EU cảnh báo về trưng cầu dân ý ở Hy Lạp
Theo BBC
30 tháng 6 2015
Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo Hy Lạp rằng nước này có thể sẽ phải rời khỏi khu vực đồng euro nếu bác bỏ đề xuất mới của các chủ nợ thông qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.
Cuộc trưng cầu dân ý sẽ yêu cầu người dân Hy Lạp trả lời 'Có' hoặc 'Không' trước điều kiện của các chủ nợ.Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nói cử tri Hy Lạp sẽ chọn liệu nước này có "ở lại trong khu vực euro hay không".
Thủ tướng Hy Lạp đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu 'Không', nhưng lại khẳng định ông muốn Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro.
Đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ đã đổ vỡ hồi tuần trước, khiến các ngân hàng nước này phải tạm đóng cửa.
Thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã giảm điểm mạnh hôm 29/6.
Cũng như ông Gabriel, lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn còn lại của khu vực đồng euro nói cử tri Hy Lạp sẽ xác định liệu nước này có ở lại khu vực đồng euro hay không vào ngày 5/7.
Thủ tướng Ý Matteo Ranzi nói người dân Hy Lạp sẽ phải lựa chọn giữa đồng drachma hay đồng euro, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói "điều tối quan trọng hiện nay là ... biết được liệu Hy Lạp có muốn ở lại khu vực đồng euro hay không".
Phát biểu trên sóng truyền hình Hy Lạp sáng 29/6, ông Tsipras thúc giục người dân Hy Lạp bỏ phiếu 'Không' vào ngày 5/7 để giúp chính phủ của ông có một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.
Ông nói chính phủ của ông muốn "tiếp tục muốn ở lại trong khuôn khổ châu Âu", nhưng với điều kiện phải "có thêm sự công bằng".
"Họ sẽ không đẩy chúng ta ra khỏi khu vực đồng euro vì thiệt hại sẽ rất lớn," ông nói.
Ông Tsipras đã ra dấu sẽ từ chức nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý là 'Có'.
"Nếu người dân Hy Lạp muốn tiếp tục với các kế hoạch thắt lưng buộc bụng, vốn sẽ khiến chúng ta không thể ngẩng đầu ... Chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định này, nhưng sẽ không phải là người thực hiện điều đó," ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro sẽ gây ra hậu quả "đau đớn", và Anh quốc không nên xem nhẹ những tác động liên đới, dù nước này nằm ngoài khu vực đồng euro.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói ông cảm thấy "bị phản bội" bởi sự "tự cao" của Hy Lạp trong cuộc đàm phán nhằm giải ngân gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp.
Ông nói các đề xuất của Hy Lạp đã bị "trì hoãn" hoặc "cố tình sửa đổi", nhưng cũng nói thêm rằng cánh cửa đối thoại vẫn còn mở.
Bất chấp những lời qua tiếng lại trong thời gian qua, một quan chức Hy Lạp nói ông Tsipras đã thảo luận với ông Juncker hôm 26/6 và đề nghị ông gia hạn gói cứu trợ đến ngày trưng cầu dân ý.
Hy Lạp phải hoàn tất trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6, đúng ngày gói cứu trợ hiện nay hết hạn.
Ông Juncker nói ông vẫn tin rằng Hy Lạp sẽ không rời khỏi khu vực đồng euro, đồng thời khẳng định đề xuất mới nhất của các chủ nợ là nhằm mục tiêu mang lại sự công bằng trong xã hội.
Hôm 27/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định không gia hạn khoản cứu trợ tài chính khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, sau khi đối thoại đổ vỡ.
Trần cứu trợ khẩn cấp của ECB hiện là 89 tỷ euro. Toàn bộ khoản tiền này được cho là đã giải ngân.
Trước quyết định của ECB, Hy Lạp công bố các ngân hàng của nước này sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 6/7.
Các phương tiện giao thông công cộng tại khu vực Athens sẽ miễn phí trong một tuần, trong lúc các ngân hàng đóng cửa, chính phủ nước này thông báo.
Tối ngày 29/6, hãng đánh giá tín dụng Fitch cho biết đã hạ mức tín nhiệm của bốn ngân hàng Hy Lạp, Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp, Piraeus Bank, Eurobank Ergasias và Alpha Bank, xuống mức 'vỡ nợ có giới hạn'.
Đồng euro đã giảm 2% giá trị so với đồng đôla hôm 29/6, trước khi phục hồi một phần. Sàn giao dịch chứng khoán tại Athens cũng bị đóng cửa.
Nhận xét
Đăng nhận xét