"Khát" ở vùng trọng điểm cà phê Đắk Nông
Đắk Mil (Đắk Nông) đang cao điểm mùa khô, nhiều hồ đập đã trơ đáy, giếng khoan hết nước. Người dân đang xoay xở nhiều cách để chống hạn, cứu cây trồng.
Mỏi mòn canh nguồn nước
Giữa cái nắng 37 độ, vợ chồng ông Đinh Phú Hải, ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil hì hục nối thêm 3m vòi rồng. Ông Hải căn nối dài vòi rồng đến điểm sâu nhất của hố nước được múc giữa lòng hồ Đắk Ken.
Hố này được những người dân góp tiền múc khi lòng hồ trơ đáy để
tiện cho việc đặt vòi rồng hút nước tưới. Vợ chồng ông Hải nối tới điểm sâu nhất, nhưng hố nước này đã trơ đáy.
Trong khi, hố nước này đang có gần 20 máy bơm nằm chờ sẵn, nhưng chỉ còn 1 máy hoạt động, chắt những giọt nước cuối cùng để tưới cho vườn cây.
Ông Hải nối vòi và chờ khi hồ Đắk Ken được bơm chuyền nước, ông có thể khởi động máy tưới ngay cho 1.000 cây cà phê đang chịu khô héo. Rẫy ông Hải cách hồ Đắk Ken khoảng 1km, đã tưới đợt 3 cách đây hơn 20 ngày, cà phê đang héo lá vì thiếu nước. Rẫy ông Hải cà phê trồng được gần chục năm. Đường dây tưới được ông chôn lấp từ đập thủy lợi đến rẫy.
Ông Hải cho biết, cả tuần nay vợ chồng ông canh ở đây để khi nào đập bơm nước trung chuyển sẽ tưới ngay cho cà phê, cà phê héo lắm rồi.
Hồ Đắk Ken trơ đáy nhưng khoảng 20 máy bơm đã đặt cả tháng nay vẫn nằm chờ, giữa cái nắng oi ả, các chủ máy bơm cách 1 vài tiếng lại chạy xe máy tới ngó nghiêng xem nước có về để khởi động máy tưới cho cà phê.
Tương tự, hồ 40, xã Đắk Lao đã trơ đáy nhiều ngày nay. Để kịp thời tưới chống hạn cho cà phê, ông Nguyễn Bá Quân, ở xã Đắk Lao đã thuê 1 máy xả từ hồ Đội 1 vào hồ 40, khu vực ông đang để máy và bơm lên rẫy. Mỗi giờ thuê, ông Quân phải trả 120.000 đồng.
Ông Quân có 2ha cà phê, tưới đợt 3 xong thì hết nước, mòn mỏi chờ nhưng mãi không thấy nước được bơm chuyền về hồ. Thấy cà phê chết cháy, ông phải thuê một máy hút chuyền để kịp thời tưới chống hạn cho cà phê.
Còn ông Nguyễn Khắc Chinh, ở thôn Đức Thọ, xã Đắk Lao, có 700 cây cà phê cách hồ 40 hơn 1km, nhưng cà phê đang chết cháy vì không có nước tưới.
Mỗi sáng, ông Chinh cứ lân la dọc khu vực hồ 40 với vọng sẽ tìm được người cho thuê máy tưới cứu cà phê khỏi chết. Ông Chính cho biết, đã hơn 20 ngày sau đợt tưới trước, lá cà phê đã chuyển màu vàng, lá rủ xuống, bắt đầu chuyển sang màu đen.
Xã Đắk Lao có khoảng 5.400ha cà phê, hồ tiêu và các cây dài ngày. Trên địa bàn có 7 hồ đập lớn cung cấp nước tưới cho cây trồng. Đến nay, trong số 7 hồ chứa thì chỉ còn hồ Đội 1 còn nước, các hồ khác đã khô phải bơm trung chuyển nước nhiều lần.
Ông Trương Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, Hồ Đắk Ken phục vụ nước tưới cho khoảng 100ha cây trồng. Hồ đã được bơm chuyền nước 3 đợt để người dân tưới chống hạn. Tuy nhiên, lượng nước chuyền khó đáp ứng được nhu cầu tưới lớn của người dân hiện nay.
Theo ông Hùng, trên địa bàn có 3 khu vực với khoảng 100ha cây trồng của người dân đến thời điểm hiện nay hoàn toàn không còn nước tưới. Cà phê bắt đầu khô héo vì thiếu nước, việc chống hạn chỉ còn... chờ trời.
Ao, hồ, giếng khoan cạn kiệt nước
Trong công tác chống hạn, sự chủ động của người dân là rất quan trọng và sẽ góp phần làm giảm ảnh hưởng, thiệt hại cây trồng. Bằng kinh nghiệm và quá trình trồng cây lâu năm, nhiều người dân ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã đầu tư đào ao hồ, giếng khoan để chủ động nước tưới. Tuy nhiên, trong những năm khô hạn khốc liệt như hiện nay, việc chủ động của người dân cũng đang gặp không ít khó khăn.
Anh Lê Trung Mạnh, ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn có 3ha cà phê, hồ tiêu. Để phục vụ tưới cho diện tích cây trồng này, anh Mạnh đã đầu tư 6 ao nước, 1 giếng khoan với khoảng 6.000m2. Tuy nhiên, sau 3 đợt tưới, cả 6 ao và giếng khoan đã cạn nước, không thể tưới.
Sau khi ao cạn, anh đã phải mua nước để tưới cứu cây trồng nhưng được 1 đợt, giờ không ai có nước bán. Anh Mạnh cho biết, rẫy vườn không nằm ở khu vực đập thủy lợi, anh chủ động múc ao.
Thế nhưng, dù có ao vẫn không thể đủ nước tưới cho cây trồng khi mùa khô hạn kéo dài và khắc nghiệt như năm nay. Toàn bộ ao đã trơ đáy, giờ cây trồng của gia đình tôi chỉ còn "nhờ trời".
Tương tự, ông Cao Văn Điệp, ở thôn Tân Định, xã Đắk Gằn có 1ha cây trồng. Để chủ động nguồn nước ông đã thuê máy múc 3 ao chứa nước với hơn 2.500m2. Ông Điệp may mắn hơn những người khác khi nước trong các ao hiện vẫn còn có thể tưới vớt thêm được ít nhất 1 đợt nữa.
Ông Điệp cho biết, dự báo khô hạn khốc liệt nên đã tính toán tưới giãn các đợt và tiết kiệm nước nên đến giờ này cây trồng vẫn có nước tưới. Nhưng khô hạn còn kéo dài thì hồ cũng khô và nguy cơ cây thiếu nước, chết rất cao.
Xã Đắk Gằn có 3.000ha cây trồng, trong đó có hơn 1.000ha cà phê. Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, xã có khoảng 20% diện tích được các công trình hồ đập thủy lợi phục vụ tưới, còn lại người dân tự chủ động nguồn nước từ ao, giếng khoan.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, xã Đắk Gằn có 730 ao, hồ dân sinh, 112 giếng khoan phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, các ao, hồ chứa đã cạn nước, nguy cơ ảnh hưởng tới cây trồng là rất lớn.
Trên địa bàn huyện Đắk Mil có khoảng 6.195 ao, hồ, giếng khoan, phục vụ sản xuất cho khoảng 20.000ha cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay, sau 3 - 4 đợt tưới cho cây trồng, hầu hết ao, hồ, giếng khoan đã cạn kiệt nước, có nhiều khu vực trơ đáy.
Cần những giải pháp dài hơi
Đến thời điểm hiện nay, tình hình thời tiết mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Đắk Mil phổ biến nắng nóng kéo dài, khô hanh, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp, dòng chảy các sông suối tiếp tục suy giảm, nhiều suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp.
Hiện nay, các hồ chứa còn lại tại Đắk Mil đang ở mức thấp. Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông chi nhánh huyện Đắk Mil đang thực hiện điều tiết theo lịch điều tiết đã thống nhất với các địa phương, các hồ không có cống điều tiết, người dân tưới cây lâu năm bằng cách bơm trực tiếp từ lòng hồ.
Trên địa bàn huyện có 46 công trình hồ đập lợi, trong đó có 3 hồ đập nhỏ. Năm 2024 dung tích nước tại các hồ chưa đạt khoảng hơn 65% so với dung tích thiết kế. Ở thời điểm chưa phục vụ nước sản xuất các hồ đập, mực nước thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, đối với Đắk Mil, hiện nay, công ty đang cùng với địa phương chống hạn. Đơn vị đang tận dụng tối đa nguồn nước trên các hồ đập còn lại để tưới chống hạn cho cây trồng.
Công ty đang điều tiết nước bằng việc bơm trung chuyển. Sắp tới nếu các hồ chứa tiếp tục xuống thấp, công ty sẽ triển khai máy bơm dã chiến, bơm dung tích mặt nước chết của các hồ chứa.
Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, Đắk Mil có rất nhiều công trình thủy lợi, nhưng đa số là hồ chứa nhỏ, dung tích ít. Đối với các công trình nhỏ này, trong điều kiện khô cạn, công trình có dung tích lớn, mực nước đang xuống ở mức rất thấp.
Về lâu dài, theo ông Duy, địa phương và người dân cần xác định hạn hán thiếu nước sẽ tiếp tục xảy ra, nguồn nước sẽ càng ngày càng khó khăn, cần phải xác định nguồn nước trước khi phát triển sản xuất. Đặc biệt, các diện tích sản xuất ở xa các công trình thủy lợi, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì nguy cơ thiệt hại rất cao.
Cùng với đó, phải sử dụng các biện pháp tiết kiệm nguồn nước hiệu quả, sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến. Đối với một số vùng trồng lúa, cần lượng nước lớn để phát triển, nếu nằm ở vùng thường xuyên thiếu nước thì cần tính toán chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, nhưng sử dụng ít nước.
Toàn huyện Đắk Mil có hơn 21.200ha cà phê, chiếm hơn 62% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn. Để chủ động chống hạn cho cà phê và các cây trồng lâu năm tại địa phương, huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024.
Huyện đã tuyên truyền đến người dân tình hình, diễn biến thời tiết, có nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, dân sinh để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước.
Các đơn vị chức năng của huyện kiểm tra, cập nhật, đánh giá cụ thể nguồn nước các suối, hồ, đập,... Khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thường xuyên hạn và diện tích cây trồng không đủ nước, chủ động trồng các loại cây trồng phù hợp, xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước.
Dù đã chủ động, nhưng trước diễn biến bất lợi của thời tiết, hạn hán, thiếu nước đang đe dọa hàng ngàn ha cây trồng của huyện Đắk Mil.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, khoảng hết tháng 4, nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài, trên địa bàn huyện sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt tại các xã Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk N’Drót, Đắk Lao, Đức Mạnh, Thuận An với khoảng 1.670ha cây trồng bị thiệt hại.
Đắk Mil có khoảng 34.207ha cây dài ngày có nhu cầu tưới như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và cây trồng khác đang triển khai tưới đợt 3, một số khu vực đang tưới đợt 4.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch huyện Đắk Mil cho biết, nhận định của cơ quan chức năng và địa phương năm nay hạn hán có nguy cơ kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
Địa phương là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh, khó khăn hiện nay là vấn đề nguồn nước tưới, nhiều hồ đập, giếng khoan đã hết nước. Cơ quan chức năng đã phải bơm trung chuyển nước để người dân chống hạn.
Tuy nhiên, nhu cầu tưới hiện nay rất lớn trong khi lượng nước trung chuyển không đáp ứng được. Nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đối với cà phê và các cây công nghiệp dài ngày tại địa phương.
Đối với giải pháp cây trồng Đắk Mil có lợi thế, đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê và huyện cũng đã quy hoạch vùng sản xuất nên việc chuyển đổi cây trồng đối với diện tích cà phê thì ít biến động.
Tuy nhiên, người dân cần sử dụng các hình thức tưới tiết kiệm, trồng cây che bóng để chống hạn. Cùng với đó, huyện mong muốn tỉnh hỗ trợ kinh phí để nạo vét, đắp đập tăng dung tích hồ chứa để trữ nước cho mùa khô một cách chủ động.
Huyện Đắk Mil đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông tiếp tục hỗ trợ địa phương bơm chuyển nước từ hồ Tây và hồ Đội 1 sang hồ Đắk Ken, hồ 40, hồ 35 để người dân có nguồn nước chống hạn cho cây trồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét