Tin khắp nơi – 30/12/2017

Tin khắp nơi – 30/12/2017

Năm điều thú vị từ kỳ nghỉ Giáng sinh của TT Trump

1. Vị tổng thống Mỹ có tâm trạng tự tin
Trước khi ông Trump bay đi Florida, Quốc hội Mỹ phê chuẩn một điều luật mà ông Trump gọi là “lần giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.”
Hôm thứ Năm 28/12, ông viết trên Twitter kết quả một cuộc trưng cầu cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đang tăng lên.
Cũng trong cùng ngày, ông bất ngờ cho tờ the New York Times phỏng vấn 30 phút. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong phòng ăn của một câu lạc bộ golf, sau khi ông Trump chơi một trận golf với con trai Eric và tay chơi golf chuyên nghiệp Jim Herman.
“Ông ấy rất tự hào về luật [cải cách] thuế,” nhà báo Michael Schmidt của the New York Times, người phỏng vấn ông Trump, nói.
“Chúng tôi sẽ thắng cử tiếp bốn năm nữa về nhiều lý do, mà quan trọng nhất là vì đất nước chúng ta tăng trưởng tốt trở lại.”TT Donald Trump
Ông Trump cũng nói cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sẽ “công bằng”.
Ông cũng tự tin mình sẽ thắng cử nhiệm kỳ tiếp theo. “Chúng tôi sẽ thắng cử tiếp bốn năm nữa về nhiều lý do, mà quan trọng nhất là vì đất nước chúng ta tăng trưởng tốt trở lại,” ông nói.
2. Thua bà Hillary về phiếu phổ thông vẫn còn ‘đau’
Ngay sau khi bắt đầu cuộc phỏng vấn với the New York Times, Tổng thống Trump chuyển chủ đề sang kỳ bầu cử 2016.
Mặc dù thắng cử phiếu đại cử tri, ông Trump chỉ nhận được 3 triệu phiếu phổ thông ít hơn so với bà Hillary Clinton.
“Tôi thắng vì tôi đã vận động tranh cử tốt và bà ấy thì không,” ông Trump nói. “Bà ấy vận động cho phiếu phổ thông. Tôi vận động cho phiếu đại cử tri.”
3. Ông Trump sẵn sàng thương lượng trong năm 2018
Hôm thứ Sáu 29/12, ông Trump viết trên Twitter về một thỏa thuận ông sẵn sàng có với phe Dân chủ.
Nếu họ ủng hộ xây tường trên biên giới Mexico, và cải cách về nhập cư, ông có thể đàm phán về DACA, một chương trình từ thời ông Obama nhằm bảo vệ người nhập cư vào Mỹ trái phép khi còn là trẻ em.
Nhưng khi nói về “thương lượng” không chính thức của ông với Trung Quốc, ông Trump ngụ ý ông đã hết kiên trì.
“Trung Quốc, về mặt thương mại, đã làm thiệt hại cho đất nước này hơn bất cứ yếu tố nào trong lịch sử thế giới đã gây thiệt hại,” ông nói.
Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Trước đây, ông Trump từng ngỏ ý muốn thực hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch – như đánh thuế cao hơn vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
4. Ông Trump đã có lần cho một tay chơi golf 50.000 USD
Ông Jim Herman, tay chơi golf chuyên nghiệp, người chơi cùng ông Trump ở Florida tuần này, đã từng làm việc tại sân golf của ông Trump ở Bedminster, New Jersey.
Vào khoảng năm 2007, ông Trump khuyến khích Herman cố gắng vào tham gia giải golf chuyên nghiệp PGA Tour.
Ông nói với tờ the New York Times rằng ông đã cho ông Herman 50.000 USD để giúp ông đủ tiêu chuẩn tham gia giải này, và ông Herman cho biết từ đó ông đã kiếm được khoảng 3 triệu USD khi tham gia giải.
“[3 triệu USD] đối với ông ấy cũng giống như một tỷ vì ông ấy chẳng tiêu tiền vào điều gì cả,” ông Trump nói. “Đây là câu chuyện thật tuyệt phải không?”
[3 triệu USD] đối với ông ấy cũng giống như một tỷ vì ông ấy chẳng tiêu tiền vào điều gì cả. Đây là câu chuyện thật tuyệt phải không?TT Donald Trump
5. ‘Tay nghề’ golf của chính ông Trump bị ảnh hưởng
Sau khi chuyện trò với nhà báo Michael Schmidt, vị tổng thống tự hào chỉ vào một tấm biển trên tường ở câu lạc bộ golf.
Tấm biển ghi lại “vài” chiến thắng của ông Trump tại giải đấu hàng năm của sân golf này.
Tuy nhiên, khi được hỏi ông có thể đánh bóng xa bao nhiêu, vị tổng thống 71 tuổi khiêm tốn trả lời: “Tầm đánh bóng của tôi mỗi năm lại ngắn hơn,”

