Nhân quyền là một khó khăn lớn nhất đối với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ
Theo Dân Luận
Bởi Admin
Tác giả gửi tới Dân Luận
28/03/2015
Những vấn đề đáng chú ý nhất trong buổi hội luận này bao gồm nhân quyền, bán vũ khí sát thương, Nga sử dụng hải cảng Cam Ranh, Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải, và Phát triển giáo dục và thương mại.
Nhân quyền
Vấn đề nhân quyền được cả hai đại sứ nêu ra đầu tiên khi người điều hợp cuộc thảo luận là Ô. Murray Hiebert, Phó Giám Đốc CSIS đặc trách vùng Đông Nam Á, hỏi hai diễn giả, về một hay hai vấn đề khó khăn nhất mà mỗi quốc gia phải đối phó.Theo ĐS Osius, một số tiến bộ đã đạt được trong lãnh vực nhân quyền, nhưng còn nhiều thử thách và việc phải làm. Trong 20 năm vừa qua, không gian đã mở rộng hơn cho tự do tôn giáo và cả chính trị so với trước đây. Việt Nam cũng đã phê chuẩn công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, hai nước không đồng ý với nhau về mọi thứ. Hai nước không bỏ phiếu giống nhau về những vấn đề quan trọng tại Liên Hiệp Quốc. Một cách duy nhất để có thể đạt được thêm những tiến bộ là tiếp tục đối thoại. Vào mùa xuân năm nay, cuộc đối thoại về nhân quyền lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Hoa Kỳ tin rằng tiếp tục cải tổ luật dân sự và hình sự, thiết lập một ngành tư pháp độc lập, phát triển và bảo vệ quyền tự do cá nhân sẽ giúp Việt Nam thành công và đóng góp cho thịnh vượng của quốc gia.
Ô. Osius nói thêm rằng trong 18 tháng vừa qua, Việt Nam đã trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. Tuy nhiên theo tổ chức Human Rights Watch, Việt Nam đã khởi tố 29 trường hợp trong 2014 và Việt Nam thả một số người lại bắt giam một số người khác. Cửa nhà tù là một loại cửa xoay vòng đối với tù nhân chính trị.
ĐS Vinh bào chữa rằng không có hai nước nào giống nhau. Theo đối tác toàn diện, hai nước tôn trọng truyền thống, chế độ chính trị, và sự độc lập của mỗi bên. Hai nước duy trì đối thoại và hội ý với nhau tạo một nền tảng tốt.
TS Cù Huy Hà Vũ, một cựu tù nhân lương tâm, từ nhà tù CSVN đến thẳng Hoa Kỳ được gần một năm, hiện là giáo sư tại Đại Học George Washington, tham dự buổi hội luận. Ông góp ý rằng ông ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhưng ông không cho rằng nhà cầm quyền Hà Nội đã có một chính sách đứng đắn về nhân quyền dựa theo tiêu chuẩn quốc tế. TS Vũ đòi hỏi chính quyền CSVN chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và ngăn cản các tù nhân lương tâm tại Việt Nam tiếp súc với giới chức Tây phương trong đó có Hoa Kỳ.
ĐS Osius tái xác định rằng nhân quyền là một vấn đề khó khăn nhất. Ông không tin rằng mối quan hệ giữa hai nước có thể đạt được tiềm năng tối đa cho đến khi có sự tiến bộ đáng kể và đo lường được về nhân quyền. Cả hai bên đều công nhận rằng không phải tất cả những điều luật về an ninh phù hợp với Hiến Pháp. Hiện nay hai bên, qua những cuộc đối thoại, đang tập trung vào việc tu chính luật dân sự và hình sự của Việt Nam để cho phù hợp với Hiến Pháp. Ô. Osius mong ước rằng trong khi luật lệ đang được sửa đổi, Việt Nam ngưng những vụ bắt bớ dựa vào những điều luật gây nhiều tranh cãi.
Bán vũ khí sát thương
ĐS Osius nói rằng quyết định bãi bỏ một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam một số tầu tuần tra chạy nhanh để dùng vào bảo vệ lãnh hải. Đây cũng tạo cơ hội để bán võ khí và chuyển giao khả năng cho Việt Nam, nhưng hiện nay chưa có một khế ước nào được ký cả. Một phần vì tiến trình mua bán võ khí của Hoa Kỳ mới đối với Việt Nam. Về một câu hỏi giả định rằng khi nào lệnh cấm bán võ khí được bãi bỏ hoàn toàn, Ô. Osius trả lời rằng điều này thật sự tùy thuộc vào những tiến bộ hơn nữa về nhân quyền.ĐS Vinh nói rằng Việt Nam chắc chắn muốn lệnh cấm vận võ khi được gỡ bỏ toàn phần. Điều này có một biểu tượng chính trị. Ông nói thêm rằng 2015 đánh dấu 20 năm tái lập bang giao giữa hai nước, do đó tất cả mọi việc cần được bình thường hóa, kể cả việc mua bán võ khí.
