30/1 tiến hành tập trận bắn đạn thật trong tình huống giả định bị xâm lược vào lúc Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong cuộc tập trận, máy bay thám thính được sử dụng để quan sát tình hình những tàu chiến tiến đến Đài Loan, và xe tăng bắn đạn thật khi kẻ thù đặt chân lên cảng Hoa Liên. Trong cuộc tập trận, quân đội Đài Loan cũng sử dụng trực thăng tấn công bắn đạn thật và các máy bay chiến đấu F – 16 để hỗ trợ trận chiến trên bộ chống lại kẻ thù là những quân lính đội mũ đỏ.
Bộ Quốc phòng Đài Loan không nói cuộc tập trận có phải là giả định Trung Quốc xâm lược hay không nhưng cho biết mục đích của cuộc tập trận là nhằm cho thấy quyết tâm bảo vệ hòa bình qua eo biển Đài Loan và an ninh quốc gia.
Cuộc tập trận này được Đài Loan tiến hành định kỳ hàng năm ngay trước Tết âm lịch nhằm nâng cao niềm tin của công chúng vào sức mạnh quốc phòng của Đài Loan.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chỉ chờ ngày được thống nhất.
Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm chức Tổng thống Đài Loan vào năm 2016. Bà Thái Anh Văn đã bày tỏ quan điểm không chấp nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Hồi tháng trước, bà Thái Anh Văn cũng đã lên tiếng cảnh báo điều mà bà gọi là sự mở rộng về quân sự của Bắc Kinh, tức sự gia tăng các hoạt động diễn tập hải quân và không quân của Trung Quốc gần Đài Loan kể từ khi bà lên nhậm chức đến nay.

Nam Hàn vẫn tiếp tục

những dự án tại Olympics mùa đông với Bắc Hàn

Nam Hàn hôm 30/1 cho biết nước này sẽ vẫn tiếp tục các dự án chung trong thế vận hội Olympics mùa đông sắp tới với Bắc Hàn bất chấp việc Bắc Hàn vừa quyết định rút khỏi một chương trình biểu diễn chung giữa hai miền chỉ chưa đầy một tuần trước ngày diễn ra sự kiện. Hãng tin Reuters trích lời một giới chức thuộc Bộ Thống nhất Nam Hàn giấu tên cho biết như vậy hôm 30/1.
Vào chiều tối ngày 29/1, Bắc Hàn đột ngột thông báo rút khỏi chương trình biểu diễn văn hóa chung hai miền dự định diễn ra vào ngày 4/2, với lý do là vì truyền thông Nam Hàn đang khuyến khích những tư tưởng coi thường Bắc Hàn trong công chúng.
Theo giới chức Bộ Thống nhất Nam Hàn, hai miền hiện vẫn đang tiếp tục đàm phàn các kế hoạch cho các vận động viên Nam Hàn được luyện tập tại khu trượt tuyết Masikryong ở miền Bắc. Người này cho biết dường như không có vấn đề gì liên quan đến chương trình tập luyện chung.
Trước quyết định mới của Bắc Hàn, Bộ Thống nhất Nam Hàn đã gửi phúc đáp cho miền Bắc, khẳng định các sự kiện đã được hai bên đồng ý phải được tổ chức vì sự thành công của thế vận hội. Bộ này cho biết trong tình hình hiện tại, khi cả hai miền đã bước những bước đầu tiên hướng tới cải thiện quan hệ, thì các thỏa thuận giữa hai phía nên được tôn trọng vì sự hiểu biết lẫn nhau.

Vatican thay đổi lập trường đối với Bắc Kinh gây lo ngại

Vatican gần đây buộc một giám mục thuộc Hội Thánh Thầm Lặng tại Trung Quốc về hưu nhường chức cho người được Bắc Kinh tiến chức. Bên cạnh đó, một giám mục từng được Vatican thừa nhận phải xuống làm phó cho một giám mục thuộc giáo hội Nhà Nước ủng hộ.
Biện pháp này gây ra đồn đoán là Tòa Thánh La Mã đang tìm cách thiết lập quan hệ với Hoa Lục và tuyệt giao với Đài Loan. Điều này bị một hồng y về hưu tại Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ.
Tin tức ghi nhận được vào trung tuần tháng Một cho biết Giám mục Phê rô Trang Kiến Kiên ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái bị Vatican buộc về hưu, nhường Tòa lại cho giám mục được Bắc Kinh ủng hộ là Giu se Hoàng Bỉnh Chương.
Giám mục Trang được phong chức chui vào năm 2006 với sự chuẩn thuận của Vatican; trong khi giám mục Hoàng bị Tòa Thánh dứt phép thông công vào năm 2011 sau khi được phong chức mà không có đồng ý của Vatican. Giám mục Hoàng còn là một đại biểu quốc hội.
Trường hợp thứ hai là giám mục Giu se Quách Tân Tây ở Mân Đông được yêu cầu xuống chức làm trợ lý cho giám mục Vinh Sơn Trạm Tử Lộ, cũng là một chức sắc Giáo hội Công Giáo Nhà Nước Trung Quốc.
Vào ngày 29 tháng Một, mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn ý kiến của Hồng y về hưu Trần Nhật Quân ở Hong Kong cho rằng vị giáo chủ Công giáo La Mã hiện nay muốn tránh ủng hộ cho các tu sĩ bất đồng chính kiến tại Hoa Lục.
Tiết lộ của Hồng y về hưu Trần Nhật Quân được đưa ra vào ngày 29 tháng Một trên tài khoản Facebook cá nhân sau khi vị này có cuộc hội kiến riêng với giáo hoàng Phan xi cô vào ngày 9 tháng một vừa qua tại Roma. Khi đi yết kiến giáo chủ Công giáo La Mã, Hồng y về hưu Trần Nhật Quân mang theo lá thư của giám mục Phê rô Trang Kiến Kiện. Và trong tiết lộ qua tài khoản Facebook vào ngày 29 tháng một, Hồng y về hưu Trần Nhật Quân cáo buộc Tòa Thánh Vatican về điều mà vị ngày gọi là ‘bán đi giáo hội Công giáo tại Hoa Lục’.
Giới phân tích cho rằng Vatican dọn đường để chuyển từ việc công nhận chính phủ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Hiện nay Vatican là quốc gia Châu Âu duy nhất còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với Vatican vào năm 1951. Sau đó, đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đóng cửa các nhà thờ và bỏ tù các linh mục còn tuân phục Giáo triều Roma. Chỉ có những người theo giáo hội Nhà nước mới được công khai hành đạo. Giám mục thuộc giáo hội Công giáo Nhà nước ở Hoa Lục được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không cần có sự chuẩn thuận của Vatican.
Từ năm 2014, Bắc Kinh và Vatican đã nối lại các tiếp xúc chính thức.

