Đại dương đang được cứu rồi, không phải bằng ‘khỏa thân’
Những hành động tử tế, kể cả vì môi trường cũng vậy, đều cần bao hàm trong đó sự khiêm nhường, chân thành và vị tha…
Khi bằng tuổi “Chiến binh môi trường” Greta Thunberg bây giờ (16 tuổi), Boyan Slat đã mơ ước làm sạch đại dương sau một chuyến đi lặn biển. Cậu không chỉ mơ ước mà đã thực sự bắt tay vào làm để biến ước mơ thành hiện thực, qua biết bao thất bại, giờ đây, ở tuổi 25, Slat đã bước đầu thành công và đại dương nhờ đó đã bắt đầu được cứu.
Vào ngày 2/10/2019, Slat tuyên bố rằng System 001/B, một hệ thống thu hồi rác tự hành được phát triển bởi Tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup do anh sáng lập, đã thu gom thành công các mảnh vụn nhựa trôi nổi thuộc Đảo rác Thái Bình Dương nằm giữa Hawaii và bang California, Hoa Kỳ. Đây là khối chất thải (có mật độ chất dẻo cao) rộng khoảng 617.763 dặm vuông là nơi tích tụ nhựa trôi nổi trên đại dương lớn nhất thế giới, theo Dogonews.
Từ lúc Slat lên ý tưởng khi mới là cậu bé 16 tuổi, mọi việc nghe có vẻ rất khả thi. Nhưng việc dọn dẹp bằng tàu và lưới sẽ mất hàng ngàn năm, tiêu tốn hàng chục tỷ đô la, lại có hại cho các sinh vật biển và dẫn đến lượng lớn khí thải carbon. Ý tưởng về thiết bị tự hành thân thiện với môi trường đã ra đời, nhưng đó cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Anh đã ngừng việc học về kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Công nghệ Delft để dành thời gian phát triển ý tưởng của mình. Slats bắt đầu nghiên cứu hệ thống gom rác từ năm 18 tuổi, sau đó thành lập The Ocean Cleanup vào năm 2014 để nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất thiết bị tự thu gom rác trên biển. Anh đã có bài nói chuyện truyền cảm hứng trên diễn đàn TEDx và qua đó đã thu hút được nhiều nhà tài trợ cho chương trình “Làm sạch Đại dương” của mình.
Chưa bao giờ có được cơ hội đứng trước các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới để chất vấn hay cảnh báo, nhưng Slat và các cộng sự cùng các nhà tài trợ đã hành động. Sau 7 năm thất bại, họ đã thành công.
Trong một lần đi lặn, cậu bé Boyan Slat đã nhận thấy số nhựa dưới biển còn nhiều hơn cả cá, nên đã mơ ước sẽ làm gì đó để làm sạch biển. Những bài thuyết trình thuyết phục và niềm tin vào sự thành công của dự án “Làm sạch Đại dương” đã kéo nhiều người tài trợ tới với cậu. Ước mơ bảo vệ biển của Slat đã bước đầu thành công khi System 001/B với chức năng thu gom rác trên biển đã hoạt động tốt (ảnh: Impactrelations.).
Tháng 6/2019, System 001/B đã được đưa ra ngoài khơi bờ biển Vancouver, Canada, và nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tiên của mình, thu thập một lượng lớn rác thải đại dương, từ lưới đánh cá lớn đến những miếng nhựa siêu nhỏ. Và hoạt động của chương trình hy vọng sẽ tự trang trải được chi phí nhờ chính số nhựa thu gom được.
Làm việc tử tế chưa bao giờ là dễ dàng
Slat cũng như nhiều bạn trẻ khác đang truyền cảm hứng cho tôi, không phải chỉ bằng lời kêu gọi. Họ hành động, không phải chỉ ở hình thức mà họ thật sự đã thay đổi suy nghĩ, thay đổi cuộc đời của mình. Chưa nói tới việc những điều đó có thể cứu thế giới tương lai hay không, nhưng ít ra họ đã cố sống có trách nhiệm, việc đầu tiên để làm một công dân có ý thức, một người tử tế.
Tôi cũng đã bước vào con đường cùng với họ, cũng đã làm việc này việc nọ xem ra có trách nhiệm với môi trường. Nhưng khó khăn nhất là gì sau khi đã nhận thức ra? Chính là thay đổi thói quen của mình. Chúng ta thường tự mình phong bế khả năng của bản thân và tự biến mình thành vũng nước đọng vì không thể lưu chuyển, vận động liên tục. Không thể thay đổi nhận thức (quan niệm) và phá bỏ thói quen (sức ỳ) là lý do phổ biến nhất, hay thậm chí có thể nói là lý do duy nhất.