IS tự nhận đánh bom siêu thị St Petersburg

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố là thủ phạm vụ đánh bom một siêu thị ở St Petersburg hôm thứ Tư, làm bị thương ít nhất 13 người.
IS đăng tin trên trang Amaq của họ, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó gọi vụ nổ là hành động khủng bố.
Nó xảy ra sau khi ông ký một đạo luật tăng hình phạt cho tội tuyển mộ khủng bố.
IS đã tuyển mộ hàng ngàn tay súng từ Nga và các nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Việc Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria được cho là khiến Nga trở thành mục tiêu của IS và các nhóm dân quân khác.
Giới chức Nga đã mô tả quả bom là thiết bị tự chế tạo ra vụ nổ tương đương 200g TNT.
Theo truyền thông Nga, bom được giấu trong tủ để đồ của khách hàng vào siêu thị.
Đầu tháng này, tổng thống Nga và Mỹ vừa nói chuyện qua phone sau khi CIA cung cấp thông tin giúp Nga chặn một vụ tấn công vào nhà thờ Kazan ở St Petersburg.
Hồi tháng Tư, vụ nổ ở tàu điện ngầm St Petersburg giết chết ít nhất 13 người, làm bị thương hơn 50.
Luật mới do ông Putin ký tăng hình phạt tối đa cho tội tuyển mộ khủng bố lên từ 10 năm thành tù chung thân.

Mỹ ‘quan tâm biểu tình ôn hòa’ ở Iran

Nhà Trắng tuyên bố “thế giới đang theo dõi” cách chính quyền Iran phản ứng trước các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố.
Tuyên bố của Mỹ nói người dân Iran đã chán ngán vì “tham nhũng của chính thể và việc lãng phí của cải để tài trợ khủng bố”.
Thông cáo ngày 29/12 của Bộ ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi đang theo dõi tin tức về các vụ biểu tình ôn hòa của công dân Iran tại nhiều thành phố.”
“Như Tổng thống Trump đã nói, các nạn nhân lâu dài nhất của lãnh đạo Iran là người dân của họ.”
Tin tức nói hàng ngàn người đã tham gia biểu tình ở Kermanshah, Rasht, Isfahan và Qom.
Biểu tình lan tới thủ đô Tehran hôm thứ Sáu.
Đây là đợt bày tỏ phản đối lớn nhất kể từ năm 2009.
Phó tổng thống thứ nhất Eshaq Jahangiri cho rằng phe chống chính phủ đứng đằng sau biểu tình.
Ông nói: “Một số vụ là do vấn đề kinh tế, nhưng có vẻ còn có điều khác đằng sau.”
Đợt biểu tình khởi đầu từ thành phố đông dân thứ hai, Mashhad, hôm thứ Năm.
Người dân ở đó xuống đường phản đối giá cả tăng cao.
Các vụ phản đối lan ra ở các thành phố vùng đông bắc.
Một số vụ mở rộng sang phản đối chính quyền, đòi trả tự do cho tù chính trị.
Các cuộc biểu tình ban đầu là về kinh tế và tham nhũng, nhưng có vẻ đã chuyển sang chính trị.
Khẩu hiệu hô to không chỉ chống tổng thống Rouhani mà cả Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Con số tham gia được nói là dưới 100 người ở vài nơi, có nơi hàng ngàn.
Nhưng dường như các cuộc biểu tình hiện không diễn ra đến mức đông đảo.

Triều Tiên: không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân

nếu Mỹ vẫn đe dọa

Triều Tiên hôm 30/12 tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình chừng nào Hoa Kỳ và các đồng minh còn tiếp tục “hăm dọa và tập trận” ở ngay trước ngưỡng cửa của Triều Tiên.
Hãng thông tấn chính thức KCNA của đất nước bị cô lập đã tường thuật về lập trường thường lặp đi lặp lại của quốc gia cộng sản. Hãng KCNA cũng điểm lại các cuộc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này trong năm nay.
Mỹ và Hàn Quốc lâu nay vẫn nói họ sẽ không đàm phán với CHDCND Triều Tiên trừ khi nước này sẵn sàng thảo luận về việc hạn chế vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của họ.
Trong bài tường thuật của mình, KCNA nói Triều Tiên đã tiến hành các bước để “tăng cường khả năng tự vệ và tấn công phủ đầu với lực lượng hạt nhân” trước “mối đe dọa hạt nhân, những lời hăm dọa và các cuộc tập trận” liên tục của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh.
KCNA cáo buộc Tổng thống Trump sử dụng các chính sách thù địch chưa từng có đối với Triều Tiên và đe dọa nước này khi đề cập đến việc tấn công phủ đầu. Hãng thông tấn mô tả Triều Tiên là “một quốc gia có tầm chiến lược và là cường quốc hạt nhân mới không thể phủ nhận”.
“Đừng trông đợi có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của đất nước. Đất nước với tư cách là một cường quốc bất khả chiến bại không thể bị suy yếu cũng như không thể bị đè bẹp”, KCNA nói.
Hôm 29/12, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết ông nghĩ rằng thế giới sẽ “gia tăng áp lực” lên Triều Tiên trong những tháng tới.
(theo Fox News, IBTimes)

