Bội Ơn Người! Vô Ơn Trời!
Người Phương Nam
28/11/2019
28/11/2019
… Nếu chúng ta không tiếc lời chê bai người khác thì cũng đừng hà tiện lời khen tặng đúng lúc, đúng việc, đúng người…
Sống trên đời này nếu có ai nói với chúng ta rằng: Anh chị em, hoặc tụi mầy, tụi bây là những kẻ “vô ơn”, thì không gì xúc phạm cho bằng. Tại sao vậy? Tại vì ai cũng biết rằng thái độ “vô ơn” hay “bội ơn” là hình ảnh của những kẻ thiếu nhân cách và lương tri. Một con người có đầu óc bình thường sẽ không bao giờ muốn mình trở thành kẻ vô ơn hay bội ơn. Tuy nhiên, chúng ta thường rất dễ dàng trở thành những kẻ “vô ơn” hay “bội ơn” mà chúng ta không hay biết. Chẳng những bội ơn với Người mà đôi khi chúng ta cũng vô ơn với Trời nữa.
Khi đạt được sự thành công, chúng ta thường nghĩ rằng do mình tài giỏi, do khả năng riêng của mình. Tệ hơn nữa khi chúng ta tự hào mình thuộc thành phần con giòng, cháu giống, con nhà “danh gia, thế phiệt”… mà không biết dâng lời tạ ơn Trời hay Thiên Chúa. Than phiền về đời sống ấm no, hạnh phúc mà mình đang có, tức là chúng ta đã vô tình phủ nhận những ơn phước mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Ai xem nhẹ công ơn nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ, hay sự đùm bọc của anh chị em là kẻ vô ơn hay bội ơn. Xem nhẹ công lao của thầy cô từng dạy dỗ mình là hành động vô ơn. Bất cứ ai phủ nhận công lao của những chiến sĩ chiến đấu ngoài các mặt trận để bảo vệ cho hậu phương được sống đời tự do, an lành, là thái độ vô ơn đối với những người đã hy sinh máu xương vì hạnh phúc của người khác.
Những ai vì muốn biệt riêng mình thuộc thành phần “thiêng liêng” nên không dám nhắc đến công ơn của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa từng chiến đấu bảo vệ miền Nam trước làn sóng tấn công của bọn VC gian tà, ít nhất là đến ngày 30-4-75 để có đủ thì giờ dìu dắt “bầu đoàn thê tử” lên phi cơ hay bước xuống tàu lánh nạn VC… Thì đó là những kẻ vô ơn chứ không có “thiêng liêng” gì ráo.
Lúc mình ở tù VC, người khác tranh đấu cho mình được tự do, nhưng sau khi ra khỏi tù, mình làm ngơ trước sự đau khổ của những người còn bị VC giam cầm trong tù, hoặc lên án những người tranh đấu cho sự tự do của người khác, với cái vỏ bọc “tôi không làm chính trị” là những kẻ vô ơn. Mà đã là kẻ vô ơn hay bội ơn thì không đủ tư cách để thuyết pháp, giảng dạy, hay viết hoặc nói với người khác về những điều nhân nghĩa.
Nếu là người tỵ nạn VC tại các quốc gia tự do, ai cũng có một người ơn, đó là người bảo trợ của chúng ta. Hầu hết những ai chịu làm người bảo trợ chúng ta, hoặc đón nhận chúng ta vào nhà của họ đều là tốt bụng, ngoại trừ những trường hợp có kẻ lợi dụng công sức người thọ ơn mình. Nếu ngày nay chúng ta không còn nhớ đến những người bảo trợ tốt bụng, họ đang ở đâu? Họ còn sống hay đã chết? Họ nay già yếu và cuộc sống ra sao? Thì chúng ta là những kẻ vô tình và vô ơn.
Nếu chúng ta đang định cư tại các quốc gia tự do mà không lo góp phần bảo vệ hay xây dựng đất nước đó, mà chỉ ngồi một chỗ lên án chính quyền của đất nước đó như kẻ bàng quan hay như kẻ thù, thì cho phép người ta lên án chúng ta là những kẻ vô ơn.
Ai xem thường những tình cảm, sự chăm sóc, lo lắng, hy sinh của người phối ngẫu dành cho mình, đó là kẻ bội bạc, vô ơn. Ai có những người bạn tốt, từng nâng đỡ mình nhưng khi thành công, mình quay lại “đâm sau lưng” người ta thì đó là những kẻ vô tình và vô ơn.
Ai vội quên ơn anh chị em từng cưu mang, hy sinh, giúp đỡ lúc mình còn nhỏ hay chưa trưởng thành; nay mình lớn khôn, có bằng cấp cao, có địa vị trong xã hội, ăn nên làm ra… Nhưng vội quên cái ngày còn hàn vi, vội quay lưng với những tình cảm thiêng liêng đó, thì người đó không xứng đáng là một người đủ nhân cách cho dù người đó là cái gì trong xã hội.
Ai bạc bẽo với cha mẹ, có điều kiện tốt mà không chăm sóc cha mẹ lúc các vị về già, đó là con bất hiếu. Những câu chuyện thật về việc con cái coi trọng tài sản hơn cha mẹ, ông bà là điều đáng bận tâm. Có người không dám cho cha mẹ già ở trong nhà một mình lúc họ vắng nhà vì sợ cha mẹ quên trước quên sau, quên tắt điện, tắt TV, tắt lò nên tốn điện, hoặc dễ gây hỏa hoạn là những câu chuyện từng xảy ra tại hải ngoại, thật thương tâm.
Có anh chị kia, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, chở cha mẹ ra các trung tâm thương mại bỏ các vị đi lang thang trong đó với vài ổ bánh mì và vài chai nước trên tay, hầu có thể sống trọn ngày. Đến chiều sau khi anh chị tan sở thì cha mẹ mới được về nhà. Hoặc những trường hợp có những cặp vợ chồng cần cha mẹ giữ con khi còn khoẻ mạnh, nhưng khi con cái lớn khôn, cha mẹ đã già, họ tìm cách cho ông bà ngoại hay ông bà nội tụi nhỏ ra “ở riêng” trong chung cư tồi tàn nào đó, hay trong viện dưỡng lão, dù các vị này còn khá minh mẫn và khá khỏe mạnh… Hành động này nếu không gọi là bất hiếu, bất nhân hoặc vô ơn thì là gì? Nếu cha mẹ chúng ta còn sống và vẫn ở bên nhau, chúng ta là người hạnh phúc hiếm thấy, chứ đó không phải là “cục nợ” vứt bỏ thì không được mà để lại cũng không xong.
Chúng ta thường không hài lòng với những gì mình đang tận hưởng, chỉ luôn than phiền thay vì nói lời tạ ơn Thiên Chúa và nói cho người khác nghe về những ơn phước đó; và nếu chúng ta tiếp tục than phiền, chúng ta trở thành kẻ vô ơn với Thiên Chúa. Vô ơn với Thiên Chúa thì đừng trách tại sao Ngài thu lại, hay lấy lại những gì mà Ngài đã từng ban cho chúng ta.
Nếu chúng ta nhận mình là người có đạo hay có Chúa, mà không có đời sống lạc quan, yêu đời, thì không thể nào phản ảnh được đời sống hạnh phúc mà người khác cần phải lưu tâm hay cần phải biết Chúa của chúng ta là ai, để tin thờ. Chúa ban phước cho chúng ta mà chúng ta lại phũ nhận, hay nói những lời tự phụ, vô ơn thì Chúa sẽ lấy lại như đã nói. Chúa ban cho con người nhiều điều tốt lành về vật chất lẫn tinh thần. Nếu chúng ta sử dụng những điều đó một cách biết ơn và ngay thẳng thì những thứ Chúa ban cho sẽ tồn tại lâu dài.
