Tin Khắp Nơi - 30/03/2019
Trump đã yêu cầu Kim chuyển giao hạt nhân
qua một tờ giấy
Vào ngày cuộc hội đàm tại Hà Nội sụp đổ hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một tờ giấy trong đó có lời kêu gọi thẳng thắn về việc chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng cho Hoa Kỳ, theo Reuters.Theo Reuters, hãng tin này đã trông thấy tài liệu ông Trump đã đưa cho ông Kim hôm 28/2, trong đó có cả hai phiên bản tiếng Hàn và tiếng Anh về quan điểm của Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên chính ông Trump trực tiếp bày tỏ quan điểm của Hoa Kỳ về khái niệm phi hạt nhân hóa “cuối cùng, hoàn toàn có thể kiểm tra được” với ông Kim Jong-un, nguồn tin giấu tên cho Reuters biết.
Đó là Triều Tiên phải “phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng chế tạo hạt nhân, các chương trình chiến tranh hóa học và sinh học của Triều Tiên và các khả năng sử dụng tương tự; kèm theo các tên lửa đạn đạo, bệ phóng và các phương tiện liên quan”.
Bắc Hàn đuổi phóng viên ‘phạm thượng, che mặt’ Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un ăn gì hôm ở Hà Nội?
Giải mã hội nghị Trump-Kim ‘không ký gì’ ở Hà Nội
Tài liệu phiên bản tiếng Anh mà Reuters có được còn kêu gọi “Triều Tiên cung cấp thông tin toàn diện về chương trình hạt nhân của mình và cho các thanh sát viên Hoa Kỳ và quốc tế quyền tiếp cận đầy đủ; tạm dừng tất cả các hoạt động liên quan và xây dựng bất kỳ cơ sở mới nào; xóa bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng hạt nhân; và để chuyển tất cả các nhà khoa học và kỹ thuật viên chương trình hạt nhân sang các hoạt động thương mại”.
Không rõ ông Kim và phía Bắc Hàn đã phản ứng như thế nào, nhưng bữa ăn trưa của hai nhà lãnh đạo đã bị hủy trong ngày hôm đó và không bên nào đưa ra được một lời giải thích trọn vẹn tại sao cuộc hội nghị thượng đỉnh thất bại.
Sự tồn tại của tài liệu này lần đầu tiên được đề cập bởi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton trong các cuộc phỏng vấn trên sau hội nghị thượng đỉnh hai ngày.
Tuy nhiên, ông Bolton không tiết lộ rõ rằng tài liệu này thẳng thắn yêu cầu Triều Tiên nên chuyển vũ khí hạt nhân và nguyên liệu phân hạch sang cho Hoa Kỳ.
Thực tế, tài liệu này phản ánh rõ quan điểm cứng rắn theo “mô hình Libya” đã có từ lâu của ông John Bolton. Ý tưởng của việc Bắc Hàn phải giao nộp toàn bộ vũ khí đã được ông đề nghị từ hồi 2004.
Ông Trump từng lảng tránh các lời bình luận đề nghị tiếp cận Bắc Hàn như “mô hình Libya” của ông Bolton nhưng Tổng thống Hoa Kỳ từng nói mô hình này có thể được áp dụng nếu không thể đạt được một thỏa thuận với Bắc Hàn.
Phía Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Sau cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, một quan chức Bắc Hàn cáo buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh John Bolton đã đưa ra những yêu cầu “như gangster”, và nói Bình Nhưỡng cân nhắc hủy các cuộc hội đàm với Hoa Kỳ và sẽ xem xét lại về những lệnh cấm thử nghiệm tên lửa và hạt nhân mà nó đang tự áp đặt.
Thượng đỉnh Trump-Kim lần ba ‘có thể’ diễn ra
Bầu cử Bắc Hàn: Em ông Kim Jong-un làm đại biểu
Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trump và Kim, diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018, suýt bị hủy bỏ sau khi Triều Tiên từ chối những yêu cầu lặp đi lặp lại của ông Bolton là hãy theo mô hình phi hạt nhân hóa của Libya.
Libya đã chuyển các thành phần chương trình hạt nhân của nước này sang cho Hoa Kỳ hồi 2004.
Bảy năm sau khi đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa Hoa Kỳ và nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, thì Hoa Kỳ tham gia vào một chiến dịch quân sự chống lại chính phủ do NATO lãnh đạo khiến Gaddafi bị phiến quân lật đổ và giết chết.
Năm ngoái, sau khi Triều Tiên đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Singapore, ông Trump nói ông không theo đuổi mô hình của Libya và ông đang tìm kiếm một thỏa thuận sẽ bảo vệ ông Kim.
“Mô hình Libya là một mô hình rất khác. Chúng tôi đã tàn sát đất nước đó,” ông Trump nói.
Tài liệu về Hà Nội cho thấy một nỗ lực của ông Trump nhằm đạt “một thỏa thuận lớn” mà theo đó tất cả các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu Triều Tiên từ bỏ tất cả vũ khí.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47743676
Báo cáo điều tra Nga-Trump
sẽ được công bố vào tháng 4
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr dự định sẽ công bố bản sao được che bớt thông tin của báo cáo điều tra dài 400 trang từ Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 vào giữa tháng 4, ông nói trong một bức thư gửi các nhà lập pháp hôm 29/3.“Mọi người sẽ sớm có thể tự đọc nó,” ông Barr viết trong bức thư gửi các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu trong các ủy ban Tư pháp của Thượng viện và Hạ viện.
Ông nói rằng ông sẵn lòng xuất hiện trước cả hai ủy ban để điều trần về bản báo cáo của ông Mueller, vào ngày 1 và 2 tháng 5.
Ông Mueller hôm 22 tháng 3 đã hoàn thành cuộc điều tra kéo dài 22 tháng về việc liệu ban vận động của Tổng thống Donald Trump có thông đồng với Nga hay không.
Hôm Chủ nhật, ông Barr đã gửi một bức thư dài bốn trang cho Quốc hội, trong đó phác thảo những kết luận chính của ông Mueller. Ông Barr nói với các nhà lập pháp rằng cuộc điều tra của ông Mueller không xác định rằng các thành viên của ban vận động Trump đã âm mưu với Nga trong các hoạt động can thiệp bầu cử.
Ông Mueller để ngỏ nghi vấn liệu ông Trump có cản trở công lí hay không trong quá trình điều tra. Ông Barr nói rằng dựa trên các bằng chứng được đưa ra, ông kết luận không có đủ căn cứ để cáo buộc Tổng thống phạm tội cản trở công lí.
Ông nói rằng bức thư dài bốn trang của ông vào Chủ nhật không phải là tường thuật đầy đủ về cuộc điều tra của ông Mueller và nói ông tin rằng công chúng nên được phép đọc và tự phán xét.
Các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ đòi cung cấp thêm chi tiết. Họ kêu gọi công bố toàn bộ bản báo cáo và một số nhà lập pháp định ra thời hạn là ngày 2 tháng 4.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-dieu-tra-nga-trump-se-duoc-cong-bo-vao-thang-tu/4854448.html
Chín ngân hàng thắng kiện
trong vụ án tài trợ khủng bố Iran
Một thẩm phán liên bang đã bác một vụ kiện đòi chín ngân hàng lớn ở Châu Âu phải chịu trách nhiệm pháp lí về việc họ cung cấp dịch vụ ngân hàng cho Iran, cho phép những phần tử chủ chiến thực hiện 55 vụ tấn công nhắm vào lực lượng vũ trang của Mỹ ở nước láng giềng Iraq.Trong một phán quyết hôm thứ Năm, Thẩm phán liên bang Laura Taylor Swain ở Manhattan nói những hành vi sai trái bị cáo buộc của các ngân hàng có quá ít liên hệ tới những vụ tấn công này, xảy ra từ năm 2003 đến 2011, để chịu trách nhiệm dân sự theo luật chống khủng bố liên bang.
Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê Iran là nước bảo trợ khủng bố từ năm 1984.
Barclays Plc, BNP Paribas SA, Commerzbank AG, Credit Agricole SA, Credit Suisse Group AG, Deutsche Bank AG, HSBC Holdings Plc, Royal Bank of Scotland Group Plc và Standard Chartered Plc đã bị kiện bởi các quân nhân sống sót sau các vụ tấn công, và người thân của những người bị sát hại.
Các nguyên đơn cáo buộc trong một đơn kiện dài 533 trang rằng các ngân hàng đã che giấu công việc của họ cho Iran thông qua các hoạt động như thay đổi chuyển khoản ngân hàng và che giấu danh tính của những người chuyển tiền.
Nhưng thẩm phán Swain không tìm thấy bằng chứng cho thấy các dịch vụ của các ngân hàng này là một yếu tố đáng kể trong các vụ tấn công, và các tổn hại của nguyên đơn là một hậu quả có thể nhìn thấy trước.
Các ngân hàng nói những vụ tấn công nhắm vào binh lính Mỹ, bao gồm trong Chiến tranh Iraq, là “đáng lên án,” nhưng họ không gây ra bất kì vụ tấn công nào và “không hỗ trợ bất cứ kẻ khủng bố nào.”
https://www.voatiengviet.com/a/chin-ngan-hang-thang-kien-trong-vu-an-tai-tro-khung-bo-iran/4854447.html
Canada: Ghi âm bí mật
tăng sức ép lên Thủ tướng Justin Trudeau
Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại chịu thêm sức ép sau khi cựu bộ trưởng tư pháp công bố tài liệu mới về tranh cãi SNC-Lavalin.Bà Jody Wilson-Raybould nói giới chức chính phủ cố gắng thuyết phục bà bỏ qua việc truy tố công ty trong một vụ tham ô.
Bà đã chuyển một băng ghi âm và tài liệu khác cho một ủy ban hạ viện.
Các hồ sơ này lại được công khai hôm thứ Sáu, làm tăng sức ép với ông Trudeau.
Justin Trudeau là thủ tướng Canada từ năm 2015.
Jody Wilson-Raybould từng là trưởng công tố và kiêm chức bộ trưởng tư pháp. Khác với Anh quốc, ở Canada, hai chức này cùng do một người nắm giữ.
Cựu trưởng công tố lên tiếng tố cáo ông Trudeau và nhân viên bỏ nhiều tháng thuyết phục bà hãy ngừng đưa công ty ra tòa vì sẽ làm người Canada mất việc, đảng thì mất phiếu.
Bà nói bà bị “đe dọa ngấm ngầm”, và sau đó bị đá ra khỏi bộ.
Tháng Giêng năm nay, bà bị đưa ra khỏi bộ tư pháp để chuyển sang bộ cựu binh – mà nhiều người xem là hình thức giáng chức.
Còn SNC-Lavalin là một công ty lớn về xây dựng.
Công ty này bị truy tố tội tham ô liên quan 48 triệu đôla Canada (khoảng 36 triệu đôla Mỹ) tiền hối lộ, được cho là gửi tặng quan chức Libya giai đoạn 2001 -2011 khi Muammar Gaddafi còn nắm quyền ở Libya.
Công ty này đã công khai vận động xin có dàn xếp thay vì ra tòa, nói rằng họ đã thay đổi.
Có gì trong băng ghi âm?
Băng ghi âm dài 18 phút. Đây là cuộc điện thoại tháng 12 giữa bà Wilson-Raybould và ông Michael Wernick về vụ SNC-Lavalin.
Bà Wilson-Raybould nói bà phải có bước đi “vốn dĩ không phù hợp” để ghi âm lén vì bà muốn có hồ sơ chính xác.
Trong băng, hai người nói chuyện qua lại, trong đó viên chức cao cấp chính phủ khẳng định thủ tuớng quan tâm làm sao cho công ty không bị truy tố.
Ông Trudeau và các nhân viên của ông nói họ lo lắng cho hàng ngàn việc làm rủi ro nếu công ty bị truy tố.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47759618
Khủng hoảng Venezuela:
Chữ Thập Đỏ ‘sẽ cung cấp cứu trợ thiết yếu’
Hội Chữ Thập Đỏ (IFRC) nói họ có thể bắt đầu phân phát hàng cứu trợ thiết yếu cho Venezuela hiện đang trong tình trạng khủng hoảng trong vòng hai tuần tới.Người đứng đầu IFRC, Francesco Rocca, nói rằng tổ chức này bước đầu có thể giúp được 650 ngàn người đang trong tình cảnh thiếu thực phẩm, thuốc men.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaidó nói rằng chính phủ phải “thừa nhận thất bại của họ bằng việc chấp nhận sự hiện diện của một chiến dịch cứu trợ nhân đạo phức tạp”.
Juan Guaidó bị cấm vị trí công 15 năm
Máy bay Nga chở gì sang giúp ông Maduro?
Điều tra dự án PVN ở Venezuela để làm gì?
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro chưa đưa ra bình luận gì về việc Chữ Thập Đỏ sẽ phân phát đồ cứu trợ.
Hồi tháng Hai, ông Maduro đã dùng quân đội để chặn nỗ lực của ông Guiadó, khi đó muốn đem các đoàn xe cứu trợ nhân đạo được Hoa Kỳ hậu thuẫn vào Venezuela.
Ông Guaidó, người đứng đầu Quốc hội, cơ quan do phe đối lập nắm quyền kiểm soát, hồi tháng Giêng đã tự tuyên bố mình là tổng thống lâm thời.
Ông đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 50 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Ông Maduro khi đó coi các đoàn xe cứu trợ là một sự xâm lăng trá hình của Mỹ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Caracas, ông Rocca nói: “Chúng tôi ước tính là trong khoảng 15 ngày, chúng tôi sẽ sẵn sàng bắt đầu giúp đỡ. Chúng tôi hy vọng trước mắt sẽ giúp được cho 650 ngàn người.”
Ông Rocca nói Venezuela đã đáp ứng được các điều kiện để công tác cứu trợ nhân đạo có thể diễn ra.
‘Công bằng, trung lập và độc lập’
Hiện chưa rõ điều này có đồng nghĩa với việc IFRC đã giành được sự chuẩn thuận của chính quyền Venezuela hay chưa, dẫu cho Thời báo New York dẫn lời tổ chức này nói ông Maduro đã cấp phép cho việc bắt đầu đưa hàng cứu trợ tới.
Ông Rocca nói IRFC sẽ cần hành động “công bằng, trung lập, và độc lập”, không can thiệp vào các vấn đề khác.
Ông Guiadó nói trên Twitter rằng tuyên bố của IFRC là một “chiến thắng to lớn cho cuộc đấu tranh của chúng ta”.
Ông Maduro bác bỏ việc có cuộc khủng hoảng nhân đạo, và đã nhận một số hàng tiếp tế cũng như ủng hộ từ các đồng minh Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, siêu lạm phát và việc thiếu nguồn cung ứng khiến thực phẩm và thuốc men vẫn làn thứ khó kiếm, gây tình trạng suy dinh dưỡng tại Venezuela.
Trong một tuyên bố độc lập, chính phủ nói hôm thứ Sáu rằng họ đang chuẩn bị nhận một lô hàng thuốc men y tế từ Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47741059
Ý kiến chuyên gia: Thế giới đã bị TQ lừa dối quá lâu
Hôm 24/3, tờ Live Mint cho đăng bài viết của chuyên gia Ấn Độ Sandipan Deb, sáng lập viên của các tạp chí ‘Open’ và ‘Swarajya’, trong đó nhận định Trung Quốc không đáng tin cậy, và lừa dối thế giới quá lâu.Theo ông Deb, đáng lẽ không có ai nên ngạc nhiên khi Trung Quốc ngăn chặn đề xuất được đưa ra trong Ủy ban Trừng phạt Al Qaeda của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ rõ Masood Azhar, thủ lĩnh của tổ chức Jaish-e-Mohammed, là một “kẻ khủng bố toàn cầu”.
Trước sự việc đó, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố thể hiện sự thất vọng, nhưng lại gây ngạc nhiên với rất nhiều người khi không nêu tên đích danh Trung Quốc. Tại sao có sự thận trọng này? Có phải cơ sở hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ bị lừa dối đến mức tin rằng Trung Quốc sẽ là bạn của Ấn Độ một ngày nào đó không? Ông Deb không nghĩ như vậy, và cho rằng Ấn Độ đã làm đúng khi thể hiện sự thận trọng, và để cộng đồng thế giới lên tiếng.
Các quốc gia khác, thành viên của Ủy ban Trừng phạt, đều nêu tên Trung Quốc, và bày tỏ những gì còn hơn là sự thất vọng. Pháp đóng băng tất cả tài sản của tên Masood Azhar ở nước này. Đức khởi đầu một động thái trong Liên minh châu Âu (EU), chỉ rõ Azhar là một kẻ khủng bố toàn cầu. Thậm chí, một nhà ngoại giao Mỹ đã đi xa đến mức tuyên bố: “Nếu Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn sự chỉ rõ này [đối với kẻ khủng bố Masood Azhar], các quốc gia thành viên có trách nhiệm có thể buộc phải theo đuổi các hành động khác tại Hội đồng Bảo An”.
Những gì Ấn Độ đã xoay sở thực hiện được thành công, là việc cho thế giới thấy được Trung Quốc là kẻ lừa đảo, ông Deb viết. Ấn Độ cũng dành được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia hùng mạnh trên thế giới, đứng về phía mình. Thế giới đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng Trung Quốc, với việc coi thường luật pháp quốc tế, và với những tham vọng đế quốc được phơi bày, chính là một mối nguy hiểm thật sự cho trật tự thế giới, ông Deb nhận định.
Theo ông Deb, các chiến lược của Trung Quốc dựa trên những bài học lượm lặt được từ hàng ngàn năm lịch sử. Những chiến thắng được nhiều người biết đến trong lịch sử Trung Quốc, không dựa trên sự dũng cảm, mà dựa trên sự lừa dối, mưu mẹo. Những chiến lược chiến đấu thành công được dạy thường xuyên tại các học viện Trung Quốc, và là một phần không thể thiếu trong thế giới quan của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Một báo cáo của ‘RAND Corporation’, một công ty phi lợi nhuận của Mỹ tư vấn về chính sách toàn cầu, cho rằng: “Một kết quả phổ biến của sự mưu mẹo dành cho người Trung Quốc, là không phải sử dụng lực lượng của chính mình”, mà lợi dụng nước khác. Ví dụ như [Trung Quốc] sử dụng Pakistan để khiến Ấn Độ phải phân tâm, quẫn trí, ông Deb dẫn chứng.
Theo ông Deb, đầu những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu giả vờ làm bạn với Mỹ. Trong những năm 1980, Trung Quốc mở cửa cho đầu tư nước ngoài (nhưng với các quy định của luật pháp, thiên vệ có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc). Phương Tây nghĩ rằng các thị trường tự do hơn sẽ dẫn đến sự nở rộ của nền dân chủ, nhưng chính quyền Trung Quốc không tin vào thị trường tự do hay dân chủ. Ngoài các khoản đầu tư, Mỹ còn cung cấp cho Trung Quốc công nghệ, bí quyết quân sự, tin tức tình báo, và những lời khuyên của chuyên gia.
Trong cuốn sách ‘The Hundred-Year Marathon’ [Tạm dịch: ‘Cuộc đua hàng trăm năm’], tác giả Michael Pillsbury, một nhà phân tích quốc phòng Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, đã viết: “Trong một ví dụ kinh điển về việc biến năng lực tiềm tàng và động lực của người khác, thành lợi thế của mình, Trung Quốc sẽ ‘mượn’ các kỹ thuật từ phương Tây để phát triển (lĩnh vực tài chính và công nghiệp của mình) – tất cả cùng với sự giúp đỡ tích cực từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, và từ các công ty tư nhân như Goldman Sachs. Trong khi đó, khi không thấy cách nào khác, chính phủ [Trung Quốc] đã tích cực khuyến khích và cổ vũ các chương trình vụng trộm và liều lĩnh, để đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ phương Tây. Giả mạo đã trở thành nền tảng cho 8% GDP của Trung Quốc”.
Năm 2018, một báo cáo về hàng giả của Tổ chức Giám sát Công nghiệp và Ủng hộ Người tiêu dùng Mỹ, đã đánh giá rằng 80% hàng giả trên thế giới, ước tính trị giá 1,8 nghìn tỷ USD, là được sản xuất ở Trung Quốc.
May mắn thay, theo ông Deb, tin tức tốt đẹp là nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận thấy sự lừa dối của Trung Quốc. Trên thực tế, một số hành động của Trung Quốc, chẳng hạn như việc Bắc Kinh miệt thị, coi thường Phán quyết của tòa trọng tài Liên Hợp Quốc năm 2016 chống lại những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, dường như cho thấy Bắc Kinh không còn quan tâm đến việc ‘ngụy trang’ nữa.
Trong một tài liệu phát hành hôm 12/3, Ủy ban châu Âu và cơ quan ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) đã cảnh báo Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thế giới đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng Trung Quốc, với sự coi thường luật pháp quốc tế và tham vọng đế quốc trần trụi, là một mối nguy hiểm cho trật tự toàn cầu. (Bloomberg)Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bây giờ có đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc không đáng tin cậy, không trung thực, coi thường các giá trị của con người, và khao khát một quyền bá chủ toàn cầu, chuyên gia Ấn Độ Sandipan Deb nhận định. (Ảnh: Bloomberg)
Tài liệu này cáo buộc Trung Quốc bảo vệ “thị trường nội địa cho các công ty hàng đầu của mình” bằng cách hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận thì trường Trung Quốc, trợ cấp cho các công ty địa phương cạnh tranh, và không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đối với đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc thường giành quyền kiểm soát các tài sản chiến lược, làm suy yếu luật pháp, và hưởng lợi từ nguồn tài chính do Bắc Kinh hậu thuẫn, khiến các đối thủ nước ngoài gặp bất lợi. Tài liệu này cũng khuyến nghị EU nên xây dựng một phương sách mới, chống lại các thủ đoạn kinh doanh và thương mại gây hấn của Trung Quốc.
EU có kế hoạch thúc đẩy một cách tiếp cận chung đối với các rủi ro an ninh mạng 5G (một ám chỉ rõ ràng đến Huawei). Một hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4 tới. Tiếp theo đó là cuộc họp tại Croatia của nhóm 16 + 1, bao gồm 16 nước Trung và Đông Âu (trong đó có 11 nước là thành viên EU) và Trung Quốc. Theo ông Deb, đó được cho là một mưu đồ của Trung Quốc, gieo rắc bất hòa trong EU, khi Ý trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thuộc G7 tán thành Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Bây giờ có đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc không đáng tin cậy, không trung thực, coi thường các giá trị của con người, và khao khát một quyền bá chủ toàn cầu, ông Deb nhận định.
Với tư cách là nước láng giềng của Trung Quốc, Ấn Độ có vai trò rất lớn trong việc thực hiện các biện pháp ngoại giao, và tự thu xếp mọi nỗ lực hợp lý để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Ở đây, Ấn Độ không nên thể hiện quá nhiều sự thận trọng, ông Deb đề xuất.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27172-y-kien-chuyen-gia-the-gioi-da-bi-tq-lua-doi-qua-lau.html
Trật tự thế giới nhìn từ Boeing và Airbus
Bức tranh tương đối u ám của Boeing trên toàn cầu lại được tô điểm thêm bằng một hợp đồng 35 tỉ USD của đối thủ Airbus vừa ký với Trung Quốc.Hai hãng bay lớn này bước vào một giai đoạn mới, và thậm chí là một đấu trường mới: chính trị.
Ngoại giao máy bay ở châu Âu
Thông tin từ trụ sở của Hãng Airbus tại Toulouse (Pháp) cho biết hợp đồng nêu trên bao gồm 290 chiếc A320neo và 10 chiếc A350, và nó được ký nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chính vì vậy, câu chuyện này nhanh chóng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế đi kèm yếu tố chính trị đậm đặc.
Số lượng 300 chiếc Airbus mà Trung Quốc ký hợp đồng mới đây bằng đúng những gì các doanh nghiệp nước này ký mua của Boeing khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ghé thăm Bắc Kinh năm 2017. Và lạ thay, trị giá đơn hàng 35 tỉ USD trong hợp đồng Airbus cũng cao gấp đôi so với con số mà hai bên từng tuyên bố năm ngoái.
Sự hào phóng của Trung Quốc như cái tát vào mặt Boeing, nhất là khi hãng sản xuất máy bay của Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì nhiều hãng bay trên thế giới đồng loạt tạm ngưng sử dụng mẫu 737 MAX, liên quan đến 2 tai nạn rơi máy bay khiến hàng trăm người chết chỉ trong vòng chưa đến 5 tháng.
