Tin Việt Nam – 31/12/2017
Biệt thự ‘to nhất vùng’ ở Thái Nguyên sai phép
không ai xử lý
TTO – Đó là biệt thự đồ sộ, cao 5 tầng của ông Trần Văn Khâm – bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco).
Biệt thự này xây từ năm 2013, bị yêu cầu dỡ bỏ phần sai phép nhưng đến nay vẫn sừng sững tồn tại mà không bị “sờ gáy”.
“To nhất vùng”
Đến TP Thái Nguyên hỏi biệt thự của ông “Khâm gang thép” người dân ai ai cũng biết. “Ai chứ nhà ông Khâm to nhất vùng này ai chẳng biết” – một chủ quán nước ở ngã ba lối vào công ty gang thép, cách nhà ông Khâm tới 3km, thản nhiên nói khi chúng tôi hỏi đường.
Án ngữ trên một khu đất cao với khuôn viên rộng rãi, ngôi biệt thự của vợ chồng ông Khâm (đóng tại tổ dân phố 13, P.Trung Thành, TP Thái Nguyên) được ví như một “biệt phủ” hoành tráng, tách biệt hẳn với bên ngoài. Ngôi biệt thự này được sơn màu vàng rực sang trọng, đứng từ xa hàng cây số có thể trông thấy rất rõ.
Ngôi biệt thự xây theo lối kiến trúc châu Âu cổ điển, kết cấu gồm nhiều hàng cột, nhiều chóp mái. Quanh nhà được bao quanh bởi bức tường ximăng dày kiên cố, cao khoảng 5m, phía trên có gắn chông sắt nhọn. Lối vào chính án ngữ bằng hai cánh cổng sắt đồ sộ được sơn thếp màu đồng giả cổ với nhiều họa tiết tinh xảo, cầu kỳ.
Để tìm hiểu việc xây dựng ngôi biệt thự, chúng tôi trực tiếp liên hệ với gia đình ông Khâm.
Sau khi bấm chuông cửa, chúng tôi xuất trình giấy tờ công tác, bà Nguyễn Thị Hồng Vân – vợ ông Khâm – cầm lấy rồi chạy mất hút vào trong nhà.
Khoảng 10 phút sau, bà Vân quay ra nói: “Chị vừa gọi cho anh trai của chị bên Ban Tuyên giáo trung ương rồi. Người lạ chị không làm việc, có gì cứ ra cơ quan mà gặp anh (ông Khâm)”.
Bà Vân còn nói: “Thực ra người ta tranh giành địa vị thôi chứ nhà chị có gì đâu. Đất thì đất các cụ cho, vậy mà người ta cứ chọc từ năm 2013 cho tới bây giờ. Chúng tôi mà có sai phạm thì công an gô cổ lại rồi chứ cần gì phải viết báo”.
Khi được hỏi về giấy phép xây dựng ngôi nhà, bà Vân trả lời: “Ở phường các anh chị ủng hộ rồi, cái này là đúng quy chuẩn hết. Cái sai phạt hết rồi, phạt 7 triệu ngoài phường. Giấy phép đầy đủ hết, ngoài phường có lưu hết”.
Trên dưới đùn đẩy cho nhau
Theo tìm hiểu, ngôi biệt thự nói trên được UBND TP Thái Nguyên cấp giấy phép xây dựng công trình “nhà ở riêng lẻ” ngày 24-4-2012. Giấy phép chỉ rõ tổng diện tích sàn xây dựng: 420m2, chiều cao công trình: 7m, số tầng được phép xây dựng: 2 tầng.
Tuy nhiên, đến ngày 6-9-2013, UBND P.Trung Thành kiểm tra và phát hiện công trình thi công sai với giấy phép.
Cụ thể, ngôi biệt thự được xây cao 5 tầng với chiều cao 17,1m, tức vượt 3 tầng, cao hơn 10,1m so với giấy phép được cấp. Ngoài ra, một phần công trình còn vi phạm lộ giới đường quy hoạch.
