Binh pháp quan trường - kế thứ chín: “Lót ổ sân sau”

Xuân Dương/ GDVN
Đừng vội kết luận điều gì về các bậc “trưởng thượng”, khi chưa bị lộ ai cũng là những tấm gương sáng mà quần chúng phải noi theo. 

 Lời xin phép
Trong ba mươi sáu kế của Tôn Tử, có kế “Tẩu vi thượng sách”, nói theo kiểu dân dã “chuồn là tốt nhất”. Với “Binh pháp quan trường”kế cuối cùng lúc đầu được gọi là “hạ cánh an toàn” nhưng diễn biến của thời cuộc cho thấy “hạ cánh an toàn”chưa phải là diệu kế nên người viết đành phải chọn kế “Lót ổ sân sau”. Mặc dù là kế cuối cùng nhưng xin phép giới thiệu trước, nếu lãnh đạo Báo Giáo dục Việt Nam cho phép và nhất là có sự cổ vũ của bạn đọc, người viết sẽ giới thiệu các kế từ một đến tám.

***
Người ta hẳn còn nhớ một quyết định động… sân của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng khi ông ra lệnh cấm “các lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf”.

Sau khi lệnh cấm này được công bố, nhiều người phân vân tự hỏi, có phải golf là môn thể thao ưa thích của không ít quan chức đương nhiệm và của một số người sau khi đã rũ sạch bụi “quan trường”? Liên quan đến golf có khá nhiều chuyện nhưng có hai chuyện buồn vui nổi bật.

 Chuyện buồn là ông Nguyễn Đức Sơn, tổng giám đốc một công ty nhà nước thuộc sự quản lý, giám sát và theo dõi của UBND TP Hà Nội dùng gậy chơi golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ ở sân golf Tam Đảo năm 2013. Còn chuyện vui là ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế giành hạng nhì giải đấu golf Laguna Park Lăng Cô Classic 18 lỗ. 

Mặc dù là giải đấu nghiệp dư, nhưng múa gậy ở sân 18 lỗ đoạt giải nhì thì không phải ai cũng làm được. Giới thông tấn vỉa hè kháo nhau, rằng chơi ở sân 9 lỗ, 18 lỗ hay 24 lỗ chỉ mới chỉ là “đại gia tập sự”, phải chơi ở những sân golf ít lỗ, thậm chí sở hữu vài sân golf thật nhỏ, phân bố ở những khu chung cư cao cấp mới là đại gia “thứ thiệt”. Người ngoại đạo chẳng thể nào hiểu được cách nói phương phưởng của dân vỉa hè, chắc chỉ có người trong nghề golf mới hiểu.

Không biết có phải nhờ cấm chơi golf mà ngành Giao thông gần đây có nhiều chuyển biến, được dư luận khen ngợi. Nếu quả thật là như vậy thì có nên nhân rộng ra các bộ, tỉnh thành toàn quốc? Sợ rằng lệnh cấm dù chỉ mới là dự thảo, chưa ban hành thì người có ý tưởng đã bị các đại gia, cả “tập sự” lẫn “thứ thiệt’ cho nốc ao tại chỗ.

Trong khi golf là sân chơi không dành cho phó thường dân, chỉ dành cho những ông chủ hoặc là đầy tớ “xịn” thì “sân sau” không phải là chỗ cho các ông chủ, dẫu có là đại gia vạn tỷ. 

Ngày xưa, kể từ sau khi cải cách ruộng đất , mỗi hộ nông dân được dành cho mảnh đất nhỏ gọi là đất 5%. Nhờ có mảnh đất này mà bà con có chỗ trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn. Sân trước là hợp tác xã, mảnh đất 5% có thể ví như sân sau của người nông dân giữa thời bom rơi, đạn lửa.

Sân sau ngày nay đã khác xưa một trời một vực, nó không còn dành cho nông dân, nó chỉ dành cho những người là “đầy tớ” của nông dân mà thôi.

