Suy nghĩ từ một trăn trở của ông Nguyễn Đình Bin

Trân Văn
27-3-2019
Trung tuần tháng này, ngày 19 tháng 3, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, than trên trang facebook của ông “15 năm một nghị quyết – Vết thương dân tộc vẫn chưa lành!” (1).
Một đoạn trong bài viết trên trang FB của ông Nguyễn Đình Bin. VOA
Nghị quyết mà ông Bin đề cập là Nghị quyết 36 NQ/TW được Bộ Chính trị đảng CSVN ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004, nhằm định hướng về “công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Ông Bin – một trong những nhân vật chính, tham gia khai mở Nghị quyết 36 NQ/TW, trăn trở, tại sao người Việt “vẫn chưa hòa giải được với nhau”?
***
Hạ tuần tháng này, hôm 24 tháng 3, ông Nghiêm Xuân Vương, đại diện cho Diễn đàn “Tôi và sứ quán”, tiếp tục gửi thêm một Thư ngỏ nữa cho giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, hối thúc giải quyết tình trạng lạm thu của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đối với… người Việt ở bên ngoài Việt Nam (2).
Diễn đàn “Tôi và sứ quán” hiện có khoảng 30.000 thành viên (3). Mục tiêu chính của diễn đàn này là chia sẻ thông tin, ý kiến của những người Việt đang cư trú bên ngoài Việt Nam về những vấn đề có liên quan trong tương quan giữa họ với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc.
Diễn đàn “Tôi và sứ quán” chính là một trong những nơi góp vô số câu trả lời cho… trăn trở của ông Bin. “Hòa” thế nào khi các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc chỉ xem người Việt cư trú ở nước ngoài như… một công cụ, dùng đủ mọi phương tiện để vòi tiền khi họ cần đổi hộ chiếu, xin hôn thú, khai sinh cho con, hoặc bỏ quốc tịch Việt Nam, xin visa, miễn thị thực?
Đó cũng là lý do, trong bốn năm vừa qua, Diễn đàn “Tôi và sứ quán” luôn luôn sôi động với những tố cáo cụ thể và những chia sẻ, hướng dẫn cũng hết sức cụ thể của những người Việt cư trú ở nước ngoài từng “ở trong chăn”, nhằm giúp nhau đối phó: Vận dụng qui phạm pháp luật nào? Với từng cơ quan ngoại giao cụ thể của Việt Nam ở ngoại quốc, khi có nhu cầu, buộc phải liên hệ thì hành xử ra sao?
Ngày 26 tháng 3 vừa qua, Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi và vẫn là “kim chỉ nam” cho “công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục thề hứa, trình bày nỗ lực giảng hòa nhưng một số đề nghị của người Việt đang cư trú tại nước ngoài, vốn chính đáng và hết sức đơn giản vẫn không hề được giải!
Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không công bố một cách rạch ròi những yêu cầu khi người Việt cư trú ở ngoại quốc cần hỗ trợ về thủ tục hành chính để họ không bị “vẽ”, bị “quay” cho tới khi chịu dấm dúi? Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không niêm yết phí của từng loại thủ tục hành chính để đồng bào của họ không bị đồng chí của họ mổ, vắt, vặt?…
Chẳng ai dám chắc, thêm lần này, “những người cầm nắm sinh mệnh dân chúng, tương lai của đất nước”, tác động trực tiếp tới “sự nghèo hèn hay thịnh vượng, sự minh bạch hay gian dối” của Việt Nam, có “thôi vì bản thân”, chịu “làm người có lương tri để nghĩ cho dân chúng” , không “nhẫn tâm biến công dân của mình trở thành người vô cảm, ngoảnh mặt với đất nước” như Diễn đàn “Tôi và sứ quán” kêu gọi hay không?
***
Chuyện Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi, trăn trở của ông Nguyễn Đình Bin, sự phẫn nộ của những người Việt cư trú ở ngoại quốc trên Diễn đàn “Tôi và sứ quán” trước tình trạng các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài lạm quyền để lạm thu tiếp tục diễn ra giữa “thanh thiên, bạch nhật”, không biết bao giờ mới dứt,… khiến người viết bài này nhớ tới chương trình “Taglit-Birthright Israel” (Khám phá quyền thừa kế Israel).
Theo Wikipedia, “Taglit-Birthright Israel” là tên một chương trình dành cho những người gốc Do Thái cư trú trên khắp thế giới. “Taglit-Birthright Israel”, hay “Birthright Israel” khuyến khích những cá nhân gốc Do Thái trong độ tuổi từ 18 đến 32 trên khắp thế giới, chưa từng đến Israel, ghi danh tham dự. Khởi đầu từ 1999, “Taglit-Birthright Israel” đã đưa khoảng 600.000 thanh niên gốc Do Thái, cư trú ở 67 quốc gia về Israel (4).
Trong chuyến hành hương về quê cha, đất tổ kéo dài mười ngày ấy, những thanh niên gốc Do Thái được đưa đến nhiều nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay lịch sử dân tộc Do Thái mà họ chỉ từng biết qua truyền khẩu từ ông bà, cha mẹ hay phim ảnh, sách báo. “Taglit-Birthright Israel” chỉ đài thọ một phần chứ không phải toàn bộ chi phí. Người tham gia phải góp phần còn lại.
Năm ngoái, nhiều người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem một video clip, ghi lại cảnh Học viện Nhạc – Vũ kịch Jerusalem, đổ ra phi trường Ben Gurion, chào đón những đồng bào gốc Do Thái của họ, lần đầu tiên về quê cha, đất tổ qua một “Taglit-Birthright Israel” năm 2018, vào dịp Quốc khánh lần thứ 70 của quốc gia này (14/5/1948 – 14/5/2018) (5).
Ai không thích thú, không cảm động khi thấy cảnh phi trường Ben Gurion đột nhiên vang lừng tiếng đàn của nhiều nhạc công, tiếng hát của nhiều ca sĩ, tưng bừng với vũ điệu của nhiều vũ công ở đủ mọi độ tuổi. Bài hát chỉ ba từ “Hevenu Shalom Alehem” (lời chào, lời chúc hòa bình cho thế giới) lập đi, lập lại ở nhiều cung bậc khác nhau đã kéo những thanh niên gốc Do Thái lần đầu về Israel, sung sướng nhập cuộc hát, múa như về nhà?
Do Thái là dân tộc duy nhất lưu vong khắp thế giới trong 20 thế kỷ (giữa thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 20) và cuối cùng tái lập được quốc gia trên đất đai vốn từng thuộc về tổ tiên của mình. Vì nhiều lý do, quốc gia Israel nhỏ bé, lọt thỏm giữa thế giới Ả Rập bị các quốc gia Ả Rập nằm chung quanh xem là kẻ thù nhưng dù “bất cộng đái thiên”, thề không đội chung Trời với Israel nhưng thế giới Ả Rập vẫn chưa nuốt được Israel.
Ngày 14/5/1948, khi tuyên bố tái lập Israel, những người Do Thái ở Israel chỉ nói vài lời, chủ yếu là thông báo với người Do Thái trên toàn thế giới rằng họ vừa có tổ quốc, rằng khát vọng 2.000 năm của ông bà, cha mẹ họ đã thành sự thật, tuy nhiên sự thật ấy hiện hữu trong bao lâu là trách nhiệm của từng cá nhân tự xem mình là Do Thái. Người Do Thái đã không để Israel bị thế giới Ả Rập nuốt chửng dù mới… ra ràng.
Không về Israel cầm cuốc để xây dựng, cầm súng để bảo vệ quê cha, đất tổ, người Do Thái góp tiền, góp sức, kể cả vận động chính quyền quốc gia nơi họ cư trú và cộng đồng quốc tế hỗ trợ xứ sở của họ… Israel giờ là quốc gia có mức sống cao nhất khu vực Trung Đông, kinh tế Israel – quốc gia thiếu đủ thứ tài nguyên, kể cả nước, chỉ toàn đá và cát – giờ đứng thứ 32 trong bảng xếp hạng của thế giới (6).
Israel là một trong số rất ít quốc gia cưỡng bức thi hành nghĩa vụ quân sự đối với cả nam (hai năm 8 tháng), lẫn nữ (hai năm) (7), đồng thời thu nhận cả những thanh niên gốc Do Thái đang sống tại những quốc gia khác trên thế giới vào quân đội. Năm nào cũng có thanh niên gốc Do Thái từ 41 quốc gia trên thế giới quay về Israel thi hành nghĩa vụ quân sự (8) và không ít người an nghỉ trên quê cha, đất tổ sau những đợt tấn công khủng bố.
***
Israel được như ngày hôm nay vì là của mọi người Do Thái, kể cả những người chỉ có gốc Do Thái nhờ cha mẹ, hoặc cha hay mẹ mang dòng máu Do Thái. Thành quả mà Israel đạt được, vị trí mà Israel có được, luôn được khẳng định là công sức của các thế hệ Do Thái trong và ngoài Israel, không có đảng phái hay tổ chức chính trị nào ở Israel giành những thành quả ấy là công của mình để đòi lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Israel không thuộc về bất kỳ đảng phải, tổ chức chính trị nào nên không cần định hướng bởi những thứ như Nghị quyết 36 NQ/TW. Còn đòi “hòa” mà vẫn không cho nói, không muốn nghe, không khoan thứ những “đối tượng” không chịu “thờ” mình, thậm chí những chuyện rất nhỏ như giải trừ nhũng nhiễu đồng… bào tại các cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà cũng không muốn làm thì… giải thế nào được!
Chú thích

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?