ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 26.9.2014
17:
Máy bay Rafale của Pháp tiếp tục các cuộc không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo dù nước Pháp bị đe dọa tấn công khủng bố.REUTERS/Adj. Nicolas-Nelson Richard/ECPAD/Hando
47
Chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo : Pháp vẫn kiên định dù phải trả giá
Theo RFI
26.9.2014
Chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và cái chết của người Pháp đầu tiên bị quân thánh chiến hạ sát, là chủ đề thời sự quan trọng nhất hôm nay, chiếm nhiều trang báo và bình luận. Báo giới Pháp nêu bật quyết tâm đi đến cùng của Paris, nhưng chỉ trích sự thiếu dự phòng của chính quyền trước nguy cơ khủng bố.
Trên trang nhất, bên trên bức ảnh con tin người Pháp vừa bị sát hại, Le Monde chạy hàng tựa lớn : « Sau cú sốc, Pháp khẳng định quyết tâm ». Đồng nghiệp Le Figaro nói đến : « Công cuộc huy động toàn quốc chống hiểm họa thánh chiến ». Libération thì chú tâm đến phản ứng phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo ở Pháp trước hành vi tội ác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong lúc Les Echos loan báo : « Nước Pháp treo cờ rủ, tưởng niệm Hervé Gourdel, con tin bị hạ sát ».
Trong bài xã luận trang nhất, Le Monde tự hỏi là trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, phải chăng Pháp đã phải trả một cái giá đặc biệt ? Tờ báo nhìn thấy là nước Pháp và các láng giềng sẽ không thoát khỏi mối đe dọa của tổ chức thánh chiến này.
Le Monde khẳng định là nếu nghĩ rằng tình trạng vô cùng hỗn loạn ở Trung Đông hiện nay chỉ đóng khung ở khu vực đó mà thôi, thì quả là không tưởng và vô trách nhiệm. Theo tờ báo, cần phải kềm chế tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng chỉ bằng vũ lực mà thôi thì không đủ, mà phải có một sự huy động lực lượng to lớn về mặt ngoại giao của Mỹ, Châu Âu, có Nga và cả Iran.
Nước Pháp thiếu chuẩn bị trước hiểm họa khủng bố
Le Figaro trong bài xã luận cũng trên trang nhất tựa đề : « Tại đây và ngay bây giờ », cũng cùng nhận đinh về mối hiểm nguy. Tờ báo tỏ ra bực tức là nước Pháp thiếu chuẩn bị.
Le Figaro nhận định là nước Pháp không phải chỉ mới khám phá ra hành vi khủng bố của các phần tử hồi giáo cực đoan, nhưng bây giờ thì không chỉ là những mạng lưới tổ chức chặt chẽ, đi đặt chất nổ ở những nơi đông người, mà còn là những cá nhân, hoạt động riêng lẻ đi đến mọi nơi để giết người và ai cũng có thể là nạn nhân, ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.
Để đối phó với hiện tượng này nước Pháp đã mất quá nhiều thời gian, cho dù đã có nhiều tiếng chuông cảnh báo. Le Figaro nhắc đến một dự luật tăng cường biện pháp chống khủng bố đang được xem xét để thông qua, nhưng dự luật vẫn còn nhiều lỗ hổng, và nhất là chỉ có hiệu quả nếu kèm theo một sự phối hợp hài hòa với Châu Âu, trên mặt luật pháp, nhưng cũng về thông tin tình báo.
Liên Hiệp Châu Âu cũng sơ hở trong đối sách chống khủng bố
Có điều Le Figaro còn nhìn thấy không phải có Pháp, mả cả Liên Hiệp Châu Âu hiện cũng thiếu biện pháp để đối phó với các ‘cá nhân’ thánh chiến, và nhiều khi đó lại chính là công dân nước mình đi tham gia thánh chiến.
Tờ báo trích dẫn một bản nghiên cứu của Quân đội Na Uy, theo đó cứ 9 người tham gia thánh chiến là có một người, khi trở về nước, sẵn sàng hành sự chống lại nước mình.
Trong khi đó, theo tác giả bài báo, nếu Châu Âu càng ý thức rõ thêm về sức mạnh của kẻ thù mới ở bên ngoài, thì lại càng cảm thấy bất lực trong việc nhận dạng, xác định tông tích và truy bắt kẻ thù này ngay bên trong biên giới của mình.
Giới chống khủng bố ở Châu Âu không có ảo tưởng, và cũng phải thú nhận là họ không biết gì nhiều. Trong trường hợp mà chiến dịch oanh kích của ông Obama thành công, thì Châu Âu sẽ chứng kiến làn sóng hồi hương của những người còn sống sót trong số 3000 công dân châu Âu tham gia thánh chiến ở Irak và Syria.
Hàng trăm người được huấn luyện đã trở về rồi. Một số chán ngán chiến tranh nhưng một số khác đã trở về Anh, Pháp, Đức, Bỉ để tiếp tục cuộc chiến của họ, với những phương tiện khác.
Trong cuộc chiến ở Afghanistan trước đây, thì chỉ không đầy 100 người tình nguyện Châu Âu tham gia, bây giờ thì người ta nói đến từ 3000 cho đến 4000 người ở Irak, Syria...