Điểm danh các quan chức cỡ thứ trưởng trở lên, sau khi cống hiến hết mình cho sự nghiệp, đến lúc nghỉ ngơi vẫn còn nhiệt huyết, vẫn muốn đóng góp cho xã hội thì nhiều lắm. Chẳng hạn nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ chọn sân sau (từ chức) là ban phòng chống lụt bão TƯ, ông không còn là Bộ trưởng nhưng vẫn là ông già mũ cối, quần móng lợn đội mưa, lội nước lăn lộn cùng với đồng bào vùng bão lũ.

Khác với ông Ngọ, một Bộ trưởng khác là ông Trần Xuân Giá chọn sân sau là ngành Ngân hàng, ông cũng đầu trần tóc bạc đối phó với bão lũ, chỉ có điều không phải bão do trời gây ra mà bão dư luận, bão pháp luật khiến ông ốm lên ốm xuống, cầu trời cho ông mau khỏi!

Mấy hôm nay, tuy chưa thành bão nhưng cơn “áp thấp dư luận” thì đang lớn dần xung quanh câu chuyện  một ông Bộ khác là nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Ông Dũng tâm sự với báo giới rằng: “Thời điểm nhận lời Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm cố vấn dự án hầm Đèo Cả và Ủy viên Hội đồng quản trị, thực sự tôi không lường trước được mọi chuyện lại như thế này”. [1]

Không biết có phải ý của nguyên Bộ trưởng Dũng là ông không ngờ giới báo chí lại “tọc mạch” vào chuyên riêng của ông, lẽ ra theo thông lệ, sau khi hạ cánh an toàn rồi thì mọi chuyện coi như xong, không ai được phép đả động đến nữa. Hay ý ông Dũng là ông không biết có cái Nghị định 102/2007/NĐ-CP, nếu thế thì tình người quả là đen bạc, ông vừa nghỉ một cái là đám “quân sư” vội quay mặt đi, không “đứa nào” cố vấn để ông chờ thêm bốn tháng hãy nhận chức ông Hội (đồng quản trị).

Tại sao lại nói chờ bốn tháng, vì Nghị định 102/2007/NĐCP quy định cho ngành Giao thông là phải sau 12 đến 18 tháng các vị mới được đến “sân sau”, thời gian 12 tháng chỉ trong chớp mắt mà ông không chờ được, thật đáng tiếc.

Theo ông Dũng, dự án Đèo Cả chỉ là “sân trái” còn “sân phải” của ông là ở Hiệp hội thép Việt Nam, ông nói vậy thì biết vậy chứ tài thánh mà biết hết chuyện thâm cung bí sử trên đời.

Dẫu sao thì ông cũng đã công nhận ông làm trái với Nghị định 102/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng vì ông “không lường trước được mọi chuyện” nên đó có thể là tình tiết giảm nhẹ. Tóm lại chỉ nên phê bình nhắc nhở, xử lý nội bộ chứ đừng vội chụp mũ, bảo ông vi phạm pháp luật, ông chỉ vi phạm quy định của Chính phủ nên không thể đối xử với ông như đối với ông Trần Xuân Giá. 

Chuyện cái hầm Đèo Cả của nguyên Bộ trưởng Dũng là chuyện của Tổ chức, của ngành Nội vụ, không nên nói đến nữa. Còn chuyện trước đó, trong suốt 05 năm 36 ngày ông làm Bộ trưởng thì sao? Rất nhiều con đường làm xong chỉ vài tháng là hỏng, cán bộ dưới quyền tha hồ chơi golf, tha hồ thu mua đồng nát từ nước ngoài, góp phần to lớn cùng các ngành khác đưa Việt Nam trở thành đỉnh cao “bãi rác” của thế giới thì sao?

Chuyện chơi golf thì Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm rồi, bây giờ còn ụ nổi, còn những con tàu viễn dương phơi nắng, phơi mưa ở vịnh Hạ Long chưa thanh lý được. Chuyện này có người mách nước cứ nhờ ông Hồ Nghĩa Dũng là xong vì bây giờ ông làm ở Hiệp hội thép, đem mấy cái tàu đó xẻ ra cho vào lò nấu là có thép mới, tha hồ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân bám biển, chỉ tại cái “cơ chế” nên ông không giúp được, thật đáng tiếc!
Giá trị những con tàu của Vinashinlines giảm rất nhanh theo thời gian, ảnh trên báo Giao thông vận tải ngày 21/5/2014

Nhân nói đến chuyện “sân sau” không thể không liên tưởng đến chuyện “lót ổ”. Các quan tham bên Trung Quốc thì lót ổ tận bên Mỹ, bên Canada… trong túi đã dự trữ sẵn hộ chiếu, hễ “động” là “bùng”, dù không mất tăm thì cũng đã là công dân nước ngoài, còn lâu mới dẫn độ về được Trung Hoa đại lục.
 