UBND P.Trung Thành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu gia đình ông Khâm, bà Vân dừng ngay việc thi công và khắc phục kịp thời các vi phạm, đồng thời tháo dỡ toàn phần diện tích xây dựng sai.
Tới ngày 11-9-2013, UBND TP Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 7,5 triệu đồng.
Quyết định này nêu rõ: “Buộc hộ ông Trần Văn Khâm và bà Nguyễn Thị Hồng Vân tự phá dỡ công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. Gia đình vi phạm phải chấp hành nghiêm quyết định hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, gia đình không chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành”.
Tính từ thời điểm đó đến nay hơn 4 năm trôi qua, công trình tiếp tục được hoàn thiện và không hề bị xử lý.
Theo ông Trần Xuân Thưởng – đội trưởng đội quản lý trật tự xây dựng và giao thông TP Thái Nguyên – cho rằng lỗi là do phường sở tại không có báo cáo đề xuất phương án xử lý công trình lên TP.
“Chức năng của cơ quan tôi là đôn đốc UBND P.Trung Thành tiến hành kiểm tra, trình ra các biện pháp xử lý tiếp theo. Còn trách nhiệm quản lý trật tự đô thị trước hết là của UBND phường” – ông Thưởng phân bua.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh – chủ tịch UBND P.Trung Thành – lại khẳng định phường “làm hết trách nhiệm và thẩm quyền”.
“Chúng tôi lập biên bản vi phạm, mức phạt dưới 2 triệu đồng thì phường xử lý. Còn cái này trên 2 triệu đồng, vượt quá thẩm quyền của phường” – bà Thanh thanh minh.
Khi đề cập tới trách nhiệm của phường trong việc không có báo cáo đề xuất phương án xử lý công trình như ông Thưởng nói, bà Thanh né câu trả lời, cáo bận họp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Thái Nguyên xác nhận đến nay công trình biệt thự của ông Khâm, bà Vân vẫn chỉ có duy nhất một giấy phép xây dựng cũ được cấp cách đây gần 5 năm.
“Hiện chúng tôi chưa nhận được đơn hay hồ sơ đề nghị điều chỉnh lại giấy phép mới nào của gia đình ông Khâm, bà Vân” – ông này thông tin.
LÂM HOÀI
https://tuoitre.vn/biet-thu-to-nhat-vung-o-thai-nguyen-sai-phep-khong-ai-xu-ly-20171231085055076.htm
Nhà máy nợ nần,
sếp Gang thép Thái Nguyên xây ‘biệt phủ’
TTO – Trong khi Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đang nợ nần chồng chất, ông Trần Văn Khâm, lãnh đạo chủ chốt của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ năm 2009 đến nay lại xây biệt thự hoàng tráng to nhất vùng.
Căn biệt thự đồ sộ, cao 5 tầng, được người dân xem là “to nhất vùng” ở thành phố Thái Nguyên của ông Trần Văn Khâm – bí thư Đảng ủy Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên xây từ năm 2013, bị yêu cầu dỡ bỏ phần sai phép nhưng đến nay vẫn sừng sững tồn tại mà không bị “sờ gáy”.
Ông Trần Văn Khâm là lãnh đạo chủ chốt của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Tisco từ năm 2009 đến nay. Cụ thể, lần lượt giữ các chức vụ: chủ tịch HĐQT – tổng giám đốc (2009-2013); ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc (tháng 4-2013 đến tháng 12-2014); bí thư Đảng ủy (năm 2015 đến nay).
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) quản lý vận hành. Dự án này được bắt đầu từ năm 2005, đến nay tiêu tốn hơn 4.500 tỉ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong hơn 4.500 tỉ đồng đầu tư cho dự án, chi phí ngân hàng lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày Tisco phải trả thêm khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi.
Cay đắng hơn, Tisco ký hợp đồng tổng thầu EPC với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) và thanh toán hơn 90% số tiền cho tổng thầu. Nhưng đổi lại là nhà máy hiện như đống sắt gỉ khổng lồ, bỏ hoang.