TT Putin mong có “đối thoại Nga-Mỹ mang tính xây dựng”

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Trump trong bức thư dịp nghỉ lễ hôm 30/12 rằng hy vọng trong năm mới của ông là Nga và Hoa Kỳ sẽ có đối thoại xây dựng hơn trong năm 2018.
Theo tin của hãng AP, ông Putin nói với ông Trump qua thư rằng hai nước nên phát triển “sự hợp tác thực dụng nhằm mục tiêu dài hạn” trên cơ sở “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga đã trở nên xấu đi do những lời cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, cũng như do việc Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine.
Hai ông Putin và Trump đã đối thoại với nhau nhiều trong năm 2017, kể cả một lần hồi tháng 11. Cùng tháng đó, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẽ không “tranh cãi” với người đồng nhiệm Nga về vấn đề can thiệp bầu cử.
Ông Trump nói với các phóng viên rằng: “Mỗi lần ông ấy gặp tôi, ông ấy nói, ‘Tôi không làm điều đó’, và tôi thực sự tin rằng khi ông ấy nói với tôi điều đó, ông ấy có ý nghiêm túc”.
“Tôi không thể đứng đó và tranh cãi với ông ấy, thay vào đó tôi muốn ông ấy rời khỏi Syria”, ông Trump nói. “Quý vị thấy đó, Tổng thống Putin nói rất mạnh mẽ, quyết liệt rằng ông ấy không liên quan gì đến việc đó. Không ai muốn sa đà vào tranh luận, tốt hơn là hãy nói về Syria và Ukraine”.
Một phát ngôn viên của điện Kremlin cho biết hồi đầu tuần này rằng Nga đang lo ngại về mối quan hệ ngày càng xấu đi, bao gồm cả khả năng Hoa Kỳ có thêm các biện pháp trừng phạt.
(theo The Hill, NBC News)

TT Trump sa thải Hội đồng về HIV/AIDS

Chính quyền của Tổng thống Trump vừa sa thải các thành viên còn lại của Hội đồng Cố vấn Tổng thống về HIV/AIDS, gọi tắt là PACHA.
Các thành viên hội đồng đã nhận được một bức thư tuần này nói rằng công việc của họ trong hội đồng đã bị chấm dứt, “có hiệu lực ngay lập tức”, theo một bản tin trên tờ Washington Post.
PACHA được thành lập vào năm 1995, thời chính quyền Clinton, để cố vấn cho Tòa Bạch Ốc về các chiến lược và chính sách về HIV.
Sáu trong số các thành viên của hội đồng thất vọng về các hành động của Tòa Bạch Ốc về chính sách y tế và họ đã từ chức hồi tháng 6.
Bà B. Kaye Hayes, giám đốc điều hành của PACHA, nói trong một tuyên bố rằng việc sa thải là một phần trong nỗ lực của Tòa Bạch Ốc “mang lại những tiếng nói mới”.
Một thông báo đăng trong Công báo Liên bang nói rằng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đang tìm kiếm ứng viên cho các vị trí thành viên hội đồng. Các đề cử ứng viên phải được nộp trước ngày 2/1/2018.