Ở nước ta, chẳng ai lạ gì chuyện “lót ổ”, chỉ có điều với truyền thống “lá rách đùm lá lành” người ta ngại nói mà thôi.

“Lót ổ” cho bản thân nghĩa là dọn “sân sau” khi còn đương chức, nghỉ chế độ vài tháng, cầm quyết định hưu trí là hạ cánh vào ổ, thật ngon lành, thật êm ái, nhưng đó chỉ là hạ sách. 

Trung sách là dọn ổ cho con, cho cháu ở một cơ quan, đơn vị nào đó, kiếm sẵn mấy cái bằng khi cần thì công chứng giơ ra, dẫu không thành đại gia thì cũng mát mày mát mặt cả nhà. 

Thượng sách là cho con du học, kiếm cái bằng đại học bên tây, nếu sau đó định cư ở ngước ngoài thì càng tốt, rủi không ở được phải về thì cái bằng tây cộng với chút ngoại ngữ cũng là tiêu chuẩn ưu tiên, có khi chẳng phải thi tuyển công chức, cùng lắm thì lại về “ổ nhà” tiếp nối truyền thống gia đình, chờ đợi thời cơ, “rừng xanh còn đó, lo gì không có củi đốt”!

Có một kiểu “lót ổ” thoạt nghe thì thấy hơi kỳ quặc, ấy là “lót ổ” kiểu “ba không”: không nhà, không tiền, không vợ con. Ngẫm nghĩ thật kỹ mới thấy quả là chí lý.

Không nhà nên phải ở nhà công vụ, không nhà thì làm gì có tài sản mà kê biên, người nghèo lại dễ được động lòng thương hại. 

Không tiền vì đã “sang tên đổi chủ” hết cho vợ con, muốn chứng minh tham nhũng có mà tìm mỏi mắt. 

Không vợ con vì đã cho sơ tán “tránh bão” từ lâu, thỉnh thoảng làm chuyến “Việt kiều yêu nước” về thăm quê hương, còn ở nhà lại có điều kiện tự do chơi golf ở mấy khu chung cư cao cấp.

Vụ của ông Hồ Nghĩa Dũng, cánh báo chí học mấy anh  giao thông, sử dụng chiến thuật “anh hùng núp” để bắn thời gian ông Dũng, ông bị  “bắn” có 4 tháng thì nhằm nhè gì, vả lại cứ cho là ông có chút vi phạm phải xử theo luật thì biết dùng luật nào? Đây không phải tội hình sự, ông đã nghỉ hưu nên không thể dùng Luật Công chức, tóm lại chỉ còn mỗi cách là chờ, chờ lâu thì sừng trâu cũng hóa bùn chứ đừng nói đến… 

Còn nếu có anh phó nháy nào không “chơi” kiểu “anh hùng núp” cứ đường đường chính chính chụp ảnh vườn cao su, tường bao dinh thự của ai đó thì cũng nên chuẩn bị việc “lót ổ’ cho mình là vừa vì nghe đâu Tổ chức địa phương đã chứng minh người ta hoàn toàn trong sạch. 

Tóm lại, đừng vội kết luận điều gì về các bậc “trưởng thượng”, khi chưa bị lộ ai cũng là những tấm gương sáng mà quần chúng phải noi theo. Khi các bác ấy diễn thuyết phải tận lực vỗ tay bồm bộp, nếu không biết vỗ tay thì phải hò reo inh ỏi chứ không được huýt sáo, huýt sáo là hỗn. 


Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/su-kien-hang-ngay/nguyen-bo-truong-ho-nghia-dung-noi-gi-ve-viec-tham-gia-dn-deo-ca-a51806.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù