Chuyên gia: Cần lập ‘tiểu Asean’ đối phó với Trung Quốc

28/11/2019

Lãnh đạo 10 nước Asean tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 6 năm 2019


Một số nước lớn trong Asean có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông nên hợp sức lại để phản công sự lấn tới của Trung Quốc trong bối cảnh nguyên tắc đồng thuận của khối đã bị Bắc Kinh lợi dụng trong thời gian qua, một nhà nghiên cứu am hiểu tình hình khu vực nhận định.
Chuyên gia này cũng khuyên là khu vực không nên đối đầu hay loại bỏ Trung Quốc mà cần phải kiểm soát sự vươn lên của Trung Quốc theo hướng có lợi cho khu vực.
Những nhận định này được đưa ra tại buổi thảo luận bàn tròn với chủ đề ‘Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ được Viện Hudson, môt viện nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ, tổ chức hôm 26/11.
Tầm quan trọng của Asean
Trong phần trình bày về cách các nước đông nam Á có thể đương đầu với Trung Quốc, ông Richard Heydarian, phó giáo sư chính trị học thuộc Đại học De La Salle, Philippines, đã chỉ trích thẳng thừng những điểm yếu của khối Asean mà Bắc Kinh đã lợi dụng.
Trước hết, ông nhìn nhận là kể từ khi thành lập, Asean đã ‘làm được rất nhiều việc’ trong việc duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực.
Ông nhắc lại vào đầu những năm 1960 trước khi Asean thành lập, các nước lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines đã có chính sách thù nghịch với nhau (chính sách Konfrontasi của Indonesia) xung quanh việc ra đời của Liên bang Malaysia.
Ông đưa ra dẫn chứng là việc chính quyền cựu Thủ tướng Abdul Razak Hussein (Razak cha) của Malaysia đã thông qua các kênh ngoại giao để nhờ tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon can thiệp với nhà độc đài Ferdinand Marcos của Philippines đừng đổ quân xâm chiếm Malaysia.
“Vào cuối những năm 1960, chiến tranh giữa các nước đông nam Á là vấn đề được nhắc đến nhiều,” ông nói.
Tuy nhiên, với sự ra đời của khối Asean vào năm 1967, sau hơn 50 năm, ‘ý niệm về chiến tranh hay thậm chí đe dọa chiến tranh giữa các nước đông nam Á gần như đã là điều không ai có thể nghĩ đến nữa’, ông cho biết, mặc dù vẫn có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng giữa một số nước thành viên.
“Họ (các nước Asean) đã thiết lập được cái gọi là cộng đồng an ninh,” ông nói thêm. “Cho nên không phải là họ không có ý định gây xung đột mà là họ không hề thiếu các phương cách xử lý xung đột giữa họ với nhau.”
Nhưng trên hết, ông cho biết, vai trò của Asean quan trọng ở chỗ là ‘kéo các cường quốc bên ngoài cùng ngồi lại với nhau’ để tránh xung đột và bắt các cường quốc (như Mỹ, Trung Quốc) tuân theo luật chơi do Asean đề ra trong việc xử lý căng thẳng và xung đột giữa các nước.
Ngoài ra, các nước Asean còn có sự hợp tác hiệu quả để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển… Ông dẫn chứng là ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines đã có các cuộc tuần tra ba bên trên biển để chống sự thâm nhập của các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Nguyên tắc lỗi thời?
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế lớn của khối là trong việc xử lý mối quan hệ với các đại cường, chẳng hạn như Trung Quốc.
Ông dẫn ra hai nguyên tắc cơ bản của Asean là ‘tham vấn và đồng thuận’ mà trong đó đồng thuận đã ‘bị hiểu lầm là nhất trí’.
“Nếu chúng ta nhìn vào những vấn đề như chính trị, an ninh, nhân quyền thì sự nhất trí là một trở ngại lớn bởi vì nhất trí có nghĩa là từng nước thành viên trên thực tế đều có quyền phủ quyết (để chặn bất cứ quyết định nào của khối,” ông nói.
