Điểm báo Pháp ngày 30-6-2015

media

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau khi hội kiếntổng thống Pháp François Hollande tại điện Elysée ngày 30/06/2015.Reuters
 
 
Theo RFI

ngày 30-06-2015 16:59      

Lý Khắc Cường dưới bóng của nhân vật số 1 Trung Quốc

 
Thủ tướng Lý Khắc Cường bắt đầu chuyến công du Pháp từ hôm qua, sau khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc. Sáng nay, thủ tướng Lý Khắc Cường được thủ tướng nước chủ nhà tiếp đón tại điện Invalides và ăn trưa với tổng thống François Hollande. Chưa bao giờ một người đứng đầu chính phủ Trung Quốc lại được long trọng tiếp đón như vậy tại Pháp. Tờ Le Monde phác họa chân dung nhân vật số hai của Trung Quốc trong bài : « Thủ tướng Lý Khắc Cường dưới bóng của nhân vật số 1 Trung Quốc ».
Bài báo dẫn lại một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết lễ đón tiếp được tiến hành gần như đón một nguyên thủ quốc gia. Thực vậy, dù bị cái bóng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đè nặng từ khi cả hai nhậm chức từ tháng 03/2013, thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn đóng một vai trò chủ đạo trong công cuộc hiện đại hóa nền công nghiệp Trung Quốc và chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này ra ngoài thế giới. Đây là cả hai lĩnh vực mà Pháp quyết tâm tham gia.
Nổi tiếng là người nồng nhiệt và trực tiếp hơn chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường xông xáo trên nhiều mặt trận : chống tham nhũng, chống quan liêu, hay trì trệ trong các thủ tục hành chính. Điều này được thể hiện qua câu chuyện xảy ra vào tháng Năm vừa qua : ông phẫn nộ khi thấy một công dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cần phải có một giấy chứng nhận rằng : « Mẹ của người đó phải đúng là bà ấy ». Ông phát biểu : « Tại sao các phòng ban hành chính lại có thể đưa ra nhiều thủ tục nhiêu khê với dân thường như vậy ? ». Ngoài ra, ông cũng quan tâm tới giá điện thoại quá cao hay đơn giản hóa thủ tục hành chính để phát triển các doanh nghiệp nhỏ (start-up).
Vào năm 2014, khi các nhà bình luận chính trị quốc tế thiên về khả năng ông Lý Khắc Cường sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ hai sau năm 2017, chiến lược chống tình trạng quan liêu của chủ nghĩa cộng sản đã nhận được tiếng vang từ công chúng. Đây là dấu hiệu cho thấy ông trau chuốt hình ảnh một nhà cải cách trong sạch, trái ngược với người anh trai của ông từ lâu là một trong những nhà quản lý thuộc lĩnh vực kinh doanh thuốc lá độc quyền của Nhà nước. Thủ tướng Lý Khắc Cường được tín nhiệm hơn sau khi kiểm soát được bong bóng bất động sản.
Ông xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức mà từ đó cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gây dựng được quyền lực của mình. Ban đầu, ông Lý Khắc Cường được dự định để nắm giữ cương vị quan trọng nhất của nhà nước Trung Quốc, song ông đã bị « hoàng tử đỏ » Tập Cận Bình vượt qua. Sau hai năm cùng điều hành đất nước, hơn bao giờ hết, thủ tướng Lý Khắc Cường giữ hình ảnh một nhà thực thi những định hướng tư tưởng và an ninh của đất nước được chủ tịch Tập Cận Bình đề ra. Theo một nhà quan sát Trung Quốc, lãnh đạo chính phủ Bắc Kinh đã « đặt đảng là trọng tâm » và hành xử như là « chủ sở hữu gia sản ». Trong khi đó, những người tiền nhiệm chỉ là những « quản gia ».
Tuy nhiên, thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn tỏ ra bất lực trước sự đàn áp mạnh mẽ hơn và được tổ chức một cách hệ thống hơn dưới sự quản lý của ông Tập Cận Bình đối với những người sử dụng Internet và những nhà hoạt động xã hội dân sự, trong đó phải kể tới các luật sư.
Có bằng tiến sĩ Kinh tế tại đại học Bắc Kinh và một bằng cử nhân Luật, có lẽ ông là người có bằng cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, theo nhà ly khai Vương Cẩm Đào (Wang Juntao), hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ, ông Lý Khắc Cường lại có trong tay « ít phương tiện hành động, về mặt chính trị, nhân sự hay thể chế » để đối mặt với một Tập Cận Bình luôn tìm cách « tái xây dựng hệ thống Nhà nước độc đảng và kiểm soát mọi lĩnh vực ».