CIA cảnh giác Nga sẽ xen vào bầu cử giữa kỳ Mỹ

Giám Đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) Mike Pompeo nói Nga sẽ nhắm vào các cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ vào cuối năm nay trong một cố gắng của điện Kremlin nhằm gây ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị nội bộ trên khắp miền Tây nước Mỹ.
Ông còn cảnh cáo rằng thế giới cần đẩy lùi những âm mưu của Trung Quốc nhằm xen vào nội tình các nước khác.
Nga bị tố cáo là xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, và Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành điều tra những cáo buộc đó và xem liệu có sự thông đồng nào giữa Nga với các phụ tá của Tổng thống Trump hay không. Nga bác bỏ những cáo buộc đó.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC phát sóng hôm thứ Ba 30/1, Giám Đốc CIA Mike Pompeo nói Nga có một lịch sử lâu dài là chuyên tiến hành các chiến dịch thông tin và mối đe đó vẫn còn.
Trả lời câu hỏi liệu Nga có tìm cách ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ? Giới chức tình báo hàng đầu của Mỹ nói: “Lẽ dĩ nhiên. Tôi dự kiến họ sẽ tiếp tục tìm cách làm điều đó.”
Ông nói thêm: “Nhưng tôi tự tin là nước Mỹ có thể tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chúng tôi sẽ đẩy lùi âm mưu đó, đủ để giảm thiểu tác động của nó nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của chúng tôi.”
Mối đe dọa từ Trung Quốc cũng đáng quan tâm không kém vì Bắc Kinh “hoạt động rất mạnh”…
Giám đốc CIA Mike Pompeo
Giám Đốc CIA nói mối đe dọa từ Trung Quốc cũng đáng quan tâm không kém, vì Bắc Kinh “hoạt động rất mạnh” và sở hữu những khả năng “đẳng cấp thế giới” trên mạng.
Ông nói: “Chúng ta có thể chứng kiến những cố gắng nhằm đánh cắp thông tin của Mỹ, tung gián điệp thâm nhập Hoa Kỳ, với những người làm việc cho chính quyền Trung Quốc chống lại nước Mỹ.”
Ông Pompeo nói có thể thấy các nỗ lực đó của Trung Quốc trong các trường học, các bệnh viện và các hệ thống y tế của Mỹ, cũng như trong các công ty lớn của Hoa Kỳ. Ông nói:
“Chúng ta sẽ phải tập trung vào các nỗ lực chống và đẩy lùi các âm mưu của Trung Quốc nhằm ảnh hưởng tới thế giới một cách bí mật.”

Ông Trump sẽ phát biểu gì trước Quốc hội Mỹ?

Trong bài phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ nêu “công trạng” của mình đối với tăng trưởng kinh tế trong năm qua, theo Reuters.
Hãng tin này cũng nhận định rằng ông cũng sẽ kêu gọi hai đảng thỏa hiệp về vấn đề di dân trong khi vấp phải sự chống đối từ phe Dân chủ.
Đương kim tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu đầu tiên về điều gọi là Tình trạng Liên bang vào tối ngày 30/1.
Các trợ lý nói rằng ông Trump sẽ sử dụng bài phát biểu được truyền hình trực tiếp để nêu “công trạng” về sự tăng trưởng kinh tế kể từ khi nhậm chức, cũng như về thắng lợi lập pháp lớn đầu tiên là cuộc cải tổ thuế sâu rộng được Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua hồi tháng 12.
Tuy nhiên, không khí tại phòng họp của Hạ viện Mỹ, nơi ông Trump sẽ phát biểu, hiện khá căng thẳng, theo Reuters.
Một số nhà lập pháp Dân chủ cho biết rằng họ sẽ tẩy chay sự kiện này. Trong khi đó, một số nữ dân biểu của Đảng Dân chủ cho biết sẽ mặc đồ đen để bày tỏ sự hậu thuẫn đối với phong trào chống quấy rối tình dục có tên gọi #MeToo.
Trước bài phát biểu của ông Trump, phe Cộng hòa và Dân chủ vẫn còn chia rẽ sâu sắc về vấn đề di dân.
Các nhà lập pháp đối mặt với thời hạn chót là ngày 8/2 để đạt được một sự thỏa hiệp về vấn đề này cũng như thông qua một dự luật mới về ngân sách nhằm tránh việc chính phủ lại phải đóng cửa.
Ngoài ra, ông Trump cũng quảng bá cho kế hoạch sửa sang đường xá cũng như cơ sở hạ tầng cũ kỹ trị giá 1,7 nghìn tỷ đôla, nhưng nhiều khả năng ông sẽ không đưa ra nhiều chi tiết.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc

xem các bộ phận của phi đạn Iran

Ngày thứ Hai 29/1, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đến thăm Washington để dự bữa ăn trưa làm việc với Tổng thống Donald Trump và đi xem một số bộ phận phi đạn được cho là của Iran.
Các thành viên hội đồng có cơ hội xem những mảnh lớn của mảnh vỡ phi đạn tầm ngắn mà Đại sứ Nikki Haley tiết lộ tại một cuộc họp báo tháng 12 năm ngoái ở một căn cứ quân sự tại Washington.
Vào lúc đó Đại sứ Haley nói trang bị quân đội là bằng chứng “không thể chối cãi được” là Iran đã võ trang bất hợp pháp cho phiến quân Houthi tại Yemen.
“Phi đạn được chế tạo tại Iran rồi được gởi đến cho cho các phần tử hiếu chiến Houthi tại Yemen rồi từ đó được bắn vào một phi trường dân sự, với khả năng giết chết hàng trăm thường dân vô tội tại Ả Rập Xê-út,” bà Haley nói vào tháng 12 năm ngoái.
Hoa Kỳ đã cho thấy sẽ qui trách nhiệm cho Iran tại Liên hiệp quốc vì vi phạm một lệnh quốc tế cấm cung cấp vũ khí cho phiến quân Yemen.
Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền ông Trump trong phần còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, với nỗ lực đưa đến kết quả chống lại Tehran về thái độ tiêu cực khác trong vùng, bao gồm việc hỗ trợ cho các tổ chức như Houthi và Hezbollah tại Libăng.
Vào tháng 12 năm ngoái, bà Haley cáo buộc Tehran dấu diếm đằng sau thỏa thuận hạt nhân, bà nói “Có những điều họ đang làm trong khi chúng ta tất cả đều nhìn về hướng khác.”
Những mảnh vỡ phi đạn được Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho mượn. Đây là hai nước lãnh đạo một Liên minh chống Houthi. Các cuộc không kích kéo dài gần 3 năm đã gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại Yemen.
Tổng thống Trump mời các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đến Tòa Bạch Ốc ăn trưa làm việc, điều ông đã làm hồi năm ngoái.
Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster sẽ đưa các thành viên hội đồng đi thăm viện bảo tàng Holocaust tại Washington. Theo như Phái bộ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, những người này sẽ đi thăm một cuộc triển lãm về xung đột Syria có tên: Xin Đừng Quên Chúng tôi.

