Cuộc bầu cử Mỹ có thể thay đổi thế giới như thế nào?

 Một hình ảnh được xử lý cho thấy Kamala Harris và Donald Trump đứng trước một quả địa cầu nứt

  • Tác giả,Lyse Doucet
  • Vai trò,Phóng viên Quốc tế

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rảo bước ở Kyiv vào tháng 2/2023 trong một chuyến công du bất ngờ nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Volodymyr Zelensky, người đồng cấp của ông ở Ukraine, còi báo động đã hú vang.

"Tôi cảm thấy điều gì đó... mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì trước đây," sau đó ông nhớ lại.

"Nước Mỹ là một ngọn hải đăng của thế giới."

Thế giới giờ đây đang đợi để xem ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngọn hải đăng tự phong này sau khi người Mỹ lựa chọn tổng thống của mình vào tuần tới.

Bà Kamala Harris sẽ tiếp bước ông Joe Biden với niềm tin rằng trong "những thời điểm bất ổn này, nước Mỹ không thể thoái lui"? Hay người đó sẽ là Donald Trump với niềm hi vọng của ông ta rằng "Chủ nghĩa Mỹ, chứ không phải chủ nghĩa toàn cầu" sẽ dẫn đường?

Chúng ta sống trong một thế giới nơi giá trị Mỹ và ảnh hưởng toàn cầu của nó đang bị nghi ngờ.

Các cường quốc khu vực đang đi theo con đường của riêng họ, các thể chế độc tài đang hình thành liên minh của riêng mình và các cuộc chiến tranh tàn phá ở Gaza, Ukraine và nhiều nơi khác đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của Washington.

Nhưng Hoa Kỳ quan trọng nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, và vai trò chính của nước này trong nhiều liên minh.

Tôi đã hỏi một số nhà quan sát nhạy bén về suy nghĩ của họ đối với hệ quả toàn cầu của cuộc bầu cử rất quan trọng này.

Sức mạnh quân sự

"Tôi không thể bọc đường những cảnh báo này," Rose Gottemoeller, cựu Phó Tổng thư ký NATO, nói.

"Donald Trump là cơn ác mộng của châu Âu, với lời đe dọa của ông ta về việc sẽ rút quân khỏi NATO vang vọng trong tai mọi người."

Chi tiêu quốc phòng của Washington chiếm vào khoảng 2/3 ngân sách quân sự của 31 thành viên khác của NATO.

Ngoài NATO, Mỹ chi cho quân sự nước mình nhiều hơn 10 nước tiếp theo cộng lại, trong đó bao gồm Trung Quốc và Nga.

Trump tự hào rằng ông ta đang hành động quyết liệt để buộc các nước thành viên NATO khác đạt định mức chi tiêu, bằng 2% GDP của họ - chỉ 23 nước thành viên đạt mức này vào năm 2024. Nhưng những tuyên bố không nhất quán của ông vẫn gây khó chịu.

Nếu bà Harris thắng, bà Gottemoeller tin rằng "NATO chắc chắn sẽ được quản lý tốt dưới sự điều hành của chính quyền Washington".

Nhưng bà cũng có những cảnh báo.

"Harris sẽ sẵn sàng tiếp tục hợp tác với NATO và EU để giành được chiến thắng ở Ukraine, nhưng bà ấy sẽ không nới lỏng áp lực về chi tiêu đối với châu Âu."

Nhưng đội ngũ của Harris ở Nhà Trắng sẽ phải điều hành cùng với Thượng viện hoặc Hạ viện - cả hai có thể sớm nằm trong tay Đảng Cộng hòa và sẽ bớt có xu hướng ủng hộ các cuộc chiến tranh ở nước ngoài hơn là những đồng liêu Đảng Dân chủ.

Có một cảm giác ngày càng lớn rằng, bất kể ai trở thành tổng thống, áp lực sẽ đè nặng lên Kyiv về việc phải tìm cách thoát khỏi của chiến này khi các nhà làm luật của Mỹ ngày càng trở nên lưỡng lự trong việc thông qua các gói hỗ trợ khổng lồ.