Muốn làm người tử tế với môi trường, với tương lai, cũng phải gian nan một chút chứ nào đơn giản. Thay vì dùng xong chai nước mắm chỉ cần vứt thẳng vào túi rác, giờ tôi phải sục rửa nó, loại bỏ nhãn mác, phơi khô rồi phân ra chai nào là thủy tinh, chai nào là nhựa để đem vứt riêng ra hoặc bán đồng nát. Thay vì tiện lợi dùng túi ni-lông ở các siêu thị mang đồ về nhà, mỗi lần đi chợ sẽ phải nhớ mang theo cái túi, cái xe kéo cồng kềnh. Thay vì vứt pin dùng hết vào thùng rác cho nhanh gọn, giờ phải gom nó lại để riêng để bao giờ nhiều nhiều thì mang ra nơi nhận xử lý pin để vứt…
Cuộc sống của tôi quả thật đã bất tiện hơn rất nhiều, thêm một vài động tác trước đây không phải làm, nhớ một vài thứ trước đây không cần nhớ… và thực hành nó cho thành thói quen trong khi cái thứ mang tên sự tiện lợi và sự thỏa hiệp “một lần này nữa thôi” liên tục kêu gào tên tôi. Nhận thức ra tầm quan trọng của việc có trách nhiệm với môi trường có vẻ cũng không đến nỗi quá khó khăn, nhưng biến nhận thức thành hành động thì đòi hỏi một sự nỗ lực, dù chỉ là nhớ luôn mang theo một cái túi hay ống hút kim loại bên mình.
Vậy mà những người như Slat đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, từ bỏ cả sự nghiệp học hành trong một lĩnh vực rất có tiền đồ để vùi mình vào một việc đầy khó khăn. Nó thuyết phục tôi hơn những phong trào khỏa thân “vì môi trường” diễn ra khắp thế giới và mới đây đã làm ô uế đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam).
Việc chính đáng cần được làm theo cách chính đáng
Có thể họ có lý do mà họ xem là hợp lý, rằng hành động thu hút được sự quan tâm của người khác tới vấn đề họ đang nêu ra, thì dù hành động đó không đẹp nhưng vấn đề được quan tâm là được rồi. Thậm chí, để được quan tâm nhiều, thì làm cái gì choáng ngợp, gây hiếu kỳ, thậm chí dị hợm cũng được. Để đạt được mục đích tốt, thì phương tiện bất hảo một chút cũng được, đó chưa bao giờ đủ thuyết phục tôi. Bởi tôi tin rằng, để đi được tới cái đích tử tế, tốt đẹp, thì ta đều cần phải bước những bước đường đường chính chính.
Những tác phẩm khỏa thân làm nền cho hình ảnh chứa thông điệp bảo vệ môi trường của nhiều người nổi tiếng ở nước ngoài phần lớn đều để con người ở vị trí thứ yếu. Cơ thể của họ, sự thu hút giới tính của họ không phải ở vị trí trung tâm. Và việc trút bỏ xiêm y, phần nào như cách con người trở về trần trụi, nhỏ bé trước thiên nhiên, như khiến người ta liên tưởng được ra tình cảnh đáng thương của những sinh mệnh khác đang sống cùng ta trên Trái đất này… và… như một người con tôn vinh đức hiếu sinh vĩ đại của người mẹ. Nó không phải đơn giản chỉ là một sự thu hút ánh nhìn của người khác.
Ngôi sao điện ảnh Maggie Q trong một tác phẩm kêu gọi hành động vì môi trường (ảnh: Dvdbash). |
Dường như, dùng cách nào để có trách nhiệm với môi trường (tôi không dám dùng từ bảo vệ môi trường bởi tôi quá nhỏ bé trước tự nhiên sao có thể bảo vệ đây), để làm điều tử tế, ta cũng cần có một sự khiêm nhường. Chịu thay đổi nhận thức và sức ỳ của mình, chính là biết mình không luôn luôn đúng, biết tu sửa bản thân, và biết chịu trách nhiệm. Đó là khiêm nhường. Thu hút sự quan tâm của người khác nhưng không đặt mình vào vị trí trung tâm một cách ngang tàng, ngạo nghễ, mà biết lựa chọn để hành động có trách nhiệm với xã hội, biết khéo léo và tinh tế lùi lại làm nền. Đó là khiêm nhường.
Chỉ khi ta khiêm nhường, chân thành và kiên định hành động dựa trên nguyên tắc vì người khác chứ không vì bản thân, thì việc làm đó sẽ dễ thu hút sự quan tâm và truyền đi được cảm hứng tích cực. Con người vốn dễ đồng cảm và bị làm cho “mềm tim” bởi những hành động vị tha (vì người) không tính toán. Thế nên dù có mất thêm nhiều thời gian, công sức để truyền đi sự tử tế, ta vẫn phải làm xuất phát từ trái tim chân thành và khiêm cung.
Cởi đồ tuần hành bất chấp ảnh hưởng tới xã hội, la hét vào mặt người khác về sự tổn thất của mình và của thế giới, miệt thị chê bai những người chưa có ý thức bảo vệ môi trường… đều khó đi vào lòng người, bởi nó mới chỉ thỏa mãn cái tôi và lý lẽ của “tôi” (dù cho nó có đúng đi nữa). Hãy nghĩ tới mục đích cuối cùng, là cảm hóa và lan tỏa sự tử tế, muốn vậy ta phải hy sinh một chút, phải nghĩ tới cảm giác của người khác một chút, phải từ bi và nhẫn nại một chút.
---------
---------
Nhận xét
Đăng nhận xét