AP nói TT Trump

từng cố tiếp xúc Triều Tiên không thành

Hãng tin AP (Associated Press) sáng sớm thứ Bảy, 30/12, loan tin rằng trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cử một “học giả người Mỹ” đi gặp các quan chức Triều Tiên và chuyển đến họ một thông điệp.
Thông điệp nói chính quyền mới của Mỹ đánh giá cao việc Triều Tiên không tiến hành các cuộc thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong gần 4 tháng, và cho rằng điều đó “có thể mang lại một tia hy vọng”, theo tin của AP.
Tuy nhiên, AP cho biết các quan chức Triều Tiên nói rằng việc các cuộc thử không diễn ra không phải là dấu hiệu hoà hoãn và khẳng định ông Kim Jong Un sẽ ra lệnh tiến hành các cuộc thử bất cứ khi nào ông ta muốn. Hai ngày sau, Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung mới, khởi động cho một năm với căng thẳng leo thang.
Trong khi đó, Reuters đưa tin vào tối thứ Sáu, 29/12, rằng “các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất ba lần trong những tháng gần đây bằng cách chuyển giao hàng hoá trên biển”. Reuters cho biết thông tin đó có được từ cho hai nguồn an tin ninh cao cấp của Tây Âu.
Nga là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việc bán dầu và các chế phẩm dầu cho Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của U.N
Những tin tức mới kể trên xuất hiện vào lúc Trung Quốc phủ nhận họ đã giúp cho việc vận chuyển dầu tới Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, một ngày sau khi ông Trump cáo buộc Bắc Kinh làm như vậy.

Trump đòi đưa tường biên giới,

thay đổi visa vào công tác cải tổ di trú

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng ông sẽ không cứu xét khôi phục chương trình di trú đã bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất nếu không có cam kết của phe Dân chủ giúp xây một bức tường biên giới với Mexico và chấm dứt một số chương trình nhập cư nhất định.
Cuộc tranh luận về nhập cư sẽ là một vấn đề then chốt tại Washington vào đầu năm 2018 trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 11.
Vào tháng 9, ông Trump chấm dứt chương trình Hành động Trì Hoãn cho Người nhập cư lúc nhỏ (DACA), vốn bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị trục xuất, những người đã được đưa đến Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn nhỏ. Ông Trump cũng cho Quốc hội tới tháng 3 để đưa ra một giải pháp dài hạn.
Phe Dân chủ đã thúc đẩy để DACA được tiếp tục, nhưng ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, nói rằng chuyện đó sẽ không xảy ra nếu không chấm dứt nhiều chương trình visa khác và xây một bức tường dọc theo biên giới phía nam của Mỹ.
“Phe Dân chủ đã được bảo rồi, và hoàn toàn hiểu rằng, không thể có DACA mà không có BỨC TƯỜNG đang hết sức cần ở biên giới phía nam và CHẤM DỨT tình trạng Di dân Dây chuyền tồi tệ & Hệ thống Di trú Xổ số ngớ ngẩn etc,” ông Trump đăng trên Twitter hôm thứ Sáu.
Các đại diện cho Lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi cho biết họ sẽ không bàn về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông nhưng trông đợi các cuộc đàm phán nghiêm túc sau khi các nhà lập pháp trở lại làm việc tại Washington vào đầu tháng sau.
Thượng viện theo lịch trình sẽ tiếp tục công tác vào ngày 3 tháng 1 trong khi Hạ viện Hoa Kỳ sẽ nghị họp trở lại vào ngày 8 tháng 1.
Ông Trump hứa sẽ xây một bức tường biên giới với khi còn là ứng cử viên tổng thống và vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề này một cách công khai.
Ông cũng kêu gọi đưa ra thêm biện pháp đánh giá “dựa trên thành tích” đối với những người nhận visa của Mỹ.

Mattis trông đợi sự hiện diện dân sự lớn hơn của Mỹ ở Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm thứ Sáu cho biết ông trông đợi sẽ nhìn thấy một sự hiện diện dân sự Mỹ lớn hơn tại Syria, bao gồm các nhà thầu và các nhà ngoại giao, khi cuộc chiến chống lại những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo gần đến hồi kết và trọng tâm chuyển sang việc tái thiết và bảo đảm những kẻ chủ chiến không quay trở lại.
Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Những phát biểu của ông Mattis có phần chắc sẽ khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad tức giận. Ông Assad trước đây gọi quân đội Mỹ là “những kẻ xâm lược bất hợp pháp.”
“Những gì chúng tôi sẽ làm là chuyển từ điều tôi gọi là tiến công, chuyển từ phương sách chiếm đất mang tính tiến công sang ổn định hóa… bạn sẽ thấy nhiều nhà ngoại giao Mỹ trên thực địa hơn,” ông Mattis nói.
Trước đó ông đã nói rằng các lực lượng của Mỹ sẽ ở lại Syria chừng nào các chiến binh Nhà nước Hồi giáo còn muốn chiến đấu và ngăn chặn “ISIS 2.0″ quay trở lại.
Đây là lần đầu tiên ông nói sẽ có sự gia tăng các nhà ngoại giao tại một số nơi ở Syria chiếm lại được từ những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
“Khi bạn đưa vào nhiều nhà ngoại giao hơn, họ sẽ nỗ lực phục hồi các dịch vụ như lúc đầu, họ sẽ mang vào các nhà thầu, đại loại như vậy,” ông nói.
Các nhà thầu và các nhà ngoại giao cũng sẽ xem xét huấn luyện các lực lượng địa phương tháo dỡ các thiết bị nổ tự chế và nắm giữ lãnh thổ để giúp bảo đảm rằng Nhà nước Hồi giáo không tái chiếm lãnh thổ.
“Đó là một nỗ lực để tiến tới sự bình thường và việc này cần nhiều sự hỗ trợ,” ông Mattis nói. Không rõ sẽ có bao nhiêu nhà ngoại giao Mỹ phục vụ ở Syria và khi nào thì bắt đầu. Mỹ đã đình chỉ quan hệ ngoại giao với Syria do cuộc nội chiến.
Lực lượng của ông Assad, được yểm trợ bởi không lực của Nga và dân quân được Iran hậu thuẫn, đã tái lập quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria trong suốt hai năm qua.
Liên minh do Mỹ lãnh đạo chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã nhiều lần nói rằng họ không có chủ đích đánh nhau với lực lượng của ông Assad, mặc dù Washington muốn ông ta từ chức.
Khi được hỏi liệu lực lượng chính phủ Syria có thể làm gián đoạn kế hoạch của Mỹ hay không, ông Mattis nói: “Đó có thể sẽ là một sai lầm.”

