Tin Biển Đông – 30/11/2019

Tin Biển Đông – 30/11/2019

Biển Đông: Công ty vệ tinh nói

TQ triển khai khí cầu ở Đá Vành Khăn

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khí cầu hình phi thuyền của TQ trên Đá Vành Khăn ở Biển Đông.
Công ty vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) cho hay trên Twitter hôm 24/11 rằng có thể thấy vật thể hình phi thuyền này trôi trên rặng san hô ở Đá Vành Khăn, hiện là tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Công ty này cũng cho hay những hình ảnh này được vệ tinh của ISI chụp hôm 18/11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang triển khai khinh khí cầu tại khu vực này.
Tờ SCMP hôm 30/11 cho hay Trung Quốc triển khai một khí cầu tại Đá Vành Khăn đang tranh chấp nhằm tăng cường khả năng trinh sát trên Biển Đông.
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm bằng khinh khí cầu vào năm 2017. Những quả bóng bay khổng lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay bay thấp, theo báo cáo của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense.
Khinh khí cầu này có thể duy trì trên không trong một thời gian dài, cung cấp một giải pháp tương đối rẻ, hiệu quả, và đáp ứng mọi loại thời tiết, để giám sát một khu vực rộng lớn khi các máy bay gián điệp không thể được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện, theo SCMP.
Khinh khí cầu hiện đang được triển khai ở một số điểm nóng của Trung Quốc như khu vực biên giới với Bắc Hàn và eo biển Đài Loan, SCMP cho hay.
Còn theo Kanwa Asian Defense, các khinh khí cầu công suất cao có thể giám sát cả hai mục tiêu di chuyển trên không và dưới mặt đất trong vòng bán kính 300km.
Quân đội Trung Quốc đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động ở Biển Đông, thiết lập mạng lưới radar, triển khai tên lửa và bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu trên các đảo và rạn san hô trong khu vực, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có các yêu sách về chủ quyền, theo SCMP.
Đá Vành Khăn nằm ở rìa phía đông của bảy hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông
Nhiều hình ảnh từ các nguồn khác trước đây cũng đã cho thấy việc Trung Quốc dường như đang tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông.
The Guardian năm 2018 đăng một bài viết với hình ảnh rõ nét cho thấy đường băng, nhà chứa máy bay, tháp điều khiển, sân bay trực thăng, trạm radar và một loạt các tòa nhà nhiều tầng mà Trung Quốc đã xây dựng trên các rạn san hô ở Đá Chữ Thập, Đá Subi, Đá Vành Khăn, Bãi Gaven, Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, và Đá Châu Viên.
Philippine Daily Inquirer cho biết các bức ảnh đó – được chuyển đến các phóng viên của mình bởi một nguồn giấu tên – chủ yếu được chụp từ tháng 6 đến tháng 12/2017 và cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Philippines và Việt Nam.
Riêng tại Đá Vành Khăn, chỉ cách đây 10 ngày, Mỹ đã cho tàu chiến đi sát khu vực này, chỉ cách khoảng 22km để thực hiện “tự do hàng hải”, khiến Trung Quốc tức giận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và các đảo mà một số quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông trong một vụ kiện do Philippines tiến hành.
Tòa Trọng tài Thường trực cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát độc quyền đối với vùng biển hoặc tài nguyên trong “đường chín đoạn” của mình.
Trung Quốc bác bỏ phán quyết này và nói rằng họ sẽ không bị nó ràng buộc.

Mỹ luôn “nói đi đôi với làm” ở Biển Đông

Đã có rất nhiều thông tin đưa về chuyến thăm Châu Á lần thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Từ khi đến Thái Lan dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng ASEAN – Mỹ cho đến khi thăm Philippines và Việt Nam, ở đâu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng lên án mạnh mẽ những hành vi cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ kiên quyết triển khai các hoạt động bảo vệ luật pháp được thực thi ở Biển Đông để hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với những hành vi bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cùng với những phát biểu chỉ trích gay gắt Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Mỹ đã tăng cường các hoạt động trên thực tế ở Biển Đông ngay giữa lúc ông Chủ Lầu năm góc Mark Esper đang công du Châu Á lần này. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng “Mỹ nói đi đôi với làm”, chứ không “nói một đằng làm một nẻo” như Trung Quốc.
Nữ phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Chỉ Huy Reann Mommsen cho biết: hôm 20/11, tàu chiến duyên hải Gabrielle Giffords của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa; hôm 21/11, tàu khu trục Wayne E. Meyer thách thức những giới hạn về tự do đi lại ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thực chất là phá đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vạch ra ở quần đảo Hoàng Sa). Bà Reann Mommsen Khẳng định “Những sứ mệnh này dựa trên luật lệ và thể hiện cam kết của chúng tôi (Mỹ) đối với việc duy trì các quyền tự do và sử dụng hợp pháp không phận và lãnh hải được đảm bảo đối với tất cả các nước”.
Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ triển khai một tàu chiến duyên hải thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đây, các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ thường được tiến hành bởi các tàu khu trục. Việc triển khai tàu chiến duyên hải ven bờ thực hiện FONOPscủng cố khả năng sẵn sàng thực hiện sứ mệnh duy trì tự do hàng hải của Lực lượng tuần duyên ven bờ của Mỹ sau khi được nâng cấp gần đây.
Tàu Gabrielle Giffords được trang bị loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 100 hải lý.Nhờ thiết kế dạng module, các tàu tác chiến duyên hải ven bờ của Mỹ có thể nhanh chóng thay thế vũ khí tùy thuộc mục đích chiến đấu, từ chống hạm sang chống ngầm hoặc phòng không.
Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sử dụng tàu Gabrielle Giffords vào mục tiêu duy trì tự do hàng hải được xem như một biện pháp để giảm nhẹ gánh nặng đối với các tàu khu trục được triển khai thường xuyên, tạo điều kiện cho các tàu khu trục thực hiện các hoạt động khác, nhất là công tác bảo dưỡng, sửa chữa duy trì khả năng hoạt động ổn định. Mặt khác, đây là công cụ răn đe quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ ở Biển Đông. Nhờ đặc điểm thiết kế riêng, tàu chiến duyên hải thể hiện sự thay đổi tinh tế trong chiến lược của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Việc Mỹ triển khai các tàu chiến duyên hải ven bờ ở trong 12 hải lý các cấu trực Trung Quốc bồi đắp, mở rộng ở Biển Đông cho thấy Mỹ đang tích cực tìm kiếm khả năng răn đe quân sự và chuẩn bị cho những cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra. Chiến lược Hải quân của Mỹ đang tập trung vào các phương thức thực tế để cải thiện khả năng tấn công của họ trong khu vực. Với cách làm này, Lầu năm góc Mỹ đang phát đi tín hiệu rõ ràng về sự sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là một ngày sau khi triển khai tàu chiến duyên hải Gabrielle Giffords ở đá Vành Khăn, Mỹ tiếp tục cho tàu khu trục Wayne E. Meyer hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Mỹ liên tiếp cho hai loại tàu khác nhau thực hiện FONOPs ở nơi mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông.
Trước đó, hôm 19/11/2019, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper nói khi đang ở thăm Philippines rằng Washington đang tiến hành nhiều hoạt động tuần tra trên Biển Đông hơn nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc. Việc điều 2 tàu nói trên thực hiện FONOPs ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một minh chứng rõ ràng nhất cho lời nói của ông Mark Esper.Bắc Kinh thể hiện tham vọng bành trướng quân sự trong khu vực bằng việc xây cất trái phép các tiền đồn quân sự – bao gồm sân bay, cảng hải