Tác giả bài báo trích lời một viên chức cao cấp Châu Âu xin giấu tên giải thích một cách bi quan : « Tất cả cảnh sát Châu Âu đều nói : không lâu nữa tình hình không thể kiểm soát nổi. Nếu có một sự cố nghiêm trọng nào xẩy ra, thì đừng đổ trách nhiệm cho chúng tôi. »
Hiện nay theo Le Figaro, Châu Âu đang cố chữa cháy bằng cách kiểm soát các chuyến đi, và nhất là những chuyến trở về từ Irak và Syria. Ngay trong việc kiểm soát này thì Châu Âu cũng cho thấy những lỗ hổng to lớn, ngay trong luật pháp của mình, như không thể thiết lập một hệ thống theo dõi hợp lý hành khách trên bầu trời Châu Âu, không như Mỹ với hệ thống PNR ( Passenger Name Record), cho phép nhận ra ngay các hành vi thất thường : chỉ mua một vé đi đến một nơi nhạy cảm, quá cảnh nhiều nơi…
Dân chúng Đài Loan ngày càng nghi kỵ Trung Quốc
Về Châu Á hôm nay, Les Echos một mặt nhìn sang Nhật, nơi mà chính phủ của ông Abe đang trầy trật trong cuộc chiến chống giảm phát, và mặt khác quan tâm đến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un « biến mất một cách bí ẩn » : Từ 3 tuần qua, không ai thấy bóng dáng lãnh đạo trẻ vốn luôn luôn chứng tỏ là ông không bỏ lỡ dịp nào để xuất hiện trước công chúng.
Le Figaro thì chú ý đến Đài Loan, trong bối cảnh người dân của đảo « ngỗ nghịch này ngày càng nghi kỵ và ngờ vực Bắc Kinh ». Tác giả bài báo cho là đường phố Đài Bắc không còn sôi động như vào mùa xuân với phong trào biểu tình chống hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc, nhưng tình hình chưa yên và nhất là Trung Quốc vẫn không loại trừ khả năng đánh chiếm đảo sau khi Bắc Kinh kềm hãm dân chủ ở Hồng Kông. Quan hệ kinh tế càng phát triển, người dân Đài Loan càng lo ngại Trung Quốc lợi dụng điều này như một công cụ để can thiép vào đời sống chính trị của đảo.
Mã Anh Cửu : Đài Loan không phải là Hồng Kông
Le Figaro đăng bài phỏng vấn dài Tổng thống Mã Anh Cửu, thực hiện tại Đài Bắc, đưa thành tựa, câu khẳng định của ông : « Đài Loan sẽ không là một Hồng Kông khác ».
Tờ báo đã nêu câu hỏi là Bắc Kinh đã dựa trên việc Hồng Kông sợ mất những quyền lợi kinh tế của mình tại Trung Quốc để dần dần hạn chế quyền dân chủ ở Hồng Kông, do đó với quyền lợi kinh tế của Đài Loan ở Trung Quốc, vùng lãnh thổ này có ngại sẽ lâm vào tình trạng của Hồng Kông hay không ?
Đối với ông Mã Anh Cửu, khó thể xẩy ra điều này và cũng không thể so sánh với Hồng Kông : Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, có hệ thống chính trị riêng của mình, trong khi Hồng Kông không như thế, và số phận là do thương lượng giữa Anh Quốc và Trung Quốc khi trao trả lại Hồng Kông lại cho Bắc Kinh vào năm 1997. Hồng Kông không có một chút chủ quyền nào. Vả lại Đài Loan còn được một eo biển bảo vệ, không giống như Hồng Kông.
Còn nói đến quan hệ, quyền lợi kinh tế, ông Mã Anh Cửu khẳng định là Đài Loan không cho phép Bắc Kinh đầu tư vào những lãnh vực mang tính chất an ninh quốc gia.
Tổng thống Đài Loan công nhận là không thoát được sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và phải cần làm một số cải cách, chỉnh đốn thích ứng để có thể có hòa bình và thịnh vượng. Cách tốt nhất đối với Đài Loan là duy trì hiện trạng và gia tăng trao đổi giữa hai bên.
Trong trao đổi này, Tổng thống Đài Loan nhìn thấy có thể sẽ thay đổi cái nhìn, cách suy nghĩ của người bên kia eo biển, xích lại gần với các giá trị dân chủ của Đài Loan, và đi đến dân chủ thật sự. Kế tiếp theo, ông Mã Anh Cửu cho là các thế hệ tương lai sẽ tự quyết định.
Về Biển Đông, Đài Loan muốn gác tranh chấp để đồng khai thác
Hiện nay giữa 3 lựa chọn - thống nhất với Trung Quốc, độc lập, và giữ nguyên hiện trạng - thì có đến 80% người Đài Loạn chọn phương thức thứ 3.
Ông Mã Anh Cửu công nhận là nhiều người Đài Loan có một nỗi lo sợ xem ra phi lý về tương lai quan hệ với Trung Quốc, họ e ngại rằng hiệp định tự do mậu dịch sẽ mở cửa thị trường lao động Đài Loan cho nhân công Trung Quốc chẳng hạn, điều mà Tổng thống Đài Loan cho là không đúng.
Trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, Tổng thống Đài Loan cho là ông được phần nào trấn an từ khi Bắc Kinh bỏ ý định lập vùng phòng không ở Biển Đông như đã làm ở Biển Hoa Đông. Và cả với Việt Nam, hiểm nguy chiến tranh cũng xa dần từ khi tiến tới một giải pháp thương lượng.
Tuy nhiên, theo cái nhìn của lãnh đạo Đài Loan, vấn đề ở Biển Đông thật sự rất phức tạp cho nên không thể đi đến thỏa thuận cho từng đảo tranh chấp. Theo ông phải có cái nhìn rộng lớn hơn. Nếu cứ nhấn mạnh trên vấn để chủ quyền thì không thể có giải pháp. Không thể chia cắt chủ quyền, nhưng có thể gác lại, và cùng khai thác tài nguyên
Nhận xét
Đăng nhận xét