Trung Quốc phủ nhận dính líu

tới vụ chuyển dầu cho Triều Tiên

Trung Quốc phủ nhận đã giúp chuyển các lô hàng chứa dầu cho Triều Tiên vi phạm các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh làm như vậy.
“Trung Quốc vẫn luôn thi hành một cách trọn vẹn và nghiêm ngặt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và làm tròn các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi,” phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu. “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép công dân và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các hoạt động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.”
Dù Trung Quốc nhất mực nói rằng các chế tài đang được thi hành, vẫn còn những ngờ vực ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản rằng các lỗ hổng vẫn tiếp tục tồn tại. Và những lời phủ nhận liên tục của Trung Quốc đã không ngăn ông Trump lên Twitter hôm thứ Năm để bày tỏ ông “rất thất vọng là Trung Quốc cho phép dầu vào Triều Tiên.”
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuần trước đã ban hành những chế tài mới nhằm hạn chế sự tiếp cận của Triều Tiên đối với dầu mỏ để đáp lại vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa hồi gần đây của nước này. Vào tháng 11, Triều Tiên phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa mới nhất mà nhiều chuyên gia Mỹ cảnh báo là có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ.
Các chế tài nhắm mục tiêu cấm 90 phần trăm lượng dầu tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng cách giới hạn tối đa 500.000 thùng mỗi năm và hạn chế dầu thô xuất khẩu ở mức 4 triệu thùng mỗi năm.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc trước đó trong ngày thứ Sáu cho biết nước này đã chặn bắt một chiếc tàu treo cờ Hong Kong chuyển dầu sang một tàu của Triều Tiên trong vùng biển quốc tế, bất chấp các chế tài.
Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc đưa tin các quan chức Hàn Quốc nói rằng tàu Lighthouse Winmore đã chuyển “600 tấn dầu tinh chế” sang một chiếc tàu của Triều Tiên vào ngày 19 tháng 10 và rằng nó bị chặn bắt vào ngày 24 tháng 11 khi chiếc tàu này đi vào Cảng Yeosu của Hàn Quốc.
Yonhap cho biết tàu Lighthouse Winmore được thuê bởi một công ty Đài Loan tên là Billions Bunker Group. Cơ quan thông tấn này cho biết tàu khai nơi đến là Đài Loan, nhưng thay vào đó đã “chuyển dầu sang tàu Sam Jong 2 của Triều Tiên, và ba tàu khác không phải của Triều Tiên, trong các vùng biển quốc tế ở Biển Hoa Đông.”
Một phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết công ty này không được thành lập ở Đài Loan.
Chính phủ Hong Kong cho biết họ đang “liên lạc với các bên liên quan Hàn Quốc để có thêm thông tin về vụ việc, và sẽ có hành động thích hợp nếu cần.”
Bà Hoa, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, nói nhà chức trách đã điều tra bản tin nói một tàu không nêu tên của Trung Quốc chuyển dầu sang một tàu của Triều Tiên ở ngoài khơi vào ngày 19 tháng 10 và xác định thông tin này là sai. Bà Hoa cũng nói bà không có thông tin gì về chiếc tàu treo cờ Hong Kong.
Yonhap nói Hàn Quốc đã báo với Mỹ về việc họ “phát hiện một giao dịch phi pháp” liên quan tới tàu Lighthouse Winmore, được cho là nằm trong danh sách các tàu mà chính phủ Mỹ đề nghị đưa vào danh sách đen vì tiến hành hoạt động thương mại bị cấm với Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times hôm thứ Năm, ông Trump đã liên kết chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc với việc hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
“Nếu họ đang giúp giải quyết Triều Tiên, tôi có thể nhìn vấn đề thương mại khác đi một chút, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Và đó là điều gì tôi đang làm, nhưng khi dầu được đưa vào thì tôi không hài lòng về chuyện đó.”

Bước thụt lùi lớn nhất

từ khi HK được trao lại cho Trung Quốc’

Một hiệp hội đại diện cho các luật sư Hồng Kông nói họ bị “sốc về động thái của quốc hội Trung Quốc tiến hành thực thi luật pháp áp dụng ở Hoa lục tại một nhà ga ở đặc khu Hồng Kông. Hiệp hội Luật sư tố cáo hành động này là ‘bước thụt lùi lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc’ hồi năm 1997.
Hiệp hội Luật sư Hồng Kông nói quyết định đó sẽ “phương hại nghiêm trọng” tới niềm tin vào nền tư pháp độc lập tại HK, vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh, được trao lại cho Trung Quốc cách đây 20 năm với lời cam kết HK sẽ được duy trì một mức độ tự trị cao.
Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Tư nói rằng một phần nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc đang được xây ở Hồng Kông sẽ được coi như lãnh thổ đất liền Trung Quốc, và bị chi phối bởi luật lệ áp dụng tại Hoa lục theo một “thỏa thuận hợp tác”.
Các quan chức ở Bắc Kinh và Hồng Kông cho rằng việc lập một chốt kiểm soát di trú chung là điều cần thiết vì sự tiện lợi của hành khách.
Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế”, cho phép đặc khu HK tự điều hành lực lượng cảnh sát, kiểm soát di trú và có một hệ thống tư pháp độc lập theo kiểu Anh, phân biệt giữa luật sư biện hộ với luật sư tư vấn.
Ga xe lửa tốc độ cao sẽ được khánh thành vào mùa thu năm tới tọa lạc tại trung tâm thành phố, sát cạnh Cảng Victoria.
Chính phủ Hồng Kông khẳng định họ tôn trọng pháp quyền.
Chính quyền Hồng Kông nói theo chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”, Hồng Kông có mức độ tự trị cao dựa trên Luật Cơ bản (tức là hiến pháp Hong Kong) nhưng HK cũng phải tôn trọng hiến pháp quốc gia, quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (NPCSC).

Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng

do sự hung hăng của Trung Cộng

Taoyuan, Đài Loan. (Reuters) – Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết tham vọng quân sự của Trung Cộng ngày càng trở nên rõ ràng, và khẳng định ngân sách quốc phòng của quốc đảo này sẽ “tăng đều đặn” mỗi năm.
Bà Thái đưa ra ý kiến trên tại buổi họp báo cuối năm 29/12. Bà Thái đang đối mặt với sự áp lực ngày càng gia tăng từ phía Trung Cộng, kể từ khi bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu năm ngoái, với việc Trung Cộng thực hiện các cuộc tập trận chung quanh đảo Đài Loan.  Giới truyền thông Trung Cộng cũng thường xuyên đưa ra những tấm hình, cho thấy phản lực cơ Trung Cộng bay vòng quanh và rất gần hòn đảo này. Bà Thái cho biết đảo quốc của bà sẽ không thụ động khi đối mặt với quân đội Trung Cộng vô cùng hiếu chiến. Nhưng bà cho rằng căng thẳng giữa Đài Loan và lục địa không thể được giải quyết bằng hành động quân sự.
Chính phủ Trung Cộng cho rằng bà Thái (thuộc Đảng Dân Chủ Tiến Bộ) luôn ủng hộ quan điểm một Đài Loan độc lập. (Mai Đức)