“Nếu như anh là một cường quốc bên ngoài có mong muốn không để cho Asean đoàn kết trên một vần đề nào đó thì việc anh cần làm chỉ là gây sức ép hay dựa vào chỉ một thành viên Asean bất chấp mức độ quan ngại của các nước Asean khác,” ông giải thích.
Ông đưa ra dẫn chứng là Campuchia chịu sự chi phối của Trung Quốc ‘để phá hoại Asean’ (saboteur) trên vấn đề Biển Đông mặc dù nước này không có lợi ích trực tiếp trên vùng biển này.
“Chúng ta không thể chê trách họ (Campuchia) bởi vì trên quan điểm của họ thì tại sao họ phải gánh lấy rủi ro là chọc giận Trung Quốc vốn là nguồn đầu tư chính và là nước ủng hộ chủ chốt cho nước họ về mặt ngoại giao.”
Ông tương phản cách làm việc dựa trên sự nhất trí này của Asean với nguyên tắc của Hội đồng châu Âu là phân bổ quyền bổ phiếu của mỗi nước tùy theo sức nặng của nước đó và quyết định được thông qua chỉ cần đa số phiếu thuận.
Ông Heydarian gọi đây là ‘cái bẫy thể chế ở lưng chừng’ và cho rằng chính ‘nguyên tắc lỗi thời’ này đã khiến Asean từ vị trí trung tâm trong các vấn đề trong khu vực bị đẩy ra ‘ngoài lề’.
“Cơ chế ra quyết định vốn giúp cho các nước Asean tạo dựng hòa bình với nhau trong vòng 50 năm qua đã không còn hiệu quả trong việc tạo ra hòa bình giữa các đại cường,” ông đúc kết.
Bên cạnh đó, trong khi Asean đang chật vật khẳng định vai trò trung tâm của mình để giải quyết các vấn đề trong khu vực thì Bắc Kinh ‘đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông’.
Ông dẫn chứng là Trung Quốc đang xây dựng ‘Vạn Lý Trường Thành tên lửa đất đối không’ (Great Wall of SAM) với việc triển khai tên lửa loại này ra Biển Đông trong vòng ba năm qua bên cạnh các máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng điện tử.
Về lực lượng hải cảnh của Trung Quốc, vốn là lực lượng bán quân sự được Bắc Kinh triển khai để duy trì luật pháp của họ trên Biển Đông, ông Heydarian cho rằng lực lượng này giờ đây là ‘cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc’.
“Mức độ của các hoạt động ngoại giao của Asean không theo kịp những diễn biến trên thực địa,” ông nói.
“Khi chúng ta đang bàn thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) với Trung Quốc thì Trung Quốc lại nhanh chóng thay đổi tình tình trên thực địa hàng ngày,” ông nói thêm. “Vậy thì tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian vào các cuộc đàm phán trong khi chúng ta thậm chí còn không biết liệu COC có ràng buộc về pháp lý hay không?”
‘Tiểu Asean’
Cho nên, vị giáo sư này đề xuất ‘cách tốt nhất để duy trì cơ chế đa phương và giúp cho khối Asean trở nên hiệu quả hơn là xây dựng cơ chế tiểu đa phương (mini-lateralism) giữa các nước chủ chốt trong Asean và tăng cường sự tiếp xúc giữa các nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) với các nước chủ chốt trong Asean.
Những nước chủ chốt trong Asean này mà ông nêu ra là Indonesia, Thái Lan, Philippines Malaysia và Việt Nam.
“Nếu những nước Bộ Tứ có thể định chế hóa sự hợp tác với các nước Asean chủ chốt trên những vấn đề mà họ quan ngại về Trung Quốc thì tôi cho rằng điều đó đã quá đủ. Chúng ta không cần đưa hết tất cả 10 nước Asean vào.”
