Nga lên án lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU

Các nhà hoạt động thân Nga vẫn kiểm soát nhiều vùng ở miền đông Ukraine

Theo BBC
Cập nhật: 12:45 GMT - thứ ba, 29 tháng 4, 2014

Nga lên án cấm vận 'Bức màn Sắt' mới của Hoa Kỳ và châu Âu để phản đối hành động của Moscow ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói cấm vận kiểu "Bức màn Sắt" của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới ngành công nghệ cao của Nga.
Moscow nói Liên hiệp châu Âu EU phải thấy hổ thẹn khi mở rộng lệnh cấm vận và chịu "ảnh hưởng của Washington".
Nga nhắc lại rằng họ không có ý định xâm lăng miền đông Ukraine nơi các nhà hoạt động thân Nga đã chiếm các tòa nhà tại hàng chục thị trấn.

'Làm theo lệnh Washington'

Ông Ryabkov nói với báo Gazeta.ru rằng lệnh cấm vận của Hoa Kỳ là "đòn giáng cho các công ty và ngành công nghệ cao của chúng tôi".
Ông nói thêm: "Đây là sự phục hồi của hệ thống được lập ra năm 1949 khi các nước phương Tây về cơ bản hạ "Bức màn Sắt" xuống, ngăn nguồn cung công nghệ cao tới Liên Xô và các nước khác."
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói EU "làm theo lệnh của Washington khi có những cử chỉ thiếu thân thiện mới với Nga".
Tuyên bố nói thêm: "Nếu đó là cách mà ai đó ở Brussels hy vọng để ổn định tình hình ở Ukraine thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự thiếu hiểu biết hoàn toàn tình hình chính trị của nước này... Quý vị không xấu hổ à?"
"Nếu đó là cách mà ai đó ở Brussels hy vọng để ổn định tình hình ở Ukraine thì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự thiếu hiểu biết hoàn toàn tình hình chính trị của nước này... Quý vị không xấu hổ à?"
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga
Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ công bố cấm vận mới nhắm vào bảy người Nga và 17 công ty mà Washington coi là có liên hệ với "nhóm thân cận" Tổng thống Vladimir Putin.
Hôm thứ Ba EU công bố danh sách mới với 15 nhân vật bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản.
Danh sách của Liên hiệp châu Âu bao gồm Tướng Valery Gerasimov,Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Igor Sergun, người được ghi là người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Nga, GRU.
Lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhắm trực tiếp vào ông Igor Sechin, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.
Trong số những người bị cấm đi lại cũng có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak và những nhà lãnh đạo ly khai ủng hộ Nga ở Crimea và các thành phố miền đông Ukraine Luhansk và Donetsk.
Phóng viên BBC Matthew Price ở Brussels nói danh sách này không có vẻ đi theo hướng nhắm vào những người thân cận với Tổng thống Putin mà là những người liên quan tới các diễn biến ở Ukraine.
Vyacheslav Ponomarev, "thị trưởng" tự phong ở Sloviansk, vốn do nhóm thân Nga kiểm soát, nói việc áp đặt cấm vận "không thúc đẩy đổi thoại mà chỉ làm tình hình thêm nghiêm trọng".
Những người thân Nga tiếp tục giữ khoảng 40 người bao gồm bảy quan sát viên quân sự có liên quan tới Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu từ tuần trước.
Hoa Kỳ và EU lần đầu ban hành lệnh cấm cấp visa và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức cao cấp của Nga sau khi Moscow sát nhập Crimea vào Nga hồi tháng trước.
Trong phỏng vấn, ông Ryabkov nhấn mạnh Moscow "không hề có ý định lặp lại vụ Crimea ở đông nam Ukraine."
"Không có cơ sở gì để lo lắng về chuyện đó cả," ông nói.
Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ nói Ngoại trưởng Nga Sergei Shoigu nói với người tương nhiệm phía Hoa Kỳ Chuck Hagel trong cuộc điện đàm rằng "Moscow không có kế hoạch xâm lăng Ukraine".
Không chỉ có Hoa Kỳ và châu Âu mà nay cả Nhật Bản và Canada cũng ra các lệnh cấm tương tự với giới chức Nga.
Cũng hôm nay, các báo Anh như The Guardian và tờ Telegraph đều đề cập đến tin này và nhấn mạnh đến chuyện lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhắm trực tiếp vào ông Igor Sechin, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.
Điều này xảy ra kể cả khi công ty dầu khí BP của Anh có 15 tỷ USD cổ phần trong Rosneft

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?