Không một bằng chứng nào cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa hợp đồng Airbus và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hay vấn đề hiện tại của Boeing. Tuy nhiên, theo Reuters, giới cầm quyền Trung Quốc có lịch sử lâu dài về việc bắn những tín hiệu ngoại giao thông qua các thỏa thuận mua máy bay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói trong buổi họp báo chung với ông Tập rằng: “Kết quả của một hợp đồng hàng không lớn… là một bước tiến quan trọng và là một tín hiệu tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay”.
Trong thực tế, các cuộc đàm phán thương mại hiện nay cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mua từ 200-300 chiếc Boeing để bù đắp thâm hụt thương mại cho Mỹ. Theo số liệu dự báo của chính Airbus hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc cũng sẽ cần khoảng 7.400 chiếc máy bay vận tải và thương mại mới tính tới năm 2037.
Nói như Ellis Taylor, chuyên gia về tài chính châu Á của Công ty FlightGlobal, thì sau cùng Trung Quốc cũng phải cần mua hàng của cả Boeing lẫn Airbus, và vấn đề chỉ là cách chọn thời điểm thôi.
Điều này có nghĩa Trung Quốc, thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang nắm một con bài kinh tế quan trọng trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Đòn ngoại giao máy bay này đang được thi triển ở châu Âu, mà bản thân các thành viên lục địa này cũng đứng ở ngã ba đường.
Ngay trước hợp đồng Airbus, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại khi Ý trở thành nền kinh tế G7 đầu tiên ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc.
Ngay trước thềm chuyến thăm Pháp của ông Tập, ông Macron đưa ra lời cảnh báo thời kỳ châu Âu “ngây thơ đã chấm dứt”, và rằng Trung Quốc đang “khai thác sự chia rẽ của chúng ta”.
Thăng trầm Airbus – Boeing
Đặt trụ sở chính tại Toulouse, tiền thân của Airbus là một liên minh giữa Anh, Pháp và Đức nhằm hợp lực phát triển một hãng máy bay theo thế mạnh của từng nước. Để cạnh tranh với hai dòng máy bay cỡ lớn 707 và 747 của Boeing, khi ấy đã là một gã khổng lồ đang độc chiếm bầu trời, Airbus trình làng dòng máy bay A300B.
Khởi đầu của hãng không mấy suôn sẻ khi gặp hết rắc rối từ động cơ cho tới tính hiệu quả, và phải chừng hai thập kỷ sau, Airbus mới phát triển được sản phẩm có thể thách thức chiếc 747-400 của Boeing. Tuy nhiên, dù phải mất nhiều năm để hoàn thiện thiết kế cho chiếc máy bay hai tầng A380, Airbus lần đầu tiên khiến các hãng bay Mỹ phải mất tiền mua sắm.
Theo Wall Street Journal, điều đáng buồn là thành công của Airbus không kéo dài. Chiếc A380 – bản sao chép của Boeing 767-400, được xem là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử Airbus.
Không lâu sau khi Airbus bắt đầu phát triển A380, Boeing ra mắt mẫu máy bay nhỏ hai động cơ 787 Dreamliner và nhanh chóng trở thành hàng nóng trên thị trường.
Mãi tới năm 2006, Airbus mới đuổi kịp Boeing với chiếc A350 hai động cơ. Cùng nhau, bộ đôi này đã hất cẳng A380, viết lại lịch sử kinh tế của những chuyến bay đường dài.
Chịu đòn từ khủng hoảng giao thông và giá nhiên liệu tăng vọt trong những năm 2000, lãnh đạo các hãng hàng không buộc phải tìm cách giảm chi phí và tối đa lợi nhuận của nhà đầu tư. Lợi nhuận được đặt trên thị phần.
Các máy bay lớn, vốn khó để lấp đầy chỗ trống, không còn được ưa chuộng. Không hãng hàng không Mỹ nào mua chiếc A380. Khách hàng châu Âu lớn nhất của Airbus bấy giờ là Deutsche Lufthansa AG của Đức, cũng chỉ mua 14 chiếc.
Đã vậy, Airbus cũng vướng những tai họa như Boeing mới đây. Động cơ của một chiếc A380 đã phát nổ trong chuyến bay hồi năm 2010. Dù không ai bị thương, vụ việc nhanh chóng khiến dư luận chỉ trích chiếc máy bay này.
Các khách hàng của hãng, bao gồm Virgin Atlantic Airways, Air France-KLM SA and Qantas Airways, đồng loạt hủy đơn hàng. Cuối cùng, hãng buộc phải tuyên bố dừng sản xuất A380 vào cuối 2021, sau khi đơn hàng cuối cùng được giao.
Cổ phiếu Airbus tăng 1,9%, giao dịch có lúc đạt mốc 116,4 euro/cổ phiếu tại Paris trong ngày 25-3, một ngày sau thông tin hãng này nhận được hợp đồng từ Trung Quốc. Giá trị cổ phiếu Airbus đã tăng 38% trong năm nay, so với 15% của Boeing.
Tại Điện Elysee cùng ông Tập hôm 25-3, Tổng thống Macron nhắc lại lập luận rằng châu Âu cần xác định một lập trường chung về mối quan hệ với Trung Quốc. Cả hai nhà lãnh đạo thống nhất xây dựng mối quan hệ dựa trên chủ nghĩa đa phương, cũng như thương mại bình đẳng và cân bằng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27156-trat-tu-the-gioi-nhin-tu-boeing-va-airbus.html
Vatican-TQ cùng phong giám mục
’khác mô hình với Việt Nam’
Nhân chuyện Trung Quốc và Vatican sắp tiến đến thành công đầu trong việc phong một tân giám mục ở Nội Mông, báo Hong Kong nhắc lại ‘mô hình Việt Nam’ cho việc tương tự trong quan hệ với Toà Thánh.Bài của Mimi Lau trên trang South China Morning Post (29/03/2019) nói giáo phận Ô Minh, Nội Mông sắp có tân giám mục nhờ thỏa thuận thụ phong lần đầu áp dụng giữa Vatican và Bắc Kinh.
Trương Vĩnh Ký – Nhà giáo dục yêu nước của VN
Vatican công nhận giám mục do Bắc Kinh chỉ định
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Phong á thánh cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận
Được biết linh mục Yao Shun được cả chính quyền Trung Quốc và Vatican chọn để lên làm giám mục sau khi vị tiền nhiệm qua đời năm 2017.
Tuy thế, tên tuổi vị linh mục này chưa được đệ lên Đức Giáo hoàng Francis.
Nhưng cách làm của Vatican và Bắc Kinh lạ là Trung Quốc nêu ra một danh sách hai đến ba ứng viên, với tên ở trên cùng là được Đảng Cộng sản ưu tiên.
Sau đó, Đức Giáo hoàng Francis sẽ chọn và tấn phong cho giám mục mới.
Bài trên báo Hong Kong cho hay quy trình này lại hoàn toàn ngược với cách làm mà Vatican và Việt Nam đã đồng ý năm 1996.
Tờ báo trích một nhà phân tích chuyên về Công giáo ở Hong Kong nói:
“Cách làm này hoàn toàn ngược lại với thỏa thuận của Vatican với Hà Nội, theo đó Tòa Thánh nêu ra ba tên tuổi cho Hà Nội chọn một. “
Được biết mô hình này do Đức Hồng y Pietro Parolin nêu ra trong quan hệ với Việt Nam nhiều năm về trước.
Trong một bài trên trang Catholic News Agency (15/02/2017), Andrea Gagliarducci cũng nói đến ‘mô hình Việt Nam’ và cho rằng Trung Quốc không hề thích cách giải quyết tương tự.
Tác giả này cho rằng: “Trung Quốc luôn luôn bác bỏ giải pháp kiểu Việt Nam” và rằng từ phía Vatican, Giáo hội cũng “từng gặp khó khăn khi Hà Nội trì hoãn trả lời, khiến các giáo phận đợi rất lâu mà không có giám mục”.
“Tuy thế, tình hình ở Việt Nam đã tiến triển thời gian gần đây,” theo tác giả Andrea Gagliarducci.
Câu chuyện được nêu ra vì cả Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia theo ý thức hệ cộng sản, không có quan hệ ngoại giao với Vatican.
‘Chạy đua vào chức giám mục’
Dù vậy, số tín đồ Công giáo và linh mục, giám mục cùng các dòng tu đã có mặt ở cả hai nước này trước khi đảng cộng sản lên cầm quyền, khiến họ phải tìm một giải pháp nào đó cho quan hệ với cộng đồng Công giáo và Vatican.
Riêng tại Trung Quốc, ngoài Giáo hội hướng về Tòa Thánh còn có một giáo hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc cho lập ra.
Vai trò của các giám mục trong giáo hội nhà nước này cũng là một vấn đề lớn cho quan hệ hai bên.
Vì các vướng mắc ‘không công nhận nhau’ một nửa trong số 97 giáo phận Công giáo trên cả nước Trung Quốc hiện không có giám mục.
Có ý kiến nói Trung Quốc sẽ tìm cách đưa gần 30 vị giám mục ‘quốc doanh’ mà họ đã bổ nhiệm để cho Vatican chọn, coi như chấp nhận sự đã rồi.
Cùng lúc, theo South China Morning Post, một số ứng viên cao cấp trong giới tăng lữ ở Thiểm Tây và Hà Nam đã “tranh đua” để được vào danh sách chính quyền Trung Quốc đề lên cho Vatican chọn làm giám mục.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47750695
Lo bị đẩy sang bên lề,
châu Âu thay đổi chiến lược với TQ
Trước nguy cơ ngày càng bị đẩy vào thế bên lề, châu Âu đang có những thay đổi chiến lược trong đối sách với Trung Quốc.Ngày 26/3, ba lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker có cuộc họp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris, Pháp. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Macron nhằm xây dựng một mối quan hệ đối tác mạnh giữa châu Âu với Trung Quốc, trong bối cảnh dù có nhiều bất đồng, nghi ngại, nhưng cả hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác dựa trên ‘những cơ sở rõ ràng, nghiêm ngặt’.
Cuộc gặp với hình thức chưa từng có tiền lệ
Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa lãnh đạo Pháp, Đức, EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào một thời điểm quan trọng khi mà dư luận châu Âu coi Trung Quốc là một ‘đối thủ mang tính hệ thống’ và nghi ngại vào những dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh. Đây là một cuộc gặp với hình thức chưa có tiền lệ khi Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức song phương đến Pháp nhưng Tổng thống Pháp mời cả Thủ tướng Đức Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cùng hội đàm. Vì thế, có thể xem cuộc gặp này là một cuộc họp Thượng đỉnh mini giữa Trung Quốc với 3 lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu. Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy là không chỉ nước chủ nhà Pháp mà cả châu Âu đều đặc biệt coi trọng việc xử lý mối quan hệ hiện đang có nhiều vướng mắc với Trung Quốc.
Các vướng mắc này nằm ở nhiều cấp độ. Thứ nhất, là trong mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, châu Âu cho rằng Trung Quốc quá bảo hộ thị trường nội địa và tạo ra nhiều rào cản đối với các công ty châu Âu muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi trong vài năm qua thì châu Âu lại gần như mở cửa tự do cho các nhà đầu tư Trung Quốc tiến vào châu Âu. Vì thế, trong quan hệ thương mại, châu Âu muốn Trung Quốc thực hiện nguyên tắc cân bằng, “có đi, có lại”, tức là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty châu Âu làm ăn ở Trung Quốc.
Tiếp đến, vướng mắc lớn thứ hai giữa châu Âu và Trung Quốc là ở việc quản trị toàn cầu, hay nói cách khác, là châu Âu đang coi mô hình phát triển của Trung Quốc là một mối đe doạ đối với mô hình dân chủ phương Tây.
Sự lo ngại này ngày càng lớn khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng trong những năm qua còn châu Âu thì lại vướng vào quá nhiều thách thức nội khối như Brexit, nợ công hay khủng hoảng tị nạn. Vì thế, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì 3 nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu đã gửi đi thông điệp, mà như Tổng thống Pháp Macron nói, đó là “châu Âu muốn duy trì một trật tự thế giới đa phương được cải tổ, mang tính cởi mở, cân bằng hơn và chuẩn mực hơn”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói rất thẳng thắn, là họ không ngây thơ đến mức nghĩ rằng việc cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ không tạo nên sự đối địch nhưng châu Âu tuyên bố tôn trọng Trung Quốc và đổi lại, cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự toàn vẹn cũng như các giá trị của châu Âu.
