Đi nước cờ quân sự táo bạo, Nhật khiến TQ "điếng người"
Nhật Bản được cho là đang thể hiện sự quan tâm đối với việc mua thêm nhiều chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 của tập đoàn Lockheed Martin, đặc biệt là những chiếc F-35B phiên bản kiểu máy bay cất cánh đường bay ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) chuyên dùng trên các tàu sân bay. Đồng thời, có tin Nhật Bản có khả năng chuyển các chiến hạm khổng lồ của họ thành tàu sân bay để có thể tiếp nhận những chiếc F-35B. Thông tin trên khiến Trung Quốc cực kỳ lo ngại và ngay lập tức có lời cảnh báo.
Báo chí địa phương hôm qua (26/12) đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét khả năng mua một loạt chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35B Lightning của Mỹ - loại máy bay hoàn hảo để dùng trên tàu sân bay. Theo một nguồn tin khác, những chiếc tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản có thể được thay đổi để thích ứng với những chiếc F-35B.
Hồi năm 2011, Nhật Bản đã thông báo mua đến 42 chiếc chiến đấu cơ F-35A. Hầu hết trong số này sẽ được hãng Mitsubishi sản xuất. F-35A có cơ chế hạ cánh thông thường trong khi phiên bản F-35B có khả năng cất cánh trên đường bay ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Tập đoàn Lockheed Martin miêu tả F-35B là loại chiến đấu cơ "được thiết kế để cất cánh từ những căn cứ có điều kiện hạn chế hay từ những chiến hạm kiểu tàu sân bay được đóng gần các khu vực chiến tuyến. Chiến đấu cơ F-35B cũng có thể cất cánh và hạ cánh một cách thông thường ở những đường băng dài hơn trong các căn cứ quân sự lớn.
Điều 9 trong Hiến pháp thời hậu chiến tranh của Nhật Bản cấm nước này duy trì một lực lượng quân sự tấn công và tàu sân bay thường được xem là một vũ khí tấn công. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) sở hữu trong tay một nhóm 4 “tàu khu trục trực thăng” - loại tàu trông rất giống với những tàu sân bay nhỏ và có những chức năng tương tự như tàu sân bay thời chiến tranh.
Tokyo lập luận rằng, các tàu “sân bay trực thăng” của họ chỉ là vũ khí phòng thủ bởi chúng không được trang bị chiến đấu cơ tấn công như máy bay tấn công hay máy bay ném bom chiến lược. Tàu lớp Izumo khổng lồ của Nhật Bản có thể mang tới 14 chiếc trực thăng. Nhật Bản tiếp nhận chiếc tàu thứ hai lớp này vào đầu năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố, họ sẽ “liên tục kiểm tra năng lực phòng thủ từ nhiều khía cạnh khác nhau”. Khi được hỏi liệu Tokyo có bất kỳ kế hoạch nào để thay đổi một chiếc tàu Izumo thành tàu sân bay được trang bị máy bay tấn công hay không, Bộ trưởng Onodera đã phủ nhận, khẳng định không có bất kỳ “nỗ lực cụ thể nào” liên quan đến kế hoạch nói trên.
Động thái tăng cường sức mạnh quân sự một cách mạnh mẽ và cấp tập của Nhật Bản diễn ra song song với thời điểm Trung Quốc đang ngày càng nổi lên một cách đáng lo ngại trong khu vực. Bắc Kinh được cho là đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 10 tỉ USD năm 1997 lên con số chóng mặt 150 tỉ USD vào 20 năm sau đó – năm 2017. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang có cuộc tranh chấp quyết liệt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Tokyo cũng thấp thỏm lo âu về mối đe dọa ngày càng tăng lên từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa rơi xuống lãnh hải của Nhật Bản và thậm chí bay qua không phận Nhật Bản.
Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng cảnh báo
Thông tin về bước đi quân sự táo bạo mới nhất của Nhật Bản đã khiến nước láng giềng Trung Quốc đặc biệt quan ngại. Điều này được thể hiện qua việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức tung ra cảnh báo với Nhật Bản, nói rằng Tokyo nên “hành động thận trọng”.
Phát biểu trong một cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua (26/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho rằng, Tokyo nên thực hiện hòa bình “thông qua hành động”, ám chỉ đến thông tin về việc Nhật Bản có ý định cải tổ tàu Izumo thành tàu sân bay được trang bị những chiếc chiến đấu cơ tối tân F-35B.
"Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản hãy nỗ lực nhiều hơn để giúp tăng cường sự tin tưởng chung lẫn nhau giữa hai nước cũng như củng cố hòa bình và sự ổn định trong khu vực", bà Hua nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm, vì “những lý do lịch sử”, các nước láng giềng Châu Á của Nhật Bản đang rất quan ngại về “xu hướng an ninh quân sự của Nhật Bản”. Bà Hua đã lên tiếng thể hiện sự phản đối đối với các hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Bất kỳ động thái nào nhằm biến đổi các chiến hạm của Nhật Bản thành tàu sân bay có thể vi phạm Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, bà Hua nói, ám chỉ đến điều khoản cấm Tokyo sở hữu “tàu sân bay tấn công”.
Nhận xét
Đăng nhận xét