Dinh Độc Lập tháng 3/1975: Lệnh rời bỏ Cố đô Huế
- Nguyễn Tiến Hưng
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Virginia, Hoa Kỳ
- Virginia, Mỹ
Ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH, về những quyết định quan trọng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào giai đoạn tối hậu của Chiến tranh Việt Nam. Đây là bản cập nhật một bài viết đã xuất bản trên BBC vào năm 2017.
Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, người anh hùng chiến thắng cả được quân Nguyên Mông, thế mà lại phải đầu hàng trước nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Huyền Trân Công chúa. Ông liền dâng cả miền đất của Châu Ô, Châu Rí cho Việt Nam để làm quà sính lễ xin cưới Huyền Trân về làm vợ.
Nàng hy sinh, giúp mở được con đường Nam Tiến. Vua Trần đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu, gọi tắt là Thuận Hóa. Chữ “Hóa” dần dần đọc trại đi thành “Huế”.
Câu chuyện lãng mạn ấy đi đôi với cái phong cảnh nhẹ nhàng, quyến rũ của miền đất này. Lăng tẩm, Thành Nội, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Rồi những buổi chiều tím, những đêm trăng mờ, những con đò nho nhỏ.
Nếu ta dừng lại ở vài bậc chót khi lên Chùa Thiên Mụ mà ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên dòng Sông Hương thì sẽ thấy lòng mình lắng xuống, rồi như bị cuốn vào với tiếng chuông chùa, ngân vang vào không trung: “Ai đi xa Huế làm sao quên được Sông Hương?”
Cái cảnh nửa đi nửa ở không phải chỉ ám ảnh người lữ khách khi phải lìa xa nơi Cố đô, nó còn làm cho các nhà quân sự trăn trở không ít khi phải vĩnh biệt chốn Kinh Kỳ vào cuối tháng Ba năm ấy. Lúc thì cố thủ, lúc thì rút quân, rút xong lại muốn quay về giữ Huế, cứ dùng dằng mãi.
Có nên hay không nên giữ Huế?
Trong một báo cáo tối mật của Tướng Fred Weyand gửi Tổng Thống Gerald Ford sau chuyến viếng thăm chiến trường Miền Nam vào cuối tháng 3/1975 để thẩm định tình hình, ông đề cập tới hậu quả bi đát của việc Mỹ cúp hết viện trợ làm tê liệt khả năng chiến đấu của quân đội VNCH, như được ghi lại trong cuốn Bức tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm sẽ xuất bản nay mai. Tướng Weyand là người đã bí mật giúp tác giả chuyển được vài lá thư của Tổng thống Richard Nixon gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho Tổng thống Gerald Ford đọc - nói về những cam kết đối với VNCH mà chính ông Ford cũng chưa bao giờ được biết, nên ông đã bàng hoàng!
Về sự trăn trở tại Dinh Độc Lập trước khi bỏ Huế (13/3), Tướng Weyand bình luận:
"Trong mười hai ngày tiếp theo sau buổi họp này (từ 13 tới 25), có sự băn khoăn lớn lao từ phía Quân đoàn I và Sài Gòn về việc nên giữ lại những phần nào ở Quân đoàn I, nhất là về việc có nên hay không nên giữ Huế?"
Tiến thoái lưỡng nan
“Anh Trưởng hả? Liệu có giữ được Huế không?”
Tổng thống Thiệu nhấc điện thoại nóng hỏi Tướng Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng. Hôm đó là ngày 25/3/1975.
Một cuộc họp tại Dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu lúc 9 giờ 30 sáng. Những người hiện diện, ngoài Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, còn có:
- Về phía quân sự: Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Đồng Văn Khuyên
- Về phía dân sự: Ngoại trưởng Vương Văn Bắc, Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng
Khi mọi người đã đến đông đủ, một bầu không khí im lặng ghê rợn bao phủ phòng họp. Những điểm màu đỏ đánh dấu vị trí đồn trú của quân đội Bắc Việt trên tấm bản đồ lớn trên tường đã mọc lên như nấm. Cuộc duyệt xét tình hình quân sự bắt đầu.