Có thể nói, đây là một cuộc hội đàm thẳng thắn. Phía châu Âu đưa ra hai thông điệp rất rõ: một là “cạnh tranh tích cực” và hai là “duy trì một chủ nghĩa đa phương được cải tổ”. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo cấp cao châu Âu đề cập thẳng thắn với Trung Quốc các lo ngại của họ với phía Trung Quốc. Đây là một thay đổi lớn trong nhận thức chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc, trong bối cảnh địa chính trị thế giới có quá nhiều biến động. Việc hai bên có thể thẳng thắn đối thoại với nhau như thế đã là một tín hiệu rất tích cực còn việc hoá giải được bất đồng hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng bên và việc các bên ưu tiên các chiến lược dài hạn ra sao.
Châu Âu “lúng túng” tìm đối sách với Trung Quốc
Thực tế là nội bộ các nước thành viên EU cũng đang có những chia rẽ trước những dự án đầy tham vọng của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trước khi đến thăm Pháp thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đến Italy và Công quốc Monaco. Tại Italia, phía Trung Quốc và Italy đã ký một loạt các hợp đồng và bản ghi nhớ quan trọng để biến Italia trở thành nước G7 đầu tiên gia nhập đại dự án cực kỳ tham vọng là “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Còn tại Monaco, Trung Quốc cũng đi những bước lớn trong việc biến công quốc này thành lãnh thổ đầu tiên phủ sóng 5G của tập đoàn Huawei.
Đây chính là những động thái khiến châu Âu lo ngại vì nó cho thấy là nội bộ các nước thành viên EU đang có chia rẽ lớn trong quan điểm tiếp cận với Trung Quốc. Một số quốc gia như Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha thì rất hoan nghênh Trung Quốc và họ cho rằng việc đón nhận Trung Quốc hoàn toàn là vì lợi ích quốc gia của họ.
Nói như Phó Thủ tướng Itay, Luigi Di Maio thì nếu nước Mỹ có khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” thì tại sao Italy không thể có khẩu hiệu “Italy trên hết”. Tức là các nước này đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích của toàn thể khối EU. Trong khi đó các nước như Pháp, Đức… thì lại cho rằng toàn thể EU phải có một chính sách chung với Trung Quốc. Lí do là vì nếu tách riêng từng quốc gia thì không một quốc gia nào tại châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế để có thể tạo lập một quan hệ bình đẳng có lợi với Trung Quốc.
Ngoài ra, Pháp, Đức hay Uỷ ban châu Âu còn lo ngại là Trung Quốc sẽ phá vỡ các mắt xích yếu trong EU để thâm nhập vào châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh, về công nghệ và qua đó sẽ khiến châu Âu đánh mất ưu thế công nghệ mũi nhọn trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Các bất đồng trong nội bộ này rõ ràng là khiến EU rất lúng túng và hiện chưa có đối sách phù hợp với Trung Quốc, đặc biệt là trong đại dự án “Vành đai, con đường” của nước này.
Nhưng liệu các hợp tác với Trung Quốc có thực sự tạo ra nguy cơ kinh tế-chính trị với các nước EU hay không? Đây là câu hỏi phức tạp và cần cái nhìn đa chiều. Thứ nhất, có một thực tế là trong các năm trước đây, EU đã tương đối “ngây thơ” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, khi hầu như không kiểm soát đối với các đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm như chế tạo máy, năng lượng, hàng không, viễn thông…
Nhưng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tận dụng các sơ hở này của đối phương. Mỹ, Nhật trong quá khứ hay các tập đoàn giàu có ở Trung Đông vài năm qua cũng đã và luôn có thể tạo ra các thiệt hại cho châu Âu nếu như châu Âu bất cẩn. Đó là cuộc chơi của thị trường mà châu Âu phải chấp nhận và chỉ có thể tự trách mình trước tiên.
Trên một khía cạnh khác, Trung Quốc thực sự là một đe doạ với châu Âu bởi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc đang tăng nhanh và cuộc chơi quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng đẩy châu Âu vào thế bên lề. Nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump cũng tạo ra các nguy hiểm cho châu Âu không kém gì Trung Quốc. Như Tổng thống Pháp Macron đã nói rất rõ “châu Âu phải đoàn kết lại thì mới có thể đối phó được với sức mạnh của Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21”.
Về sâu xa, lo sợ lớn nhất của châu Âu trước Trung Quốc là lo sợ về một sự thất bại mang tính hệ thống, lo sợ rằng mô hình phát triển của châu Âu đang trở nên yếu thế trước mô hình phát triển của Trung Quốc. Vì thế, bên cạnh sự nghi ngại có cơ sở thì cũng có một phần rất lớn là châu Âu đang bị ám ảnh bởi Trung Quốc và do đó phát đi quá nhiều thông tin tiêu cực về Trung Quốc.
Quan hệ châu Âu – Trung Quốc: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh
Dù có nhiều khác biệt nhưng phải thừa nhận rằng cả châu Âu và Trung Quốc đang cần thúc đẩy hợp tác để cùng giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách. Trong đó có quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa đa phương, mà hiện đang bị các chính sách đơn phương của Mỹ làm suy yếu.
Đối với châu Âu, quan hệ với Trung Quốc mang tầm chiến lược, vừa có đấu tranh nhưng cũng vừa phải có hợp tác, bởi lẽ Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc càng có ý nghĩa hơn khi cả hai bên đều ủng hộ một trật tự đa phương trong quan hệ quốc tế cũng như một nền thương mại toàn cầu rộng mở trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời ông Trump lại đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ, đồng thời gây ra nhiều rạn nứt nghiêm trọng với chính các đồng minh châu Âu.
Vì thế, EU và Trung Quốc đã thống nhất thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thống nhất đẩy nhanh các chính sách môi trường, kiểm soát nghiêm ngặt hơn các khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, cũng như hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, còn một khía cạnh quan trọng khác mà châu Âu muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đó là việc quản trị tại châu Phi. Bởi lẽ, châu Phi là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nhiều nước lớn tại châu Âu, đặc biệt là Pháp, trong khi Trung Quốc nhiều năm qua đang là nước đầu tư lớn nhất vào châu lục này và ngày càng có nhiều tranh cãi quanh sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa này
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27161-lo-bi-day-sang-ben-le-chau-au-thay-doi-chien-luoc-voi-tq.html
Quốc hội Anh và Brexit: Lại tiếp tục bỏ phiếu
Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng đem thỏa thuận Brexit của bà ra quốc hội tuần sau mặc dù đã ba lần bị các nghị sĩ bác bỏ.Brexit: Nghị sỹ Anh phủ quyết các nội dung gì?
Brexit và băn khoăn của sinh viên châu Á
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Mặc dù hôm thứ Tư bà hứa từ chức nếu thỏa thuận được thông qua, nhưng quốc hội lại tiếp tục chống đối hôm thứ Sáu với tỉ lệ phiếu 344 so với 286.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu 29/3 cũng là ngày mà lẽ ra Anh rời khỏi EU.
Ngay sau khi thất bại loan báo, bà May nói với các nghị sĩ: “Ảnh hưởng của quyết định hạ viện thật nghiêm trọng.”
“Mặc định pháp lý hiện nay là Anh quốc sẽ ra khỏi EU ngày 12/4. Chỉ còn 14 ngày nữa.”
Hôm thứ Hai, nghị sĩ các đảng sẽ lại tiếp tục bầu thử xem còn phương án nào có thể chiếm đa số ở quốc hội.
Nhưng chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis nói chính phủ không ủng hộ bất kỳ phương án nào.
Hiện tại trong đảng Bảo thủ còn 34 nghị sĩ tiếp tục chống đối thỏa thuận của bà May.
Bà May còn đến ngày 12/4 để tìm cách kéo dài vòng đàm phán với EU nhằm tránh việc Anh ra khỏi tổ chức này mà không đạt thỏa thuận gì.
Chuyện gì sắp xảy ra?
1/4: Quốc hội lại bỏ phiếu thử xem lựa chọn nào được ủng hộ
3/4: Có thể lại có vòng bỏ phiếu thử mới
10/4: Hội nghị của EU để xem xét yêu cầu của Anh
12/4: Ngày Anh ra khỏi EU nếu Anh không xin gia hạn, hoặc EU không đồng ý
23-26/5: Bầu cử nghị viện châu Âu
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47759891
Brexit đẩy nước Anh vào hỗn loạn thế nào?
Hôm 29/3, Nghị viện Anh lần thứ ba bác bỏ bản thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit). Điều này có nghĩa là nước Anh giờ đây đang tiến gần tới hạn chót phải rời EU là ngày 12/4 mà không có thỏa thuận nào cả – một kịch bản mà nhiều người sợ là sẽ tàn phá nền kinh tế nước này.Với việc Nghị viện bế tắc về Brexit – quyết định quan trọng nhất của nước Anh trong thời bình – chính phủ Anh đang lâm vào khủng hoảng toàn diện.
Trước viễn cảnh đó, một số hãng đa quốc gia đã dời trụ sở đi nơi khác trong khi nỗi lo sợ thuốc men thiếu hụt một khi nước Anh ra đi mà không có thỏa thuận ngày càng tăng.
Nhiều lựa chọn vẫn còn để ngỏ: từ dứt bỏ hoàn toàn một cách táo bạo với không có thỏa thuận nào cho đến bỏ luôn Brexit. Tuy nhiên, Nghị viện Anh đã đưa lên bàn cân một số lựa chọn khác bằng cách bỏ phiếu thăm dò nhưng tất cả đều bị bác.
Ngày 29/3, ngày thỏa thuận của bà May bị bác lần ba, cũng là ngày đáng lẽ nước Anh đã phải ra khỏi Liên hiệp châu Âu. Tuy nhiên, EU mới đây đã đồng ý đẩy lùi thời hạn chót xuống và nói rằng nếu bà May có thể thông qua được thỏa thuận thì Brexit sẽ có hiệu lực vào ngày 22/5.
Còn nếu Anh không thông qua được thỏa thuận thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận – một kịch bản hỗn loạn – trừ phi cả hai bên đều đồng ý trì hoãn lâu hơn để xem xét lại căn cơ ‘cuộc chia tay’ giữa hai bên.
Điều gì cuối cùng sắp xảy ra sẽ định hình nước Anh và vị thế của họ trên thế giới trong nhiều thập niên tới. Dưới đây là giải nghĩa những điều cần biết về Brexit.
Brexit là gì?
Brexit từ viết ghép của hai chữ ‘Britain’, tức nước Anh, và ‘exit’, tức ra đi. Nó có nghĩa là sự ly khai của Anh khỏi Liên hiệp châu Âu – thay đổi mối quan hệ giữa Anh với EU về thương mại, an ninh và di dân.
Anh quốc đã tranh luận về được và mất nếu gia nhập cộng đồng châu Âu gần như ngay từ khi ý tưởng này hình thành. Họ tổ chức trưng cầu dân ý lần đầu tiên về tư cách thành viên hồi năm 1975, chưa tới ba năm sau khi họ vào khối.
Cho đến năm 2013, Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh. Mục đích của ông Cameron lúc đó là giải quyết dứt điểm vấn đề này để sau này không ai đưa ra tranh cãi nữa và ông tin rằng phe ‘Ở lại’ sẽ thắng áp đảo phe ‘Ra đi’.
Vào ngày 23/6 năm 2016, vào lúc cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến di dân trở thành chủ đề gây phẫn nộ chính trị trên khắp châu Âu và giữa những cáo buộc mà phe ‘Ra đi’ đưa ra về ‘dối trá’ và ‘gian lận’, người dân Anh đã bỏ phiếu rút ra khỏi EU với 52% số phiếu so với 48% chủ trương ở lại.
Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ không chốt lại được cuộc tranh luận mà còn làm phát sinh ra rắc rối để sau này giải quyết là điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Giờ đây, ngày đó cuối cùng cũng đã đến.
Tại sao Brexit là chuyện lớn?
Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nước Anh cũng như là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Việc là thành viên của khối cũng giúp anh củng cố vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu. Sau cuộc trưng cầu dân ý, dường như ngày nào cũng có một tập đoàn lớn loan báo hay đe dọa sẽ rời khỏi nước Anh sau khi London ra khỏi EU, trong đó có hãng chế tạo máy bay Airbus vốn tạo ra 14.000 việc làm hỗ trợ hơn 100.000 việc làm khác.