Vẫn theo nhà ly khai này, « Lý Khắc Cường không phải là một chính trị gia có nhiều quyền. Ông sẽ theo Tập Cận Bình, dù người đứng đầu nhà nước có đưa ra những quyết định như nào đi chăng nữa. Nhưng trong thâm tâm, ông luôn nghĩ mình là người phản đối gay gắt nhất mô hình chính trị này ».
Pháp nỗ lực thu hút đầu tư Trung Quốc
Chuyến công du ba ngày tại Pháp của thủ tướng Lý Khắc Cường là cơ hội cho Pháp « sửa chữa » sự chậm trễ và đuổi kịp các quốc gia Châu Âu khác trong cuộc đua thu hút đầu tư Trung Quốc. Đây là thông tin được tờ Le Figaro phản ánh dưới tựa đề : « Pháp tăng cường nỗ lực để thu hút đầu tư Trung Quốc ». Còn nhật báo kinh tế Les Echos đăng tin : « Thủ tướng Trung Quốc công du để gia tăng đầu tư vào Pháp ».
Tờ Les Echos nhận định, thủ tướng Lý Khắc Cường tới Pháp cùng với 200 doanh nghiệp Trung Quốc, vì nhu cầu trong nước đã thay đổi. Trong khi đó, đầu tư vào khu vực đồng euro đang trong thời kỳ thoát khỏi khủng hoảng sẽ thu về được lợi nhuận nhanh hơn. Ngoài ra, còn phải tính tới việc đồng euro giảm giá và cuộc khủng hoảng cũng là những điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Đầu tư vào Pháp rơi vào đúng thời điểm khi Paris liên tục đưa ra nhiều động thái tích cực để thu hút nguồn vốn Trung Quốc.
Tờ Le Figaro nhận định, thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có cảm giác như đang ở nhà khi đặt chân tới sân bay Toulouse-Blagnac vào thứ Năm tới, vì 49,9% vốn của sân bay này thuộc quyền sở hữu của một tổ hợp do chính quyền tỉnh Sơn Đông quản lý. Chính phủ Pháp hy vọng, sau chuyến thăm cơ sở sản xuất máy bay Airbus, sẽ ký được một hợp đồng bán cho Trung Quốc khoảng 50-70 chiếc máy bay Airbus A330, với tổng trị giá lên tới 16 tỉ đô la.
Cả tổng thống François Hollande và thủ tướng Manuel Valls sẽ cố gắng để có thể đạt được các thỏa thuận về nguyên tử. Trong khi lĩnh vực này đang rơi vào khủng hoảng tại Pháp, thì Trung Quốc công bố nhiều dự án đầy tham vọng mới trong những tháng gần đây. Tháng Năm vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một lò phản ứng thế hệ thứ ba hoàn toàn do quốc gia này thiết kế, với tham vọng sẽ xuất khẩu ra thế giới.
Theo một bản tổng kết của Baker & Mackenzie, công bố hồi tháng Hai vừa qua, năm 2014, Pháp không nằm trong danh sách 5 nước Châu Âu thu hút được đầu tư Trung Quốc. Vì vậy, chính phủ Pháp cần phải khẩn trương. Các sân bay không còn được coi là những khu « chiến lược », Paris đang tính đến những hợp đồng chuyển nhượng khác, liên quan tới kho cảng, bến bãi, theo mô hình chuyển nhượng như trường hợp sân bay Toulouse-Blagnac.
Vì hiện nay các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba đang tìm kiếm kho bãi để nhập hàng từ Châu Âu về Trung Quốc. Cũng vì mục đích thông thương và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông-vận tải nối liền hai châu lục Á-Âu, mà dự án « Con đường Tơ lụa Mới » được hình thành. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ dừng chân ở Marseille để thăm tòa tháp trụ sở của hãng vận tải biển CMA-CGM, hiện đang nắm giữ gần 10% thị trường vận tải container tại Trung Quốc.
Một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tại Bắc Kinh nhận định : « Đầu tư vào Châu Âu cho phép Trung Quốc khẳng định vị thế cường quốc kinh tế mới, tiếp thu được công nghệ, đồng thời cải thiện quan hệ với các chính phủ ». Tuy nhiên, Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào các dự án cho phép nước này tiếp nhận một công nghệ hay một nhãn hiệu, như trường hợp công ty Phục Tinh (Fosun) mua lại 7% câu lạc bộ Club Med của Pháp, hơn là đầu tư liều lĩnh.
Gián điệp kinh tế của Mỹ
Kết hợp với WikiLeaks, nhật báo Libération và trang Mediapart phát giác cơ quan NSA của Mỹ đã theo dõi lợi ích thương mại của Pháp ngay từ năm 2002 như thế nào. Chủ đề này chiếm trọn trên trang nhất của tờ Libération, với dòng tựa : « Ngành kinh doanh khác của NSA ».
Những tài liệu mới được công bố cho thấy, sau các vụ gián điệp chính trị, nước Pháp cũng bị chính quyền Hoa Kỳ theo dõi về mặt kinh tế, đặc biệt mọi hợp đồng kinh tế có quy mô lớn.
Năm bản báo cáo của cơ quan NSA cho thấy các nhà lãnh đạo và ngoại giao Pháp đã bị nghe lén từ năm 2004-2012, trong đó có cả Pierre Moscovici và François Baroin, khi hai nhân vật này nắm chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Công việc này nhằm phục vụ chiến lược có tên gọi : « Nước Pháp : phát triển kinh tế », với các mục tiêu hàng đầu như : thu thập mọi thông tin liên quan tới các phương thức kinh doanh của Pháp, mối quan hệ giữa Paris và các định chế tài chính quốc tế, cách tiếp cận các vấn đề liên quan tới khối G8 và G20, hay các hợp đồng nước ngoài có quy mô lớn liên quan tới Pháp.
Điểm cuối này có vẻ là một trong những điểm nhạy cảm nhất. Một hồ sơ nhỏ có tên « Hợp đồng nước ngoài-Nghiên cứu khả năng thực thi-Đàm phán » nhằm thu thập mọi thông tin về các hợp đồng lớn liên quan tới các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt là những tập đoàn có vốn trên 200 triệu đô la. Những công bố này có nguy cơ dội thêm gáo nước lạnh vào quá trình đàm phán xung quanh hiệp ước tự do trao đổi giữa Châu Âu và Hoa Kỳ (Tafta), mà vòng đàm phán tới sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 7 tại Bruxelles.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực chiến lược khác cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan NSA, như công nghệ thông tin, điện lực, khí đốt, dầu mỏ, nguyên tử, vận tải, công nghệ sinh học… Các cơ quan hành chính trọng tâm của Mỹ cùng chia sẻ những thông tin thu thập được, như Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Cơ quan tình báo Quốc phòng, Cục dự trữ liên bang, Bộ Tài chính…
Hy Lạp-Châu Âu : câu chuyện chưa hồi kết
Khủng hoảng nợ Hy Lạp là chủ đề chính trên các trang nhất của các báo Pháp. Thứ Sáu tuần trước, thủ tướng Tsipras thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về những yêu cầu cải cách do các chủ nợ yêu cầu, các cuộc đàm phán với Hy Lạp đều tạm ngưng. Viễn cảnh Hy Lạp rút khỏi eurozone chưa bao giờ lại rõ như vậy.
Tờ Le Monde dành toàn bộ chuyên trang « Kinh tế và Doanh nghiệp » để phản ánh cuộc thương lượng giữa Hy Lạp và các chủ nợ rơi vào ngõ cụt. Ngoài ra, bài báo : « Dân Hy Lạp bị chia rẽ về cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 05/07 tới », nhận định đa số người Hy Lạp hoan nghênh bước ngoặt dân chủ này. Số còn lại thì nghi ngờ rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ khiến nền kinh tế Hy Lạp suy thoái hơn. Một bên sẽ bỏ phiếu « Không » với những đề xuất thỏa thuận của các chủ nợ. Athens cảnh báo người dân Hy Lạp sẽ phải chịu thêm một đợt « thắt lưng buộc bụng » mới, chỉ khiến tình trạng nghèo khổ thêm trầm trọng hơn. Bên nói « Thuận » với thỏa thuận thì cho rằng, nếu từ chối thỏa thuận này, đất nước có thể phải rút khỏi khu vực đồng euro.
Trong khi đó, theo nhật báo Les Echos : « Các nhà lãnh đạo Châu Âu muốn khuyến khích người dân Hy Lạp bỏ phiếu thuận » Le Figaro chia sẻ nhận định trên khi cho rằng các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu muốn tin rằng phiếu thuận sẽ chiến thắng và đang gây áp lực cho hướng này.
Thanh niên Tunisia bị Hồi giáo cực đoan quyến rũ
Vụ tấn công khủng bố vào một khách sạn tại Sousse, Tunisia, do một sinh viên 23 tuổi tiến hành, cùng với một vụ tấn công khác, xảy ra hồi tháng Ba vừa qua, chứng minh nhiều thanh niên Tunisia ngày càng cực đoan. Họ là nguồn quân thánh chiến nước ngoài lớn nhất tại Irak và Syria. Đây là chủ đề được báo La Croix đề cập trong bài : « Thanh niên Tunisia bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan quyến rũ ».
Theo chính quyền, hiện có khoảng 3.000 người đang tham gia hàng ngũ thánh chiến tại hai nước trên. Họ không chỉ xuất thân ở những khu phố bình dân, mà rất nhiều người là thần tượng của giới trẻ, từ ca sĩ nhạc rap tới vận động viên chuyên nghiệp.
Nguyên nhân chính là do thanh niên tại đây không có tương lai. 70% dân số là người trẻ dưới 40 tuổi, song phải đối mặt với thất nghiệp, tình cảnh bấp bênh… Trong khi đó, những kẻ thánh chiến sử dụng những bài ca tôn giáo để khuyến khích thanh niên ra đi. Đối tượng của chúng là những thanh thiếu niên trong độ tuổi 16-27.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?