Bangladesh chuẩn bị

hồi hương 100.000 người Rohingya về Miến Điện

Bangladesh hôm qua, 29/12/2017, đã gởi một danh sách 100.000 người đến chính quyền Miến Điện với hy vọng có thể đưa số người này hồi hương kể từ cuối tháng Giêng 2018.
Thông tín viên RFI tại Rangoon, Elisa Hunt cho biết thêm chi tiết :
« Chính bộ trưởng Giao Thông Bangladesh đã thông báo tin hồi hương người tỵ nạn Rohingya. Phía Bangladesh còn cho biết là danh sách số 100.000 người này còn phải đợi chính quyền Bangladesh hợp thức hóa. Điều kiện hồi hương cũng cần được xem xét nhân phiên họp của nhóm làm việc giữa hai nước.
Tiến trình hồi hương gồm nhiều giai đoạn và một trong những giai đoạn này là được sự đồng ý của những người đã chạy khỏi Miến Điện do chiến dịch đàn áp của quân đội Miến Điện, bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là đã lên kế hoạch tấn công và có khả năng đi đến thanh lọc chủng tộc.
Thỏa thuận ký vào tháng 11 vừa qua giữa hai nước dự trù là hồi hương phải trên dựa trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, còn phải xem điều kiện an ninh và cuộc sống của cộng đồng Hồi Giáo sẽ được bảo đảm ra sao tại bang Arakan.
Dẫu sao, Bangladesh hy vọng việc đưa hồi hương có thể bắt đầu kể từ ngày 23 tháng Giêng tới đây. Hơn 650.000 người Rohingya đã đến các trại tị nạn Bangladesh kể từ tháng 8 vừa qua. Quốc gia này đã từng lên tiếng báo động về một tình hình không thể xử lý được nữa. »

Iran : Biểu tình ủng hộ chính phủ

Hôm nay, 30/12/2017, hàng chục ngàn người ủng hộ chế độ đã biểu tình tại Teheran và nhiều thành phố khác của Iran, sau 2 ngày dân chúng xuống đường phản đối tình trạng vật giá leo thang.
Theo hãng tin AFP, đài truyền hình nhà nước đã phát đi phát lại những hình ảnh của cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ. Những cuộc biểu tình này cũng là nhằm đánh dấu cuộc tập hợp lớn vào năm 2009 chặn đứng phong trào phản đối việc cựu tổng thống bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử.
Trong khi đó, bộ trưởng Nội Vụ Iran hôm nay yêu cầu người dân không được tham gia vào các cuộc « tập hợp trái phép ». Đài truyền hình Iran hôm nay lần đầu tiên chiếu các hình ảnh về những cuộc biểu tình 2 ngày qua và cho rằng chính phủ cần phải lắng nghe « những yêu sách chính đáng » của người dân, nhưng đồng thời lên án các « tổ chức phản động » ở nước ngoài tìm cách khai thác phong trào biểu tình này.
Hôm qua, các cuộc biểu tình phản đối tình trạng lạm phát và nạn thất nghiệp đã diễn ra tại hàng chục thành phố. Đây là phong trào biểu tình lớn nhất trong những năm gần đây tại Iran. Các cuộc biểu tình này đã bắt đầu từ thứ năm tại Machhad, thành phố lớn thứ hai của Iran. Một số người biểu tình đã giương các khẩu hiệu chống chính phủ và khoảng 50 người đã bị bắt giữ.
Hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sander đã cực lực lên án các vụ bắt giữ ở Iran, quốc gia mà bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gọi là « Nhà nước côn đồ », vì bị cáo buộc là tài trợ cho khủng bố ở nước ngoài.
Trong bản thông cáo lên án các vụ bắt giữ người biểu tình ở Iran, bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc lại, ngày 14/06 vừa qua, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố trước Quốc Hội rằng Washginton yểm trợ « các thành phần ở Iran đang thúc đẩy một sự chuyển tiếp hòa bình trong chính quyền nước này ».