quân và bố trí radar, tên lửa cùng nhiều thiết bị quân sự trên những thực thể nhân tạo Trung Quốc bồi đắp, mở rộng trái phép ở Biển Đông. Gần đây, Trung Quốc tiếp tục có những bước leo thang mới khi liên tiếp cho các tàu khảo sát, tàu hải cảnh, tàu dân quân biển tiến hành các hoạt động xâm lấn trong vùng biển của các nước ven Biển Đông.
Nghiêm trọng nhất là việc Bắc Kinh đã cho tàu Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh, tàu dân quân biển tiến hành khảo sát bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, đồng thời uy hiếp, đe dọa hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở khu vực này suốt gần 4 tháng (từ đầu tháng 7/2019 đến cuối tháng 10/2019). Quốc hội, Chính quyền Mỹ đã lên án mạnh mẽ hành vi gây hấn, bắt nạt Việt Nam của Bắc Kinh, song nhà cầm quyền Bắc Kinh đều bỏ ngoài tai. Chính vì vậy, Washington phải có hành động đáp trả, lên tiếng mạnh mẽ hơn và hành động quyết liệt hơn.
Tàu chiến duyên hải Gabrielle Giffords hoạt động quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và tàu khu trục Wayne E. Meyer thách thức yêu sách của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa giữa lúc tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc – Type 001A hướng tới Biển Đông gần khu vực đảo Hải Nam để tiến hành các cuộc thừ nghiệm trên biển. Tại cuộc gặp đầu tiên với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông, lên án Bắc Kinh “ngày càng sử dụng các biện pháp cưỡng ép và đe dọa nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của mình”.
Bắc Kinh hết sức tức giận trước động thái mới này của Lầu năm góc Mỹ. Ngày 22/11/2019, Bộ Ngoại giao và quân đội Trung Quốc đồng loạt lên tiếng sau hai ngày liên tục Mỹ đưa tàu chiến áp sát các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 22/11/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc Mỹ đã “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và sự an toàn của Trung Quốc, phá hủy hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Trên thực tế, cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông” mà ông Cảnh Sảng nhắc đến đã nhiều lần bị cộng đồng quốc tế và trực tiếp là Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016.
Trước đó, Bộ tư lệnh Quân khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xác nhận có điều động lực lượng bám đuôi chiếm hạm Mỹ khi các tàu này áp sát những cấu trúc tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, cao giọng đổ lỗi cho “Mỹ tiếp tục đưa tàu chiến tới Biển Đông để khuấy động và tạo thêm rắc rối trên Biển Đông dưới cái mác tự do hàng hải. Hải quân Mỹ nên chấm dứt các hành vi khiêu khích như vậy nếu không muốn xảy ra những xui rủi bất ngờ”.
Những nhà cầm quyền ở Bắc Kinh cần hiểu rõ bản chất của vấn đề: lời nói và việc làm đáp trả cứng rắn của Mỹ nguyên nhân là do Trung Quốc đang ráo riết thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ đe dọa an ninh an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông; tìm mọi cách đẩy Mỹ và các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông, thách thức các lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông và khu vực.
Mỹ đã liên tục lên án các hành vi “bắt nạt” và “đe dọa” các nước khác nhỏ ven Biển Đông của Trung Quốc; kêu gọi Trung Quốc hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, song Bắc Kinh cố tình làm ngơ. Trung Quốc không những không dừng lại hành vi hung hăng của họ mà còn tiếp tục lấn tới với những hành vi leo thang mới.
Thời gian qua, nhiều nước trong khu vực lo ngại Chính quyền Mỹ bận rộn giải quyết các vấn đề nội bộ và tập trung xử lý những điểm nóng khác mà lơ là trước hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ điều tàu chiến của cả Lực lượng Hải quân và Lực lượng Tuần duyên Mỹ thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc là để cho các nước khu vực thấy rõ Mỹ luôn “nói đi đôi với làm” để “buộc Trung Quốc trở lại con đường đúng đắn” trong vấn đề Biển Đông như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?