Trong bối cảnh dự án bỏ hoang, đời sống công nhân còn nhiều khó khăn thì ông Khâm xây “biệt phủ” hoành tráng nhất vùng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề về dư luận địa phương liên quan tới nhà ông Khâm, bà Lưu Thị Oanh – phó chủ tịch UBND P.Trung Thành – nhận định: “Mặt bằng đời sống người dân đang khó khăn, đặc biệt là công nhân của công ty gang thép, thì ông Khâm xây nhà to như vậy là rất phản cảm”.
LÂM HOÀI
Nhà cầm quyền Đồng Tháp đe dọa bắt giữ
lãnh đạo Phật Giáo Hòa Hảo
Công an ở tỉnh Đồng Tháp vừa cáo buộc người đứng đầu Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy kích động tín đồ gây bạo lực, và đe dọa quản chế ông trong dịp lễ sinh nhật Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Theo báo mạng Tin Tôn Giáo, vào chiều ngày 29 tháng 12, một thiếu tá tên là Chót cùng với hai công an viên ở huyện Lai Vung và xã Tân Phước, đã đến nhà chất vấn cụ Nguyễn Văn Điền, hội trưởng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, về những phát biểu của cụ trong một đoạn phim đang lan truyền trên mạng xã hội.
Cụ Điền kể lại rằng, họ vu cho cụ kích động tín đồ gây bạo lực đổ máu. Cụ trả lời: “Các ông có nghe cho kỹ không, hay các ông thiếu thông minh. Nếu vậy thì về nhà nghỉ đi, đừng làm quan nữa”. Cụ nói thêm trước khi các công an ra về, họ còn cố ra oai khi tuyên bố sẽ quản chế và không cho cụ Điền ra khỏi nhà, nhưng không trưng ra một lệnh quản chế nào.
Trước đó ngày 27 tháng 12, trong buổi lễ an vị chân dung Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ tại lễ đài điểm lễ chính của giáo hội ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cụ Nguyễn Văn Điền kêu gọi giáo hội quyết tâm tổ chức ngày lễ đản sanh của Đức Thầy vào ngày 8 tháng 1 năm 2018 như là cách bảo vệ niềm tin tôn giáo, dù cho chính quyền bách hại. Hồi cuối tháng 11, nhà cầm quyền thông báo cho các vị lãnh đạo của giáo hội rằng, họ không được tổ chức ngày lễ đản sanh, vì giáo hội không được nhà cầm quyền công nhận.
Huy Lam / SBTN
‘Ngân hàng tốt nhất Việt Nam’ Vietcombank mắc hàng loạt sai phạm
Thanh tra chính phủ CSVN vừa tìm thấy hàng loạt sai phạm tại ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Vietcombank, đồng thời phát hiện ra cả vi phạm của VAMC, công ty do nhà cầm quyền CSVN thành lập để mua bán nợ xấu của các ngân hàng trong nước.
Theo trang An Ninh Tiền Tệ & Truyền Thông của báo Người Đưa Tin, vào ngày 29 tháng 12, phó tổng thanh tra chính phủ CSVN Ngô Văn Khánh công bố kết luận thanh tra tại Vietcombank. Theo đó, ngân hàng từng được báo chí nước ngoài bình chọn là “ngân hàng tốt nhất Việt Nam” đã có một số khuyết điểm và vi phạm trong hoạt động tín dụng. Vietcombank bị ghi nhận là đã thành lập một số hồ sơ tín dụng thiếu sót, và thẩm định hồ sơ vay vốn không chính xác.
Trong khi đó, công ty dọn dẹp nợ xấu VAMC cũng mắc sai phạm khi ủy quyền cho Vietcombank bán nợ theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với khách hàng thay vì tổ chức đấu giá theo đúng luật lệ.
Vietcombank, trụ sở chính đặt tại Sài Gòn, có tiền thân là Cục Ngoại Hối thuộc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN. Năm 1990, ngân hàng này cung cấp thêm nhiều dịch vụ ngoài ngành ngoại thương để trở thành một ngân hàng thương mại dành cho người dân. Năm 2008, Vietcombank được nhà cầm quyền cộng sản chọn làm dự án thử nghiệm cho công cuộc tư hữu hóa các công ty quốc doanh. Ngân hàng này thu được 652 triệu Mỹ kim trong đợt bán cổ phiếu lần đầu ra trước công chúng thành công.
Huy Lam / SBTN
Gia đình LS Đài ‘không chấp nhận luật sư chỉ định’
Vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài nói với BBC rằng gia đình “không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài” thay cho ba người mà gia đình đã mời.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giam giữ đã hơn hai năm nhưng phiên tòa xét xử đến nay vẫn chưa diễn ra.
Hôm 31/12, trả lời BBC bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài nói: “Chồng tôi gửi thư viết là đã kết thúc điều tra hôm 12/12. Lẽ ra điều tra xong, họ phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ba luật sư tôi mà đã làm đủ thủ tục mời là các ông Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miếng và Đoàn Thái Duyên Hải.”
“Trong hai năm qua, các luật sư viết công văn cứ hết hạn tạm giam ông Đài bốn tháng một lần gửi họ và họ cũng đã viết công văn trả lời luật sư là do đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được tham gia.”
“Vậy mà giờ đây tôi được một luật sư khác báo tin là ông ấy được chỉ định để bào chữa cho chồng tôi vì lý do ông Đài không có luật sư.”
“Gia đình tôi không chấp nhận việc chính quyền chỉ định luật sư cho ông Đài thay cho ba người mà chúng tôi đã mời.”
‘Công khai, công bằng’
“Tôi sẽ làm giấy từ chối luật sư được chỉ định, khiếu nại đến Viện Kiểm sát và các cơ quan tố tụng về việc này. Đồng thời, tôi làm lại thủ tục từ đầu để mời đúng các luật sư theo ý nguyện của chồng tôi.”
Bà Khánh cũng cho biết thêm: “Tôi mong các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng để chồng tôi có được phiên tòa công khai, công bằng.”
Bà cũng xác nhận là sứ quán Đức “có gởi công hàm bảo lãnh định cư đối với Luật sư Nguyễn Văn Đài” nhưng bà không biết quyết định của ông thế nào do “đã bảy tháng chưa được gặp chồng trong nhà tù.”
Hôm 31/12, Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC: “Quyền không cho luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra thuộc về Viện Kiểm sát. Cơ quan điều tra tự ý từ chối thay Viện Kiểm sát là sai, và “hứa” khi nào điều tra xong thì cho các luật sư tham gia, nhưng sau đó không thực hiện. Các luật sư trong các vụ này thường phải nghe ngóng, có khi hồ sơ qua toà thì các luật sư mới biết. Và chính vì ko có luật sư nên tòa mới mời luật sư chỉ định.”
Ông Miếng từ chối bình luận thêm về vụ việc.
Hôm 30/7, Bộ Công An Việt Nam loan báo việc bắt tạm giam thêm bốn người trong vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
“Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự” và “nằm trong vụ án Nguyễn Văn Đài,” Bộ Công An Việt Nam loan báo trên website.
Cùng thời điểm, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà.
Tháng 12/2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt sau khi ông nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Luật sư Đài từng bị tù giam bốn năm và mãn hạn tù ngày 6/3/2011 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
Ông cũng bị quản chế bốn năm trong vụ án mà ông và một cộng sự, luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt vào ngày 6/3/2007.
Top ten ấn tượng 2017
Trường Duy Nhất
Khắc hoạ toàn cảnh xã hội Việt và thời tiết chính trường, qua bộ “top ten ấn tượng 2017”.
1. Chiến cuộc “nhóm lò”: Một chiến cuộc “nhóm lò” rúng động chính trường Việt 2017. “Thiêu đốt” Uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Cuộc truy bắt có một không hai đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước “đầu thú”, và các cuộc kỷ luật, triệt hạ hàng loạt tên tuổi đình đám khác. Bất luận bình xét theo chiều nào (chống tham nhũng hay triệt hạ phe cánh), “cái lò ông Trọng” là sự kiện chính trị nóng bỏng, ấn tượng nhất, khắc hoạ chân thật nhất tình hình đảng sự, cũng như sức khoẻ quốc gia qua từng thanh củi lửa.
2. Những nghi án sức khoẻ: Sau “sự cố” Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh từ các năm 2015, 2016, những nghi án sức khoẻ trong năm 2017 tiếp tục nhắm vào Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Huynh, coi như kết thúc sự nghiệp. Chủ tịch Trần Đại Quang thì lúc ẩn lúc hiện với hàng loạt đồn đoán về bệnh tình. Những nghi án sức khoẻ, khiến dân tình dễ liên tưởng đến một “bóng ma” Nguyễn Bá Thanh nào đấy ám ảnh chính trường Việt.
3. Đà Nẵng, điểm nóng chính trường Việt: Tựa chuyện Trịnh Xuân Thanh, câu chuyện Đà Nẵng được khơi mào từ chiếc xe của Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Từ chiếc xe doanh nghiệp tặng, đến điểm nóng Sơn Trà, và sau đó là hàng loạt những bê bết về đất đai. Từ việc phế truất trung ương uỷ viên, tước hàm Bí thư thành uỷ đối với Nguyễn Xuân Anh, cảnh cáo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, và cuối cùng là cuộc khám xét, khởi tố, truy nã Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm). Không chỉ thiêu đốt Đà Nẵng, biến đô thị “hiện tượng” này thành điểm nóng chính trường Việt 2017.
4. Sự cố Đồng Tâm và cuộc bắt giam vô tiền khoáng hậu 19 cảnh sát cơ động Hà Nội: Nếu những năm trước là Tiên Lãng, Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản…, thì 2017, điểm nóng đất đai nổi sóng nhất là sự cố Đồng Tâm, cùng cuộc bắt giam 19 cảnh sát cơ động tại nhà văn hoá thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Cuộc bắt giữ vô tiền khoáng hậu khiến Chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung phải thân chinh vào làng giải cứu. Chiến dịch giải cứu thành công, nhưng sự lật kèo từ chính Chủ tịch Chung và cuộc khởi tố điều tra nhắm vào dân làng Hoành sau đó đã đẩy chiến cuộc đất đai thôn Hoành lên một nấc thang mới, chưa biết đâu là đỉnh điểm. Dân Đồng Tâm có thể bị bắt, nhiều người có thể vào tù. Nhưng sự nghiệp chính trị của tướng Chung, Chủ tịch Hà Nội mãi hằn một vết nhơ về đức liêm sỉ và tính trung thực sau bản cam kết cùng cú lật kèo có một không hai của ông với dân chúng Đồng Tâm. Thắng dân là mất dân. Nhưng tướng Chung và chính quyền Hà Nội đã chọn cách thắng dân. Một “chiến thắng” hiếm có chính quyền liêm sỉ nào dám thắng.
5. BOT Cai Lậy và cuộc “cách mạng tiền lẻ”: Khởi phát từ BOT Bến Thuỷ (Nghệ An). Nhưng phải đến BOT Cai Lậy (Tiền Giang), chiến thuật dùng tiền lẻ qua trạm của cánh tài xế mới bùng lên như một cao trào, được ví như cuộc “cách mạng tiền lẻ” có một không hai trong lịch sử. Cuộc cách mạng không chỉ lột tẩy những mánh khoé cướp trấn tiền dân của các tập đoàn Mafia núp dưới hình thức BOT, mà còn minh chứng cho một sự trưởng thành từ nhận thức dân chúng, và hơn nữa, thành một phương cách phản kháng dân sự phi bạo lực mẫu mực. Để không chỉ là những cuộc “cách mạng tiền lẻ”, sẽ là tiền đề cho những cuộc “cách mạng khác”, những trận tuyến khác, không chỉ BOT.
6. Tràn ngập bắt bớ giới đấu tranh dân chủ, và những bản án nặng nề: Trên 30 người bị bắt, chủ yếu nhắm vào nhóm “Anh em dân chủ” của luật sư Nguyễn Văn Đài và các nhà đấu tranh dân chủ, các blogger phản biện độc lập. Cùng hàng loạt chiến dịch bắt bớ, là những bản án nặng nề đến tàn độc. Điển hình là các bản án 10 năm tù đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 9 năm với Trần Thị Nga, và 7 năm với Nguyễn Văn Hoá… Có thể nói, chưa năm nào bắt bớ dồn dập đến vậy. 2017 là năm đỉnh điểm nhắm vào giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền.