Chính phủ Anh ước đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ít hơn từ 4% đến 9% trong vòng 15 năm tới so với trước đây khi họ còn trong khối, tùy vào họ ra đi như thế nào.
Tháo gỡ 46 năm hội nhập kinh tế với EU chỉ trong một lần không bao giờ là việc dễ dàng và quá trình Brexit đã bị chao đảo bởi cùng những chia rẽ vốn dẫn đến trưng cầu dân ý ngay từ đầu. Cả hai đảng chính trị chính của Anh – Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động – đều chia rẽ về cần phải làm gì. Điều đó khiến cho Quốc hội Anh ra chia ra năm phe bảy phái đến nỗi sẽ không có bản kế hoạch Brexit nào sẽ được đa số các nghị sỹ ủng hộ.
Bà May đã mất 18 tháng mới thương thảo được thỏa thuận ly dị với EU và trong quá trình đó đã rơi rụng hết bộ trưởng này đến bộ trưởng khác. Bản kế hoạch của bà sẽ giữ nước Anh trong liên minh thuế quan và thương mại với EU cho đến ít nhất là cuối năm 2020 nhưng cuối cùng cũng xác định là sẽ cắt hết mọi liên hệ này. Tuy nhiên nó không đưa ra điều gì sẽ thay thế trong mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.
Khi bà trình kế hoạch Brexit này ra bỏ phiếu lần đầu tiên hồi tháng Giêng, nó đã bị bác với chênh lệnh lớn chưa từng thấy trong lịch sử với 230 phiếu. Khi được đưa ra lần nữa vào tháng Ba thì đỡ hơn một chút nhưng nó vẫn bị bác dứt khoát với tỷ lệ 391-242, tức chênh lệch 149 phiếu. Trong lần bỏ phiếu mới nhất này, thỏa thuận bị bác với chênh lệnh thấp nhất: 58 phiếu.
Tại sao lại liên quan đến biên giới Ireland?
Trở ngại đơn lẻ lớn nhất trong thỏa thuận Brexit là câu hỏi về đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU. Đó là ranh giới vô hình giữa Cộng hòa Ireland nằm trong khối EU với Bắc Ireland, phần lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh.
Bà May và người đồng nhiệm Ireland của bà, Thủ tướng Leo Varadkar, muốn tránh dựng lại các trạm kiểm soát ở biên giới hai bên. Bắc Ireland đã trải qua một thời kỳ bạo lực đẫm máu kéo dài hàng chục năm trước khi đạt được Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành để tái lập hòa bình, và các hàng rào biên giới được dựng trở lại đe dọa phá hủy thỏa thuận này.
Tuy nhiên, cách thức mà bà May thỏa thuận để đảm bảo không xảy ra chuyện này – được gọi là ‘backstop’, tức là ‘chốt chặn được hỗ trợ’ – đã khiến nhiều nghị sỹ bất bình.
Theo cơ chế ‘backstop’ này thì toàn bộ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn duy trì quan hệ thương mại tạm thời với EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng để tránh dựng lại đường biên giới cứng – điều mà những người cổ súy Brexit cứng rắn sợ sẽ không bao giờ xảy ra. Khi đó, nước Anh vẫn sẽ bị cột vào với khối EU.
Và cơ chế này còn buộc Bắc Ireland vào những quy định của EU nhiều hơn nữa – gây ra sự bất bình ở những người không muốn có khác biệt nào giữa luật lệ của Bắc Ireland và phần còn lại của Liên hiệp Vương quốc Anh, trong đó có Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland – đảng liên minh với bà May để giúp bà có thể giữ lại được chính phủ sau thất bại của cuộc bầu cử trước thời hạn hồi năm 2017.
Brexit gay cấn như thế nào?
Khi viễn cảnh đáng sợ về việc Brexit không có thỏa thuận đến gần, bà May đã có nỗ lực cuối cùng để tranh thủ sự ủng hộ đối với thỏa thuận của bà.
Thậm chí, bà còn đánh đổi cả chức Thủ tướng của mình khi nài nỉ các nghị sỹ rằng nếu họ bỏ phiếu cho kế hoạch của bà thì bà sẽ từ chức. Việc này đã kích hoạt nhiều lời đồn đoán về người lên thay bà và việc đấu đá giữa các đối thủ trong nội bộ Đảng Bảo thủ.
Cùng lúc, Nghị viện Anh cũng có một bước đi bất thường là tổ chức một loạt các cuộc bỏ phiếu thăm dò về các khả năng Brexit khác với kế hoạch của bà May bất chấp sự phản đối của bà. Kế hoạch này cũng đổ vỡ khi các nghị sỹ bác bỏ toàn bộ tám lựa chọn được đưa ra.
Một số những lựa chọn trong đó bị bác chỉ với chênh lệch hẹp với nhiều nghị sỹ không bỏ phiếu, khiến cho mọi việc trở nên không rõ ràng là nếu tất cả mọi nghị sỹ đều bỏ phiếu thì sẽ như thế nào.
Bà May vẫn chưa tìm ra phương cách vượt qua bức tường Quốc hội dường như không thể vượt qua trong việc lôi kéo các nghị sỹ đứng về phía thỏa thuận mà bà đã đạt được với các nhà lãnh đạo châu Âu. Ảo tưởng rằng Brexit sẽ dễ dàng đã sụp đổ và các nghị sỹ vốn đã đưa ra lời hứa hẹn đao to búa lớn với cử tri của họ giờ phải đối mặt với thực tế phũ phàng.
Còn lựa chọn nào khác?
Bà May có thể chọn con đường là đi về phía trung dung bằng cách cam kết giữ quan hệ giao thương vĩnh viễn với châu Âu – tức là liên minh thuế quan – để bãi bỏ toàn bộ thuế quan và chỉ tiêu. Bằng cách đó, bà có thể giải quyết bài toán hóc búa về biên giới Ireland và giúp bào giành được một số phiếu từ phía Đảng Lao động đối lập.
Đó sẽ là một kịch bản ‘Brexit mềm’ hơn so với những gì mà bà đã đàm phán với EU để giữ nước Anh vẫn gắn chặt với các thể chế về quan thuế và tiêu chuẩn sản phẩm của EU.
Tuy nhiên điều đó có thể làm phẫn nộ các nghị sỹ cánh hữu trong đảng bà và có nguy cơ làm cho Đảng Bảo thủ bị phân liệt – điều mà bà muốn tránh bằng mọi giá. Do đó, bà đã cố gắng tranh thủ nhóm cứng rắn vốn chủ trương ‘Brexit cứng’ vốn không bị buộc vào nhiều quy định của EU.
Trong số các khả năng được đưa ra bỏ phiếu thăm dò trong tuần nay, có một khả năng tiến gần nhất đến chỗ được chấp thuận là ‘Brexit mềm’ – ở lại trong liên minh thuế quan của EU. Nó bị bác chỉ với cách biệt hẹp là 272-264 nhưng đã có đến 100 nghị sỹ không bỏ phiếu. Do đó, mọi chuyện có thể chuyển biến thế nào nếu như tất cả các nghị sỹ đều bỏ phiếu?
Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập, đã rất cố gắng để không phải cam kết một đường lối Brexit nhất định cho đảng của ông. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhiều thành viên trong đảng, ông đã thể hiện sự sẵn lòng ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý lần ý dưới một số điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, trưng cầu dân ý có thể có nhiều hình thức và cũng không có sự nhất trí về vấn đề này.
Nhiều người phản đối Brexit muốn có cuộc trưng cầu dân ý mới, tức là lặp lại những gì xảy ra vào năm 2016 và hỏi người dân rằng liệu họ có muốn Brexit hay không. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng đã thay đổi về hướng muốn ở lại EU, nhưng cho đến Nghị viện Anh vẫn chưa xem xét biện phép này.
Vẫn có những cử tri ủng hộ châu Âu muốn Quốc hội giết chết luôn Brexit hay ít nhất là hoãn lại nó trong nhiều năm.
Ra đi mà không có thỏa thuận vẫn là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Phe chủ trương Brexit cứng rắn trong Đảng Bảo thủ khẳng định rằng chẳng thà không có thỏa thuận còn hơn trì hoãn lâu.
Điều gì xảy ra kế tiếp?
Thất bại thứ ba của bà May trước mắt sẽ khiến cho vị Thủ tướng đã bị suy yếu đáng kể này với hai lựa chọn mà bà không mong muốn: ra đi vào hạn chót 12/4 mà không có thỏa thuận; hay là bà có thể yêu cầu các lãnh đạo châu Âu trì hoãn kéo dài.
Tuần tới sẽ rất quan trọng – nếu không tìm được một lựa chọn thay thế cho thỏa thuận của bà May – thì Anh sẽ ra đi vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận.
Điều duy nhất mà đa số nghị sỹ có thể đồng ý là họ không muốn cắt đứt với EU mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên trì hoãn kéo dài sẽ khiến cho phe ủng hộ Brexit nổi giận. Họ cho rằng trì hoãn có nghĩa là đang từng bước giảm nhẹ hay thậm chí bóp chết Brexit hoàn toàn.
Không ai biết được mọi việc sẽ diễn ra thế nào. Một số người chủ trương Brexit nhiệt thành, vốn có thể chấp nhận ra đi không có thỏa thuận, đã đổi ý để ủng hộ thỏa thuận của bà May trong lần bỏ phiếu thứ ba. Họ tin rằng đó có thể là cơ hội duy nhất của họ để tránh ‘Brexit mềm’. Họ lo sợ rằng nếu không có gì được thông qua trước hạn chót ngày 12/4 thì chính phủ có thể đồng ý trì hoãn Brexit lâu hơn để tránh kịch bản không có thỏa thuận. Điều này sẽ giúp cho những tiếng nói yêu cầu trưng cầu dân ý lại có thời gian để tranh thủ sự ủng hộ. Mà một khi trưng cầu dân ý lại thì có khả năng dân Anh đảo ngược lại toàn bộ quyết định ra khỏi EU.
Bà May đã nói rằng EU đã nói rất rõ với bà rằng việc trì hoãn thêm cần phải có mục đích rõ ràng và cần phải được sự nhất trí của nguyên thủ 27 nguyên thủ quốc gia thành viên trước ngày 12/4.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 29/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo nước Anh rằng bất kỳ yêu cầu gia hạn nào cũng sẽ không tự động được thông qua mà chỉ được xem xét ‘nếu lựa chọn thay thế là đáng tin tưởng và được đa số nghị sỹ Anh ủng hộ’.
Nếu bà May không thể thực hiện được Brexit hay tổ chức trưng cầu dân ý lại – cả hai điều mà bà phản đối gay gắt trước đây – thì lựa chọn duy nhất còn lại của bà là tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên việc này không dễ dàng. Luật yêu cầu phải có hai phần ba Nghị viện đồng ý mới tổ chức tổng tuyển cử. Hiện không rõ các nghị sỹ Đảng Bảo thủ có chịu tổ chức bầu cử không do họ sợ rằng cử tri sẽ đổ lỗi cho họ về cách xử lý Brexit hỗn loạn.
Chỉ có một điều chắc chắn: nước Anh chìm trong hỗn loạn.
(Theo New York Times / CNN)
https://www.voatiengviet.com/a/brexit-%C4%91%E1%BA%A9y-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-anh-v%C3%A0o-h%E1%BB%97n-lo%E1%BA%A1n-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-/4854409.html
Brexit : Viễn cảnh Anh rời Liên Âu không thỏa thuận
ngày một rõ nét
Thanh HàChiều hôm qua 29/03/2019, đúng vào ngày mà lẽ ra Luân Đôn chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Nghị Viện Anh lại bác bỏ thỏa thuận về Brexit của thủ tướng Theresa May với 344 phiếu chống và 286 phiếu thuận.
Trên nguyên tắc sau ba lần văn bản này bị bác, nước Anh phải ra đi theo kịch bản “no deal” vào ngày 12/04/2019. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk lập tức khẩn cấp triệu tập thượng đỉnh Liên Âu vào ngày 10/04/2019.