Sau khi Tướng Khuyên trình bày về tình hình QK I và II, Tổng thống Thiệu nhấc máy điện thoại gọi Tướng Trưởng hỏi xem có giữ được Huế hay không. Rồi ông nhắc lại câu trả lời từ đầu giây bên kia cho mọi người nghe:
Trung tướng Trưởng: “Nếu có lệnh, thì giữ.”
Tổng thống Thiệu: “Liệu giữ được bao lâu?”
Trung tướng Trưởng: “Ngày một ngày hai.”
Tổng thống Thiệu: “Vậy nếu không giữ được, thì phải quyết định ngay. Nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ.”
Vì những biến cố về thảm họa mất Huế còn đặt ra nhiều nghi vấn nên chúng tôi đã ghi lại thật rõ ràng về những diễn tiến liên quan tới Quân đoàn I vào tháng 3/1975 ở Chương 3 trong cuốn sách “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, cùng với suy tư của Tổng thống Thiệu và Trung tướng Trưởng. Thêm vào đó là tường thuật của Đại tướng Cao Văn Viên và những tài liệu của Hoa Kỳ.
Cuộc họp giữa Tổng thống Thiệu và Trung tướng Trưởng ngày 19/3/1975
Vì Bắc Việt đã điều động toàn bộ bảy sư đoàn Tổng trừ bị vào Miền Nam, ba sư đoàn cơ hữu của Tướng Trưởng ở Quân Đoàn I phải đối mặt với sức mạnh áp đảo sau trận chiến Ban mê Thuột.
Sáng ngày 19/3/1975, Tướng Trưởng bay vào Sài Gòn để trình bày với Tổng thống Thiệu kế hoạch rút quân của ông. Lần này có sự hiện của cả Phó Tổng thống Trần Văn Hương.
Sự hiện diện của cụ Hương là việc bất thường, vì xưa nay khi bàn chuyện quân sự ông Thiệu thường chỉ mời có ba vị: Khiêm, Viên và Quang mà thôi. Chắc hôm ấy ông phải nhờ đến sự ủng hộ của Phó Tổng thống để thuyết phục Tướng Trưởng nên bỏ Huế.
Theo Đại tướng Viên thuật lại trong cuốn “Những ngày cuối của VNCH” (trang 162-163):
“Tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp:
- Kế hoạch thứ nhất: Nếu Quốc lộ 1 (QL1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng;
- Kế hoạch thứ hai: Nếu QL1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế và Đà Nẵng, nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chánh do bốn sư đoàn bộ binh và bốn liên đoàn BĐQ đảm nhận.
Vì lúc ấy "không thể rút quân theo kế hoạch thứ nhất được vì hai đoạn đường từ Huế đến Đà Nẵng và từ Chu Lai đến Đà Nẵng đã bị chốt hết rồi, và làn sóng người tỵ nạn lại đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất này để chạy về Đà Nẵng, nên Tướng Trưởng kết luận: 'Chúng ta chỉ có một chọn lựa và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trễ.'
Chọn lựa của Tướng Trưởng là phải rút quân về Huế, Đà Nẵng, Chu Lai và lợi dụng những công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành (Huế) để chống cự."
Trong cuộc họp ngày 19/3, Tổng thống Thiệu kể lại là ông đã miễn cưỡng chấp thuận kế hoạch thứ hai của ông Trưởng vì ông Trưởng nói không còn đường nào tháo lui khỏi Huế được nữa vì QL1 đã bị chặn: “Tôi nói với Tướng Trưởng là mặc dầu lịch sử có thể sẽ phán xét tôi như một thằng ngu (imbécile) nhưng vì lòng tôi đối với đất nước, tôi đồng ý.” Sau đó ông Thiệu tiễn ông Trưởng ra khỏi Dinh Độc Lập và nói: “Tôi đợi đến khi anh về tới Đà Nẵng rồi sẽ tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh.”
Tổng thống Thiệu kể thêm: Khi bay về tới Đà Nẵng thì “ông Trưởng lại gọi điện thoại để yêu cầu tôi hãy hoãn lại việc tuyên bố tử thủ Huế trên đài phát thanh, vì có thể ta không giữ nổi Huế". Tôi hỏi tại sao Tướng Trưởng lại thay đổi chiến lược?
Tổng thống Thiệu trả lời: “Lý do là khi máy bay vừa đáp xuống Đà Nẵng thì Tướng Trưởng lại nghe Tướng (Lâm Quang) Thi, Tư lệnh phó QĐI báo cáo là quân đội Bắc Việt đã bắt đầu nã pháo vào Bộ Chỉ huy rồi.”
Việc Tướng Thi báo cáo Bộ Tư lệnh của ông đã bị pháo thì Đại tướng Viên cũng xác nhận trong cuốn hồi ký của ông (sđd., trang 164-165). Nhưng việc Tướng Trưởng xin hoãn tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh thì chưa thấy ai nói tới.
Cũng theo lời Tổng thống Thiệu, vì ông đã miễn cưỡng đồng ý với Tướng Trưởng về việc giữ Huế mà bây giờ lại thấy ông Trưởng dè dặt, lung lạc nên nhân cơ hội này, ông Thiệu lại nói thêm về việc nên bỏ Huế. Ông cho ông Trưởng biết là cả Phó Tổng thống, cả Thủ tướng đều chống lại việc giữ cả hai nơi - Huế và Đà Nẵng - cùng một lúc vì không đủ sức.
Nhưng mặc dù Tổng thống Thiệu tỏ ý dè dặt, Tướng Trưởng vẫn tiến hành kế hoạch giữ ba cứ địa Huế, Chu Lai và Đà Nẵng, vì QL1 đã bị chặn rồi, không thể rút được nữa, vả lại ông cho rằng Tổng thống Thiệu tuy dè dặt nhưng chưa rút lại lệnh đó.
Nơi đây chúng tôi xin mở ngoặc để nói tới một nhược điểm của VNCH về sự thiếu điều hợp giữa các cơ quan, dẫn đến sự bất nhất: Trong buổi họp ngày 19/3/1975, sau khi do dự rồi đồng ý để Tướng Trưởng giữ Huế, Tổng thống Thiệu chỉ thị Văn phòng soạn một bài về “cố thủ Huế” để ông trấn an nhân dân trên đài phát thanh. Tới khi Tướng Trưởng về tới Đà Nẵng thì lại gọi điện thoại vào Sài Gòn yêu cầu tổng thống hoãn tuyên bố cố thủ Huế. Và ông Thiệu đã đồng ý nhưng - có thể là vì Dinh Độc Lập đã không có chỉ thị rõ ràng cho đài phát thanh là phải hủy lời tuyên bố “cố thủ Huế” cho nên ngày hôm sau (20/3), đài phát thanh vẫn cứ oang oang phát sóng lời hiệu triệu!
Lời hiệu triệu cố thủ Huế trên đài phát thanh đã làm cho Tướng Trưởng bàng hoàng, đồng thời làm cho Tổng thống Thiệu bất mãn vì bị coi là đã có hành vi bất nhất!
***
Vào thời điểm này thì Đài BBC luôn luôn loan báo đầy đủ chi tiết về cuộc triệt thoái Pleiku và tiên đoán là quân đội Bắc Việt sẽ tới vùng phụ cận Sài Gòn trong vòng vài ba tuần lễ vì Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đã mở rộng.
Đài VOA thì tường thuật về vụ nhóm Dân chủ ở Hạ viện đã bỏ phiếu chống viện trợ bổ túc cho Miền Nam (ngày 12/3/1975) với số phiếu 189-49; rồi nhóm ở Thượng viện theo sau với số phiếu 34-6!
Binh sĩ nghe liên tục như vậy nên tinh thần sa sút rất nhanh. Từ Miền Trung, đơn xin tiếp liệu về thực phẩm, dược phẩm, nhà tạm trú cho gia đình binh sĩ và người di tản tới tấp bay về Sài Gòn, nhưng chính phủ trung ương đã hầu như cạn kiệt, không thể đáp ứng được nữa.
Năm ngày trăn trở về Huế
Ngày 23/3/1975, theo Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trong hồi ký “Đất nước tôi”:
"Tướng Trưởng họp bộ tham mưu tại Đà Nẵng, ra chỉ thị cho Tướng Thi tử thủ Huế nhưng đồng thời phải có kế hoạch để sẵn sàng di tản về Đà Nẵng nếu tình hình đòi hỏi. Đến đây ai cũng nhận thấy tình hình cố đô Huế rất nguy kịch, nếu không nói là tuyệt vọng. Sau đó, sáng ngày 24/3/1975, Tướng Thi và Bộ Tư lệnh tiền phương đáp tầu Hải quân đi Đà Nẵng…"
Ngày 25/3/1975, theo Đại tướng Viên:
“Tất cả các đơn vị của Quân đoàn I tụ lại tại ba phòng tuyến chánh: nam Chu Lai, Đà Nẵng (kể cả Hội An) và Bắc thành phố Huế… Tinh thần binh sĩ xuống thấp và chán nản. Từ lâu, chinh chiến hết trận này đến trận nọ, nhưng chưa bao giờ họ nằm trong cảnh tuyệt vọng như vầy… Trong tình thế thất vọng đó, Quân đoàn I nhận thêm một quân lệnh từ Dinh Độc Lập: Tổng thống Thiệu ra lệnh Tướng Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của quân đoàn để phòng thủ Đà Nẵng. Sư đoàn TQLC được đóng vai trừ bị. Đêm đó Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư đoàn 1BB (bộ binh) và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng…"
"Kế hoạch di tản lực lượng khỏi Huế bắt đầu bằng cách cho sư đoàn 1BB và các đơn vị cơ hữu của sư đoàn rút ra Cửa Tư Hiền…"
Lệnh bỏ Huế ngày 25/3/1975
Như viện dẫn ở đầu bài, trong buổi họp ngày 25/3/1975, sau khi Tổng thống Thiệu hỏi Tướng Trưởng "nếu ông quyết định giữ Huế thì được bao lâu", ông Trưởng trả lời là chỉ giữ được "ngày một ngày hai", ông Thiệu lặp lại cho mọi người nghe, rồi ra lệnh: "Vậy nếu không giữ được, phải quyết định ngay và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ."
Tới đây Tổng thống Thiệu không nhắc lại thêm các câu trả lời sau đó của Tướng Trưởng nữa. Ông đặt ống nói xuống và nói: "Ông Trưởng rất depressed" (chán nản).
Sau khi tham khảo với Đại tướng Viên, Tổng thống Thiệu ra chỉ thị cho ông gửi công điện cho Tướng Trưởng, đưa ra ba lệnh (và chúng tôi đã ghi rất rõ ràng xuống cuốn sổ tay còn giữ được):
"Thứ nhất, bỏ Huế;
"Thứ hai, phải làm cho lẹ; và
"Thứ ba, tử thủ Đà Nẵng."
Tổng thống Thiệu thở dài: “Mình trông cậy vào ba 'enclaves' (cứ điểm), mà bây giờ chỉ còn một ở Đà Nẵng.” Nghe vậy, ông Bắc và tôi bàng hoàng nhìn nhau. Như vậy là đã có lệnh chính thức bỏ Huế.
Số phận người quân nhân
Nơi đây, chúng tôi xin mở ngoặc để nhắc lại về tình trạng kinh tế khó khăn của thân nhân người binh sĩ trước khi sụp đổ. Từ mùa hè 1974, sau khi giá xăng dầu tăng lên gấp ba lần, ngân sách không còn đủ khả năng tăng lương cho quân đội để đáp ứng với lạm phát vì viện trợ đã bị cắt gần hết.
Chính phủ chỉ định cho mỗi bộ nhận một sư đoàn để tìm cách giúp đỡ. Sư đoàn I được giao cho Bộ Kế hoạch.
Trong một chuyến đi Huế thăm sư đoàn này, chúng tôi được Tư lệnh Sư đoàn I là Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm đưa đi thăm hỏi gia đình binh sĩ.
Ông tâm sự rằng để cho thân nhân sống trong các lều, bạt ngay sát trại như thế này thì thật là nguy hiểm khi bị pháo kích và cũng thật khó khăn khi phải chuyển quân, nhưng phải chấp nhận vì với số lương quá ít ỏi, người lính phải chi tiêu chung với gia đình.
Thật vậy, với 20.000 đồng một tháng (mãi lực bằng khoảng 28 đô la), người quân nhân chỉ có thể mua gạo, nước mắm cho gia đình, còn lại rất ít cho những nhu cầu khác như thuốc men, may mặc, giáo dục con cái, giải trí.
Đúng như Tướng Điềm nói, để cho gia đình binh sĩ làm lều bạt để sinh sống ngay sát với doanh trại đã làm cho việc chuyển quân trở nên vô cùng nguy hiểm, vì ngoài việc chiến đấu, anh em binh sĩ còn phải quan tâm đến sự an toàn của vợ con.
Về tình trạng Sư Đoàn I tan rã, trong cuốn “Decent Interval”, tác giả Frank Snepp có viết về việc Tướng Trưởng cho phép binh sĩ lo cho gia đình như sau:
“Đang khi Tướng Trưởng trình bày với Tổng thống Thiệu về kế hoạch của ông thì số quân đội mà ông cần để thi hành này lại đang tan rã (disintegrating). Và đó là lỗi của ông ta một phần (He was partly to blame). Mấy ngày trước đó, ông ta đã cho phép quân nhân của SĐ1 được phép lo cho an toàn của gia đình họ. Ông đã làm như vậy là vì lòng thương của một tư lệnh đối với binh sĩ, nhưng khi Quốc lộ 1 đã bị chặn rồi thì chỉ thị này đã dẫn tới hỗn loạn, vì sĩ quan cũng như quân nhân đã bỏ đồn từng loạt để lo cho thân nhân tìm lối thoát.”
Hồn khí linh thiêng nơi Cố đô
Vừa rút khỏi Huế buổi sáng thì buổi chiều lại có một tin sét đánh, hy vọng cuối cùng của VNCH để có chút tiền sống cầm hơi đã bị tan biến.
Vào cuối năm 1974, một tia sáng lóe lên. Có ông vua dầu lửa người xứ Saudi Arabia chiếu cố đến Miền Nam. Vua Saud al Faisal (Faisal bin Abdulaziz al Saud) cho biết ông có rất nhiều thiện cảm với nhân dân Miền Nam và đã bí mật đồng ý cho Miền Nam vay một số tiền để mua tiếp liệu (xem “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, trang 474).
Thật là một cơ hội quý báu. Đang lúc nguy kịch lại có nhà hảo tâm đến cứu. Vua Faisal bằng lòng cho vay dài hạn 300 triệu đô la (để bù đắp cho số tiền vừa bị Quốc hội Mỹ vét nạo hết). Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để đáp ứng nhu cầu về dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men và phân bón. Nếu quá khan hiếm những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn.
Nhưng đúng là “họa vô đơn chí”. Những cái rủi ro hay theo nhau mà đến. Đang lúc chúng tôi sửa soạn để cùng với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc lên đường đi Riyadh đàm phán, mong sớm có giải ngân, thì đùng một cái, vua Faisal bị chính cháu ruột sát hại một cách thảm thương ngay trong hoàng cung.
Chính phủ Miền Nam bàng hoàng. Tổng thống Thiệu gửi điện văn chia buồn cùng Hoàng gia, nói tới nghĩa cử cao đẹp của ngài Faisal, cầu xin cho Allah sớm đưa Ngài về nơi cực lạc. Vì tình cảm cao đẹp ấy, Việt Nam Cộng hòa yêu cầu Hoàng gia tiếp tục thực hiện công cuộc yểm trợ Miền Nam như Ngài đã vạch ra.
Thế nhưng, trong lúc tang gia bối rối, tình hình quốc nội xáo trộn, Hoàng gia Saudi đâu còn thời giờ hay tinh thần mà để ý đến chuyện của nước khác.
Đứng về khía cạnh tâm linh, chúng tôi tự hỏi làm sao lại có sự trùng hợp giữa cố đô Hoàng triều Huế và Hoàng triều của ông vua xứ Saudi cùng một ngày như vậy?
Phải chăng đã đến lúc vận nước suy tàn?
---
Bài viết của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét