Tin Việt Nam – 29/11/2019
Hãng Hàng Không VN Bị Cấm
Thuê Máy Bay Cũ Quá 10 Tuổi
Từ ngày 1/1/2020, các hãng bay sẽ không được phép thuê máy bay cũ trên 10 năm tuổi.
Theo quy định mới, kể từ ngày 1/1/2020, các hãng hàng không không được thuê máy bay đã xử dụng quá 10 năm, tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập vào Việt Nam, News.zing.vn đưa tin.
Chính phủ VN cũng yêu cầu máy bay vận chuyển hành khách phải giữ giới hạn không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
News.zing cho biết riêng đối với loại máy bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện thì hạn định không được quá 15 năm tuổi tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua/thuê và không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Được biết trong năm 2019, hãng Bamboo Airways (của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, được cấp phép bay tháng 11/2018, có các chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/01/2019) là hãng duy nhất thực hiện thuê máy bay đã trên 10 năm tuổi.
Theo Planespotter, cụ thể là Bamboo Airways đã thuê 9 chiếc máy bay cũ, có tuổi đã quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập vào Việt Nam. Trong số này, chiếc “cao tuổi” nhất đã 14.2 năm tuổi và gần đây nhất, chiếc A320 được thuê vào tháng 11/2019 cũng đã 10.6 năm tuổi.
Bãi Tư Chính tạm lắng,
Việt Nam – Trung Quốc mở đàm phán
Trong một thông cáo công bố hôm 28/11/2019, bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết là từ ngày 26-28/11/2019, một phái đoàn do thứ trưởng Ngoại Giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã qua Bắc Kinh để thảo luận về những vấn đề quan hệ song phương, trong đó có Biển Đông.
Đây là vấn đề khiến cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng sau khi Bắc Kinh cho tàu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần Bãi Tư Chính trong hơn 4 tháng. Tuy nhiên, bản thông cáo cho biết là phía Việt Nam đã “nêu rõ lập trường” của mình nhưng xác định rằng hai bên nhất trí “xử lý thỏa đáng các bất đồng” để duy trì ổn định trong khu vực.
Đoạn liên quan đến Biển Đông trong bản thông cáo về các cuộc tiếp xúc của hai “đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc” chỉ ghi ngắn gọn:
“Trên tinh thần thẳng thắn, hai bên đã trao đổi về vấn đề trên biển; nhất trí thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Bản thông cáo không đề cập đến tình hình rất căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian năm tháng gần đây, bắt đầu từ đầu tháng 7/2019 khi Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cho tàu hải cảnh liên tục quấy phá hoạt động của giàn khoan dầu Việt Nam gần Bãi Tư Chính.
Căng thẳng chỉ giảm bớt sau khi Trung Quốc cho rút tàu khảo sát của họ ra khỏi vùng biển Việt Nam hôm 23/10.
Trong bản tin về cuộc đàm phán Việt-Trung vừa kết thúc, hãng tin Đức DPA đặc biệt ghi nhận rằng hai bên không hề “bày tỏ hy vọng là căng thẳng giảm bớt”, mà chỉ đồng ý giải quyết tranh chấp một cách “thỏa đáng” và “hòa bình”.
Tên thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung, trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Bắc Kinh lần này, mới đây đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều sau bài phát biểu của ông nhân buổi khai mạc Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế về Biển Đông lần thứ 11 hôm 06/11 vừa qua tại Hà Nội.
Hãng tin Anh Reuters đã trích một tuyên bố của ông để cho rằng theo ông Trung trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý, nói nôm na là kiện ra trước tòa án quốc tế như Philippines từng làm.
Hai động thái mới của chính quyền:
Một cách hiện thực hóa dự luật đặc khu
Nguyễn Trang Nhung
Chiều ngày 25/11, quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Một nội dung đáng chú ý của luật mới là quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển đáp ứng các điều kiện nhất định.
Các điều kiện này là: (1) có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; (2) có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; (3) phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; và (4) không phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.[1]
Chiếu theo các điều kiện này, 2 trong 18 khu kinh tế ven biển hiện có tại Việt Nam là thỏa mãn. Đó là Vân Đồn và Phú Quốc, 2 nơi được nhắm trở thành đặc khu theo dự luật đặc khu gây tranh cãi vào giữa năm 2018.
Những ai theo dõi dư luận xung quanh dự luật đặc khu hẳn biết 2 quy định được để ý nhất trong dự luật này là thời hạn cho thuê đất tối đa lên đến 99 năm và miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh, nơi có Vân Đồn, và Kiên Giang, nơi có Phú Quốc.
Mặc dù dự luật không nói rõ các nước giáp ranh với 2 tỉnh này, người ta thừa hiểu đó tương ứng là Trung Quốc và Campuchia. Và trong 2 nước này, Trung Quốc là nỗi lo của nhiều người dân Việt Nam xét về một số phương diện, trong đó có an ninh quốc phòng.
Khi quyết định lùi thông qua dự luật đặc khu vào tháng 6/2018, quốc hội đã tạm thời làm tiêu tan làn sóng phản đối của đa số dân chúng đối với dự luật đặc khu, và theo thời gian, mặc dù chính quyền vẫn có những động thái xúc tiến dự luật, nhưng các động thái này đủ nhẹ nhàng để người dân ít để ý tới.
Có thể kể đến một số động thái như vậy, chẳng hạn:
Tháng 11/2018, hội thảo quốc tế “Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có sự góp mặt của các chuyên gia Trung Quốc.[2]
Tháng 4/2019, thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự luật theo hướng xây dựng một luật chung, và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo về việc này.[3]
Và đây, việc quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung trên kể trên, và trước đó chỉ mấy hôm là việc chính phủ thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn vào ngày 20/11 cũng là các động thái như thế.
Hai động thái mới nhất này, mặc dù nhẹ nhàng, ít ra là nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự luật đặc khu, nhưng lại không đủ nhẹ nhàng để tránh khỏi làn sóng phản đối đầu tiên, khi một số người có ảnh hưởng bắt đầu lên tiếng.
Việc thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn có thể nhằm chuẩn bị cho việc trao quyền quyết định ở mức độ nào đó cho cơ quan này đối với những vấn đề của khu, và người dân cần chờ xem việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khu nói chung và vấn đề an ninh quốc phòng nói riêng.
Việc miễn thị thực cho người nước ngoài – mà người nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc – kể ra chẳng khác là bao so với quy định miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh Và Kiên Giang trong dự luật đặc khu.
Mặc dù với 2 động thái này, Vân Đồn và Phú Quốc chưa trở thành đặc khu như trong dự luật đặc khu, nhưng điều này không quan trọng. So với khu kinh tế, đặc khu kinh tế có những điểm ưu trội hơn về các chính sách kinh tế, tài chính và liên quan, song sự ưu trội này là không lớn.
Riêng về thời gian cho thuê đất, thời gian này của khu kinh tế tối đa là 70 năm, không đến 99 năm như đặc khu kinh tế theo dự luật đặc khu, nhưng chi tiết này không thực sự thành vấn đề một khi người Trung Quốc được tạo điều kiện nhập cảnh dễ dãi vào Việt Nam.
Những điều trên cũng có nghĩa là, chưa cần dự luật đặc khu được thông qua, cũng chưa cần nó được tán thành bởi dân chúng, thì bằng các con đường êm ái hơn, một phần của dự luật đặc khu đã thành hiện thực.
Cho nên, những ai đã từng quan tâm tới dự luật đặc khu cần được minh định rõ rằng: với những phương cách gián tiếp, chính quyền đang hiện thực hóa một phần dự luật đặc khu. Và 2 động thái kể trên, đặc biệt là động thái thứ hai, đã hiện thực hóa phần đáng kể – và cũng là phần đáng e ngại nhất.
Chú thích:
[1] Người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển
[2] Thấy gì từ hội thảo quốc tế về chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế?
[3] Chỉnh lý luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng luật chung
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Từ Đầu Tư Tới Đặc Khu
Trần Khải
Trong khi nhiều người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên lập công ty, bơm tiền mua nhà đất ào ạt tại các thành phố du lịch ven biển, xem như đầu tư bất động sản và xây khu nghỉ dưỡng… một số công ty khác lặng lẽ thâu tóm, mua lại nhiều công ty Việt Nam để nắm chặt cổ họng nền kinh tế Việt… Bây giờ, một luật mới gây lo ngại cho những người quan tâm: không phải đặc khu mà là đặc khu. Nơi đây người TQ có thể ngang nhiên vào mà không cần giấy tờ, và đất kinh doanh có thể thuê tới 50 năm. Phải chăng CSVN đang lặng lẽ bán nước, đó là câu hỏi nhiều người nêu ra.
Báo Nông Nghiệp VN trong bản tin “Băn khoăn về hiện tượng người nước ngoài sở hữu bất động sản” hôm 23/11/2019 ghi lời ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Phạm Bình Minh cho biết có 5 cách phổ biến mà người nước ngoài đã áp dụng để sở hữu đất đai tại Việt Nam.
Và bây giờ thì, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực bất động sản, du lịch… ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Trà Vinh…
Tại Đà Nẵng, ngoài 21 lô đất đã đứng tên sở hữu của người Trung Quốc, cử tri cũng âu lo khi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội: “Thành phố chúng ta để cho người nước ngoài mua đất rất tự do, trong đó có người Trung Quốc. Người Trung Quốc họ bỏ 1 tỷ đồng để mua không được thì bỏ ra 2 tỷ đồng để mua bằng cách thông qua người Việt Nam. Việc này làm cho giá đất tăng cao, người thu nhập thấp và trung bình không thể mua được để ở”.
Bản tin NNVN cũng ghi nhận rằng liên quan đến hiện tượng người Việt Nam đứng tên dùm người nước ngoài mua đất, Đại biểu Quốc hội – Dương Trung Quốc không ngần ngại bày tỏ: “Nên coi đó chỉ là gian lận thương mại, hay là hành vi mà nhiều cử tri đòi hỏi phải nghiêm khắc xác định là phản quốc?”.
Trong khi đó, Báo Người Lao Động qua bản tin “Bất động sản lòng vòng vào tay doanh nghiệp ngoại” hôm 21/11/2019 ghi cụ thể rằng theo thông tin từ Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay: Cty Holiday có vốn đầu tư ngoài 48% do cá nhân Li Jinan (người Trung Quốc) nhận chuyển nhượng từ cá nhân ở doanh nghiệp Việt Nam với 20 lô đất đã được cấp giấy chứng nhận. Cty được khai thác quỹ đất 25m dọc tường rào Sân bay Nước Mặn từ năm 2013 đến năm 2015.Ngoài ra, Cty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt do Cty CP Hoàng Đạt góp vốn 10% và Cty TNHH Siver Shores trụ sở tại Hoa Kỳ (do ông Sui Gui Nan, người Trung Quốc đại diện) góp vốn 90%. Cty liên doanh này được UBND thành phố Đà Nẵng cho thuê 20ha đất sản xuất, kinh doanh, thời hạn cho thuê đất 50 năm (đến 21/6/2056) tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.
Khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận AL451916 ngày 21/3/2007, hiện đã được đầu tư xây dựng thành một khu giải trí quy mô. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định tại khoản 4, điều 29 Luật Đầu tư năm 2005 thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên.
Có nghĩa là, tư bản TQ (có bàn tay tình báo Hoa Nam chăng?) bơm tiền ào ạt mua đất VN, đặc biệt các khu vực ven biển (có phải để khi chiến tranh bùng nổ, các nơi này sẽ là điểm đổ bị vì địa hình đã được chụp hình và quay phim kỹ lưỡng?).
Cũng nên ngờ vực: tiền từ Hồng Kông vào đầu tư ở VN cũng có thể là tiền bơm từ Bắc Kinh.
Bản tin Trí Thức Trẻ trên báo VnEconomy hôm 25/11/2019 đã ghi nhận hiện tượng: Bùng nổ nhà đầu tư ngoại góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam… Năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký…
Trong khi đầu tư từ TQ vào VN tăng vọt, đầu tư từ Mỹ vào chỉ rỉ rả… Thống kê của CNBC cho biến: Đầu tư của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2,7% tổng vốn FDI. Bản tin CNBC ghi lời Michael Ryan, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghiệp của IHS Markit, giải thích rằng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam không quá lớn, các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng vốn FDI mà VN nhận được.
Ông Ryan giải thích: “Một phần là do Hoa Kỳ không có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam và ASEAN, theo báo cáo của IHS Markit. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy tốc độ và mức độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng vào Việt Nam… Việt Nam cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động lành nghề. Nhóm nhân lực chất lượng cao đã không thể đáp ứng đủ số lượng doanh nghiệp quá lớn, vì nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách di dời các phần trong chuỗi cung ứng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc… Nói đơn giản, nhu cầu của các công ty đang vượt quá khả năng cung cấp của Việt Nam hiện tại, thêm vào đó cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn để nhiều công ty quốc tế có thể thiết lập cửa hàng”.
Trong khi đó, bản tin BizLive trên mạng CafeF ghi nhận: Đầu tư từ Hồng Kông, Trung Quốc tăng mạnh… Theo thống kê, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2018… Theo đối tác đầu tư, có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam . Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD; trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông).
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc , Nhật Bản,… Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng
so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Nan đề mới là: không phải đặc khu mà là đặc khu… Và với luật mới vặn vẹo chữ nghĩa, công dân TQ có thể vào VN không cần giấy tờ visa nào…
Bản tin BBC hôm 26/11/2019 nêu câu hỏi: Vào khu kinh tế biển ‘cách biệt đất liền VN’ miễn visa?
Bản tin này ghi rằng luật mới ở Việt Nam sẽ cho người nước ngoài ‘vào khu kinh tế ven biển, cách biệt đất liền’ miễn visa, còn công dân nước ngoài trên cả lãnh thổ sẽ được đổi mục đích thị thực mà không phải tạm xuất cảnh. Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 thông qua với 83,5% phiếu ‘Luật Nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam’.
…BBC cũng ghi rằng một thay đổi khác là điều cho miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển. Theo Thanh Niên hôm 25/11, đây là thay đổi khiến chính nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại “ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Về chi tiết, thay đổi này cho phép “khách vào khu kinh tế ven biển có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, cách biệt với đất liền sẽ được hưởng chính sách miễn thị thực”. Vẫn theo báo Việt Nam, với quy định này dễ dàng thấy là được áp dụng cho Vân Đồn và Phú Quốc, hai hòn đảo cũng là khu vực kinh tế từng được nêu trong “Luật đặc khu” trước kia. Một phần dư luận Việt Nam lo ngại rằng về thực chất, các khu vực này sẽ thu hút nhiều công dân các nước láng giềng gần Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc, hơn là công dân châu Âu, Hoa Kỳ, Úc. Cũng có ý kiến rằng dù đã gác lại luật đặc khu, việc triển khai đầu tư tại các hòn đảo như Phú Quốc và Vân Đồn vẫn diễn ra, chỉ có điều là mang tên khác.
Trong khi đó, Báo Tiếng Dân qua bài phân tích của tác giả Nguyễn Ngọc Chu hôm 26/11/2019 nhan đề “Đặc khu không mang tên đặc khu dành cho người Trung Quốc” cho rằng thực tế là CSVN dọn tiệc cho CSTQ sang ăn chơi tưng bừng, trong khi dân cả nước sẽ gánh nợ tương lai.
Bài viết trích như sau:
“1. Chiều ngày 25/11/2019 trong khi hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang dán mắt vào màn hình TV, say sưa với những bàn thắng của các tuyển thủ Việt Nam ghi vào lưới thủ môn Brunei, thì trong phòng lạnh Diên Hồng 404 trên tổng số 446 ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài tới các khu kinh tế đặc biệt trên biển…
2. Có bao nhiêu khách nước ngoài đến Vân Đồn mà không đến lục địa Việt Nam ngoài người Trung Quốc?
3. Như vậy, với quy định này người Trung Quốc sẽ tự do ra vào Vân Đồn và Phú Quốc mà không phải xin thị thực. Vân Đồn và Phú Quốc nghiễm nhiên biến thành đặc khu cho người Trung Quốc mà không cần phải thông qua luật đặc khu.”
Bài viết của Trần Mai Trung nhan đề “Bóng ma trong đặc khu” cũng trên Báo Tiếng Dân phjân tích luật mới này cụ thể rằng:
“Có thể nói, hầu hết vốn đầu tư cho dự án Đặc khu là vay nợ từ TQ. Theo đúng quy trình người chi tiền có quyền quyết định thì các cố vấn TQ sẽ ở đó để chỉ huy, nhưng họ sẽ không xuất hiện công khai, họ sẽ như những bóng ma đứng trong bóng tối chỉ đạo Ban điều hành đặc khu. Ban điều hành sẽ là những đảng viên CS có mặt mũi Việt Nam nhưng ăn tiền và làm việc cho cố vấn Trung Quốc.”
Nghĩa là, thảm đỏ mời TQ vào, nhưng chi phí tốn kém sẽ là nợ đầm đìa cho dân VN mình.
Mỹ tập huấn cho cán bộ VN
nâng cao nhận thức tình huống trên biển
Hoa Kỳ vừa hỗ trợ Việt Nam trong việc huấn luyện nâng cao nhận thức các tình huống trên biển. Đây là một phần trong cam kết của Washington để giúp Hà Nội “độc lập, vững mạnh và thịnh vượng”.
“Các giảng viên của Trung tâm Tác chiến thông tin Hải quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương (U.S. Naval Information Warfare Center Pacific – NIWC) đã tiến hành khoá tập huấn nâng cao về hệ thống SeaVision cho 16 học viên đến từ các cơ quan hàng hải khác nhau của Việt Nam”, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam loan tin hôm 27/11.
Tuần trước, tại trụ sở Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) tại Hà Nội, các học viên của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Kiểm ngư, Cảng vụ đã thực hiện các bài tập thực hành về việc sử dụng nâng cao công cụ nhận thức tình huống trên biển nhằm cải thiện các hoạt động của các cơ quan này.
Cũng theo đại sứ quán, khoá tập huấn này là bước tiếp theo của khoá học trước đó đã diễn ra hồi tháng 5 và “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ một nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng”.
Trung tâm Tác chiến Thông tin Hải quân (NIWC) vùng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, có trụ sở ở thành phố San Diego, bang California, và các biệt đội ở Hawaii, đảo Guam, Nhật, và Singapore. NIWC có nhiệm vụ cung cấp cho Hải quân và quân đội Hoa Kỳ những khả năng thiết yếu trong các lĩnh vực chỉ huy và kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát (gọi chung là C4ISR), không gian mạng, và không gian.
Chữ quốc ngữ
và 12 ‘tông đồ’ của phi nhân, phản khoa học
Bão lại nổi lên trên mạng xã hội sau khi thành phố Đà Nẵng thông báo, chưa lấy tên hai linh mục Công giáo là Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này.
Đà Nẵng dự tính dùng tên hai linh mục vừa kể đặt cho một vài con đường vì trước nay, hai ông vẫn được xem như những người tiêu biểu trong việc giúp người Việt chuyển đổi chữ viết từ hệ thống ký tự tượng hình sang hệ thống ký tự La tinh (chữ quốc ngữ).
Tuy nhiên dự tính đó đã bị 12 cá nhân mang những học hàm như Phó Giáo sư, những học vị như Tiến sĩ hoặc vẫn được gọi là “nhà nghiên cứu” về lịch sử, văn hóa phản đối kịch liệt, tất cả lập luận bài bác đều có màu sắc chính trị. Ví dụ: Alexandre de Rhodes là tội phạm. Chữ quốc ngữ là công cụ xâm lăng. Chữ quốc ngữ là cách thực dân khiến người Việt phải ghi ơn mẫu quốc vì có công khai phá. Phải xem Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có xứng tầm để hậu thế noi theo hay không?..
Đó cũng là lý do chính quyền thành phố Đà Nẵng phải tạm dừng ý định dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes làm tên cho hai con đường ở thành phố này. Cứ như tự sự của ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng thì quyết định tạm dừng không phải do lập luận của những người bài bác hữu lý. Ông Hùng nhắc nhở, không phải tự nhiên mà tiền nhân, giới sĩ phu yêu nước thúc giục truyền bá chữ quốc ngữ, xem đó là yêu nước (1)…
Dẫu nhận thức như thế song các viên chức hữu trách ở Đà Nẵng vẫn không vượt qua được sự ngán ngại về những rắc rối chính trị theo sau kiểu mà họ gọi là “bỏ bóng đá người” – đem “quan điểm, lập trường” cột vào cổ Pina và de Rhodes!
***
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đã giúp Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia ở châu Á có hệ thống ký tự La tinh, nhờ vậy người Việt dễ học đọc, viết, tiếp cận các ngôn ngữ khác ở phương Tây hơn.
Tuy thù hận Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes và được xem như những nhân vật có thứ hạng trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử nhưng 12 người tiên phong trong việc chống ghi công Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes lại chỉ rành… chữ quốc ngữ. Vốn liếng của họ về Hán Nôm – một trong những công cụ hữu dụng để nghiên cứu văn hóa, lịch sử Việt Nam, nâng cao tri thức và hiểu biết cả về tiền nhân lẫn tự hào dân tộc, có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi phân biệt “tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã,… tốt”!