Bất cứ điều gì xảy ra, bà Gottemoeller nói, "tôi không tin NATO phải tan rã".

Châu Âu sẽ cần "tiến lên để nắm vai trò lãnh đạo".

Người gìn giữ hòa bình?

Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải làm việc trong một thế giới đang có nguy cơ đối mặt với xung đột quyền lực lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

"Nước Mỹ vẫn là tác nhân quốc tế quan trọng nhất trong duy trì hòa bình và an ninh," Comfort Ero, Giám đốc và CEO của Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế, nói với tôi.

Bà cảnh báo thêm rằng, "nhưng sức mạnh của nước Mỹ để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng đã bị giảm đi".

Các cuộc chiến tranh đã trở nên khó chấm dứt hơn bao giờ hết. "Các cuộc xung đột chết chóc đang trở nên khó giải quyết hơn, với cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng và các cường quốc tầm trung đang trỗi dậy," bà Ero mô tả bối cảnh hiện nay.

Các cuộc chiến tranh như cuộc chiến Ukraine đã lôi kéo vào đó nhiều cường quốc, và các cuộc xung đột như ở Sudan đã đẩy các người chơi khu vực có quyền lợi cạnh tranh đối đầu với nhau, và một số bên đầu tư nhiều vào chiến tranh hơn là hòa bình.

Mỹ đang đánh mất chỗ đứng cao về mặt đạo đức, bà Ero nói.

"Các tác nhân toàn cầu nhận ra rằng Mỹ áp một tiêu chuẩn cho các hành động của Nga ở Ukraine, và áp một tiêu chuẩn khác cho các hành động của Israel ở Gaza. Cuộc chiến ở Sudan đã chứng kiến những tội ác khủng khiếp nhưng lại được coi là vấn đề thứ yếu."

Một chiến thắng về tay bà Harris, bà Ero nói, "đại diện cho sự tiếp nối của chính quyền hiện nay". Nếu đó là Trump, ông ta "có thể trao cho Israel thậm chí quyền tự do quyết định hành động ở Gaza và các nơi khác, và đã ám chỉ rằng ông ta có thể cố gắng đạt được một thỏa thuận về Ukraine với Moscow mà không có sự can thiệp của Kyiv".

Ở Trung Đông, ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Harris, đã nhiều lần nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của ông Biden đối với "quyền tự vệ" của Israel. Nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng "việc giết hại thường dân vô tội Israel cần phải chấm dứt".

Người dân Palestine ngồi cạnh một đống lửa trong đống đổ nát trước nơi từng là nhà của họ ở Khan Younis
Chụp lại hình ảnh,Người dân Palestine ngồi cạnh một đống lửa trong đống đổ nát trước nơi từng là nhà của họ ở Khan Younis

Trump cũng tuyên bố đây là lúc "lập lại hòa bình và ngừng giết người". Nhưng ông được cho là đã nói với lãnh đạo Israeli, Benjamin Netanyahu, rằng "hãy làm bất cứ điều gì ông cần phải làm".

Ứng cử viên Cộng hòa này tự hào là một người gìn giữ hòa bình. "Tôi sẽ có hòa bình ở Trung Đông, sớm thôi," ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Arabiya của Ả Rập Xê Út đêm Chủ nhật 27/10.

Ông hứa sẽ mở rộng Hiệp định Abraham 2020. Các thỏa thuận song phương này đã bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một vài nhà nước Ả Rập, nhưng được xem là đã gạt người Palestine ra bên lề và đóng góp đáng kể vào cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ hiện nay.

Về Ukraine, ông Trump chưa bao giờ che giấu sự ngưỡng mộ của mình đối với những người mạnh mẽ như Vladimir Putin của Nga.

Trump nhấn mạnh rằng ông muốn kết thúc chiến tranh tại Ukraine và cùng với đó là sự hỗ trợ quân sự và tài chính khổng lồ của Mỹ.

"Tôi sẽ rút lui. Chúng ta cần rút lui," ông Trump nhấn mạnh trong một cuộc mít tinh gần đây.

