Bắt tay Xi, Macron đã thấy mối nguy Tàu chưa?



Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao) – Paris từ hơn 2 tháng nay hỗn loạn liên miên vào cuối tuần vì những người Áo vàng biểu tình, đốt phá xe cộ, đập phá các cửa hàng sang trọng để lấy hàng hóa, làm tổn thất cho Pháp phải tính hằng tỷ euros. Cuối tuần vừa qua, 25/03/19, có thêm cuộc biểu tình của dân Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Việt Nam tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền như lời “chào đón” Xi Jinping thăm viếng Pháp, cũng vừa tới.
Người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng biểu tình cả ngàn người, đông hơn người Việt Nam tuy họ ở vùng Paris và cả ở Pháp ít hơn người Việt Nam mình nhiều. Tất cả đều biểu tình rất nghiêm chỉnh, trật tự. Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng đòi Tàu thả những người của 2 dân tộc bị bắt bớ vô cớ, ngưng đàn áp dân chúng, tôn trọng quyền sống của họ. Phía Việt Nam đòi hỏi mạnh hơn: Tàu hãy đi khỏi Việt Nam! Ngày thứ hai, các tổ chức Nhân quyền biểu tình tiếp, phản đối Xi Jinping vi phạm nhân quyền có hệ thống.
Chiều chủ nhật, ông bà Tổng thống Macron đón tiếp ông bà Xi và Peng Liyuan trước ở thành phố nhỏ Beaulieu-sur-Mer nằm trên bờ biển Azur (Cote d’Azur). Họ sẽ dùng cơm tối tại biệt thự Kérylos.
Đây là cuộc viếng thăm cấp Nhà nước nên nghi lễ rình rang, cũng thảm đỏ, cũng kèn trống, cũng lính đứng nghiêm bồng súng, mặc dầu Macron tiếp đón Xi tới ở tỉnh lẻ… Và đặc biệt, báo chí Pháp tường thuật cũng thay đổi cách xưng hô, dùng từ ngữ “ông bà Tổng thống” (couple présidentiel) để chỉ Xi và vợ là bà Peng Liyuan.
Qua hôm sau mới là cuộc gặp gỡ chính thức và quan trọng, Ông Tổng thống Macron mời thêm bà Merkel, Thủ tướng Đức và ông Juncker, Chủ tịch Ủy Hội Âu Châu (Président de la Commission européenne), qua gặp ông Xi ở Điện Élysée để cùng thảo luận về những tham vọng ngoại giao và thương mại của Tàu đối với Pháp và Âu Châu.
Tại biệt thự Kérylos 
19 giờ chiều chủ nhật 24/03/19, ông bà Xi từ Monaco qua tới biệt thự Kérylos, tòa nhà cổ, biệt thự-bảo tàng viện về văn minh hy-lạp (villa-musée), nhìn ra Địa Trung Hải, cách Nice chừng vài cây số. Ông bà Xi được chủ nhà đưa đi một vòng viếng ngôi biệt thự với những đồ vật xưa và nét kiến trúc hy lạp. Ông được ông Macron tặng một bản dịch Khổng tử ra tiếng Pháp của thế kỷ XVII, một bản giấy viết tay đánh dấu những bước đầu Âu Châu tìm hiểu về Tàu. Đáp lại, Xi tặng ông Macron một cái bình quí, đặc biệt chế tạo cho dịp này, có hình con gà trống và con gấu trúc, tượng trưng cho hai nước Pháp và Tàu.
Khi tiếp Xi, TT. Macron nghĩ phải thống nhất cách tiếp cận của Âu Châu với Tàu vốn là một nước vừa kình địch, vừa đối tác, ông liền mời Đức và Liên Hiệp Âu Châu cùng gặp gỡ thảo luận chung với nhau vào sáng thứ ba ở Paris. Cuộc gặp gỡ này sẽ là điểm then chốt quan trọng của chuyến viếng thăm Âu Châu kỳ này của Xi.
Cũng hôm chủ nhật, ở Nice, trước khi dùng cơm tối với ông bà Macron, ông bà Xi được ông bà Hoàng Albert mời tới Monaco dùng cơm trưa và hai bên thảo luận với nhau suốt hơn 2 giờ về các vấn đề kinh tế. Đây là thắng lợi lớn đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của Monaco vì là lần đầu tiên tiếp Đại diện một cường quốc. Xưa nay, Monaco với 38 000 dân cư chưa bao giờ tiếp một lãnh đạo nước lớn nào cả. Ngoại trừ các vị này tới đây du lịch và đánh casino (đánh bạc). Nhưng năm nay, Monaco sẽ là lảnh thổ đầu tiên thí nghiệm hệ thống 5G qua Huawei, mặc dầu Công ty này đang bị Mỹ lên án làm tình báo cho Bắc Kinh và nhiều nước Âu Châu cũng đang nghi ngờ chưa dám sấn tới.
Riêng đối với Tây, chuyến viếng thăm của Xi rất đẹp vì Tàu đã ký với Pháp mua 300 chiếc AirBus trị giá hợp đồng lên tới cả 30 tỷ euros.
Ngoài ra, chuyến viếng thăm Pháp của Xi hôm nay còn được Tàu nhấn mạnh là để đánh dấu 55 năm kỷ niệm mối quan hệ giữa hai nước.
 
“La France Made in china” 
Đó là tựa quyển sách của 2 đồng tác giả, Pierre Tiessen và Régis Soubrouillard, vừa phát hành ở Paris (do nhà Michel Lafon) trước 2 ngày Xi tới để TT. Macron và chính giới Pháp kịp đoc, trang bị cho mình sự hiểu biết cụ thể về Tàu. Tác giả là 2 nhà báo có nhiều năm theo dõi chính trị Trung Quốc, nhất là về đường lối kinh tế của chính phủ và cách làm ăn của giới kinh doanh, viết lại chiến lược tấn công Pháp và Âu Châu của Tàu với rất nhiều chi tiết thuyết phục.
Cài tựa sách “La France made in china” vừa khiêu khích, vừa toát lên tình trạng của Pháp đang bị Tàu nắm chóp! Có đúng như vậy không?
Đọc qua sách, chắc chắn ông Macron sẽ hiểu khi bà vợ của ông trước đây được Tàu mời bà làm “mẹ đở đầu” cho em bé panda mới sanh ở sở thú Beauval hoàn toàn không phải là một cử chỉ ưu ái thiệt tình của chú ba đâu, mà đó chỉ là cách ngoại giao bằng đường lối panda, gọi là “pandamania” của họ nhằm cải thiện bộ mặt tèm lem vì những vi phạm nhân quyền, ăn cắp bản quyền trí tuệ các nước tiên tiến, và buôn bán hàng nhái, hàng giả, độc hại,…Nên nhớ cách ngoại giao nhỏ, tưởng như không có gì, khéo léo, xưa nay vẫn là sở trường của chú ba, mà ết quả lại to lớn không ngờ.
Cho nên thiên hạ mới có nhiều kẻ chết dưới tay Trung Quốc!
Tại sao quyển sách của 2 tác giả Pierre Pierre Tiessen và Régis Soubrouillard có cái tựa “Nước Pháp của Tàu sản xuất”? Phải chăng tác giả thật sự muốn khiêu khích Tổng thống Macron và chính giới Pháp?
Chắc không phải. Nhưng phải chăng tác giả muốn nói hiện có gần mười chính khách hàng gạo cội của Pháp đang cung cúc cung phục vụ Bắc Kinh, đến nỗi họ có thể quên mình là ngưới Pháp nữa?
Để bảo vệ bộ mặt Tàu với dân Pháp và Âu Châu, Bắc Kinh đã kết được nhiều bạn Pháp vốn là hàng chính khách gạo cội có ảnh hưởng lớn. Có lẽ người bạn lớn và tốt nhất của Tàu là ông Jean–Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng dưới trào Chirac. Ông còn là Chủ tịch Hội đồng Quản hạt ở Poitiers, Dân biểu Âu Châu và Thượng nghị sĩ. Từ ngày không còn tham gia chính trị nữa, ông viết sách và chỉ xuất bản ở Tàu và giảng dạy tại một trường thương mại Tàu. Năm 2003, lúc đang tại chức Thủ tướng, Raffarin qua thăm viếng chính thức Bắc Kinh trong lúc nước Tàu đang bị dịch SRAS hoành hành, làm cho chính giới Tàu vô cùng thán phục sự gan dạ của ông. Ngoài ra, ông còn là thành viện Ban lãnh đạo một Think tank trực thuộc đảng công sản Tàu. Việc làm của một chính khách hàng đầu Pháp, phe hữu, nhằm phục vụ nước Tàu độc tài cộng sản, âm mưu thôn tính các nước nhỏ nghèo, đàn áp đẩm máu dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng nhưng lại hoàn toàn không làm ông bận tâm.