Luật sư Hoàng Đức Thắng, một người sống lâu năm tại Luân Đôn, giải thích thêm về tình hình rối ren hiện nay trên chính trường Anh về Brexit, về phản ứng của công luận và nhất là dự đoán về những bước tiếp theo cho cuộc ly thân kéo dài, khiến tất cả các bên đều mệt mỏi này:
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190330-brexit-vien-canh-anh-ly-di-voi-lien-au-thoa-thuan-ngay-cang-ro-net
Điện ảnh Pháp: Agnès Varda,
một nữ đạo diễn ngoại hạng
Thanh HàNữ đạo diễn Varda qua đời vào sáng sớm ngày 29/03/2019, thọ 90 tuổi. Trong hơn 50 năm sự nghiệp bà để lại 150 bộ phim. Mỗi tác phẩm của bà là nhịp cầu giữa dòng phim hư cấu và tài liệu. Agnès Varda đi vào lịch sử của nghệ thuật thứ bảy với những tác phẩm như Cléo de 5 à 7 (1962), Sans toit ni loi (1985), hay Les Glaneurs et la Glaneuse (2000), và gần đây nhất là Visages, villages (2017).
Bà từng đoạt nhiều giải thưởng lớn của nghệ thuật thứ bảy quốc tế như Sư Tử Vàng năm 1985 với Sans toit ni loi, hay giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh Pháp là César nhờ bộ phim tài liệu Les plages d’Agnès… Cành Cọ Vàng danh dự của Liên Hoan Cannes năm 2015 hay Oscar danh dự năm 2017 khi thế giới điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh toàn bộ sự nghiệp của bà. Agnès Varda đến nay là nữ đạo diễn đầu tiên đoạt nhiều phần thưởng như vậy. Đơn giản như giải thích của đạo diễn Claude Lelouche, “Varda là người mở đường, bà đi trước tất cả mọi người đến vài ba dặm”.
Varda là người đầu tiên làm phim có ảnh hưởng lớn với trào lưu “Làn Sóng Mới”. Là một nghệ sĩ đa tài, một người dấn thân vì vì nữ quyền và luôn quan tâm, trăn trở với những vấn đề của xã hội chung quanh, Agnès Varda đã đưa được tất cả những yếu tố đó vào mỗi bộ phim của bà.
Trong thập niên 1960 Varda trước khi về làm vợ đạo diễn Jacques Demy, tác giả của những bộ phim ca nhạc nổi tiếng như Công Chúa Da Lừa, Những Chiếc Dù của Cherbourg… là một nhà nhiếp ảnh. Bà thực hiện bộ phim đầu tay năm La Pointe courte năm 1954. Nhưng phải đợi đến năm 1961-1962 bà mới gây được tiếng vang với Cléo de 5 à 7. Trong thập niên 1970, Agnès Varda chinh phục Hoa Kỳ và đã thực hiện được hai bộ phim tài liệu trong thời gian này.
http://vi.rfi.fr/phap/20190330-dien-anh-phap-agnes-varda-mot-nu-dao-dien-ngoai-hang
Pháp : Áo Vàng lại xuống đường dù có lệnh cấm
Thanh PhươngTại Pháp, bất chấp các lệnh cấm biểu tình ở nhiều nơi, những người Áo Vàng lại xuống đường hôm nay, 30/03/2019. Đây là lần thứ 20, họ biểu tình vào ngày thứ Bảy.
Vì sợ tái diễn cảnh đốt phá trên đại lộ Champs-Elysée trong ngày xuống đường thứ 18 hôm16/03, cũng như cuối tuần trước, Sở Cảnh Sát Paris lại ra lệnh cấm biểu tình trên đại lộ nổi tiếng này, cũng như tại những khu vực chung quanh tòa nhà Quốc Hội và điện Elysée ( phủ tổng thống ). Những ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền 135 euro.
Theo Sở cảnh sát Paris, đã có 2 cuộc tuần hành và 4 cuộc tập hợp được thông báo, nhưng họ không nói rõ là ở đâu. Trên mạng Internt đã có những lời kêu gọi những người Áo Vàng tập hợp ở quảng trường Chatelet hoặc Gare de L’Est để tuần hành đến quảng trường Trocadero.
Tại nhiều thành phố khác, chính quyền địa phương cũng đã ra lệnh cấm biểu tình để ngặn chận các vụ bạo động và đốt phá.
Trong khi đó, Liên đoàn Ngân hàng Pháp, tổ chức đại diện cho toàn bộ các ngân hàng đặt tại Pháp, trong một bài báo đăng trên tờ Le Monde hôm nay, kêu gọi chấm dứt các vụ bạo động nhắm vào hàng trăm chi nhánh ngân hàng trong các cuộc biểu tình của những người Áo Vàng. Kể từ đầu phong trào Áo Vàng, đã có hơn 760 chi nhánh ngân hàng bị hư hại, thậm chí bị đốt cháy, như vụ xảy ra ngày 16/03 tại một chi nhánh của ngân hàng Tarneaud, gần đại lộ Champs-Elysée, khiến 11 người bị thương.
Về phần tổng thống Emmanuel Macron, ông tiếp tục gặp các thị trưởng trong khuôn khổ các cuộc thảo luận toàn quốc, mà theo dự kiến ban đầu lẽ ra đã kết thúc từ một tuần qua.
http://vi.rfi.fr/phap/20190330-phap-ao-vang-lai-xuong-duong-du-co-lenh-cam
Kết thúc giai đoạn tranh cử tổng thống Ukraina vòng một
Hôm qua 29/03/2019, đợt tranh cử vòng một tổng thống Ukraina chấm dứt. Hôm nay, 39 ứng cử viên không còn có quyền phát biểu trước công chúng để vận động cử tri, trong thời gian chờ đợi ngày bỏ phiếu, ngày mai Chủ Nhật 31/03.Trong ngày cuối cùng của cuộc tranh cử, êkíp của cựu thủ tướng Timochenko, một trong các ứng cử viên hàng đầu đã tổ chức đồng loạt ba cuộc mít-tinh, tại thành phố miền tây Lviv, thủ đô Kiev và thành phố miền đông Marioupol, giáp với vùng Donbass ly khai, được Nga hậu thuẫn.
Phóng sự của thông tín viên Anastasia Becchio từ Marioupol :
« Trên sân khấu, nhiều nhân vật nổi tiếng tại địa phương đến khuấy động công chúng trong lúc chờ đợi ứng cử viên Ioulia Timochenko xuất hiện trên màn ảnh truyền hình trực tiếp từ Kiev. Svetlana, một đảng viên đảng của nữ cựu thủ tướng, đến đây với một người bạn, khẳng định bà Timochenko giỏi hơn tất cả các tổng thống đàn ông của Ukraina.
Công chúng đến đây không đông lắm, bao gồm chủ yếu là các phụ nữ cao niên. Tại vùng Donbass, bà Timochenko không thực sự được yêu mến. Cử tri nhìn chung muốn bầu nhiều hơn cho những ứng cử viên của các đảng phái thân Nga. Đó là trường hợp của Viatcheslav, cựu nhân viên của một trong các xí nghiệp luyện kim lớn nhất thành phố.
Theo ông, mọi người đã hiểu khả năng của Timochenko. Bà ấy chẳng làm được gì cho Ukraina cả. Có một lần, Timochenko nói rằng cần phải cô lập vùng Donbass bằng hàng rào dây thép gai. Sau đó, liệu bà ấy có dám đến đây không ?
Đọc thêm : Bầu cử Ukraina : Anh hề Zelensky và khát vọng chống tham nhũng
Bà Lioudmila, trạc 50 tuổi, đến đây để tìm hiểu. Bà nói : Tôi đến nghe và xem mọi người dùng những lập luận gì để ủng hộ hay phản đối. Timochenko đã hoạt động chính trị lâu năm, bà ấy từng nắm quyền, rồi cũng đã rời ghế. Tất nhiên đó là một nữ chính trị gia có kinh nghiệm, thông minh, nhưng giờ đây tôi thích những người trẻ mới nổi lên hơn.
Hiện thân cho giới trẻ hiện nay là một tân binh trong chính trường. Đó là diễn viên hài Volodymir Zelensky, mà tất cả các viện thăm dò dư luận đều dự đoán sẽ là người chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190330-ket-thuc-giai-doan-tranh-cu-tong-thong-ukraina-vong-mot
Slovakia sẽ có nữ tổng thống đầu tiên ?
Thanh PhươngHôm nay 30/03/2019, cử tri Slovakia đi bỏ phiếu vòng hai bầu cử tổng thống, với ứng cử viên gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng, đó là nhà hoạt động chống tham nhũng, nữ luật sư Zuzana Caputova, 45 tuổi. Là một chuyên gia về môi trường, không có kinh nghiệm chính trường, bà Caputova có thể trở thành nữ tổng thống của quốc gia hiện là thành viên của khối euro.
Theo kết quả các cuộc thăm dò, có đến hơn 60% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho nữ ứng cử viên này. Trong vòng đầu bầu cử tổng thống, luật sư Caputova đã thu được 40,53% số phiếu, trong khi đối thủ của bà ở vòng hai là ủy viên châu Âu về Năng Lượng Maros Sefcovic, được chính quyền Slovakia ủng hộ, chỉ thu được 18,66% số phiếu.
Năm ngoái, bà Caputova đã cùng với hàng ngàn người xuống đường, phẫn nộ về vụ ám sát nhà báo chống tham nhũng Jan Kuciak và vợ sắp cưới. Trước khi bị bắn chết, nhà báo Kuciak chuẩn bị đăng một bài tố cáo những mối liên hệ giữa các chính khách Slovakia với mafia Ý. Các cuộc biểu tình, với quy mô chưa từng có, đã làm rung chuyển chính phủ của đảng Smer-SD, khiến thủ tướng Robert Fico phải từ chức.
Cho đến nay đã có 5 người bị bắt giữ trong vụ ám sát nhà báo Kuciak, trong đó có kẻ bị nghi là chủ mưu, một nhà triệu phú có liên hệ với đảng cầm quyền Smer-SD. Hôm thứ Năm vừa qua, Nghị Viện Châu Âu đã kêu gọi Slovakia tiếp tục điều tra về vụ này.
Theo hãng tin AFP, các nhà phân tích so sánh nữ luật sư Caputova với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một ứng cử viên ngoài hệ thống, nhưng đã đắc cử với một chương trình cấp tiến. Trong chương trình tranh cử của mình, bà Caputova hứa sẽ bảo vệ môi trường, hỗ trợ người già và bảo đảm công lý cho mọi người.
Cả hai ứng viên ở vòng hai, bà Caputova và ông Sefcovic có điểm chung đó là đều ủng hộ châu Âu hợp nhất và đều là những nhà dân chủ.
Thật ra thì ở Slovakia, tổng thống không trực tiếp nắm quyền, nhưng chính tổng thống phê chuẩn các công ước quốc tế và là tổng tư lệnh quân đội, đồng thời có quyền phủ quyết.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190330-slovakia-se-co-nu-tong-thong-dau-tien
Giao dịch đẩy nhiều nước châu Phi vào bẫy nợ TQ
Trung Quốc đang đề xuất tiếp quản sân bay quốc tế Kenneth Kaunda nếu Chính phủ Zambia không trả được khoản nợ nước ngoài khổng lồ đúng hạn.Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở Zambia và nhiều nước châu phi khác thông qua các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) “vô điều kiện” nhưng hầu hết các dự án đấu thầu công khai ở các nước này đều được trao cho các nhà thầu Trung Quốc.
Trên khắp đất nước Zambia, các công ty Trung Quốc xây dựng sân bay, đường sá, nhà máy… mà chi phí phần lớn đều dựa vào vốn vay từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang cung cấp các giao dịch hấp dẫn cho châu Phi, cả trong giao dịch tiền mặt và giao dịch thương mại đã lỗi thời hoặc khá hạn chế. Theo giới quan sát, chúng đều có vẻ rất có triển vọng nhưng thực ra lại rất nguy hiểm.
Chính phủ Zambia đã ký hợp đồng với người Trung Quốc khi không suy nghĩ gì và cố tình che đậy nhiều chi tiết nhưng tất cả mọi việc chỉ khiến sự hợp tác này biến thành chủ nghĩa thực dân thời hiện đại.
Theo đó, Trung Quốc hiện đang đề xuất tiếp quản sân bay quốc tế Kenneth Kaunda nếu Chính phủ Zambia không trả được khoản nợ nước ngoài khổng lồ đúng hạn.
Vấn đề ở đây là liệu nền kinh tế Zambia có còn đủ sức để trả khoản nợ đó hay không. Đây chính là chiến lược điển hình Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang sở hữu 60% cổ phần của tập đoàn truyền hình quốc gia Zambia, điều đó có nghĩa là, người Trung Quốc có quyền quyết định những gì được hay không được công chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia.