Mỹ thăm dò quan hệ

với đơn vị quân đội Indonesia gây nhiều tranh cãi

Một số tổ chức nhân quyền quan ngại về mối quan hệ có thể có giữa quân đội Mỹ và một đơn vị lực lượng đặc biệt Indonesia vốn được xem có dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Timor, Aceh, vả Papua.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố sẽ thăm dò khả năng mở lại các mối quan hệ với đơn vị có tên là Kopassus dù việc này hiện bị cản trở theo Luật Leahy, được Thượng nghị sĩ bang Vermont Patrik Leahy thuộc đảng Dân chủ bảo trợ, qui định là Bộ Ngoại giao và quân đội bị cấm không được hỗ trợ cho bất cứ lực lượng an ninh nước ngoài nào đã vi phạm nhân quyền mà “không bị trừng phạt.”
Thượng nghị sĩ Leahy nói vào tuần trước, “Viện trợ của Hoa Kỳ truyền đạt tính chính đáng và thừa nhận có sự tôn trọng chung về công lý và nhân quyền.”
“Câu hỏi Bộ trưởng Mattis cần trả lời là liệu chính phủ Indonesia đã trừng phạt các sĩ quan Kopassus đã ra lệnh và che dấu những tội phạm khủng khiếp này hay không, và liệu các thành viên Kopassus hiện nay có chịu trách nhiệm về việc cai trị theo luật pháy hay không.”
Ông Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu cao cấp của Human Rights Watch nói “Tất cả các siêu cường, trong đó có Hoa Kỳ, có nghĩa vụ đạo đức làm cho thế giới chúng ta tốt đẹp hơn.” Ông chỉ trích khả năng đối tác với Indonesia “khôi phục viện trợ cho Kopassus là tưởng thưởng cho Indonesia vì đã không làm gì cả.”
Bộ trưởng Mattis thăm Indonesia tuần qua, chứng kiến một cuộc biểu diễn ngoạn mục của quân đội nước này như uống máu rắn, đi trên lửa, lăn trên thủy tinh, và trình diễn cứu con tin theo nhạc chủ đề của phim “Mission Impossibe.”
Kopassus viết tắt là “Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt” theo tiếng Indonesia, được thành lập vào năm 1952 và hoạt động của lực lượng bao gồm chiến tranh không qui ước, phá hoại và tình báo. Lực lượng này nổi tiếng về những vi phạm nhân quyền tại Đông Timor trong thời gian Indonesia chiếm đóng đảo quốc này (chấm dứt vào năm 1999) và cuộc bạo loạn chủng tộc năm 1998 tại Jakarta, khi Kopassus có liên hệ đến những vụ giết người và bạo động chống lại người Indonesia gốc Trung Quốc. Lực lượng này mạnh nhất trong thời gian cai trị của nhà độc tài Suharto. Ông này bị lật đổ vào năm 1998, và kể từ đó vị thế của đơn vị này sút giảm trong kỷ nguyên dân chủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu bày tỏ hy vọng là Hoa Kỳ sẽ đảo ngược các chế tài đối với đơn vị này về những vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Timor, khi nước này tranh đấu đòi độc lập vào cuối những năm 1990.
Ông Mattis nói với các phóng viên tại Jakarta là quân đội sẽ duyệt lại “các thủ tục” để cứu xét việc mở lại các quan hệ với Kopassus.
Chuyến đi của ông Mattis đến Indonesia diễn ra sau khi ông đưa ra chiến lược củng cố quân đội các nước đồng minh để đối đầu với sức mạnh của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên không chắc là Indonesia sẽ đứng về bên nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc .

EU sẽ phản ứng nhanh nếu TT Trump hạn chế thương mại

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng phản ứng tức thời nếu Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu của Liên minh. Ủy ban châu Âu cho biết như vậy sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa sẽ đối đầu với khối EU, cho rằng chính sách thương mại của EU “không công bằng.”
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ITV của Anh phát sóng vào Chủ nhật 28/1, TT Trump nói ông đã gặp nhiều vấn đề với EU và có thể sự thể này sẽ “biến hóa thành một vấn đề lớn” về thương mại.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu nói tại một cuộc họp báo rằng EU không coi thương mại là một trò chơi ‘được ăn cả, ngã về không’, tức là quan hệ mậu dịch trong đó một bên toàn thắng và bên kia phải thua.
Phát ngôn viên Margaritis Schinas nói:
“Vấn đề này không xoay quanh bên thắng hoặc bên thua. EU tin rằng trong vấn đề mậu dịch, cả hai bên đều thắng cả.”
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng trong khi mậu dịch phải thông thoáng và công bằng, nó còn phải dựa trên pháp quyền. Liên minh châu Âu đang trong tư thế sẵn sàng để phản ứng tức thời, và phản ứng hợp lý trong trường hợp hàng xuất khẩu EU bị ảnh hưởng bởi bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào từ phía Hoa Kỳ.”
Washington tuần trước áp đặt thuế suất 20% đối với hàng máy giặt nhập khẩu, và 30% đối với hàng pin và mô-đun mặt trời, trong số những hạn chế thương mại đơn phương đầu tiên do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt.
Trung Quốc và Hàn Quốc cũng chỉ trích mức thuế suất này, riêng Hàn Quốc sắp khiếu kiện vấn đề này với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sau đó Ủy ban châu Âu cho biết rất lấy làm tiếc về động thái áp đặt thuế suất của Mỹ, cho rằng những rào cản này không tuân thủ các quy định của WTO và sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của EU.