Raffarin không phải là chính khách duy nhất phục vụ Tàu. Cựu Tổng trưởng Ngoại giao của ông, De Villepin, sau trở thành Thủ tướng, hiện đang làm chủ 2 công ty Tàu ở Hồng kông và là người đang hết lòng binh vực “con đường tơ lụa mới” cửa Tàu.
Hai cựu Tổng trưởng của TT. Sarkozy Jean-Louis Borloo, thành viên Hội đồng quản trị Huawei Pháp và Claude Guéant (Cựu Tổng trưởng Nội vụ), làm tư vấn cho Tàu. Cả hai giúp các xí nghiệp Tàu hiểu rõ những cái phức tạp của Pháp.
Chính khách cánh hữu có 4 người đó thì bên cánh tả, đảng xã hội có Jean-Marie Le Guen và Bruno Leroux, đều là cựu Tổng trưởng của cựu TT. Hollande, đang làm việc cho xí nghiệp Tàu-Pháp. Vai trò của họ là bày hàng cho Tàu với danh nghĩa “nguyên là lãnh đạo chính quyền Pháp”.
Quyển sách của Pierre Tiessen và Régis Soubrouillard còn phơi bày cái yếu kém của Âu Châu trước thế xung kích hung hãn như xe ủi đất của Tàu nhằm phá hoại Liên Hiệp Âu Châu (UE) và xâm nhập vào từng nước Âu Châu.
Trên thực tế, ngày nay, Tàu đã mua lại của Âu Châu những thương hiệu nổi tiếng và những xí nghiệp kỳ cựu như Lanvin, Club Med, beurre Saint-Hubert, hơn 30 Château rượu nho, ruộng đất nông nghiệp, xưởng thủy tinh Baccarat từ thế kỷ XVIII của Pháp,…. Pirelli, Daimler, Volvo… Nhưng điều mà Tàu nhắm phải đạt cho bằng được là công nghệ cao của Âu Châu.
Khi Tàu ký hợp đồng cho phép các xí nghiệp quan trọng của Pháp qua Tàu làm ăn, luôn luôn có điều kiện là phải chuyển giao cái “biết làm” cho họ. Tây đã ký hợp đồng Điện lực và Airbus trong điều kiện này.
Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ 
Người vừa lớn tiếng báo động cho thế giới tự do nguy cơ diệt vong không xa là nhà kinh tế học và tỷ phú George Soros, người Mỹ gốc Hung-gia-lợi. Trước Diễn đàn Kinh tế thế giới hôm 24 tháng giêng 2019 ở Davos, Thụy Sĩ, ông cảnh báo chúng ta sẽ phải đối đầu các công cụ kiểm soát do công nghệ cao và trí khôn nhân tạo có thể trao cho các chế độ độc tài. Ông nói rõ đó là Trung Quốc và Xi Jinping đang nắm toàn quyền cai trị tuyệt đối nước Tàu và còn muốn lợi dụng thế mạnh để thực hiện giấc mơ làm bá chủ thế giới.
Công nghệ giúp chế độ độc tài tập trung được nhiều thông tin về dân chúng và từ đó, lập một “hệ thống tín dụng xã hội” để kiểm soát khít khao mọi diễn biến trong xã hội, kịp loại bỏ ngay những thành phần bị chế độ cho là bất hảo.
Trung Quốc không phải là nước độc tài độc nhất trên thế giới, nhưng Trung Quốc là nước giàu và phát triển mạnh trong ngành tin học và trí khôn nhân tạo. Điều này khiến cho Xi trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của những ai tin vào khái niệm xã hội mở.
Theo ông, “xã hội mở”, nói gọn đó là một xã hội trong đó luật pháp chiếm ưu thế và vai trò của nhà nước là bảo vệ nhân quyền, đối nghịch lại với sự cai trị của một cá nhân hay một đảng độc nhất. Chế độ độc tài dùng bất cứ công cụ kiểm soát nào có được để duy trì quyền lực nhằm vào những người đang bị chế độ bóc lột và áp bức.
Vậy phải làm thế nào để bảo vệ các xã hội mở khi công nghệ mới này trở thành công cụ của chế độ độc tài? Đó là câu hỏi đang làm ông bận tâm. Và đó cũng là câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người thích sống trong một xã hội mở.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?