Trả lời câu hỏi của VOA liệu mô hình ‘tiểu Asean’ có khả thi và có được sự ủng hộ của các nước Asean hay không khi nó làm suy yếu vai trò trung tâm của Asean, ông cho rằng Asean ‘đã đâm vào chân tường’ và đang ở trong thế ‘bế tắc về thể chế’.
“Chúng ta cần phải tìm phương án thay thế,” ông nhấn mạnh.
“Tôi cho rằng Philippines có quyết định đơn phương đưa vấn đề ra tòa là vì chúng tôi cảm thấy Asean không làm được gì và quyết định đơn phương đó giờ đây có ích cho nhiều nước Asean như Việt Nam và Malaysia.”
Chính vì lẽ đó, ông cho biết cho biết ông đã trao đổi nhiều với các quan chức Philippines, Malaysia và Việt Nam rằng tại sao các nước này không làm việc cùng nhau (theo cơ chế tiểu Asean) để đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) của mình mà theo ý ông là ‘bộ quy tắc ứng xử thật sự chứ không phải là giả tạo như bộ quy tắc đang được bàn thảo (giữa Trung Quốc và toàn bộ 10 nước Asean),’ ông nhấn mạnh.
Ông cho biết ông ‘hết sức lo ngại về nội dung bản dự thảo COC mà Trung Quốc hiện đang đàm phán với các nước Asean’ đến mức ông cho rằng với văn bản như thế chẳng thà nó ‘không ràng buộc về pháp lý’ còn hơn.
Theo đó, Trung Quốc có hai yêu cầu chủ yếu. Thứ nhất, họ muốn các nguồn lợi dầu mỏ trên Biển Đông ‘chỉ được chia sẻ giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông mà thôi’. Điều này có nghĩa là các hãng dầu khí của phương Tây không thể nào hợp tác khai thác với các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền.
Thứ hai, Trung Quốc muốn có quyền phủ quyết việc tập trận của các nước trong khu vực với các cường quốc bên ngoài. Điều này không thể chấp nhận được với Mỹ vì nước này có cuộc tập trận thường xuyên với Philippines trên Biển Đông, đó là chưa kể các nước đối tác tập trận khác bên ngoài như Pháp, Nhật, Úc, ông cho biết.
Khi đưa ra những yêu sách như vậy đối với COC, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ rất bạo dạn nhưng, theo ông, những nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã chống lại. Tuy nhiên, ông cho rằng việc Trung Quốc mạnh dạn tin rằng họ có thể sử dụng Asean ‘như là lá chắn’ để đẩy các cường quốc khác ra khỏi khu vực ‘là điều đáng lo ngại’.
“Mặc dù trong khối Asean, các nước thành viên được cho là bình đẳng với nhau nhưng trên thực tế không phải nước nào nào cũng có lợi ích tương đương nhau và không phải nước nào cũng có trọng lượng như nhau,” ông giải thích.
“Bắc Kinh sẽ lắng nghe nhiều hơn gấp 10 lần nếu đó là tiếng nói của Indonesia chứ không phải những nước như Campuchia và Lào,” ông nói và cho biết Indonesia cũng đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đàm phán COC vì họ có vùng biển Natuna của họ cũng bị ảnh hưởng trong đường chín đoạn của Trung Quốc.
“Chỉ cần những nước chủ chốt duy trì lập trường trước Trung Quốc là đã quá đủ,” ông nói thêm.
‘Cường quốc bậc trung’
Ông cho rằng rất nhiều người đã đánh giá thấp sức mạnh của những nước đông nam Á mà họ cho là ‘nhỏ’ như Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Ông dẫn ra Indonesia có dân số 270 triệu người, tức gần tương đương nước Mỹ, và có nền kinh tế được dư đoán sẽ ‘nằm trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hai thập niên tới’.
Trong khi đó, quy mô dân số của Việt Nam và Philippines sẽ chóng vượt mức 100 triệu dân. Tất cả ba nước này, ông Heydarian dự đoán, sẽ có nền kinh tế vượt 1.000 tỷ đô la trong khoảng thời gian trung hạn.
“Do đó Asean không thật sự là tập hợp của các nước nhỏ mà bao gồm những cường quốc bậc trung hết sức năng động vốn bản thân họ cũng có sức mạnh của riêng mình,” ông phân tích.
Tuy nhiên, vị giáo sư đến từ Philippines này cũng lưu ý rằng mặc dù các nước Asean cần đề phòng mối đe dọa của Trung Quốc nhưng mặc khác họ cũng phải ‘công nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực’.
“Cho dù có muốn hay không thì Trung Quốc vẫn là một phần của cuộc chơi và việc can dự (thay vì đối đầu) với Trung Quốc là không thể tránh khỏi,” ông nói. “Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là can dự với Trung Quốc như thế nào để họ phản hồi nhiều hơn trước nhu cầu và sự nhạy cảm của các nước nhỏ.”
Còn đối với các nước Bộ Tứ, ông khuyên rằng thay về tập trung vào việc hình thành liên minh đối chọi Trung Quốc thì hãy nên ‘tập trung vào xây dựng năng lực cho các nước nhỏ trong khu vực’.
Thời cơ cho Việt Nam?
“Nếu chúng ta tìm xem nước nào sẽ là cường quốc mới nổi ở đông nam Á thì không nghi ngờ gì đó sẽ là Việt Nam. Và Việt Nam sẽ là chủ tịch Asean vào năm sau,” ông nói và nhấn mạnh vai trò của Hà Nội hiện nay là ‘dẫn dắt cả khu vực trong việc xác định lằn ranh với Trung Quốc trên Biển Đông’ nhưng đôi khi ‘Hà Nội chiến đấu chỉ có một mình’.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Hà Nội nên tận dụng thời cơ là chủ tịch Asean vào năm 2020 như thế nào để lãnh đạo sự đối phó của khối trước sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, giáo sư Heydarian nhắc lại nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam cách nay gần 10 năm (vào năm 2010) mà khi đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố ở Hà Nội rằng ‘Mỹ có lợi ích quốc gia trên Biển Đông’ bất chấp sự cảnh báo mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Ông cho rằng tại lần làm chủ tịch lần này, Hà Nội nên xúc tiến hành động pháp lý đối với Bắc Kinh trên Biển Đông dựa trên kinh nghiệm vụ kiện của Manila ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Ông cho biết trong những năm từ 2013 cho đến 2016, phía Philippines đã nhiều lần mời Việt Nam sang nước họ để chia sẻ những kinh nghiệm về vụ kiện.
“Với quyết định đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Philippines đã đến cho khu vực một đòn bẩy và lợi thế lớn (trong việc đối phó với Trung Quốc),” ông nói. Do đó, giờ đây nếu Hà Nội đe dọa dùng đến công cụ pháp lý thì lời đe dọa đó sẽ ‘càng đáng tin hơn’ vì vụ kiện của Manila đã cho thấy họ có thể chiến thắng trước Trung Quốc.
“Dĩ nhiên Hà Nội không nên kiện về vấn đề chủ quyền (trên Biển Đông) mà về phạm vi vùng đặc quyền kinh tế mà họ được cho phép theo luật quốc tế,” ông khuyên. “Hà Nội có thể nhờ đến Tòa Trọng Tài để chứng minh rằng Bắc Kinh không có quyền đi vào Bãi Tư Chính (để thăm dò) gì cả.”
“Đây là điều rất quan trọng mà Việt Nam có thể làm,” ông nói thêm và cho rằng nếu Hà Nội thực sự đặt lên bàn khả năng kiện Trung Quốc thì họ sẽ càng ‘củng cố thêm lòng yêu nước của người dân Philippines để nhắc nhở Tổng thống của chúng tôi (Rodrigo Duterte) cần phải làm những gì ông ấy cần làm (về phán quyết của PCA hồi năm 2016 trao chiến thắng cho Philippnes).”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?