Truyện ngắn cuối tuần - Bên trời lận đận
Sau ba hồi kiểng dài, bọn tù ồn ào lo thu xếp chổ ngủ của mình lần cuối, khoát vội chiếc áo mưa lên người rồi tất bật chạy ra sân xếp hàng cho kịp giờ điểm danh và phân chia công tác trong ngày. Chuyện cứ lập đi lập lại hàng ngày như thế nhưng sáng nào cũng ồn ào nhốn nháo cả lên.
Mưa nhẹ lất phất .Trời lạnh lắm. Giá đóng trắng trên lớp cỏ trước sân và mái láng lợp bằng nứa.
Bọn tù gầy gò, run rẩy trong chiếc áo mưa dày cộm rộng thùng thình, nhìn giống như một đàn quạ, nhẩn nại , im lìm sắp hàng.
Sau khi điểm danh là phần phân chia công tác. Phần tôi phải chặt đủ hai mươi cây nứa mang về trại.
Nứa chặt về cả đống, bỏ ngổn ngang, đôi khi không biết làm gì. Nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải đi chặt nứa. Có lẻ cán bộ trại muốn bắt chúng tôi phải làm một cái gì đó nặng nhọc trong ngày để thân thể chúng tôi ngày một yếu đi, tinh thần ngày càng bạc nhược để dễ cai quản bọn sĩ quan ngụy này. Họ biết rất rỏ chúng tôi đã được đào tạo trong các quân trường, đã dày dạn trên chiến trận thì phải cẩn trọng, chớ khinh xuất coi thường.
Hình minh họa |
Tôi dớn dát chạy đi tìm Dũng ngay. Hằng ngày tôi vẫn đi chặt nứa chung với hắn. Đi chặt nứa phải có bạn, lở tai nạn hay chuyện gì bất trắc xảy ra thì biết xoay xở ra sao.
Việc chặt nứa ngày càng nhiêu khê. Nứa ở các nơi gần trại đã bị tù chặc sạch, muốn có nứa phải đi xa hơn. Đi xa hơn nghĩa là chúng tôi phải vượt qua một con dốc khá cao, để tìm nứa bên kia sườn núi.
Chúng tôi đâu còn sức lực như xưa. Thiếu ăn, thiếu dinh dưởng làm chúng tôi gầy gò va yếu hẳn đi. Suốt ngày chỉ mơ được một mẫu khoai mì hay một miếng cơm cháy để cái bụng xẹp lép khỏi kêu gào. Hai mươi cây nứa tươi trên vai được kéo đi bằng một cổ người máy ốm yếu xanh xao là cả một sự gắng sức phi thường. Trời đã sinh ra tù sao lại còn sinh ra cái dốc quái ác kia để tù thêm khổ, cái dốc mà tù đặt tên là “ Dốc trời ơi “. Kéo nứa lên được đến đỉnh dốc là tù liệng ngay bó nứa , nằm sải dài xuống đất và thở phào “ Trời ơi là trời “.
Ra khỏi trại một quảng Dũng hóm hỉnh nheo mắt nhìn tôi :
- “ Tao có cái này hay lắm. Tao đã để ý mấy lần rồi. Tao đã tìm ra bải đáp để bọn mình làm một chuyến “ cải thiện “. Mầy cứ tin vào tay tao.
“ Cải thiện” là tiếng tù thường dùng để chỉ việc kiếm thêm cái gì để nhét vào cái bụng lép xẹp ngoài bửa ăn do trại cung cấp. Đối tượng của cải thiện có thể là một củ khoai mì, một trái bắp, một dúm rau mùng tơi…hay bất cứ cái gì “ nhúc nhích “ như con ếch, con nhái, con rắn…Châm ngôn của tù là cái gì nhúc nhích là có thể bỏ vào miệng để tìm “ chất tanh “.
Hắn nhìn tôi lần nữa mỉm cười như để khuyến khích :
- Nhưng mầy phải theo chiến thuật của tao mới được. Tao không nói trước vì sợ lộ bí mật. Đến đâu tao sẽ nói với mầy đến đó.
Tôi nhát, nhưng cũng thích cải thiện như hắn vì cái bụng của tôi cũng đang cồn cào.