Hải cảng Cam Ranh
Hoa Kỳ tôn trọng quan hệ của Việt Nam đối với các nước khác, đặc biệt quan hệ truyền thống. Tuy nhiên, Ô. Osius nghĩ rằng Nga đã đặt Việt Nam vào một vị trí khó sử vì đã sử dụng quan hệ với Việt Nam để thực hiện những hành động gây hấn. Hành động này có thể gây căng thẳng trong vùng.ĐS Vinh trả lời rằng Việt Nam có chính sách ngoại giao độc lập. Nhưng Việt Nam sẽ không để quan hệ của mình với bất cứ một quốc gia nào gây tai hại cho nước thứ ba. Việt Nam mở phi trường và những phương tiện khác cho các nước sử dụng về vấn đề tiếp vận, nhưng không được hiểu rằng có thể làm hại đến quốc gia khác. Việt Nam đã thảo luận nội bộ và với các viên chức Hoa Kỳ và đã tạo được sự hiểu biết rõ ràng.
Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương
ĐS Phạm Quang Vinh nói rằng Việt Nam kiên quyết làm việc với những quốc gia khác để sớm kết thúc cuộc đàm phán về Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP). Một số người than phiền rằng nghiệp đoàn lao động của Việt Nam khác với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng ông tin rằng những sự thương lượng, nhượng bộ sẽ hòa hợp quyền lợi của mọi bên. Việt Nam đã thực hiện cải tổ kinh tế trong 30 năm vừa qua. Hiện nay có trên 30 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Một khi Việt Nam gia nhập TPP, vấn đề quy chế kinh tế thị trường sẽ được giải quyết cùng một lúc.Ô. Vinh không đề cập đến một số vấn đề liên quan đến TPP mà một vài khán thính giả đã hỏi ông như quyền lợi công nhân so với tiêu chuẩn quốc tế, quyền lập hội, dự luật tăng quyền thương thuyết thương mại cho tổng thống Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ chống TPP vì Việt Nam không có nghiệp đoàn độc lập.
ĐS Ted Osius cho rằng TPP có thể là một thực tế trong năm nay. Việt Nam là một nước ít phát triển nhất, do đó sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ông tin rằng TPP sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn lao động như một số người nghĩ. Để thỏa mãn điều kiện để gia nhập TPP, Việt Nam sẽ cần phải cải tổ nhiều lãnh vực. Khi Việt Nam trở thành một thành viên của TPP, thì Việt Nam cũng sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Ô. Osius cho biết thêm chi tiết là để trở thành một nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần thỏa mãn sáu điều kiện. Tiến trình này rất rõ ràng do Bộ Thương Mại đảm trách với một cơ chế chặt chẽ. Một trong những điều kiện này là tiền Việt Nam cần phải hoán đổi với những đồng tiền khác một cách tự do. Cho tới nay, Việt Nam chưa thỏa mãn được một điều kiện nào.
Hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải
Trên đây, ĐS Osius đã đề cập đến việc Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam một số tầu tuần tra chạy nhanh để dùng vào bảo vệ lãnh hải. Ông cũng đã nhắc đến vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải giữa hai nước nhiều lần. Ông nhắc đến lời tuyên bố của Ngoại Trưởng John Kerry rằng Hoa Kỳ chú ý đến hành sử của một quốc gia đòi chủ quyền trên Biển Đông bằng cách hăm dọa, áp bức, và dùng võ lực. Điều này không thể chấp nhận. Ô. Osius không nêu tên của quốc gia, nhưng mọi người hiểu rằng ông muốn ám chỉ Trung Quốc. Ông tự cho rằng Việt Nam cũng đồng ý như thế.Tuy nhiên trong suốt buổi hội luận ĐS Phạm Quang Vinh hoàn toàn không nhắc đến Trung Quốc, Biển Đông hay hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải với Hoa Kỳ. Xem ra những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn tránh né đụng chạm đến kẻ xâm lược phương Bắc.
Phát triển giáo dục và thương mại
Ô. Vinh cho biết hiện nay tổng số thương vụ giữa hai nước là $36 tỉ. Ông ước mong rằng con số này sẽ tăng lên $50 tỉ. Vào năm 1995, Việt Nam có 800 du sinh tại Hoa Kỳ. Con số này hiện nay là 16,500 sinh viên, đứng đầu các nước Đông Nam Á và thứ tám so với toàn thế giới.Ô. Osius cho rằng số thương vụ có thể đạt được một khi Việt Nam gia nhập TPP. Ông hi vọng năm nay sẽ thiết lập được đường bay trực tiếp giữa hai nước. Với thủ tục hộ chiếu dễ dàng hơn, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều du khách và người đầu tư hơn. Hiện nay Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất ở Đông Nam Á nhưng chưa là nước đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong 20 năm vừa qua, chương trình Fulbright đã giúp đào tạo nhiều chuyên viên về kinh tế và chính sách công cho Việt Nam. 1,100 sinh viên tốt nghiệp hiện đang phục vụ tại các tỉnh. Sắp tới, Việt Nam sẽ có Fulbright University, một đại học tư nhân không nhắm lấy lời.
Ông Phạm Quang Vinh, đại sứ Việt Nam thứ năm tại Washington, bắt đầu nhận chức vụ này từ Tháng 7, 2014. Ông từng giữ chức vụ thứ trưởng ngoại giao đặc trách vùng Nam Á, Đông Nam Á, và Nam Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ông cũng từng phục vụ trong phái bộ ngoại giao của Việt Nam tại New York và Thái Lan.
Ông Ted Osius là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông đã từng phục vụ tại tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội với tư cách một tùy viên lao động 20 năm về trước. Ngoài ra Ông Osius còn phục vụ trong cách tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nam Dương, Ấn Độ, Phi Luật Tân, và Thái Lan.
Nhận xét
Đăng nhận xét