Volodymyr Zelensky and Kamala Harris shake hands on a stage in front of the Ukrainian flag and the US flag
Chụp lại hình ảnh,Harris đã hứa sẽ là một đồng minh vững chắc của Ukraine

Ngược lại, bà Harris nói: "Tôi tự hào sát cánh với Ukraine. Tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine. Và tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến này."

Nhưng bà Ero lo ngại rằng, bất kể ai đắc cử, tình hình thế giới có thể sẽ trở thên tồi tệ hơn.

Làm ăn với Bắc Kinh

"Cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ." Đó là quan điểm của học giả hàng đầu về Trung Quốc Rana Mitter về đề xuất đánh thuế 60% lên mọi hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Áp chi phí cao cho Trung Quốc, và nhiều đối tác thương mại khác, là một trong những lời đe dọa dai dẳng nhất của Trump trong cách tiếp cận "nước Mỹ trên hết" của ông.

Nhưng Trump cũng ca ngợi cái mà ông cho là mối quan hệ cá nhân khăng khít giữa ông và Chủ tịch Tập Cận Bình

Ông nói với ban biên tập Wall Street Journal rằng ông sẽ không phải dùng vũ lực quân sự nếu Bắc Kinh bao vây Đài Loan vì nhà lãnh đạo Trung Quốc "tôn trọng tôi và ông ta biết rằng tôi [từ chửi thề] rất điên rồ".

Nhưng các nhân vật hàng đầu của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều có lập trường diều hâu. Cả hai đều cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc quan trọng nhất.

Nhưng ông Mitter, một nhà sử học người Anh giữ chức Chủ tịch ST Lee về quan hệ Hoa Kỳ-châu Á tại Trường Kennedy của Harvard, thấy một số điểm khác biệt.

Ông nói rằng với bà Harris, "mối quan hệ có thể sẽ phát triển một cách tuần tự và có trật tự từ tình hình hiện tại, không có những thay đổi lớn hay đột ngột". Nếu Trump thắng, đó là một "kịch bản khó đoán hơn". Ví dụ, về Đài Loan, ông Mitter chỉ ra sự nước đôi của Trump về việc liệu ông có bảo vệ một hòn đảo xa nước Mỹ hay không.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cả bà Harris và ông Trump đều sẽ cứng rắn.

Ông Mitter nhận định rằng "một nhóm nhỏ thuộc giới tinh hoa ủng hộ Harris vì họ cho rằng 'đối thủ mà mình biết rõ vẫn tốt hơn'. Một thiểu số đáng kể thì nhìn nhận Trump như một thương gia mà sự khó lường của ông ta có nghĩa là Mỹ có thể có một thỏa thuận lớn với Trung Quốc, dù khó có thể xảy ra."

Khủng hoảng khí hậu

"Cuộc bầu cử Mỹ là vô cùng quan trong không chỉ cho công dân Mỹ mà còn cho toàn thế giới bởi sự cấp bách của khủng hoảng khí hậu và tự nhiên," Mary Robinson, Chủ tịch Elders, nói. Elders là một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới do Nelson Mandela cùng cựu tổng thống Ireland và Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, thành lập.

"Mỗi phần nhỏ của một độ đều có ý nghĩa trong việc ngăn chặn ảnh hưởng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và ngăn chặn một tương lai nơi các cơn bão tàn phá như Milton giờ đã trở thành thường lệ," bà nói thêm.

Một biển cảnh báo nắng nóng cực độ ở Thung lũng Chết, California
Chụp lại hình ảnh,Một biển cảnh báo nắng nóng cực độ ở Thung lũng Chết, California

Nhưng khi các cơn bão Milton và Helene tàn phá, Trump đã chế giễu các kế hoạch và chính sách môi trường để đối phó với các trường hợp thiên tai khẩn cấp như vậy là "một trong những trò lừa bị vĩ đại nhất mọi thời đại".

Nhiều người đã dự đoán ông sẽ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015 như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, bà Robinson tin rằng ông Trump không thể ngăn chặn các chính sách môi trường đang đi theo đà hiện nay.