Pakistan và Trung Quốc

triển lãm chung tại cảng Gwadar, Biển Ả Rập

Pakistan và Trung Quốc cùng nhau tổ chức triển lãm quốc tế lần đầu tiên về tầm quan trọng của Cảng Gwadar trong Biển Ả Rập và khu kinh tế tự do của cảng này như là một trung tâm thương mại quốc tế mới nổi.
Cảng thương mại nước sâu và ấm này trông ra con đường chở dầu và khí đốt bận rộn nhất thế giới, được xây dựng và mở rộng với trợ giúp tài chánh của Trung Quốc.
Hơn 200 công ty Trung Quốc và Pakistan có mặt trong sự kiện ngày 29/1 tại Gwadar, trong khi 6 tỉnh Trung Quốc cũng phái đại diện đến dự, Đại sứ Trung Quốc tại Islamabad, Diêu Tinh, cho biết như vậy khi đọc diễn văn tại buổi lễ.
Các nhà ngoại giao nước ngoài và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng được mời dự lễ khai mạc hai ngày triển lãm này.
Những người Trung Quốc điều hành cảng nói Khu Kinh tế Tự do Gwadar sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế như miễn thuế trong 23 năm và cho thuê đất đến 99 năm cho những doanh nghiệp đến đây cùng với những sáng kiến và khung làm việc thân thiện đối với việc buôn bán, dịch vụ, sản xuất, hậu cần, chuyển vận bằng tàu thuyền và kho bãi.
Gwadar là một trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền nối liền những vùng đất nằm sâu trong đất liền của miền tây Trung Quốc, giúp Bắc Kinh con đường thương mại quốc tế ngắn hơn và an toàn hơn qua Pakistan.
Gwadar được xem như cửa ngỏ của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hay CPEC, một chủ điểm của Sáng kiến Vành đai và Con đường của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa” mới về buôn bán trên đất liền và trên biển, xuyên qua hơn 60 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi.
Trong CPEC, nhiều mạng lưới đường xá, thông tin, đường ray, khu kinh tế và các nhà máy điện được xây dựng và nâng cấp tại Pakistan với đầu tư của Trung Quốc vào khoảng 62 tỉ đô la.
Các dự án trị giá khoảng 27 tỉ đô la đang được xây dựng hoặc đã hoàn tất, bao gồm những dự án năng lượng đã sớm sản xuất điện, tăng cường điện năng cần thiết cho lưới điện Pakistan.
Trong lễ khai mạc, Thủ tướng Pakistan, Shahid Khaqan Abbasi, nói CPEC là “phần thấy được rõ ràng nhất” của Sáng kiến Vòng đai và Con đường của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng dự án khổng lồ này sẽ phục vụ không những cho nhu cầu của nước ông mà còn cho nhu cầu của toàn vùng nữa.
Các chuyên gia hy vọng khả năng vận chuyển hàng hóa của Gwadar sẽ gia tăng đến mức 1,2 triệu tấn vào cuối năm nay và sẽ có thể xử lý được khoảng 13 triệu tấn vào năm 2022, trở thành cảng biển lớn nhất Đông Nam Á.
Một phi trường quốc tế với đường bay dài 12.000 mét đang được xây dựng tại một thị trấn êm ả trước đây với khoảng 300 triệu đô la tài trợ của Trung Quốc.
Cảng Biển Ả Rập tọa lạc tại Baluchistan, thành phố lớn nhất Pakistan, nơi có các phần tử hiếu chiến, gồm Nhà nước Hồi Giáo và những phần tử nổi dậy không quan trọng khác, là thách thức an ninh chính cho CPEC.
Thêm vào đó, hành lang này chạy xuyên qua phần kiểm soát của Pakistan thuộc vùng Kashmir bị chia cắt khiến cho Ấn Độ, đối thủ của Pakistan, phản đối. Hoa Kỳ nghi là Trung Quốc có thể biến Gwadar thành một căn cứ quân sự.
Tuy nhiên các giới chức Trung Quốc bác bỏ lo ngại này và vẫn xem “CPEC thuần túy là một dự án hợp tác kinh tế,” và Islamabad xem việc chống đối của Ấn Độ là có động cơ chính trị.

Dịch Cúm hoành hành tại Triều Tiên và Hàn quốc

trước Thế vận hội mùa Đông

Bắc và Nam Triều Tiên báo cáo về dịch cúm bùng phát với những chủng virút khác nhau, chưa đến hai tuần trước khi hàng ngàn khách du lịch trên toàn thế giới đến tham dự Thế vận hội mùa Đông 2018 tại PyeongChang, Hàn quốc.
Bộ Y tế Triều Tiên cho biết có hơn 80.000 trường hợp lây nhiễm cúm H1N1 được xác định từ ngày 1/12/2017 đến 26/1/2018. Đây là dịch cúm heo theo như một tạp chí của Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế và Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ cho biết.
Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế trích lời các giới chức Bộ Y tế Triều Tiên nói rằng có 3 trẻ em và một người lớn thiệt mạng khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay và có khoảng hơn 120.000 trường hợp bị nghi là cúm heo tại Triều Tiên, và dịch bệnh bùng phát trên toàn quốc với 28% trường hợp xảy ra tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Chính phủ Triều Tiên yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF cung cấp thuốc chủng ngừa cho những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao, cũng như huấn luyện và cung cấp các trang bị phòng ngừa, phát hiện và chữa trị để hạn chế hậu quả của dịch cúm bùng phát. WHO và UNICEF chưa công khai bình luận về yêu cầu này.
Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế dự trù viện trợ khẩn cấp 270.000 đô la bao gồm việc gởi những người tình nguyện với mặt nạ và quần áo bảo hộ để tiến hành huấn luyện tại những khu vực có nhiều nguy cơ ở Triều Tiên.
Vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ Hàn quốc loan báo trì hoãn việc cấp 8 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 trước đó trong tháng. Viện trợ dự trù bao gồm 3,5 triệu đô la cấp cho UNICEF thuốc men và vật phẩm dinh dưỡng để giúp trẻ em, phụ nữ có thai, và 4,5 triêu đô la cấp cho Chương trình Lương thực Thế giới để cung cấp thực phẩm cho các bệnh viện Triều Tiên.
Hàn quốc ngưng tất cả viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên vào năm 2016 sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư.
Năm ngoái việc ngưng viện trợ của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in được xem như là một động thái ủng hộ chiến lược “áp lực tối đa” của tổng thống Donald Trump nhấn mạnh đến những chế tài kinh tế mạnh mẽ cùng với đe dọa có hành động quân sự để buộc chính phủ Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Năm nay Bình Nhưỡng dường như có lập trường hòa dịu hơn đối với Seoul bằng cách đồng ý tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn quốc và cho đến nay đã tự chế không có thêm hành động khiêu khích bằng phóng phi đạn hay thử nghiệm hạt nhân nữa. Washington cũng ủng hộ việc ngưng khiêu khích mùa Đông bằng cách hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn quốc cho đến khi Thế vận hội mùa Đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật kết thúc vào cuối tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên việc gia tăng những cuộc du hành liên Triều có liên quan đến Thế vận hội với việc các vận động viên Hàn quốc tập dượt trượt tuyết tại Núi Kim Cang ở Triều Tiên, và một phái đoàn đông đảo vận động viên, nghệ sĩ, cổ vũ viên Triều Tiên tranh tài và trình diễn tại miền Nam, gây nên quan ngại virút sẽ lây lan qua biên giới.
Cuối tuần qua, một chủng virút H5N6 lây lan mạnh được phát hiện tại một trại nuôi gà ở Hàn quốc gần Seoul. Nhà chức trách địa phương đã ra lệnh tiêu hủy 500.000 con gà và hơn 450.000 trứng gà bị hủy bỏ trong những trang trại nơi virút được phát hiện. Chính phủ cũng tiến hành tranh tra và tẩy rửa tất cả những trại gà trong khu vực, cách ly công nhân tại những trại bị nhiễm virút trong một tuần lễ, và cấm phân phối gà tại những khu vực thành thị.
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và các vấn đề Nông thôn, có tổng cộng 15 trường hợp cúm gà tại Hàn quốc kể từ tháng 11 năm ngoái, khiến nhà cầm quyền phải tiêu hủy gần 2 triệu con gà.

Bốn lý do để Trung Quốc chen chân vào Bắc Cực

Bắc Cực có nhiều lợi thế thu hút : Mở ra một tuyến đường hàng hải mới, một vùng đất và đại dương giàu tài nguyên thiên nhiên từ dầu khí đến thủy sản và những hứa hẹn về du lịch. Không là quốc gia duy nhất quan tâm đến vùng cực bắc Địa Cầu, nhưng Trung Quốc tranh thủ để dự án Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21 bao hàm luôn cả một tuyến đường trên băng.
Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch nhiều bước để chen chân vào Bắc Cực nhưng lần đầu tiên, Trung Quốc cho công bố sách trắng về chiến lược phát triển Bắc Cực. Đâu là những điểm nổi bật trong sách trắng của Trung Quốc và phải hiểu như thế nào về những lời cam kết hòa hoãn của Bắc Kinh ?
Trong bài phân tích ngắn đăng trên trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 26/01/2017, Charlotte Gao tìm cách trả lời những câu hỏi trên.
Từ quốc gia “Cận Cực” đến OBOR trên băng 
Mở đầu bài báo, chiến lược về Bắc Cực của Bắc Kinh được công bố hôm 26/01/2018 , khẳng định Trung Quốc là một quốc gia “Cận Cực”, là một trong những quốc gia “gần Bắc Cực nhất”. Theo như giải thích của Bắc Kinh, “những điều kiện thiên nhiên” của cực bắc địa cầu và mọi tác động đối với khu vực này đều “ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, môi trường, hệ sinh thái” của Trung Quốc. Qua đó là cả “những quyền lợi kinh tế” của nước này trong nhiều lĩnh vực, từ “nông, lâm nghiệp, đến các hoạt động đánh bắt thủy sản công nghiệp đường biển” 
Sách trắng Arctic Policy của Trung Quốc không vòng vo : Vì chia sẻ lợi ích với các quốc gia chung quanh Bắc Cực, Bắc Kinh “hy vọng cùng làm việc với tất cả các bên để cùng nhau xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực và tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối và phát triển kinh tế, xã hội”trong khu vực này.
Tác giả bài viết trên The Diplomat bình luận : “Mặc dù Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và tham gia vào các hoạt động phát triển Bắc Cực một cách chừng mực, sách trắng của Trung Quốc lại chỉ ra rõ mục tiêu tận dụng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực để phục vụ lợi ích kinh tế của bản thân quốc gia này”.
Charlotte Gao nêu rõ bốn mục đích mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Thứ nhất là Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển các tuyến đường hàng hải ở cực bắc địa cầu và các tuyến đường đó gồm ba ngả “Đông Bắc”, “Tây Bắc” và “Trung Tâm”.
Trong bối cảnh trái đất đang bị hâm nóng gây hiện tượng băng tan, “giao thương hàng hải qua Bắc Băng Dương đang trở thành những cửa ngõ quan trọng đối với mậu dịch quốc tế”. Thêm vào đó Bắc Kinh nói rõ là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, mở ra những trục giao thương và khám phá những hành trình du lịch mới.
Mục tiêu thứ nhì Trung Quốc nhắm tới là các nguồn tài nguyên của một vùng đất còn vắng bóng người này : “tham gia vào các công trình thăm dò và khai thác dầu, khí, quặng mỏ và nhiều tài nguyên thiên nhiên”. Trong chiến lược phát triển Bắc Cực, Trung Quốc không quên nhấn mạnh đến các nguồn năng lượng “không truyền thống từ năng lượng địa nhiệt đến năng lượng gió và nhiều nguồn năng lượng sạch khác”. Bắc Kinh cam kết là sẽ cùng các quốc gia trong vùng “đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng sạch”.
Hướng thứ ba được Trung Quốc quan tâm là các nguồn hải sản phong phú của Bắc Băng Dương được Bắc Kinh coi là “đầy tiềm năng trong tương lai”. Trên điểm này, Charlotte Gao lưu ý độc giả, trong thời gian gầy đây ngư dân Trung Quốc ngày càng hoạt động ở các vùng biển xa nhà, họ đi tìm những vùng nước giàu tôm cá và trên con đường đi tìm kế sinh nhai ấy, ngư dân Trung Quốc không từ các hoạt động đánh bắt trái phép.
Sau cùng Bắc Cực còn là một mảnh đất màu mỡ để mở rộng các hoạt động du lịch và sách trắng của Trung Quốc nói rõ là đã khuyến khích các công ty du lịch đào tạo nhân sự và chuẩn bị cho các chuyến du hành lên xứ sở băng giá này.
Kho dự trữ dầu khí của thế giới ?
The Diplomat nhắc lại, tham vọng chinh phục Bắc Cực của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến từ 2013 Trung Quốc mới được mời làm quan sát viên Hội Đồng Bắc Cực – Arctic Council. Đây là một diễn đàn giữa 8 thành viên gồm Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga, được mở rộng cho hơn một chục quan sát viên, trong đó có Ấn Độ, Pháp hayTrung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu… Chức năng của diễn đàn này nhằm thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến việc quản lý cực bắc của địa cầu.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa khi nào khu vực có diện tích dao động từ 4 triệu cây số vuông đến 15 triệu km2 tùy theo mùa này lại được các cường quốc trên thế giới quan tâm như hiện tại.
Đầu tháng Giêng 2018 chính quyền Trump thông báo sẽ “mở cửa gần như toàn bộ” các vùng biển của Mỹ kể từ năm 2019 cho các công trình khai thác dầu khí ngoài khơi. Trong số 47 dự án được cấp giấy phép phép hoạt động, 19 trong số này bao quanh vùng biển Alaska.
Đây không phải là một tin vui với giới bảo vệ môi trường. Tai nạn thủy triều đen ở vùng Alaska hồi năm 1989 đến nay vẫn để lại dấu vết.
Bản thân các các tập đoàn dầu khí vẫn còn thận trọng trước những dự án đầu tư khai thác ở Bắc Cực. Theo giải thích của chuyên gia về dầu hỏa Matthieu Auzanneau, tác giả của Vàng Đen – Or Noir, nhà xuất bản La Découverte (một cuốn sách được xem là kinh điển đối với giới trong ngành) để đầu tư vào các dự án khai thác dầu lửa ở Bắc Cực có lãi, giá dầu phải được ấn định tối thiểu là 100 đô la một thùng.
Nga quan tâm trở lại đến Bắc Cực
Theo quan điểm của phóng viên báo Le Figaro, Frédéric Faux trong bài viết đăng ngày 29/01/2018, nhưng quan trọng hơn cả các khoản dự trữ tài nguyên tiềm tàng, là Bắc Cực tan băng mở ra những trục giao thương mới cho phép thu hẹp hành trình và thời gian để khí đốt khai của Nga từ bán đảo Yamal, miền bắc Siberia được chuyển tới tận các nước trong vùng Đông Nam Á. Đi qua Bắc Cực, cho phép Nga giao hàng sớm hơn đến 15 ngày – rút ngắn gần 1/3 thời gian- thay vì phải qua ngả kênh đào Suez.
Một điều chăc chắn là Nga chắc sẽ không phản đối sách trắng của Trung Quốc về chiến lược phát triển Bắc Cực khi biết rằng Bắc Kinh là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua khí đốt từ Yamal.
Những chân trời mới 
Nếu như giới bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu về khí hậu liên tục báo động về hiện tượng trái đất bị hâm nóng làm tan băng, thì các nhà chiến lược và địa chính trị đang nhìn thấy những “chân trời mới”. Phóng viên báo Le Figaro nêu lên những con số cụ thể cho thấy “Russia is Back” tại Bắc Cực : “không còn bị các tảng băng cản trở, khối lượng tàu chở hàng của Nga nối liền châu Âu và châu Á, trong năm 2017 tăng 25 %. Trong năm qua, 10 triệu tấn hàng đã được chuyển qua tuyến đường Đông Bắc. Nga dự trù đến năm 2020 phải có tới 40 triệu tấn hàng sử dụng con đường hàng hải mới này. Bắc Cực từng bị lơ là trong những năm 1990 nay bỗng trở thành một vùng đất hứa cả về mặt tài nguyên lẫn chiến lược”.

Tây Ban Nha :

Hoãn lễ nhậm chức của chủ tịch vùng Catalunya

Ngày 30/01/2018, chủ tịch Nghị Viện vùng Catalunya do phe đòi độc lập kiểm soát quyết định hoãn phiên họp để ông Carles Puigdemont, lãnh đạo phong trào độc lập hiện lưu vong ở Bỉ, tuyên thệ nhậm chức chủ tịch vùng Catalunya.
Theo ông Roger Torrent, chủ tịch Nghị Viện, thì lễ nhậm chức được dời lại, nhưng ông không cho biết là đến lúc nào. Chủ tịch Nghị Viện Catalunya đã nhân dịp này khẳng định trở lại là ông Carles Puigdemont có đầy đủ tư cách để nhận chức chủ tịch vùng.
Ông đồng thời tố cáo Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha đã « xâm phạm quyền của hàng triệu người Catalunya » khi cấm Nghị Viện vùng này làm thủ tục cho ông Puigdemont nhậm chức nếu không có đèn xanh của ngành Tư Pháp Tây Ban Nha.
Về phần mình, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vào hôm nay đã lên tiếng cảnh cáo chủ tịch Nghị Viện vùng Catalunya về những hậu quả pháp lý nếu nhân vật này duy trì lễ nhậm chức cho ông Puigdemont bất chấp lệnh cấm của ngành Tư Pháp Tây Ban Nha.
Trong một phán quyết công bố thứ hôm 27/01/2018, Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha cấm Nghị Viện Catalunya tổ chức lễ nhậm chức cho ông Carles Puigdemont, ứng viên duy nhất vào chức chủ tịch vùng, đồng thời bác bỏ tính hợp pháp của việc nhậm chức từ xa.
Do đó, nếu muốn nhậm chức một cách hợp lệ Carles Puigdemont phải về Catalunya với khả năng bị bắt giữ ngay lập tức, điều đã xẩy ra với cựu phó chủ tịch vùng, ông Oriol Junqueras.

Hòa đàm Syria : đến lượt Nga thúc thủ

Đối lập Syria và người Kurdistan từ chối tham dự hòa đàm Sotchi do Nga tổ chức cùng với sự bảo trợ của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Không có đại diện Tây phương , nhất là Washington và các tổ chức chính trị đối đầu với chính quyền Damas, ít có hy vọng tìm được đồng thuận bên bờ Hắc Hải vãn hồi hoà bình sau 6 năm nội chiến tại Syria.
Cuộc chiến chống Daech, ưu tiên số một của liên quân quốc tế đã che phủ phần nào xung đột tại Syria và cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực cấp vùng. Daech bị đánh bại, các mặt trận mới tại Syria đã được khai hỏa cản trở tham vọng của Matx cơva, ít nhất là trong trung hạn, tìm một giải pháp hòa bình theo hướng củng cố chế độ Bachar al Assad và quyền lợi của Nga sau hơn hai năm can thiệp tốn kém.
Về quân sự, một mặt trận mới mở ra ở Afrin, miền bắc Syria. Từ hai tuần nay, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong ba nước bảo trợ vòng đàm phán song song với Liên Hiệp Quốc, tấn công vào kẻ thù Kurdistan. Ở Idlib, tây bắc và gần thủ đô Damas, quân đội chính phủ Syria liên tục oanh kích tấn công vào lực lượng đối lập. Mọi hy vọng tái thiết và hòa bình bị dập tắt với hệ quả là làm suy yếu mọi nỗ lực ngoại giao đã khá mong manh.
Hòa đàm tại Vienna, do Liên Hiệp Quốc tổ chức hồi tuần trước bị thất bại vì đối lập và đại diện chính quyền Syria từ chối đối thoại trực tiếp. Tổng cộng 8 vòng đàm phán trước tại Genève do Liên Hiệp Quốc bảo trợ không kể «sáng kiến Ả Rập» năm 2012 đều thất bại khi đụng đến số phận của Bachar al Assad. Chế độ Damas và Nga cương quyết chống lại mọi đề xuất chuyển tiếp chính trị. Tin tưởng vào trợ giúp quân sự của Nga và Iran, tổng thống Bachar al Assad kỳ vọng vào giải pháp quân sự.
Vào tháng Giêng 2017, Nga cùng Iran, đồng minh của chế độ Damas và Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ phe nổi dậy tổ chức một tiến trình hòa đàm khác ở Astana, thủ đô Kazakhstan, loại Mỹ qua một bên. Tổng cộng 7 vòng thương lượng đưa đến thỏa thuận lập «4 vùng xuống thang» nhưng chiến cuộc vẫn tiếp diễn.
Hội nghị Sotchi, khai mạc vào hôm nay tên thành phố nghỉ mát của Nga bên bờ Biển Đen, trong bối cảnh Daech gần như bị tiêu diệt. Hòa đàm do ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ lẽ ra sẽ rất trọng thể với hơn 1600 khách mời đại diện cho mọi phe phái tại Syria từ chính phủ, đối lập ôn hoà, đối lập triệt để cho đến các lực lượng võ trang Syria và Kurdistan. Nghi ngờ chính quyền Nga có ý đồ làm suy yếu tiến trình đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ để buộc đối lập chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho chính quyền Damas và Matx cơva, Mỹ và Pháp không gửi quan sát viên đến Sotchi. Liên minh đối lập chính yếu của Syria cũng tố cáo Damas không thực tâm làm cho hội nghị Vienna tuần trước thất bại, tẩy chay lời mời. Phe Kurdistan-Syria cũng tẩy chay Sotchi để phản đối Nga bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Afrin.
Tại Sotchi, mục tiêu đã được giới hạn ở mức độ thấp nhất là «bàn về bản Hiến Pháp tương lai» mà không nói gì đến Bachar al Assad.
Không có đối lập Syria, «yếu tố cốt lõi» theo nhận định của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves LeDrian, Sotchi sẽ không đạt được kết quả gì. Phát ngôn viên điện Kremlin cũng dự báo không có «tiến bộ đột phá».
Do Damas không gửi phái đoàn chính phủ tham dự, thay thế bằng đại diện của đảng Baas cầm quyền, giới quan sát cũng không có cơ hội xem Nga đóng vai trọng tài quốc tế.

Quân chính phủ Syria

chạm súng với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Idleb

Ngày 29/01/2018, lực lượng chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đã chạm súng với nhau ở khu vực tỉnh Idleb, miền Bắc Syria. Không quân Nga cũng xuất trận để trợ giúp đồng minh Damas.
Thông tín viên RFI trong khu vực, Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :
“Vụ va chạm đầu tiên giữa hai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng với đồng minh của họ xẩy ra ở phía nam tỉnh Aleppo, không xa Idleb, một vùng chiến sự nơi quân đội chính phủ Syria đã mở chiến dịch tấn công từ hai tháng nay.
Các nguồn tin từ cả chính quyền Damas lẫn phía đối lập đều nói đến xung đột vũ trang giữa hai quân đội, với những trận đấu pháo và oanh kích gần thị trấn Haderc. Một đoàn quân xa, khoảng 100 chiếc của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 15 chiếc xe tăng đã tràn qua biên giới Syria, đi ngang qua khu vực phía bắc Idleb, và tiến về đồi Al-Iss nhìn xuống các vị trí của quân đội Syria và đồng minh đóng dưới chân đồi cách đó vài trăm mét.
Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, quân đội Syria đã nã pháo vào đoàn xe và va chạm đã xẩy ra giữa hai bên. Các nguồn tin của Damas và phe đối lập cho biết là Không Quân Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh kích vào những vị trí của quân đội Syria. Những nguồn tin khác còn nói đến máy bay Nga cũng đã lâm trận, thả bom cách đoàn xe khoảng 2 cây số để ngăn chặn đà tiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Đài Quan sát Nhân quyền, thì đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khỏi khu vực sau khi quân đội Syria gia tăng các trận pháo kích và các phi vụ can thiệp của máy bay Nga.
Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn, không cho quân đội Syria mở rộng chiến dịch tấn công về phía bắc tỉnh Idleb.”

Tiền Trung Quốc, uy tín quốc tế ngày càng lớn ?

Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể đuổi kịp đô la Mỹ cho dù đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đang từng bước chinh phục thế giới. Ngoài việc được dùng để thanh toán hóa đơn dầu lửa với Ả Rập Xê Út, nhân dân tệ còn là một dự trữ ngoại tệ của nhiều ngân hàng trung ương. Trong đó có Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Anh, Pháp, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Đức.
Con đường vươn ra quốc tế của đồng tiền Trung Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt mới hồi tháng 10/2016 với việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chính thức « kết nạp » nhân dân tệ vào « Quyền Rút Vốn Đặc Biệt – Special Drawing Rights ».
Hơn một năm sau, có tổng cộng khoảng 50 định chế ngân hàng trên thế giới đã xem nhân dân tệ là một dự trữ ngoại tệ. Trung tuần tháng Giêng 2018 Ngân Hàng Trung Ương Đức thông báo kế hoạch « kết nạp » thêm một thành viên mới vào khoản dự trữ của Bundersbank. Một ngày sau Banque de France tiết lộ đã nắm giữ một khoản tiền không nhỏ bằng nhân dân tệ nhưng không đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu. Về phía Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, từ mùa hè năm ngoái, dự trữ ngoại tệ của BCE bằng nhân dân tệ đã lên tới 500 triệu đô la Mỹ. Trước mắt, theo giới trong ngành, 40 % các dịch vụ mua bán trên thế giới được thanh toán bằng đô la Mỹ, 30 % bằng euro 7 % bằng đồng yen của Nhật trong lúc nhân dân tệ chưa vượt được quá ngưỡng 2 %.
Nhưng tất cả các cơ quan nghiên cứu đều biết trước rằng đà « vươn ra quốc tế » của nhân dân tệ không dừng lại ở đây. Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ để nhân dân tệ được thế giới tín nhiệm và nhất là giảm thiểu mức độ lệ thuộc của nền kinh tế đông dân nhất hành tinh vào đồng đô la xanh của Hoa Kỳ.
Đâu là ý nghĩa kinh tế của việc quốc tế ngày càng tín nhiệm đồng tiền của Trung Quốc ? Được và thua khi một quốc gia dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ và đâu là cái giá phải trả khi một đồng tiền trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ? Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích sau đây của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, từ California, Hoa Kỳ.
RFI: Thưa anh Nghĩa, việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu đưa đồng Yuan – nhân dân tệ – của Trung Quốc vào trong khối dự trữ ngoại tệ của mình, thí dụ như Ngân hàng Trung Ương Pháp, Đức, hay Anh Quốc, có ý nghĩa gì ? 
Nguyễn Xuân Nghĩa : Việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đưa đồng bạc Trung Quốc, gọi là đồng Nguyên hay nhân dân tệ, vào rổ tiền dự trữ gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt SDR, kể từ 01/10/2016 là một bước quyết định phản ảnh thực tế vì kinh tế xứ này có sản lượng hạng nhì thế giới từ năm 2010 và vượt Hoa Kỳ từ năm 2013 về lượng giao dịch ngoại thương với các nước.
Nhưng, ta không nên mắc bệnh sợ Trung Quốc như Napoléon đã phát biểu từ đầu thế kỷ 19, rằng “đấy là một người khổng lồ đang ngủ, khi thức giấc sẽ làm thế giới rung chuyển”. Sau khi Napoléon nhận định như vậy thì gã khổng lồ này không ngủ mà ngã bệnh mất hơn trăm năm và chỉ lồm cồm bò dậy từ 40 năm nay. Bây giờ, một số quốc gia mới công nhận đồng tiền của Trung Quốc là một ngoại tệ dự trữ là điều quá trễ và hơi bất thường vì đồng tiền này thật ra vẫn chưa được là một đơn vị tiền tệ phổ biến, có trị giá lên xuống theo quy luật cung cầu mà vẫn là đối tượng quản lý dù có nới lỏng của Nhà nước.
Một cách cụ thể thì khi các nước Âu châu mua bán nhiều hơn với Trung Quốc thì cũng nên có đồng bạc xứ này trong khối ngoại tệ dự trữ của mình. Vấn đề là họ đưa ra quyết định này quá trễ vì Bắc Kinh vẫn chưa thả nổi cho trị giá đồng bạc phản ảnh khả năng thanh toán và dự trữ như đồng tiền của nhiều quốc gia khác. Kinh tế Trung Quốc có lượng giao dịch mua bán lớn nhất thế giới mà trong luồng giao dịch ngoại hối – tức là thanh toán bằng ngoại tệ – thì đồng nhân dân tệ mới chỉ chiếm hơn 4%, thua xa Mỹ kim.
Vả lại, việc Đức sẽ theo chân các nước Anh, Pháp để đưa đồng tiền của Trung Quốc vào khối ngoại tệ dự trữ thì vẫn là quá chậm so với hiện tượng khác, đó là Trung Quốc đã thỏa thuận với xứ Ả Rập Xê Út là sẽ thanh toán các nghiệp vụ mua dầu thô bằng nhân dân tệ chứ không bằng đô la và song song thì Bắc Kinh đã thỏa thuận với Liên bang Nga hay Iran và với Pakistan sau này là dùng đồng nhân dân tệ trong luồng giao dịch kinh tế với nhau. Chúng ta đang chứng kiến việc quốc tế hóa một đồng bạc theo sức nặng ngoại thương của một xứ mới nổi lên.
RFI: Về kinh tế thì đồng bạc của Trung Quốc đã có vai trò trọng yếu hơn vì mua bán nhiều hơn với các nước khác. Về chính trị thì lãnh đạo Bắc Kinh cũng muốn thế lực kinh tế đó sẽ giảm dần vị trí quá lớn của đồng đô la Mỹ. 
Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau khi cố gắng không neo đồng bạc vào đô la Mỹ kể từ năm 2005, Bằc Kinh vẫn chưa ra khỏi bóng rợp của Mỹ kim vì đồng yuan/nguyên/ nhân dân tệ chưa có đủ tiêu chuẩn của một ngoại tệ dự trữ, là phương tiện giao hoán thông dụng và lưu giữ tài sản đáng tin.
Khi Bắc Kinh thực hiện Con Đường Tơ Lụa Mới cùng hai định chế tài chính là Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu AIIB và Tân Ngân Hàng Phát Triển của khối BRICS thì các quốc gia từ Trung Á qua Nga, Trung Đông và Âu châu sẽ dùng đồng nhân dân tệ trong hợp tác và giao dịch với Trung Quốc.
Về chính trị thì việc ấy sẽ đẩy lui vị trí của đồng Mỹ kim, là điều mà nhiều quốc gia khác như Nga, Ấn Độ hay Brazil cũng muốn và nói tới từ nhiều năm nay.
Nhưng vấn đề không chỉ là muốn mà còn là thực lực và sự khả tín. Lượng hàng giao dịch của Anh hay của Thụy Sĩ không thể bằng của Trung Quốc nhưng vì sao đồng Bảng Anh hay Franc Thụy Sĩ vẫn được lưu trữ và trao đổi nhiều hơn? Vì đấy là loại tài sản đáng tin cậy khi trị giá không thay đổi do quyết định đơn phương của một Nhà nước nào đó.
RFI: Cái thế lợi và hại của các nước là gì khi dùng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trung Quốc có lợi vì tính chất tiện dụng và còn có thể đi vay rồi thanh toán bằng đồng tiền của mình. Các nước kia cũng có lợi vì tính chất tiện dụng đó, mà cũng gặp rủi ro nếu Bắc Kinh chi phối trị giá của đồng bạc. Thí dụ rõ rệt nhất là với đồng đô la Hoa Kỳ thả neo đồng bạc vào năm 1971 thời Richard Nixon hoặc như tuần qua, khi tổng trưởng Ngân Khố Mỹ phát biểu rằng trong ngắn hạn Hoa Kỳ cũng muốn có một đồng Mỹ kim trị giá rẻ hơn so với các ngoại tệ khác. Mình giữ một loại ngoại tệ mà giá trị lại do một xứ nào đó quyết định thì sẽ gặp rủi ro khó tính trước làm thị trường của mình bị biến động bất ngờ.
RFI: Ngược lại, cái giá Trung Quốc phải trả là gì khi đồng bạc của họ trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Ít ai để ý là Hoa Kỳ cũng phải trả giá và gặp bất lợi khi Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất và đồng đô la chỉ chiếm thế mạnh 60 năm sau khi kinh tế Mỹ đã vượt qua kinh tế của Đế Quốc Anh cuối thế kỷ 19. Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn ấy khi thấy là không thể toàn quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính quốc gia như xưa và ngược lại còn bị hiệu ứng từ bên ngoài. Việc họ mở ra hai trị trường giao dịch trong ngoài để mua bán và vay mượn bằng đồng nhân dân tệ có phản ảnh nỗi e ngại đó.
Bây giờ, muốn bơi ra đại dương thì họ có thể bị sóng cả khi cơ chế kinh tế chính trị bên trong vẫn có nhiều nhược điểm nên chưa thể áp dụng quy luật tự do của thị trường như thế giới vẫn kêu gọi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù