Tin Việt Nam – 30/12/2017
Tòa án CSVN tự tiện đổi luật sư biện hộ
của luật sư Nguyễn Văn Đài
Nhà cầm quyền CSVN đã tự tiện đổi luật sư biện hộ cho luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một hành động bị phu nhân của ông Đài lên án là “đểu cáng”.
Trong một bài viết bộc lộ tâm trạng đầy uất ức trên mạng xã hội Facebook hôm Thứ Sáu 29/12, bà Vũ Minh Khánh cho biết vào chiều Thứ Năm, bà nhận thư chồng từ trong tù gửi ra, cho biết vụ án của ông đã kết thúc điều tra từ ngày 12 tháng 12 năm 2017. Chỉ vài giờ sau khi bà Khánh nhận thư chồng, một người đàn ông gọi điện thoại cho bà tự nhận là luật sư do tòa chỉ định để biện hộ cho ông Đài. Điều này làm bà Khánh nổi giận, bởi vì trước đây bà đã mời ba vị luật sư để biện hộ cho chồng mình khi ra trước tòa, là các ông Hà Huy Sơn, Nguyễn Văn Miểng và Đoàn Thái Duyên Hải. Nay tòa án ngang nhiên bỏ qua ba vị luật sư được gia đình chọn lựa, thay bằng một luật sư khác và không hề thông báo cho gia đình.
Bà Khánh cho biết trong suốt 2 năm ông Đài bị tạm giam, các luật sư đã nhiều lần yêu cầu được gặp thân chủ. Nhưng phía cơ quan điều tra và viện kiểm sát trả lời là “đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được tham gia”. Theo bài viết trên trang Facebook của bà Vũ Minh Khánh, thì người tự nhận là luật sư được tòa chỉ định giải thích rằng, lúc ông Đài bị bắt vì điều 88 bộ luật hình sự của chế độ, các luật sư làm thủ tục nhận bào chữa theo điều 88, tức tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Nay cơ quan tố tụng đổi sang điều 79, tức tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, cho nên mọi giấy tờ thủ tục mà các luật sư đã làm, không còn được chấp nhận. Bà Khánh gọi đây là “thủ đoạn quá rõ đểu, lừa bịp” của cả một “bộ máy nhà nước”, với mục đích buộc gia đình phải làm lại thủ tục mời luật sư, khiến ông Đài mất thêm nhiều thời gian trước khi được gặp luật sư của mình để chuẩn bị cho phiên tòa.
Huy Lam / SBTN
Để mất gần trọn quả núi,
hai cán bộ xã ở Hải Phòng chỉ bị khiển trách
Hai cán bộ xã ở Hải Phòng chỉ bị kiểm điểm, và sẽ không bị truy cứu hình sự vì để mất gần trọn một quả núi.
Truyền thông trong nước hôm Thứ Sáu 29/12 đưa tin, hai lãnh đạo xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, là bí thư đảng ủy Bùi Tiến Dũng và chủ tịch ủy ban Bùi Văn Tuân dự trù sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, sau khi để cho một công ty đào phá gần hết núi Trúc Bạch.
Được biết vào năm 2012, quan chức xã Kỳ Sơn lập dự án mở rộng nghĩa trang và chỉ định nhà thầu. Mặc dù dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép phá núi, nhà thầu này đã lập tức bắt tay vào việc đưa phương tiện cơ giới vào đào đất đá mang đi bán. Theo truyền thông trong nước, núi Trúc Bạch trở thành “đại công trường” trong suốt hai năm kể từ 2012, nhưng các cấp chính quyền hoàn toàn làm ngơ. Đến tháng 10 năm 2014, huyện Thủy Nguyên ra lệnh dừng khai thác đất đá tại núi Trúc Bạch, vì có một phái đoàn của Sở Tài Nguyên Và Môi Trường đến kiểm tra. Khi đó, núi Trúc Bạch đã bị phá tan hoang. Tưởng chính quyền thành phố và huyện sẽ can thiệp, nhưng không, nhà thầu chỉ tạm dừng đào bới trong một thời gian rồi tiếp tục phá núi thêm hai năm nữa. Đến cuối năm 2016, núi Trúc Bạch chỉ còn “một vạt nhỏ” ở phía bắc.
Báo chí trong nước mới đây dẫn lời chủ tịch xã Bùi Văn Tuân “nhận thiếu sót với lãnh đạo huyện và xin tự kiểm điểm”.
Huy Lam / SBTN
Việt Nam tăng cường kiểm soát Internet
bằng « lực lượng 47 »
Theo hãng tin AFP hôm qua, 29/12/2017, Tổ chức nhân quyền của Mỹ, Human Rights Watch (HRW) nhận định, việc chính quyền Hà Nội triển khai 10 000 người « đấu tranh trên mạng », còn được gọi là « lực lượng 47 », nhằm chống lại các hoạt động chống đối chính quyền trên không gian mạng, đang tạo nên « một tầm mức mới » trong việc việc kiểm soát tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Truyền thông nhà nước giải thích rằng, lực lượng này có nhiệm vụ đấu tranh chống « các quan điểm sai trái ». Tuy nhiên, có rất ít chi tiết được đưa ra về lực lượng an ninh mạng này. Theo AFP, chính phủ Việt Nam từ chối đưa ra mọi bình luận.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch, nhận định rằng, việc triển khai lực lượng 47 đang tạo thêm « một tầm mức mới trong việc đàn áp những tiếng nói đối lập ở Việt Nam ».
Internet và mạng xã hội không bị cấm tại Việt Nam, nhưng bị kiểm soát rất chặt chẽ và chính quyền vẫn thường bỏ tù những người chống đối.
Đại diện tại Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, ông Shawn Crispin cho rằng, đây là « biện pháp mới nhất của một chiến dịch nhằm kiềm tỏa bằng mọi giá quyền tự do trên Internet ». Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) đánh giá không gian mạng ở Việt Nam là « không tự do » và xếp Việt Nam ngay sau Trung Quốc về mức độ kém tự do trên mạng.
Cách đây vài tháng, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu Facebook và Youtube xóa bỏ một số « nội dung độc hại ». Tháng 8 vừa qua, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã kêu gọi thắt chặt kiểm soát an ninh trên không gian mạng, khẳng định rằng một số nhóm sử dụng các trang web để phát động các chiến dịch « đe dọa uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ».
Hiện nay, hơn một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet. Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phần trăm người dùng mạng xã hội Facebook.
Công an tiếp tục sách nhiễu
tài xế phản đối trạm thu phí BOT Cai Lậy
Một số tài xế từng phản đối việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy trong tỉnh Tiền Giang hồi cuối tháng 11, đến nay tiếp tục bị công an sách nhiễu.
Theo báo Dân Việt 30/12, ông Trịnh Hồng Phương, 50 tuổi, ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cho biết cách đây hai hôm, cảnh sát điều tra từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã đến tận thị xã Dĩ An trả lại bằng lái cho ông. Tuy nhiên, viên cảnh sát này còn gửi cho ông giấy mời của công an huyện Cai Lậy, đòi cư dân thị xã Dĩ An này phải có mặt đúng lúc 9 giờ sáng ngày 5 tháng 1 năm 2018 tại trụ sở công an huyện Cai Lậy, bên tỉnh Tiền Giang, để “trả lời một số việc” liên quan tới vụ phản đối của ông tại trạm thu phí BOT Cai Lậy cách đây đúng một tháng.
Vào ngày 30 tháng 11, ông Phương đã dùng tiền lẻ mua vé qua trạm BOT Cai Lậy và yêu cầu nhân viên trả lại 100 đồng. Cảnh sát giao thông xuất hiện yêu cầu ông Phương xuất trình giấy tờ rồi giữ luôn bằng lái xe của ông. Sau đó, ông Phương phải đi tìm viên đại tá trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang để đòi lại bằng lái. Hoạn nạn của tài xế này chưa hết, khi ông bị một lực lượng cảnh sát cơ động áp giải về trụ sở công an huyện Cai Lậy. Tối cùng ngày hôm đó, tài xế Phương mới được cho về nhà. Theo tờ Dân Việt, từ đó tới nay ông Phương đã nhiều lần bị công an sách nhiễu bằng cách “mời” đi làm việc. Vào đầu năm tới, ông còn phải đi làm việc tại trụ sở công an ở một tỉnh khác.
Huy Lam / SBTN
Nhóm thanh niên Phú Thọ livestream
cảnh cầm mã tấu chặn xe ‘xin’ tiền mãi lộ
Một nhóm 11 thanh niên ở tỉnh Phú Thọ tung lên mạng một đoạn phim chính họ cầm dao chặn xe hơi trên xa lộ để “xin” tiền mãi lộ. Trong phim, họ còn thách thức người xem đi báo công an.
Theo báo Dân Việt, chính quyền huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hôm Thứ Bảy 30/12 cho biết công an huyện này đã bắt được 9 trong 11 thanh niên trong đoạn phim, còn 2 thanh niên nữa đang bỏ trốn. Công an huyện cũng thu giữ những con dao và mã tấu mà nhóm này dùng để “xin tiền”, và 400,000 đến 600,000 đồng đã “xin” được của các chủ xe bị họ chặn. Các thanh niên bị bắt đã khai nhận hành vi của mình với công an.
Trước đó, vào tối Thứ Sáu 29/12, một trương mục Facebook đăng tải đoạn phim dài hơn 30 phút, ghi lại cảnh nhóm thanh niên đứng ngoài đường cầm theo hung khí để chặn xe hơi trên xe lộ Hà Nội – Lào Cai, đoạn qua huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Những hình ảnh ghi lại cho thấy, họ cầm dao và mã tấu buộc nhiều phương tiện giao thông dừng lại giữa đường, trong đó có một chiếc xe khách. Khi chiếc xe này dừng lại, một số thanh niên đến sát bên phía tài xế và hét lớn “xin” tiền. Những thanh niên khác cầm dao đi lòng vòng.
Điều kỳ lạ chưa có lời giải thích là nhóm này tự quay phim cảnh chặn xe ăn cướp. Trong phim, họ còn hò hét thách thức cộng đồng mạng báo công an và liên tục chửi thề.
Huy Lam / SBTN
Nhận xét
Đăng nhận xét