7. Cuộc chiến vỉa hè và hiện tượng “Hải cẩu”: Một phong trào đầu voi đuôi chuột, như mọi phong trào khác, vô vàn trên nước Việt, không riêng gì thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nó trở thành hiện tượng, bởi phương cách tàn khốc và hình ảnh khiếp sợ của một quan chức mang nickname “Hải cẩu” đầy mai mỉa. Sau vài tháng tan hoang như chiến trận, quận 1 vẫn không thể thành… Singapore, vỉa hè vẫn trở lại muôn dặm vỉa hè như cũ. Không thấy ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 “cởi áo về vườn” như tuyên bố hùng hồn trước đó. Còn lại, lan truyền trên mạng chỉ là những bức ảnh ngài “Hải cẩu” với ánh mắt kinh sợ, và những đoạn clip cực hài về một vị quan suốt ngày ra đường rình bắt dân đi ị…
8. Những biệt phủ quan & nghề làm giàu của quan chức Việt: 2017 là năm phát lộ nhiều khu biệt phủ quan cực đỉnh. Từ cụm biệt phủ đồi- đồi biệt phủ của giám đốc sở Tài nguyên- môi trường (em ruột Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái) Phạm Sỹ Quý; đến biệt thự khủng của cựu Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Phước Thanh; biệt phủ của cựu Thứ trưởng Tài nguyên- môi trường Bùi Cách Tuyến; dinh thự của cựu Phó ban nội chính tỉnh uỷ Đăk Lăk, Nguyễn Sỹ Kỷ; biệt phủ của Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum, Phạm Thanh Hà; dinh thự của Bí thư huyện Duy Tiên (Hà Nam) Nguyễn Đức Vượng; biệt thự của “cậu ấm chơi chim”, giám đốc sở Kế hoạch- đầu tư Quảng Nam, Lê Phước Hoài Bảo; lầu son gác tía của “hot girl xứ Thanh” Trần Vũ Quỳnh Anh… “Ấn tượng” và khôi hài ở chỗ: Các cuộc thanh tra, chẳng không truy được một dấu hiệu tham nhũng hay bất minh nào từ những khối tài sản khủng, mà còn cho thấy quan chức Việt biết tranh thủ làm giàu từ nhiều nghề cực sốc như: nuôi heo, chạy xe ôm, bán chổi đót, buôn men rượu, làm giá đỗ…
9. Dự luật “an ninh mạng” và nguy cơ về những cuộc “xâm lăng mới”: Một dự luật, được xem là giống nhau như hai giọt nước nếu so với Luật an ninh mạng Trung Quốc. Không chỉ về thuật ngữ, mà còn ở việc buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, buộc đặt máy chủ trong nước, buộc người dùng và các doanh nghiệp cung cấp thành những “tên chỉ điểm”, ép doanh nghiệp công nghệ phải tuân thủ các “qui chuẩn kỹ thuật” của nhà nước, ép doanh nghiệp liên quan đến “thông tin quan trọng” phải thông qua “thẩm định của chính quyền” khi mua phần cứng, phần mềm… Một dự luật, nếu thông qua, không chỉ tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân, không chỉ rào chắn cản ngăn những công cụ giao tiếp, truyền thông hiện đại, mà có thể còn là cuộc đánh đuổi những nền văn minh mới của nhân loại khỏi nước Việt. Không chỉ xây “Vạn lý trường thành” đánh đuổi Google, Facebook, Youtube, Twitter, Viber… Nhiều người đang đặt dấu hỏi về một nguy cơ khác: Đó là các cuộc “xâm lăng mới” của người Tàu mang tên Baidu, Renren, Youku, Tudou, Weibo, Baidu, Alibaba… thông qua dự luật này. Một dự luật an ninh, nhưng đầy rẫy những bất an.
10. Những “binh đoàn mạng”: Tiết lộ từ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, tại hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 gây sốc: đã hình thành một lực lượng trên 10.000 “chiến sĩ” là hạt nhân trên mặt trận không gian mạng (lực lượng mang bí số 47). Theo tướng Nghĩa, đây là lực lượng “vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao”. Ngoài binh đoàn 1 vạn quân biên chế quân đội, còn lực lượng nào nữa từ Bộ Công an, Ban Tuyên giáo…? Chắc chắn là một quân số khủng. Con số tiết lộ từ năm 2013, đã cho thấy cả nước có hơn 8 vạn “tuyên truyền viên miệng”. Riêng Hà Nội, đã tổ chức được đội ngũ 900 “dư luận viên”, 19 trang điện tử và hơn 400 tài khoản mạng. Thế giới mạng với những nguy cơ an ninh cùng chiến tranh mạng, thì việc hình thành những “binh đoàn mạng” là tất yếu. Nhưng, cứ liên tưởng đến những trận bom report và comment bẩn trên mạng, khiến rùng mình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
VietJet bảo vệ quyết định tung ‘lịch bikini’
Hãng hàng không VietJet mới lên tiếng bảo vệ quyết định tung bộ lịch 2018 với các người mẫu mặc bikini, sau khi vấp phải chỉ trích, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn lời những người không ủng hộ cho rằng bộ lịch đã “làm quá” hình ảnh gợi cảm của các tiếp viên và nhân viên hàng không trong bối cảnh một cuộc tranh luận nổ ra trong ngành hàng không về tình trạng quấy rối cũng như tấn công tình dục trên máy bay đối với hành khách lẫn nhân viên.
Hãng hàng không của nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sau đó nói rằng bộ lịch nhấn mạnh tới sự tự do lựa chọn trang phục của mọi người.
Hãng hàng không của nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sau đó nói rằng bộ lịch nhấn mạnh tới sự tự do lựa chọn trang phục của mọi người.
Bộ lịch của VietJet thời gian qua đã gây sốt trên mạng xã hội và nhận được ý kiến trái chiều.
Theo Reuters, trong khi có Facebooker nói rằng bộ lịch “đẹp và không hề phản cảm” thì người khác lại cho rằng VietJet “đang tạo scandal để thu hút sự chú ý”.
Đoạn video quay cảnh hậu trường chụp bộ lịch đăng trên YouTube đã được gần một triệu lượt xem kể từ khi được tung ra tháng trước.
Reuters dẫn lời bà Heather Poole, một tiếp viên hàng không Mỹ kỳ cựu đồng thời tác giả của một cuốn sách về nghề tiếp viên, nói rằng VietJet đang “đưa chúng ta trở lại 50 năm trước khi làm quá hình ảnh gợi cảm của ngành có nhiều nhân viên nữ để kiếm vài đồng lẻ từ một vài cuốn lịch sến”.
Không chỉ tung ảnh lịch bikini, VietJet còn tổ chức show thời trang áo tắm trên máy bay. Theo trang web của hãng, hồi giữa tháng này, hãng đã khai trương đường bay mới với “vũ điệu bikini hoa”.
Trả lời Reuters, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành VietJet, nói: “Chúng tôi không bực khi bị mọi người gắn với hình ảnh bikini. Nếu đó là điều khiến mọi người vui và hạnh phúc, chúng tôi sẽ hạnh phúc”.
Khi được hãng tin này hỏi về quan điểm của bà Thảo, ông Khánh nói rằng nữ sáng lập viên của hãng nghĩ rằng mọi người “có quyền mặc những gì họ thích, dù đó là bikini hay áo dài”.
Ông cho biết thêm các tiếp viên hàng không của VietJet đã được huấn luyện để xử lý các tình huống bị quấy rối tình dục.
VietJet không phải hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tung ra các bộ lịch nóng bỏng nhằm thu hút sự chú ý, theo Reuters.
Giám đốc điều hành của VietJet cho biết rằng doanh thu từ việc bán lịch sẽ được dùng vào mục đích từ thiện.
Nhận xét
Đăng nhận xét