Đó cũng là lý do có những facebooker như Hoàng Linh gọi 12 nhân vật này là “12 tông đồ”. Dùng kiểu tư duy đó, Hoàng Linh đề nghị nghiên cứu xem “Kênh Nước Đen” – tên một con đường ở TP.HCM có… làm gì cho chế độ cũ hay không? Gia đình có ai… định cư ở nước ngoài không? Vợ có phải là… “Kênh Tàu Hũ” không? “Kênh Nhiêu Lộc” có phải con không, tại sao không khai trong lý lịch?.. Chưa làm rõ thì không nên dùng để đặt tên đường và cần làm rõ ý đồ chính trị, tôn giáo của người đã chọn tên ông… “Kênh Nước Đen” (2)!
Cũng dùng kiểu tư duy đó – xem chữ quốc ngữ như một công cụ xâm lặng, Nguyễn Thiện đề nghị đập bỏ Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vì nơi này vốn là Phủ Toàn quyền Đông Dương, trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao vì đó từng là nơi thực dân xét xử nhân dân ta, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đập bỏ tất cả những công trình kiến trúc mà thực dân Pháp xây dựng vì tất cả các công trình này đều đã từng được sử dụng để thống trị nước ta, đàn áp nhân dân ta (3)!
Hoàng Mạnh Hà thì đề nghị xem lại tư cách “nghiên cứu” của 12 cá nhân phản đối dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này. Chuyện Alexandre de Rhodes không phải là “ông tổ” của “chữ quốc ngữ” đã được xác định cách nay năm, sáu thập niên. Sở dĩ giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử đề cao vai trò của Alexandre de Rhodes vì ông có công xuất bản hai cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (Tự điển Việt – Bồ – La và Phép giảng tám ngày), như “giấy khai sinh” cho chữ quốc ngữ.
Hà cho rằng, tới giờ mà còn viện dẫn “Alexandre de Rhodes không phải người tạo ra chữ quốc ngữ” như một “kết quả nghiên cứu” thì phải nghi ngờ về tư cách, khả năng “nghiên cứu”. Tương tự, Alexandre de Rhodes tới Đà Nẵng từ tháng 12 năm 1624 và 234 năm sau (tháng 9 năm 1858), thực dân Pháp mới nổ súng xâm lược. Qui kết Alexandre de Rhodes “âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp xâm lược nước ta” là một suy diễn hàm hồ, phản khoa học. không ai làm công việc “nghiên cứu” lại hồ đồ như thế (4)…
***
Ai cũng biết khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực: Tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Tại Việt Nam, nhiều ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tuột từ từ xuống đáy và dù liên tục được cảnh báo nhưng vẫn đi xuống, không có điểm dừng.
Vì sao học – nghiên cứu về tương quan giữa con người với xã hội (triết học, tôn giáo, văn chương, ngôn ngữ, tâm lý, chính trị, xã hội, truyền thông, giáo dục, kinh tế, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, lưu trữ,…) tại Việt Nam lại trở thành lệch lạc và thảm hại đến như vậy?
Vì sao chỉ có ngôn ngữ, kinh tế, truyền thông thu hút được nhân lực? Vì sao giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không đủ tầm để nhận diện các hiện tượng, lý giải, dự báo, khuyến cáo để bảo đảm Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, tăng trưởng trong ổn định?
Lập luận của 12 nhân vật ký tên vào thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này chính là phác họa chân dung của rất nhiều cá nhân đã cũng như đang hoạt động trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Những “tông đồ” của u mê, thiển cận ấy không chỉ làm tổn thương những người thật sự dành thời gian, trí lực, sức lực cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, 12 “tông đồ” còn cho thấy, kinh tế – văn hóa – xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với vô số vấn nạn khó lường cả về tính chất lẫn mức độ và khó mà tìm ra lối thoát vì các “tông đồ” vẫn là những nhân vật có… “thế giá”, vẫn chi phối toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng của 12 cá nhân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, kiến nghị không dùng Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes đặt tên cho hai con đường ở thành phố này, chính là bia tưởng niệm cho khoa học chân chính vốn đã bị khai tử từ lâu!
Chú thích
Nhận xét
Đăng nhận xét