Một dân tộc được tự do, nhưng nếu không biết trân quý sự tự do đó mà lạm dụng quyền tự do chỉ để chống những khuyết điểm của chính quyền, thay vì dồn nỗ lực để chống kẻ thù đang gây xáo trộn, hoặc xâm lăng đất nước mình, thì tránh sao khỏi cảnh “nước mất, nhà tan. Điều này giống như câu nói để đời của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trước năm 1975: “Ðất nước còn, tất cả còn. Ðất nước mất, tất cả mất…”. Và điều này đã thành sự thật sau khi VC chiếm trọn miền Nam.
Thiên Chúa hoặc Chúa Trời hoặc Thượng Đế là Ðấng duy nhất có quyền ban cho và lấy lại. Chúng ta phải biết trông cậy vào quyền năng của Ngài, biết trân quý ơn phước mà Ngài ban cho, hầu biết tạ ơn Ngài, thay vì đi tạ ơn hoặc thờ lạy những thần khác do con người tưởng tượng ra. Chúng ta phải có đời sống lạc quan, biết thoả lòng, nên tránh thái độ ta thán, mà hãy mở miệng nói lời tạ ơn Thiên Chúa và cảm ơn Người.
Đối với những ai nhận Thiên Chúa là Cha thì cũng nên nhớ lời khuyến cáo của Kinh Thánh: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1 Te-sa-lo-ni-ca 5:16-18).
Nhân mùa lễ cảm tạ (Thanksgiving), có lẽ mỗi người trong chúng ta cần ngửa mặt lên trời nói lời tạ ơn Thiên Chúa hay Trời Cao đã ban cho chúng ta một đời sống bình an, tự to đích thực. Đối với anh chị em Thiên Chúa Giáo, chúng ta nên mở miệng nói lời cảm ơn những linh mục, mục sư, giáo sĩ, nữ tu chân chính, hay những ai đã phục vụ mình. Các vị ấy tình nguyện hầu việc Chúa hết lòng và mang ơn phước cho chúng ta. Họ cho chúng ta được đọc các bài viết, nghe những bài giảng luận bổ ích cho đời sống thuộc linh của chúng ta.
Kết luận: Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng cần công khai bày tỏ lòng biết ơn đối vói ông bà, cha mẹ, vợ hay chồng mình, chú bác, cô dì, anh chị em, họ hàng, bạn hữu… gồm những ai từng đối xử tốt với mình. Đừng lý luận theo kiểu “tôi yêu ai, tôi để trong lòng” thì mới quý. Quan niệm này đến từ bản chất vô tình hay vô ơn của những con người yếu đuối bất toàn mà ma quỷ rất thích sử dụng đến.
Chưa hết, trong xã hội, đối với những ai tình nguyện phục vụ bất vụ lợi cho cộng đồng, hoặc đồng đội chống VC hay Việt gian, một tờ báo bổ ích có lập trường chống cộng, một tác phẩm giá trị hoặc bài viết đáng đọc của tác giả nào đó… Chúng ta cần bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành đối với họ. Chúng ta sẽ không giống thành phần ích kỹ trong xã hội, họ không thích đóng góp mà chỉ thích chê bai. Thí dụ: Sách báo bán thì không mua, sách báo miễn phí thì chê rằng báo chợ, sách chùa…
Nếu chúng ta không tiếc lời chê bai người khác thì cũng đừng hà tiện lời khen tặng đúng lúc, đúng việc, đúng người. Không ai cấm chúng ta hay chê cười chúng ta khi mình biết nói lời cảm ơn một thi sĩ về một bài Thơ ý nghĩa, một ca khúc tuyệt vời của một nhạc sĩ, một giọng hát ngọt ngào của một ca sĩ… Nhất là những người tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam hay trên thế giới, những người lính của khối tự do, đã và đang đổ máu xương cho mình được sống trong sự an lành.
Mình nên cảm ơn thật, “đừng yêu lính bằng lời”.
Huỳnh Quốc Bình
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Nhận xét
Đăng nhận xét