Ghana cũng đang nối bước Zambia vì các nhà lãnh đạo của nước này đã bắt đầu ký kết hợp đồng với Trung Quốc.
Cụ thể, công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, STARTIME đang dần có được vị trí trong các tổ chức lớn, các công ty khai thác lớn nhất của Ghana cũng sẽ sớm bị thâu tóm bởi một công ty Trung Quốc và nhiều công ty khác.
Tương tự, Kenya cũng vay nợ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng dường như khó lòng hoàn trả. Truyền thông châu Phi từng nhiều lần bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể sẽ giành quyền kiểm soát những công trình trên đất Kenya.
Một trong số những tài sản mà Kenya có thể phải bàn giao là cảng Mombasa, cảng được đánh giá là lớn và tiềm năng nhất quốc gia châu Phi. Ngoài ra, danh sách này còn có cả công trình đường sắt và nhà kho container ở Nairobi.
Tháng 11/2018, hãng tài chính Moody’s của Mỹ đã cảnh báo rằng Kenya có khả năng cao sẽ bị mất quyền kiểm soát những công trình chiến lược vì nợ nần Trung Quốc.
Chính sách “ngoại giao bẫy nợ” được Trung Quốc thực hiện trên khắp thế giới. Trung Quốc phóng tay cho nhiều quốc gia không giàu có, nhưng có vị trí chiến lược, vay tiền.
Maldives được coi là quốc gia có nhiều nguy cơ nhất với những dự án sân bay và cảng biển mới, được Trung Quốc cho vay 1,25 tỷ USD. Điều này dẫn tới nợ công của Maldives leo lên mức 75% GDP của quốc gia này, trong đó 70% là nợ Trung Quốc. Năm 2017, IMF cảnh báo rằng “nợ lớn” dẫn đến nguy cơ cao với “sức khỏe” của nền kinh tế Maldives.
Cuối năm 2017, Sri Lanka đã phải gán nợ cảng Hambanbota, một trong những tuyến vận tải đông – tây nhộn nhịp nhất thế giới, trong thời hạn 99 năm cho một công ty Trung Quốc vì không thể thanh toán khoản nợ 1,4 tỷ USD để xây cảng này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27153-giao-dich-day-nhieu-nuoc-chau-phi-vao-bay-no-tq.html
Algeria: Biểu tình lớn đòi Tổng thống Bouteflika từ chức
Hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình tại Algeria, đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức.Một số ước tính nói lượng người biểu tình tại thủ đô Algiers lên tới một triệu.
Đây là ngày thứ Sáu của tuần thứ sáu liên tiếp các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn diễn ra tại nước này.
Cảnh sát Algeria đã dùng hơi cay đối phó với người biểu tình khi họ tìm cách tiếp cận tòa nhà tổng thống, phóng viên BBC Mohamed Arezki Himeur từ Algiers nói.
Các cuộc biểu tình chống ông Bouteflika bắt đầu diễn ra từ tháng trước, sau khi tổng thống, người hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị đột quỵ hồi 2013, tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trước phản ứng của người dân, ông tổng thống đồng ý sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ năm trong kỳ bầu cử tới, vốn đã bị trì hoãn.
Tuy nhiên, người biểu tình không hài lòng. Họ nói quyết định của ông chỉ là một bước đi bất chấp đạo lý để kéo dài 20 năm cầm quyền của mình.
Nay họ kêu gọi ông cùng toàn bộ thế hệ các nhà lãnh đạo chính trị của Algeria phải ra đi, trong đó gồm cả những người lẽ ra sẽ nằm trong vị trí lên thay ông.
Tại cuộc biểu tình ở Algiers, một người có tên là Ali nói với Reuters rằng: “Chúng tôi chỉ có một từ để nói ngày hôm nay. Đó là toàn bộ băng đảng phải ra đi ngay lập tức. Cuộc chơi đã kết thúc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47741062
Kinh tế thoái trào,
Mister Donut Nhật Bản tuyên bố rút khỏi TQ
Mister Donut, chuỗi cửa hàng bánh rán lớn nhất Nhật Bản sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc, thương hiệu này đã phát hành một thông cáo báo chí, tuyên bố sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại tất cả 10 cửa hàng ở đại lục, theo BL Daily.Việc rút chân khỏi thị trường hơn 1,4 tỷ người của Mister Donut cùng với sự kiện trước đó – chuỗi siêu thị bán hàng sỉ lẻ của Đức, Metro AG – cũng thông qua đấu thầu bán lại công ty cho doanh nghiệp Trung Quốc vào ngày 19/3, đã làm cho dư luận thế giới xôn xao về tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.
Mister Donut mở cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải, Trung Quốc đại lục vào năm 2000, sau bước đầu mở rộng kinh doanh, thương hiệu này đã sở hữu 25 cửa hàng trên khắp đại lục, nhưng trong những năm gần đây, công ty đã giảm dần số lượng cửa hàng.
Kyodo News đưa tin, bất động sản ở các khu vực đô thị của đại lục đã bành trướng do sự phát triển của kinh tế, trong những năm gần đây, chi phí nhân sự và chi phí thuê nhà đã tăng đáng kể, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu các ngành dịch vụ ăn uống, mặt khác, việc cập nhật khẩu vị mới của các cửa hàng tại Trung Quốc khá thấp, hoàn toàn trái ngược với Nhật Bản.
Các phân tích cho rằng, sự canh tranh giữa các cửa hàng ăn uống đơn giản và quán cà phê đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, cũng là lý do khiến Mister Donut rút khỏi Trung Quốc.
Mister Donut là một sản phẩm nhượng quyền thương mại thức ăn nhanh được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1956 và hiện có trụ sở tại Nhật Bản. Phần lớn các cửa hàng của Mister Donut tại Nam Mỹ sau đó có tên là Dunkin’ Donut.
Năm 1971, Dunkin’ Donuts Hoa Kỳ mở rộng kinh doanh ở Osaka, Nhật Bản, nhưng châu Á lại không quen với hương vị nguyên bản của Mỹ, nên Dunkin’ Donuts đã sáng tạo ra nhiều hương vị và ngoại hình khác nhau cho chiếc bánh Donut, trở thành công ty có sức ảnh hưởng của khu vực châu Á.
Một cửa hàng Mister Donut ở Thượng Hải. (Ảnh: Wikipedia)
Dunkin’ Donuts cho biết, họ không có kế hoạch rút khỏi các thị trường châu Á khác và sẽ tiếp tục hoạt động ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Đài Loan (hiện có 87 cửa hàng).
Dunkin cho hay, họ sẽ thanh lý 100% các công ty con ở Trung Quốc đại lục, mặc dù thị trường Trung Quốc tiếp tục phát triển và có sức hấp dẫn lớn, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới trước khi có thể thâm nhập lại thị trường đầy rủi ro này.
Trước đó, Tập đoàn Seiko Epson của Nhật Bản đã tuyên bố trên trang web chính thức vào ngày 14/3 rằng, Công ty TNHH Seiko Epson (Thẩm Quyến) có kế hoạch ngưng sản xuất vào cuối tháng 3/2021. Một trong những nhà máy của công ty đã ngừng hoạt động và cho nghỉ việc hơn 1.700 người.
Ngoài ra, một trong ba nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart, cũng đã ngừng hoạt động kinh doanh tại 16 cửa hàng ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018, cửa hàng Đài Trung ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông cũng đóng cửa vào ngày 25/3.
http://biendong.net/bi-n-nong/27175-kinh-te-thoai-trao-mister-donut-nhat-ban-tuyen-bo-rut-khoi-tq.html
Nhật triển khai tên lửa
bảo vệ các đảo trước nguy cơ từ TQ
Kyodo News đưa tin, Nhật Bản đã triển khai các đơn vị tên lửa tại hai hòn đảo phía tây nam giữa Biển Hoa Đông và phía tây Thái Bình Dương, nơi các tàu hải quân Trung Quốc thường xuyên xuất hiện.Bộ Quốc phòng cho biết, khoảng 550 thành viên của Lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF) đã đóng quân trên đảo Amami-Oshima ở tỉnh Kagoshima, cách đảo Kyushu phía tây nam gần 400 km về phía nam. Một số thành viên được phân công cho các đơn vị tên lửa đất đối không và trên bộ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một nhóm an ninh khác gồm 380 thành viên được triển khai trên đảo Miyako, tỉnh Okinawa. Số lượng thành viên sẽ tăng lên khoảng 700 đến 800 người để chuẩn bị hỗ trợ cho một nhóm tên lửa khác vào năm 2020 hoặc trong tương lai.
“Tiền tuyến phòng thủ của Nhật Bản hiện nay là khu vực tây nam, vì vậy chúng tôi sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya phát biểu tại một cuộc họp báo, ông nói thêm rằng các đơn vị mới cũng có thể “đối phó với thảm họa một cách nhanh chóng”.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đang chuẩn bị triển khai các đơn vị tên lửa và an ninh với khoảng 500 đến 600 thành viên trên đảo Ishigaki thuộc tỉnh Okinawa, cách đảo Miyako khoảng 100 km về phía tây nam.
Những động thái này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nhắm đến việc lấp đầy những gì được mô tả là “khoảng trống” phòng thủ trong khu vực. Trước đây, các lực lượng của họ chỉ đóng quân trên vùng đất chính của Okinawa và đảo Yonaguni ở cực tây của đất nước, nơi có một đồn trú của GSDF gồm 160 thành viên được thành lập vào năm 2016.
Các đảo Miyako, Ishigaki và Yonaguni nằm gần quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát ở Biển Hoa Đông – nơi mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập quanh các đảo ở vùng biển này, khiến căng thẳng tăng cao.
Vào ngày thứ Ba vừa qua, GSDF đã tăng số lượng thành viên Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh từ 300 lên khoảng 2.400 nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các hòn đảo phía xa ở phía tây nam Nhật Bản.
Được mệnh danh là “Thủy quân lục chiến” Nhật Bản, lữ đoàn được giới thiệu như là lực lượng đổ bộ hoàn thiện đầu tiên của đất nước vào tháng 3 năm ngoái, có trụ sở tại tỉnh Nagasaki của đảo Kyushu.
Theo Chương trình phòng thủ trung hạn mới nhất có khoảng thời gian 5 năm kể từ ngày 1/4, Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tại các hòn đảo ngoài xa ở phía tây nam.
http://biendong.net/bi-n-nong/27174-nhat-trien-khai-ten-lua-bao-ve-cac-dao-truoc-nguy-co-tu-tq.html
Đài Loan muốn mua thêm vũ khí Mỹ
vì ‘bài học từ Hong Kong’
Chính quyền Đài Loan muốn mua thêm xe tăng và tiêm kích của Mỹ, cho rằng áp lực từ Trung Quốc khiến họ phải tăng khả năng phòng thủ.Trong phát biểu tại Hawaii, Mỹ hôm 27/3 khi công du Thái Bình Dương, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết chính quyền của bà đã gửi yêu cầu mới cho Mỹ để mua các xe tăng M-1 Abrams và tiêm kích F-16B.
“Điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh trên bộ và trên không của chúng tôi, củng cố tinh thần quân đội và cho thế giới thấy được cam kết của Mỹ đối với quốc phòng Đài Loan. Chúng tôi có thể thảo luận thẳng thắn về những thiết bị phù hợp và Mỹ đang phản hồi tích cực với yêu cầu của chúng tôi”, bà Thái nói.
Bà cho rằng Hong Kong là “bài học sâu sắc” cho Đài Bắc trong việc “đề phòng” Bắc Kinh, khi một đảng ủng hộ độc lập tại đây đã bị cấm hoạt động. “Trường hợp của Hong Kong nhắc nhở tất cả chính trị gia ở mọi đảng của Đài Loan rằng nên cẩn thận, tránh rơi vào bẫy của Trung Quốc, bao gồm lợi ích kinh tế và những lời hứa khác, nhưng cuối cùng chẳng có kết quả gì”, bà Thái nói.
Lãnh đạo Đài Loan còn cho rằng việc Washington bán vũ khí cho Đài Bắc không còn mang nặng tính chính trị như trước, nói thêm rằng Đài Loan sẽ sử dụng ngân sách đặc biệt để mua thiết bị quân sự đắt đỏ và ngân sách quân sự có thể tăng “dựa trên những thách thức” trong khu vực.
Bà Thái nói việc Bắc Kinh buộc Đài Bắc chấp nhận mô hình một quốc gia, hai chế độ và những nỗ lực thay đổi hiện trạng khu vực của Trung Quốc khiến Đài Loan cần phải “tăng cường khả năng tự phòng
thủ”. “May mắn thay, Đài Loan không đơn độc. Cam kết của Mỹ với Đài Loan hiện nay mạnh mẽ chưa từng thấy”, bà cho biết.
Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc năm 1979 sau khi công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, Mỹ vẫn giữ quan hệ thương mại và bán vũ khí cho hòn đảo.
Chuyến công du Thái Bình Dương của bà Thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc leo thang. Chính quyền Trung Quốc nghi ngờ bà Thái và đảng Dân tiến của bà đang cố tìm cách để hòn đảo độc lập. Theo chính sách “Một Trung Quốc”, Bắc Kinh coi hòn đảo là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết.
Trung Quốc tăng cường áp lực với Đài Loan từ khi bà Thái trở thành lãnh đạo vào năm 2016 do bà không thừa nhận chính sách này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng một cho biết Bắc Kinh vẫn giữ quyền sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Bắc, nhưng sẽ nỗ lực để đạt được “sự thống nhất” trong hòa bình.
http://biendong.net/bi-n-nong/27189-dai-loan-muon-mua-them-vu-khi-my-vi-bai-hoc-tu-hong-kong.html
Triều Tiên bất ngờ tố cáo sốc về Mỹ
Truyền thông nhà nước Triều Tiên bất ngờ lên án Mỹ liên tục chuẩn bị sẵn sàng cho “chiến tranh sinh hóa” chống Bình Nhưỡng.Theo Yonhap, Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 27/3 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng ngân sách năm 2019 dành cho chương trình nhận diện mối đe dọa quân sự chung của nước này với Hàn Quốc, có tên JUPITR.
Phía Mỹ tuyên bố, trong khuôn khổ JUPITR, các lực lượng nước này sẽ tiến hành những thử nghiệm phòng thủ sinh học ở Hàn Quốc. Song, Triều Tiên tin chương trình nhằm chống nước này và gọi đây là “âm mưu cho một cuộc chiến sinh hóa”.
Một bài xã luận đăng tải trên tờ Minju Choson của Triều Tiên cáo buộc, động thái trên của Mỹ nhằm biến Hàn Quốc thành “bãi thử nghiệm lớn” cho chiến tranh sinh học và hóa học, cũng như mang thảm họa giáng xuống đầu người dân trên bán đảo Triều Tiên.
“Đáng lo ngại hơn nữa là việc Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch chiến tranh sinh hóa cùng với các cuộc tập trận quân sự khác nhau nhằm chống Triều Tiên, bất chấp không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên”, trích bài xã luận. Theo tờ Minju Choson, Washington đang có “ý định tàn độc” nhằm gây căng thẳng trên bán đảo, nhưng việc gây áp lực như vậy với Bình Nhưỡng sẽ không có tác dụng.
Tố cáo sốc của Triều Tiên được đưa ra đúng vào lúc các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc tiếp sau việc hai bên không đạt thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27179-trieu-tien-bat-ngo-to-cao-soc-ve-my.html
TQ và Đức muốn trở thành kiểu mẫu
của hợp tác cùng thắng
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Angela Merkel ngày 26/3 tập trung trao đổi hợp tác song phương và các vấn đề quốc tế.Trong khuôn khổ Diễn đàn quản trị toàn cầu Trung – Pháp tại Paris, Pháp ngày 26/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã tập trung trao đổi về quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế cũng như khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, mặc dù đối mặt với cục diện tình hình thế giới phức tạp, các nhân tố không ổn định và không xác định ngày càng gia tăng, tuy nhiên hợp tác thực chất giữa Trung Quốc và Đức vẫn giữ được xu thế phát triển ổn định.
Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc cũng tăng 140%. Thời gian tới, Trung Quốc mong muốn tiếp tục cùng với phía Đức đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đem lại lợi ích cho hai nước cũng như người dân hai nước.
Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất 3 điểm định hướng quan hệ Trung Quốc – Đức thời gian tới bao gồm: Một là, đưa hợp tác Trung Quốc – Đức trở thành kiểu mẫu của
hợp tác cùng thắng trên thế giới. Hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, năng lượng mới, thành phố thông minh…. Hai là, định hướng quan hệ Trung Quốc – châu Âu nhằm tăng thêm các nhân tố ổn định cho thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, với vai trò là hai lực lượng ổn định và chủ thể kinh tế quan trọng của thế giới, đẩy mạnh hợp tác quan hệ Trung Quốc – châu Âu phù hợp với lợi ích của hai bên, đồng thời tăng thêm các nhân tố ổn định cho cục diện thế giới đang đan xen phức tạp như hiện nay. Ba là, cùng nhau thúc đẩy quản trị toàn cầu để bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc mong muốn cùng với Đức bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là hạt nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Đức và Trung Quốc có lợi ích chung rộng rãi. Thời gian qua hai bên cũng tiến hành giao lưu hợp tác mật thiết trên nhiều lĩnh vực và nhiều cấp độ. Đức mong muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại Đức – Trung Quốc trong thời đại số hóa, tận dụng các cơ hội mà quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đem lại. Về phần mình, phía Đức cũng khẳng định sẽ tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp Trung Quốc đến Đức đầu tư
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27164-tq-va-duc-muon-tro-thanh-kieu-mau-cua-hop-tac-cung-thang.html
Huawei: Mỹ nên thôi ‘thái độ của kẻ thua cuộc’
Công ty Công nghệ Huawei của Trung Quốc kêu gọi Washington từ bỏ “thái độ của kẻ thua cuộc” và một lần nữa bác bỏ những cáo buộc của Mỹ nói rằng thiết bị của họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám, trong khi hoạt động kinh doanh của công ty suy yếu giữa sự săm soi toàn cầu.“Chính phủ Mỹ có thái độ của kẻ thua cuộc. Họ muốn bôi nhọ Huawei vì họ không thể cạnh tranh với Huawei,” Quách Bình, chủ tịch luân phiên của hãng sản xuất thiết bị viễn thông đứng đầu thế giới và sản xuất điện thoại thông minh lớn hàng thứ 3, nói hôm thứ Sáu.
“Tôi hi vọng Mỹ có thể điều chỉnh thái độ của mình,” ông Quách nói trong một cuộc họp báo có sự tham gia của hơn 100 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc từ chối bình luận, Reuters cho biết.
Huawei báo cáo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn cho năm 2018 trong khi mạng lưới kinh doanh của họ chứng kiến doanh thu sụt giảm lần đầu tiên sau hai năm, làm lu mờ tăng trưởng mạnh 45 phần trăm trong đơn vị điện thoại thông minh của họ.
Triển vọng của Huawei đã bị phủ bóng đen trong năm qua với việc Mỹ bày tỏ lo ngại rằng thiết bị của họ có thể được dùng cho hoạt động gián điệp. Washington cũng kêu gọi các nước đồng minh cấm Huawei xây dựng mạng di động 5G thế hệ tiếp theo.
Cú giáng mới nhất đối với công ty xảy ra vào ngày thứ Năm khi Anh khiển trách họ không khắc phục các lỗi bảo mật lâu năm trong thiết bị mạng di động của mình và tiết lộ “các vấn đề kĩ thuật đáng kể” mới.
https://www.voatiengviet.com/a/huawei-my-nen-thoi-thai-do-cua-ke-thua-cuoc/4854441.html
Quốc vương Thái Lan
thu hồi huân chương của cựu thủ tướng Thaksin
Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkorn đã thu hồi những huân chương hoàng gia được trao cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ, một văn bản được công bố vào thứ Bảy trong công báo hoàng gia cho biết.Sắc lệnh của quốc vương được ban hành chưa đầy một tuần sau khi chính đảng Pheu Thai thân ông Thaksin, nhóm đối lập chính của Thái Lan, đối đầu với một đảng ủng hộ chính quyền quân sự cầm quyền trong các cuộc bầu cử toàn quốc mà kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Nhà chức trách vẫn chưa công bố kết quả đầy đủ.
Công khai thu hồi huân chương hoàng gia của ông Thaksin có thể làm mất uy tín của ông, và có lẽ đảng liên kết với ông, trong mắt nhiều người Thái, bởi vì chế độ quân chủ được tôn sùng trong văn hóa Thái Lan, theo Reuters.
Sắc lệnh ngày thứ Bảy thu hồi huân chương hoàng gia của ông Thaksin là vì ông bị kết án tham nhũng năm 2008 và vì ông bỏ trốn khỏi đất nước để thoát án tù hai năm, văn bản này nói.
Ông Thaksin đã sống lưu vong kể từ khi ông rời khỏi đất nước vào năm 2008 để tránh một cuộc trấn áp tham nhũng mà ông nói là có động cơ chính trị. Ông bị kết tội vắng mặt và bị tuyên án hai năm tù.
Dù sống ở nước ngoài, ông Thaksin vẫn là một nhân vật gây chia rẽ trong chính trường Thái Lan. Các đảng ủng hộ ông đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, ngay cả sau khi ông bị lật đổ.
Sắc lệnh của quốc vương được ban hành sau một loạt những hành động của ông Thaksin có thể được coi là thách thức chế độ quân chủ.
Hai ngày trước cuộc bầu cử Chủ nhật tuần trước, ông Thaksin xuất hiện tại đám cưới con gái út của ông ở Hong Kong cùng với chị gái của quốc vương, Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi, người đã gây sốc cho Thái Lan vào tháng trước khi chấp nhận đề cử làm thủ tướng của một đảng thân ông Thaksin.
Nhà vua nhanh chóng tuyên bố tư cách ứng cử viên của bà là “không phù hợp,” và cả công chúa và đảng này đều bị loại.
https://www.voatiengviet.com/a/quoc-vuong-thai-lan-thu-hoi-huan-chuong-cua-cuu-thu-tuong-thaksin/4855006.html
Brunei bênh vực luật Hồi giáo mới
cho phép xử tử người đồng tính
Brunei, một nước đa số dân theo Hồi giáo với khoảng 400.000 người, sẽ thi hành luật Sharia từ ngày 3 tháng 4, trừng phạt tình dục đồng tính, ngoại tình và hãm hiếp bằng án tử hình, bao gồm bằng cách ném đá tới chết, cũng như trừng trị tội trộm cắp bằng cách chặt tay.Các luật này sẽ được thi hành đầy đủ từ tuần sau, văn phòng thủ tướng nói trong một thông cáo vào ngày thứ Bảy. Một số yếu tố của các luật này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2014 và đã được triển khai theo từng giai đoạn kể từ đó.
“Luật Sharia, ngoài việc hình sự hóa và răn đe các hành vi trái với giáo lí Hồi giáo, còn nhằm mục đích giáo dục, tôn trọng và bảo vệ các quyền chính đáng của mọi cá nhân, xã hội hoặc quốc tịch thuộc bất kì tín ngưỡng và chủng tộc nào,” thông cáo nói.
Một số khía cạnh của các luật này sẽ được áp dụng cho những người không theo Hồi giáo.
Quốc vương Hassanal Bolkiah, 72 tuổi, là vị quân chủ trị vì lâu đời thứ hai trên thế giới và là thủ tướng của đất nước giàu dầu mỏ này. Ông cũng có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Brunei, nước láng giềng của hai bang thuộc Malaysia trên đảo Borneo, đã thực thi giáo lí Hồi giáo nghiêm ngặt hơn cả Malaysia và Indonesia, hai quốc gia người Hồi giáo chiếm đa số ở Đông Nam Á.
Việc Brunei sắp thi hành các luật Hồi giáo nghiêm khắc đã thu hút chỉ trích rộng rãi. Các chính trị gia ở Châu Âu và Mỹ đã công kích các kế hoạch và nêu lên lo ngại với Brunei.
Nam diễn viên từng đoạt giải giành giải Oscar George Clooney kêu gọi tẩy chay các khách sạn hạng sang thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Brunei, như Khách sạn Beverly Hills, Dorchester ở London và Plaza Athénée ở Paris.
https://www.voatiengviet.com/a/brunei-benh-vuc-luat-hoi-giao-moi-cho-phep-xu-tu-nguoi-dong-tinh/4855029.html
Nhận xét
Đăng nhận xét