Trật tự thế giới nhìn từ Boeing và Airbus
Bức tranh tương đối u ám của Boeing trên toàn cầu lại được tô điểm thêm bằng một hợp đồng 35 tỉ USD của đối thủ Airbus vừa ký với Trung Quốc.
Hai hãng bay lớn này bước vào một giai đoạn mới, và thậm chí là một đấu trường mới: chính trị.
Ngoại giao máy bay ở châu Âu
Thông tin từ trụ sở của Hãng Airbus tại Toulouse (Pháp) cho biết hợp đồng nêu trên bao gồm 290 chiếc A320neo và 10 chiếc A350, và nó được ký nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chính vì vậy, câu chuyện này nhanh chóng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế đi kèm yếu tố chính trị đậm đặc.
Số lượng 300 chiếc Airbus mà Trung Quốc ký hợp đồng mới đây bằng đúng những gì các doanh nghiệp nước này ký mua của Boeing khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ghé thăm Bắc Kinh năm 2017. Và lạ thay, trị giá đơn hàng 35 tỉ USD trong hợp đồng Airbus cũng cao gấp đôi so với con số mà hai bên từng tuyên bố năm ngoái.
Sự hào phóng của Trung Quốc như cái tát vào mặt Boeing, nhất là khi hãng sản xuất máy bay của Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì nhiều hãng bay trên thế giới đồng loạt tạm ngưng sử dụng mẫu 737 MAX, liên quan đến 2 tai nạn rơi máy bay khiến hàng trăm người chết chỉ trong vòng chưa đến 5 tháng.
Không một bằng chứng nào cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa hợp đồng Airbus và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay vấn đề hiện tại của Boeing. Tuy nhiên, theo Reuters, giới cầm quyền Trung Quốc có lịch sử lâu dài về việc bắn những tín hiệu ngoại giao thông qua các thỏa thuận mua máy bay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói trong buổi họp báo chung với ông Tập rằng: "Kết quả của một hợp đồng hàng không lớn... là một bước tiến quan trọng và là một tín hiệu tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay".
Trong thực tế, các cuộc đàm phán thương mại hiện nay cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mua từ 200-300 chiếc Boeing để bù đắp thâm hụt thương mại cho Mỹ. Theo số liệu dự báo của chính Airbus hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc cũng sẽ cần khoảng 7.400 chiếc máy bay vận tải và thương mại mới tính tới năm 2037.
Nói như Ellis Taylor, chuyên gia về tài chính châu Á của Công ty FlightGlobal, thì sau cùng Trung Quốc cũng phải cần mua hàng của cả Boeing lẫn Airbus, và vấn đề chỉ là cách chọn thời điểm thôi.
Điều này có nghĩa Trung Quốc, thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang nắm một con bài kinh tế quan trọng trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Đòn ngoại giao máy bay này đang được thi triển ở châu Âu, mà bản thân các thành viên lục địa này cũng đứng ở ngã ba đường.
Ngay trước hợp đồng Airbus, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại khi Ý trở thành nền kinh tế G7 đầu tiên ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc.
Ngay trước thềm chuyến thăm Pháp của ông Tập, ông Macron đưa ra lời cảnh báo thời kỳ châu Âu "ngây thơ đã chấm dứt", và rằng Trung Quốc đang "khai thác sự chia rẽ của chúng ta".
Thăng trầm Airbus - Boeing
Đặt trụ sở chính tại Toulouse, tiền thân của Airbus là một liên minh giữa Anh, Pháp và Đức nhằm hợp lực phát triển một hãng máy bay theo thế mạnh của từng nước. Để cạnh tranh với hai dòng máy bay cỡ lớn 707 và 747 của Boeing, khi ấy đã là một gã khổng lồ đang độc chiếm bầu trời, Airbus trình làng dòng máy bay A300B.
Khởi đầu của hãng không mấy suôn sẻ khi gặp hết rắc rối từ động cơ cho tới tính hiệu quả, và phải chừng hai thập kỷ sau, Airbus mới phát triển được sản phẩm có thể thách thức chiếc 747-400 của Boeing. Tuy nhiên, dù phải mất nhiều năm để hoàn thiện thiết kế cho chiếc máy bay hai tầng A380, Airbus lần đầu tiên khiến các hãng bay Mỹ phải mất tiền mua sắm.
Theo Wall Street Journal, điều đáng buồn là thành công của Airbus không kéo dài. Chiếc A380 - bản sao chép của Boeing 767-400, được xem là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử Airbus. Không lâu sau khi Airbus bắt đầu phát triển A380, Boeing ra mắt mẫu máy bay nhỏ hai động cơ 787 Dreamliner và nhanh chóng trở thành hàng nóng trên thị trường.
Mãi tới năm 2006, Airbus mới đuổi kịp Boeing với chiếc A350 hai động cơ. Cùng nhau, bộ đôi này đã hất cẳng A380, viết lại lịch sử kinh tế của những chuyến bay đường dài.
Chịu đòn từ khủng hoảng giao thông và giá nhiên liệu tăng vọt trong những năm 2000, lãnh đạo các hãng hàng không buộc phải tìm cách giảm chi phí và tối đa lợi nhuận của nhà đầu tư. Lợi nhuận được đặt trên thị phần.
Các máy bay lớn, vốn khó để lấp đầy chỗ trống, không còn được ưa chuộng. Không hãng hàng không Mỹ nào mua chiếc A380. Khách hàng châu Âu lớn nhất của Airbus bấy giờ là Deutsche Lufthansa AG của Đức, cũng chỉ mua 14 chiếc.
Đã vậy, Airbus cũng vướng những tai họa như Boeing mới đây. Động cơ của một chiếc A380 đã phát nổ trong chuyến bay hồi năm 2010. Dù không ai bị thương, vụ việc nhanh chóng khiến dư luận chỉ trích chiếc máy bay này.
Các khách hàng của hãng, bao gồm Virgin Atlantic Airways, Air France-KLM SA and Qantas Airways, đồng loạt hủy đơn hàng. Cuối cùng, hãng buộc phải tuyên bố dừng sản xuất A380 vào cuối 2021, sau khi đơn hàng cuối cùng được giao.
Cổ phiếu Airbus tăng 1,9%, giao dịch có lúc đạt mốc 116,4 euro/cổ phiếu tại Paris trong ngày 25-3, một ngày sau thông tin hãng này nhận được hợp đồng từ Trung Quốc. Giá trị cổ phiếu Airbus đã tăng 38% trong năm nay, so với 15% của Boeing.
Tại Điện Elysee cùng ông Tập hôm 25-3, Tổng thống Macron nhắc lại lập luận rằng châu Âu cần xác định một lập trường chung về mối quan hệ với Trung Quốc. Cả hai nhà lãnh đạo thống nhất xây dựng mối quan hệ dựa trên chủ nghĩa đa phương, cũng như thương mại bình đẳng và cân bằng.
Nhận xét
Đăng nhận xét