Biển Đông: Philippines mạnh mẽ, Việt Nam cầm chừng
Bình luận của Hà Lệ Chi
Biển Đông căng thẳng bởi các hành động của Trung Quốc
Những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành nguyên gây chính gây căng thẳng ở đây từ năm ngoái cho tới nay, với ít nhất chín vụ việc đã xảy ra giữa hai bên trong khu vực Biển Đông, thu hút sự chú ý trên toàn cầu trong thời gian vừa qua.
Ngay từ đầu năm nay, ngày 31/1, Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã cảnh báo và xua đuổi bốn người Philippines xâm nhập bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Huangyan, Philippines gọi là bãi cạn Panatag) (1), trong khi Philippines cảnh báo trước sự hiện diện ngày càng tăng của tàu chiến Trung Quốc xung quanh đá Vành Khăn (Tên tiếng Anh là Mischief Reef) (2).
Ngày 23/3, Manila tiếp tục cáo buộc Hải Cảnh Trung Quốc lại dùng vòi rồng tấn công một tàu tiếp liệu của Philippines trên Biển Đông, gây hư hại cho tàu này (3). Hải Cảnh Trung Quốc tuyên bố đã thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với các tàu Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông ngày 23/3, trong khi lực lượng tuần duyên Philippines chỉ trích các động thái này là “vô trách nhiệm và gây hấn” (4).
Theo quân đội Philippines (5), vụ tấn công, kéo dài gần một giờ đồng hồ, xảy ra ở ngoài khơi Bãi Cỏ Mây, nơi mà các tàu của Trung Quốc đã từng sử dụng vòi rồng bắn vào tàu Philippines và va chạm với các tàu của quốc gia Đông Nam Á này trong các vụ đụng độ trong những tháng gần đây. Quân đội Philippines cho hay một tàu dân sự Philippines đã được thuê để tiếp tế cho quân đội trong tuần này và được hộ tống bởi hai tàu hải quân và hai tàu tuần duyên Philippines. Lực lượng tuần duyên Philippines nói rằng một tàu của họ đã bị “cản trở” và “bao vây” bởi một tàu hải cảnh và hai tàu dân quân biển đều của Trung Quốc. Kết quả là tàu tuần duyên Philippines đã bị “cô lập” khỏi tàu tiếp tế bởi “hành vi vô trách nhiệm và gây hấn” của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, quân đội Philippines cũng đã công bố những đoạn video cho thấy một tàu sơn màu trắng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng nhiều lần vào một tàu của Philippines, có lúc hai tàu hải cảnh Trung Quốc cùng lúc bắn vòi rồng vào tàu này. Theo thông cáo của quân đội Philippines, tàu tiếp liệu của họ đã bị hư hại nặng nhưng vẫn giao được hàng tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Họ cho rằng phía Trung Quốc “không đếm xỉa gì đến” Công ước về Quy định quốc tế đối với phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS).
Thái độ mạnh mẽ của Philippines
Philippines đang dũng cảm đối mặt với Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến thuật của Philippines là một mặt công khai tất cả các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia đồng minh để kiềm chế Trung Quốc.
Philippines sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong năm 2024. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro mới đây phát biểu rằng Philippines đang tìm kiếm một liên minh phòng thủ với Mỹ và các đối tác an ninh khác để khai thác tài nguyên ở Biển Đông (6). Trong chuyến thăm Philippines ngày 11/1/2024, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã đến thăm trụ sở của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại Manila và lên một tàu tuần tra. Ở đó, bà đã bày tỏ sự lo ngại của châu Âu về tình hình Biển Đông (7).
Philippines đang tìm cách ký Hiệp định tiếp cận tương hỗ (RAA) với Nhật Bản trong quý I/2024, cho phép hai bên triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau (8). Các cuộc đàm phán đã bắt đầu vào tháng 11/2023. Philippines sẽ là quốc gia thứ ba sau Australia và Anh, đồng thời là nước đầu tiên ở châu Á, ký RAA với Nhật Bản nếu đạt được thỏa thuận này. Philippines cũng đang làm việc với Canada về một bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng (9).
Ngày 29/1/2024, Đại sứ Ấn Độ tại Manila Shambhu Kumaran rằng Philippines sẽ sớm nhận được lô tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ (10). Philippines đã ký thỏa thuận mua tên lửa trị giá 18,9 tỷ peso (334,4 triệu USD) này vào năm 2022. Cũng có tin Philippines và Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao của hai nước vào mùa xuân năm nay.
Cách tiếp cận khiêm tốn của Việt Nam ở Biển Đông
Khác với cách tiếp cận đầy mạnh mẽ và dũng cảm của Philippines về vấn đề Biển Đông, Việt Nam – cũng là một bên trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông – đã có những hành động khiêm tốn trong năm qua khi tìm cách duy trì một cách thận trọng hơn sự cân bằng ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc. Tháng 9/2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện – cấp quan hệ đối tác cao nhất. Tháng 12/2023, Việt Nam đã làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đưa mối quan hệ này trở thành “cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam mang ý nghĩa chiến lược”. Việt Nam đã dịch cụm từ này thành “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Việt Nam cũng đang tăng cường quan hệ với Philippines, với việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước ở Biển Đông nhằm ngăn chặn sự cố xảy ra (11). Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục tiến hành cải tạo và xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Philippines đang thăm dò khả năng tạo dựng các thỏa thuận COC song phương với Việt Nam và Malaysia nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về COC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về Biển Đông đều nhất trí rằng sẽ không có sự đột phá đáng kể nào trong đàm phán về COC trong năm nay.
Có lẽ, vấn đề Biển Đông đang là vấn đề thứ yếu trong chính sách của Việt Nm hiện nay, khi tất cả đất nước đang đổ dồn vào các cuộc đấu đá chính trị nội bộ. Cứ chìm đắm trong các cuộc giành giật quyền lực nội bộ như vậy, khả năng Trung Quốc sẽ gây áp lực cho Việt Nam trên Biển Đông sẽ không còn bao xa.
_________
Tham khảo:
1. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3250413/south-china-sea-chinese-coastguard-drove-filipinos-latest-run-disputed-scarborough-shoal
2. https://maritime-executive.com/article/philippine-navy-spots-swarm-of-200-chinese-vessels-at-mischief-reef
3. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-coast-guard-says-it-took-measures-against-philippine-vessels-south-china-2024-03-23/
4. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/china-coast-guard-says-it-took-measures-against-philippine-vessels-south-china-2024-03-23/
5. https://news.abs-cbn.com/news/2024/3/23/china-coast-guard-used-water-cannon-on-resupply-boat-afp-2143
6. https://www.pna.gov.ph/articles/1219445
7. https://apnews.com/article/germany-philippines-annalena-baerbock-fb3316182041e6121923d0e6deb8d0b0
8. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-hopes-seal-troops-pact-with-japan-soon-2023-11-06/
9. https://www.dnd.gov.ph/Release/2024-01-19/2070/Philippines,-Canada-ink-defense-cooperation-agreement/#:~:text=The signing of the MOU,, training exchanges, information sharing,
10. https://globalnation.inquirer.net/225785/ph-to-get-supersonic-missiles-soon-india-envoy
11. https://ipdefenseforum.com/vi/2024/02/philippines-viet-nam-mo-rong-hop-tac-tren-bien-dong/#:~:text=Cuối tháng 1 năm 2024,dân Trung Hoa phản đối.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét