Chất lượng sống thấp hơn Lào à?…Thôi kệ!
Published on June 26, 2015
Do tính lạc quan cao nên người Việt vẫn sống hạnh phúc. Dù chất lượng cuộc sống kém nhưng thử kêu ai qua Lào, Campuchia sống chưa chắc người ta đã qua.
PV: – Đáng lưu ý, theo xếp hạng này, chất lượng sống của Việt Nam xấp xỉ nhưng ở mức thấp hơn Campuchia và thua hẳn so với Lào. Điều này có đồng nghĩa chúng ta tụt hậu hơn so với Lào (như đã xếp kém Lào về năng lực sáng tạo) hay không? Nếu không thì có thể giải thích điều này như thế nào cho hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Đực: – Đúng vậy! Hiện nay người dân sống ở Lào, Campuchia cảm thấy an toàn hơn, không sợ mất trộm, không sợ lừa đảo, không sợ thức ăn bẩn độc, không sợ cướp giật, ra đường không sợ tai nạn. Việt Nam có thể giàu hơn Campuchia, Lào, thu nhập có thể hơn nhưng cuộc sống của người Việt kém hơn, người không tin người, ra đường như ra trận, chất lượng cuộc sống thấp, đặc biệt sự an toàn trong cuộc sống đã xuống quá thấp.
Cách đây vài năm, người dân đâu có ngại thức ăn mà giờ tất cả trở thành ma trận thực phẩm bẩn độc với rau tắm hoá chất, thịt thối, các chất bảo quản… Những gì người ta cho súc vật ăn nay người ta đều làm cho đồng loại ăn. Bởi không ăn thì chết liền mà không ăn thì chết từ từ nên đành nhắm mắt mà ăn.
PV: – Dù bị đánh giá đang thua ở top các nước có chất lượng sống thấp nhất thế giới song trong nhiều cuộc khảo sát về mức độ hạnh phúc hay lạc quan, người Việt Nam luôn xếp hàng đầu thế giới. Phải hiểu điều này như thế nào?
Trong việc nâng cao chất lượng sống, phẩm chất lạc quan bẩm sinh của người dân có giúp ích cho việc điều hành chính sách hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: – Trước đây, học giả Phạm Quỳnh có viết bài Cười vì cái gì người dân mình cũng cười, cười vui vẻ, cười hả hê bất chấp nghèo đói, lạc hậu.
Đôi khi họ tự huyễn hoặc rằng: Nói gì thì nói bây giờ mình khá hơn ông cha mình rồi, có TV, iPad, iPhone… Họ tự so sánh với ông cha mình chứ không so sánh với người hàng xóm, thành ra họ vẫn lạc quan, miễn là năm sau cao hơn năm trước, dù người ta tăng 5-10%/năm còn mình tăng 1%/năm cũng vui rồi.
Tính lạc quan của người Việt rất cao nên nhiều người vẫn sống hạnh phúc. Bởi thế, cứ nói đất nước có chất lượng sống kém nhưng thử kêu ai qua Lào, Campuchia sống chưa chắc người ta đã qua.
Như tôi bây giờ sống thế này, dù chê bai vậy nhưng bảo tôi qua Mỹ, qua Úc sống thì tôi không qua bởi ở Việt Nam vui hơn, có những cái phù hợp với nếp sống, tính tình, phong cách sống của tôi hơn.
Người Việt Nam lạc quan ở chỗ họ chấp nhận những gì họ có, giống như câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài Chữ Nhàn: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc/Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn).
Do đó, vấn đề người ta chọn ở lại không phải vì chất lượng cuộc sống mà vì không gian sống, nếp sống có phù hợp không bởi nơi phù hợp luôn là nơi tốt nhất.
Tuy nhiên, việc chấp nhận hiện tại trở thành một sức ỳ rất lớn, cản trở sự phát triển. Nó xuất phát từ hai yếu tố: văn hoá lâu đời và xã hội không mở cửa. Người Việt có câu cửa miệng rất độc đáo: Thôi kệ!
Chữ Thôi kệ có phần an phận, chấp nhận số phận giống như một kiếp mình phải trả, nó khiến người Việt lạc quan và bình thản trước mọi sự việc, kể cả lạc quan trước sự bất công, nghèo đói, tụt hậu của dân tộc, không thấy đó là nỗi nhục để vươn lên. Đấy là một nhược điểm lớn của người Việt!
Cần có cuộc vận động từ chính quyền, đoàn thể, tổ chức để nâng cao dân trí, dân khí lên, để mỗi người dân thoát khỏi sức ỳ của chính mình mà nhìn xa hơn và cảm nhận mình quá thua thiệt, thấy nghèo đói, tụt hậu là nỗi nhục và cần phải thay đổi một cách nhanh chóng.
THEO BÁO ĐẤT VIỆT
Nhận xét
Đăng nhận xét