- Tao theo mày.
- Có thế chứ. Nhớ là tên này đã từng là sĩ quan Biệt cách dù nhé.
Hắn là Biệt cách dù thứ thật. Tiểu đoàn hắn nhảy dù vào giải cứu Phước Long vào phút chót, nhưng bị tan hàng và hắn bị bắt đưa ra Yên Bái với bọn này.
- Bọn mình cứ chặt nứa như mọi ngày, nhưng đừng làm nhanh quá. Làm thế nào khi kéo nứa lên giốc “ trời ơi “phải vào khoảng quá nửa buổi chiều. Mình phải là những người kéo nứa vào trại sau cùng.
Tôi theo đúng “ lệnh hành quân “ của hắn.
Quá nửa buổi chiều chúng tôi ì ạch mệt nhọc kéo nứa bò lên “ giốc trời ơi “. Nghỉ ngơi một lác ở đỉnh giốc để lấy sức, chúng tôi xuống dốc. Đến chân dốc trời đã bắt đầu nhá nhem. Đoạn đường từ đây về trại khoảng hơn cây rưởi số, nhưng đường tương đối bằng phẳng dễ đi.
Khi kéo nứa gần đến chiếc cầu tre bắt ngang qua một con lạch nhỏ, hắn nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, hắn bảo :
- “ Bỏ nứa xuống đi “. Rồi hẳn đưa tay chỉ ao rau muống bên kia con lạch : “ Mầy với tao qua bên kia cải thiện đi “
Tôi phải chịu là hắn tinh mắt. Tôi đã đi ngang qua đây với hắn bao nhiêu lần, mà có để ý đến ao rau muống đó đâu.
- Tôi bảo hắn “ Thôi tao chịu thôi. Đói thì ráng chịu, lở bị bắt bọn quản giáo xỉ vả, bọp tai rồi nhốt nhà đá tao chịu không được “
Tôi nhớ hôm trước có một anh trong trại đói quá ăn cắp mấy củ khoai mì, bị dân bắt được ,rượt tới trại, cán bộ chửi mắng thậm tệ và nhốt vào nhà đá.
- Mầy nhát như thỏ. Bụng đói mà chân không muổn bò. Vẫn còn thoái quen của quan tu bíp ngồi phòng khám. Thôi được mầy ngồi đây làm trinh sát cho tao.
Nói rồi hắn nhanh nhẩu lội nhanh về phía ao rau muống.
Được một lác tư dưng tôi nghe có tiếng nôn ọe dử dội, và tiếng hắn kêu lên :
- Chết tao rồi Phước ơi !
- Chuyện gì thế Dũng ? Vừa nói tôi vừa bỏ chổ ngồi lao thẳng về phía hắn.
Hắn đã lên khỏi bờ ao. Một tay vẫn còn nắm một mớ rau muống, tay kia bỏ vào miệng móc cho nôn ọe hết mọi thứ còn dính trong miệng.
- Chuyện gì vậy Dũng ? Tại sao mầy móc họng cho ói ?
- Trời ơi là trời, sao tôi đến nông nỗi này. Tao ăn cứt.
Lúc ấy tôi mới nhìn kỷ, vẫn còn những vệt phân màu vàng dính trên môi và hai bên má hắn.
Tôi hiểu ra rồi. Dân ở vùng này vẫn có thoái quen dùng phân người để bón rau. Trong lúc đói và vội vã hắn đã nhai ngấu nghiến những cọng rau muống còn lẫn phân người.
Tôi lấy tay lau vội hai bên má hắn, rồi choàng tay ôm chặt vai hắn.
Hắn dịu lai. Và tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên má hắn.
Những giọt nước mắt tức tưởi của những “Người hùng ngã ngựa “.
Tôi muốn nói vài lời an ủi hắn. Nhưng có nói cũng bằng thừa.
Chúng tôi hiểu tận đáy lòng của nhau mà chẳng cần thứ ngôn ngữ hời hợt .
Chỉ vì chúng tôi “Cùng một lứa bên trời lận đận"
Phạm Hữu Phước
(FB Phạm Hữu Phước)
http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/truyen-ngan-cuoi-tuan-ben-troi-lan-an.html
Nhận xét
Đăng nhận xét