"Ông ta không thể ngưng quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ và cắt giảm hàng triệu đô la trợ cấp xanh... hay ngăn chặn các phong trào khí hậu phi liên bang đang diễn ra không mệt mỏi hiện nay."

Bà cũng thúc giục bà Harris, người vẫn chưa đưa ra lâp trường rõ ràng, tiến lên "để thể hiện vai trò lãnh đạo, phát huy đà phát triển của những năm qua, và thúc đẩy các nước phát thải lớn khác tăng tốc".

Lãnh đạo nhân đạo

"Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, dựa trên tầm ảnh hưởng vô song mà Mỹ đang nắm giữ, không chỉ qua sức mạnh quân sự và kinh tế, mà qua tiềm năng lãnh đạo với uy quyền đạo đức trên trường quốc tế," Martin Griffiths, một trung gian hòa giải xung đột kỳ cựu, người, cho tới gần đây, là Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, nói.

Ông nhìn nhận các dấu hiệu tích cực nếu bà Harris thắng cử.

"Một tổng thống Harris đại diện cho niềm hi vọng đó," ông nói với tôi.

Ngược lại với "một sự trở lại ghế tổng thống của Trump được đánh dấu bởi chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa đơn phương, không mang lại gì ngoài làm sâu sắc hơn sự bất ổn và thất vọng toàn cầu".

Mỹ cũng là một nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất cho Liên Hợp Quốc. Năm 2022, nước này đã cung cấp kỷ lục 18,1 tỷ USD.

Nhưng trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã cắt viện trợ cho một vài tổ chức của Liên Hợp Quốc và rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới. Các nhà tài trợ khác đã phải vật lộn để điền vào khoảng trống - đó là điều Trump muốn xảy ra.

Nhưng ông Griffths nhấn mạnh một sự thất vọng sâu sắc trong cộng đồng làm công tác cứu trợ nhân đạo và hơn thế nữa, và chỉ trích sự "chần chừ" của chính quyền Biden đối với tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Đông.

Các lãnh đạo cơ quan viện trợ đã nhiều lần cáo buộc vụ giết người do Hamas thực hiện hôm 7/10 đối với các thường dân vô tội Israel. Nhưng họ cũng nhiều lần kêu gọi Mỹ có thêm hành động để chấm dứt nỗi thống khổ của người dân ở Gaza và Lebanon.

A billboard at a traffic intersection in Tehran shows the Iranian president and a Revolutionary Guards leader opposite Biden and Netanyahu. Three people walk in front of the billboard
Chụp lại hình ảnh,Một biển quảng cáo ở Tehran cho thấy tổng thống Iran và một lãnh đạo Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở phía đối diện với ông Biden và Netanyahu

Biden và các quan chức hàng đầu trong chính quyền của ông đã kêu gọi đổ thêm viện trợ vào Gaza, và có lúc đã tạo nên sự khác biệt.

Nhưng giới chỉ trích nói rằng các viện trợ này, và áp lực, không bao giờ là đủ.

Một cảnh báo mới đây rằng các viện trợ quân sự mang tính sống còn có thể bị cắt giảm đã đẩy lui quyết định này cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

"Các lãnh đạo thực sự sẽ giải quyết khủng hoảng nhân đạo với một sự cương quyết không lay chuyển về mặt đạo đức, đưa việc bảo vệ mạng sống con người trở thành nền tảng của ngoại giao và hành động của Mỹ trên trường quốc tế," ông Griffiths nói.

Nhưng ông vẫn tin rằng nước Mỹ là một cường quốc không thể thiếu.

"Ở vào một thời điểm bất ổn và xung đột toàn cầu, thế giới mong mỏi Mỹ đứng lên để gánh lấy thách thức bằng sự lãnh đạo có trách nhiệm và có nguyên tắc... Chúng ta đòi hỏi nhiêu hơn thế. Chúng ta xứng đáng hơn thế. Và chúng ta dám hi vọng nhiều hơn thế."

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?