Hàn Quốc thẩm vấn thủy thủ đoàn

tàu Hồng Kông vi phạm cấm vận Bắc Triều Tiên

Hôm nay, 30/12/2017, các quan chức hải quan Hàn Quốc thông báo đang tạm giữ để thẩm vấn thủy thủ đoàn của một chiếc tàu Hồng Kông bị bắt giữ vào tháng 11 vì đã vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Chiếc tàu Lighthouse Winmore đã bị hải quan Hàn Quốc thu giữ vào ngày 24/11 tại cảng Yeosu sau một cuộc thanh tra. Từ Hồng Kông, thông tín viên RFI Florence de Changy gởi về bài tường trình :
« Theo nhà chức trách Hàn Quốc, chiếc tàu Lighthouse Winmore đã chuyển 600 tấn dầu cho một chiếc tàu Bắc Triều Tiên ngày 19/10 vừa qua. Việc chuyển giao dầu dường như đã diễn ra trực tiếp từ tàu này sang tàu kia, tại một khu vực nằm xa bờ biển và trong vùng biển quốc tế.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết là chiếc Lighthouse Winmore đã bị thhu giữ khi cập bến cảng Yeosu, Hàn Quốc. Thủy thủ đoàn 25 thành viên, gồm 23 người Trung Quốc và 2 người Miến Điện, hiện vẫn bị giữ.
Theo những thông tin báo chí khác thì dường như các vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã quan sát hoạt động của tàu Hồng Kông khoảng 30 lần từ tháng 10.
Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump hôm thứ 5 đã cáo buộc Trung Quốc : « Bị bắt quả tang. Vô cùng thất vọng khi thấy Trung Quốc vẫn để cho dầu hỏa tiếp tục được vận chuyển đến Bắc Triều Tiên ».
Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đáp trả : « Trung Quốc chưa bao giờ để cho các công ty hoặc các cá nhân Trung Quốc vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên ». Bắc Kinh cho rằng những cáo buộc của Mỹ không đúng với thực tế.
Chiếc tàu Lighthouse Winmore treo cờ Hồng Kông, thuộc quyền sở hữu của hai công ty đăng ký ở Hồng Kong và chủ của hai công ty này đều có địa chỉ tại Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Chiếc tàu này hiện do một công ty Đài Loan, Billion Bunker Group, thuê và khai thác. Từ tháng 8 đến nay, chiếc tàu vẫn chưa thấy cập một bến cảng của Hoa lục. »
Bắc Triều Tiên được Nga tiếp tế dầu
Reuters hôm nay 30/12/2017, dẫn hai nguồn tin ẩn danh từ Châu Âu, tiết lộ Nga đã cung cấp các sản phẩm hóa dầu cho Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Theo nguồn tin ẩn danh thứ nhất, việc tiếp tế nhiên liệu được thực hiện ngay trên biển, từ tàu của Nga sang tàu của Bắc Triều Tiên. Hoạt động tiếp viện trái phép này đã diễn ra ít nhất 3 lần trong vòng hai tháng 10 và tháng 11.
Nguồn tin ẩn danh thứ hai từ các cơ quan an ninh châu Âu xác nhận có sự tiếp tế của Nga cho Bắc Triều Tiên. Những tàu chở dầu này được ví như chiếc « phao cứu sinh » cho chính quyền Kim Jong Un. Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết thêm họ không có bằng chứng cụ thể về sự dính líu của chính quyền Matxcova trong vụ việc này.
Khẳng định của cả hai nguồn tin trên căn cứ vào những tin tức tình báo và ảnh chụp vệ tinh ghi lại hoạt động của tàu quân sự Nga dọc theo bờ biển Viễn Đông. Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Nga và Hải quan Nga từ chối bình luận. Công ty dầu khí Vityaz, chủ sở hữu của một trong những tàu chở dầu tại cảng Vladivostok, đã bác bỏ các cáo buộc này.
Việc cung cấp các sản phẩm hóa dầu là điều kiện sống còn đối với Bắc Triều Tiên, để nước này có thể tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tòa Bạch Ốc sẽ tiếp tục thay đổi nhân sự

Washington, DC. (CBS) – Dự đoán một cuộc bầu cử giữa kỳ khó khăn cho đảng Cộng Hòa trong năm 2018, chánh văn phòng John Kelly lên kế hoạch thay đổi nhân viên tại West Wing, để củng cố đội ngũ nhân viên chính trị của tổng thống Trump.
Những thay đổi nhân viên trên đầu tiên được Axios đưa tin, sau đó là Washington Post.
Ông Johnny DeStefano, hiện là giám đốc nhân sự của tổng thống, dự trù sẽ tạm thời điều hành ba hoạt động bổ sung của Tòa Bạch Ốc. Đó là Phòng Liên Lạc Công Chúng, Phòng Liên Chính Phủ, và Phòng Chính Trị. Nhân viên bổ sung có thể sẽ được đưa vào để thực hiện những chức năng trên, và báo cáo cho ông DeStefano.
Ông Kelly cũng đang tìm kiếm một chiến lược gia chính trị cấp cao, có thể hỗ trợ ông Bill Stepien, hiện là giám đốc chính trị Tòa Bạch Ốc. Theo một viên chức Tòa Bạch Ốc, ông Stepien, được tổng thống tin tưởng, dự trù vẫn tiếp tục vai trò này.
Một viên chức Tòa Bạch Ốc nói rằng việc tái tổ chức cũng được thiết kế để sắp xếp nhân viên cho những nỗ lực lập pháp cụ thể trong năm 2018, chẳng hạn như dự luật hạ tầng cơ sở. Tổng thống đang kêu gọi một kế hoạch trị giá hàng ngàn tỷ Mỹ kim, được tài trợ bởi tiền thuế và đầu tư cá nhân.
Một số nhân viên cao cấp sẽ rời Tòa Bạch Ốc vào đầu năm tới. Bà Dina Powell, phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, đã thông báo ý định rời nhiệm sở sau một năm phục vụ tổng thống Trump.
Số ghế của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đang nhiều hơn so với đảng Dân Chủ là 46 ghế, nhưng một số người lo ngại rằng thế đa số có thể bị giảm trong năm 2018. (Nguyên Trân)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?