Thủ tướng VN: "Kinh tế tư nhân là động lực"
Thoáng nghe NTD nói, thấy khá thông, nhưng khi thực hành thì bệ rạc. HNĐB
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa có phát biểu nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước.
Thông điệp trên được ông đưa ra tại cuộc họp các Bộ vào chiều 26/3, theo truyền thông trong nước.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Dũng nói tại cuộc họp cho rằng cần "mạnh dạn khắc phục" tình trạng nhà nước còn nắm giữ nhiều lĩnh vực không cần thiết.
Dẫn trường hợp thoái cổ phần nhà nước tại Tổng Công Ty xây dựng công trình giao thông 4, ông Dũng nói "chúng ta lấy được tiền về, tư nhân thay thế vô đó, mất đi đâu các đồng chí, đều là doanh nghiệp Việt Nam cả."
"Tôi vẫn thường nói trước đây chúng ta toàn dân đánh giặc mới giành được thắng lợi, bây giờ không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu."
"Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực, đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết," ông được dẫn lời nói.
"Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ".
Cũng tại cuộc họp ngày 26, ông Dũng công bố đã có 143 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong năm 2014, đồng thời yêu cầu phải hoàn thành 289 doanh nghiệp còn lại trước cuối năm nay.
Tuy nhiên cũng đã có ý kiến trong giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với việc ép tiến độ trong quá trình cổ phần hóa.
Trả lời BBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây, kinh tế gia Phạm Chi Lan cho rằng áp lực chạy theo đúng tiến độ có thể khiến cổ phần các doanh nghiệp nhà nước bị bán với giá rẻ, trong khi chất lượng quản trị lẫn tính minh bạch đều không được cải thiện
"Điều tôi lo là làm gấp gáp quá thì sẽ dẫn tới tình trạng bán tống bán tháo doanh nghiệp nhà nước, như nhiều dự án xây dựng để đến lúc sắp đến thời hạn thì phải làm nhanh, nhưng chất lượng rất tồi."
"Đối với doanh nghiệp nhà nước, khi muốn giải tỏa theo dạng cổ phần hóa như thế này thì có thể giá cả bị bán đi rất rẻ và chất lượng doanh nghiệp cũng không cải thiện được."
"Những điều yêu cầu đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là thay đổi cơ bản hệ thống quản trị, tăng cường tính minh bạch và tăng khả năng giám sát của nhà nước, của xã hội sẽ không đạt được."
'Đứng chót ASEAN'
Trước đó, trong cuộc họp hôm 25/3, ông Dũng cũng cho rằng quá trình cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế."Chắc chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu của doanh nghiệp, của người dân đối với chúng ta trong lĩnh vực cải cách hành chính", ông Dũng được báo Thanh Niên dẫn lời nói.
"Không phải chúng ta không quan tâm mà có quan tâm, có tiến bộ nhưng chúng ta chỉ so với chúng ta không là không được."
“Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”, ông nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét