Nhóm Al-Nusra đe trả đũa không kích

Nhóm al- Nusra ở Syria

Nhóm Mặt trận al- Nusra ở Syria đe dọa trả đũa liên minh chống Nhà nước Hồi Giáo.
Theo BBC
28 tháng 9. 2014
Nhóm phiến quân ‘Mặt trận al-Nusra’ của Syria lên án các cuộc không kích được liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu thực hiện là "một cuộc chiến tranh chống lại đạo Hồi".
Trong một tuyên bố trên mạng, nhóm vũ trang có liên kết với al-Qaeda kêu gọi các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới nhắm mục tiêu vào các quốc gia phương Tây và Ả Rập tham gia các trận không kích.
Tuyên bố được đưa ra khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác mở rộng các cuộc không kích chống lại nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) hoạt động ở Iraq và Syria.
Lầu Năm Góc nói các phi cơ phản lực đã tấn công thành phố Raqqa của Syria hôm thứ Bảy cũng như các vị trí của IS gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chiến binh người Kurd đã đang bảo vệ thị trấn Kobane của người Kurd trên biên giới Syria kể từ khi một cuộc tấn công của IS làm khoảng 140.000 thường dân phải bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu với khoảng 40 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia Ả Rập, đã tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm IS đang kiểm soát phần lớn vùng đông bắc của Syria và miền bắc Iraq.
Các chiến thuật tàn bạo của nhóm, bao gồm giết người hàng loạt, chặt đầu và bắt cóc các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, đã dẫn đến can thiệp quốc tế.

'Đe dọa liên minh'

Mặc dù chia sẻ niềm tin cực đoan Hồi giáo, IS và al-Nusra Front là các đối thủ cạnh tranh, mà gần đây đã đụng độ với nhau ở Syria.
Nhưng hôm thứ Bảy, phát ngôn viên của al-Nusra, Abu Firas al-Suri, lên tiếng đe dọa các quốc gia liên minh.
"Các nước này đã cam kết một hành động khủng khiếp mà sẽ đặt họ vào danh sách các mục tiêu thánh chiến trên toàn thế giới", chỉ huy của al-Nusra nói.
"Đây không phải là một cuộc chiến chống lại al-Nusra, mà là cuộc chiến chống lại đạo Hồi."
Cả hai nhóm IS và al-Nusra tạo thành một phần của mạng lưới phức tạp các phiến quân hoạt động ở Syria.
Hoa Kỳ chưa tuyên bố al-Nusra là mục tiêu không tập nhưng các phi cơ đã tấn công một nhóm mới mang tên Khorasan, nhóm mà các nhà phân tích nghi ngờ là một phần của Mặt trận al-Nusra.
IS cũng đã kêu gọi các chiến binh thánh chiến mở các cuộc tấn công vào các nước liên minh.
Hôm thứ Bảy, một phát ngôn nhân của phe đối lập ôn hòa ở Syria nói phe này ủng hộ các cuộc không kích chống IS, nhưng phản đối bất kỳ hành động nào gây ra thương vong cho thường dân.
Hussam al-Marie nói với BBC rằng các nước phương Tây cũng nên thực hiện các cuộc tấn công chống lại chính phủ ở Damascus.
"Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng là kẻ thù của chúng tôi hệt như chế độ của (Tổng thống) Assad vậy," ông al Marie nói.
"Chúng tôi muốn thoát khỏi chế độ độc tài Syria và chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của thế giới tự do để tiếp tục chiến đấu chống lại chế độ (Asad) và Isis (Nhà nước Hồi giáo). Chúng tôi đang chiến đấu trên hai mặt trận."

'Nã hỏa lực'

Nhóm al- Nusra ở Syria
Al- Nusra kêu gọi các chiến binh hồi giáo trên khắp thế giới tấn công thành viên liên quân.
Trong khi đó trên mặt đất, IS nã hỏa lực vào Kobane hôm thứ Bảy và nhiều người đã bị thiệt mạng, theo tường thuật tại chỗ của phóng viên BBC, Paul Wood.
Tư lệnh chiến dịch của Hoa Kỳ thông báo rằng một tòa nhà bị IS chiếm đóng và hai xe vũ trang đã bị phá hủy gần biên giới Kobane.
Hàng ngàn người tị nạn là người Kurd, cùng với cừu và gia súc của họ, đang dựng trại tại tuyến đường sắt đánh dấu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cuộc không kích đã đánh trúng các mục tiêu của IS ở những nơi khác tại Syria và ở bắc Iraq hôm thứ Bảy.
Hôm thứ Sáu, Anh trở thành quốc gia mới nhất tham gia chiến dịch không kích chống IS sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ các cuộc không kích ở Iraq, nhưng không phải ở Syria.
Hai trong số sáu chiếc RAF Tornados đóng tại đảo Síp đã thực hiện các phi vụ chiến đấu đầu tiên vào ngày thứ Bảy, nhưng đều trở lại căn cứ mà chưa thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào.
Tối hôm thứ Bảy, theo giờ địa phương, hai phi cơ chiến đấu của Không lực Hoàng gia Anh đã tham gia vào một phi vụ bay xa hơn và sau đó trở lại căn cứ an toàn.
Anh Quốc cũng có một phi cơ do thám Rivet Joint ở trong khu vực.
Còn các chiến đấu cơ của Pháp đã tham gia nhiều cuộc không kích ở Iraq, trong khi Bỉ và Hà Lan cam kết mỗi nước cử sáu phi cơ F-16 tham gia và Đan Mạch triển khai bảy chiếc.
Các quốc gia châu Âu cho tới nay chỉ đồng ý tấn công các mục tiêu ở Iraq theo yêu cầu giúp đỡ của chính phủ nước này.
Thường dân ở Syria tị nạn
Dòng người Kurd tị nạn từ Syria chờ vào Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc tấn công của IS.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù