Nguyễn thị Cỏ May: Vẫn còn 1 bức tường!
11/26/2019
Nếu không kêu gọi lòng ái quốc của nhân dân và Giáo hội Cơ-đốc, không đồng minh với Anh và Mỹ thì chắc chắn Liên Xô đã cáo chung. Thế chiến kết thúc và nếu không có mặt Liên Xô thì Đông Âu đã không bị cộng sản hóa và dân chúng đã không bị thảm nạn Xịt-ta-Lin khủng bố và đàn áp hằng loạt.
Ngày 30 tháng 12 năm 1922, Liên Xô sinh ra để ngày 9 tháng 11 năm 1989 tự đào mồ chôn mình trên ngay quê hương trong nỗi vui mừng của Cộng Hòa Dân chủ Đức, của khối cộng sản Đông Âu và của cả thế giới. Tưởng chừng như hơn 70 năm cộng sản chưa hề có! Một cái chết thật đẹp! Thật nên thơ!
Ba thập niên sau, sự hứa hẹn một đời sống phồn vinh như các nước Tây phương đã biến thành thất vọng ở những nước cộng sản cũ.
Hồ hởi và vui mừng sau khi Bức Tường Bá linh sụp đổ nay chỉ còn là nhũng kỷ niệm đẹp để nhắc lại.
Một bộ phận quan trọng người dân Đông Đức bi quan cho rằng Đông Đức của họ đã bị Tây Đức thôn tính, đúng hơn là được giải phóng khỏi chế độ cộng sản, tuy nhiên không có ai tỏ ra tiếc rẻ cái chế độ đáng nguyền rủa của thời trước đây.
Có những thay đổi tích cực được ghi nhận. Như những cải tiến dân chủ nhanh chống thực hiện, nhiều quyền lợi mới dành cho người dân mà trước kia không hề nghe nói. Nhưng cũng có nhiều thứ quyền lợi nay không còn. Cái thế giới anh em bình đẳng như đã được hứa hẹn thì nay, thực tế, chỉ thấy đại bộ phận dân chúng thất nghiệp, đi làm có mức lương thấp hơn so với người cùng nghề ở phía Tây Đức.
Sự thay đổi, sau cùng, đem lại sự hụt hẩng, sự cay đắng, sự tức giận trong dân chúng. Trước đây không có ai có thể nghĩ đến hiện tượng nghiêm trọng này. Đâu có ai nghĩ Bức Tường sụp đổ còn để lại những rào cản nho nhỏ rải rác khắp nơi trên đất nước đã thống nhất về một nhà, một dân tộc?
Sự thay đổi nào cũng có cái giá của nó
Kết quả những cuộc thăm dò dư luận cho thấy một tỷ lệ quan trọng dân Đông Đức, 67%, luôn luôn tự cho mình chỉ là thứ công dân hạng hai mặc dầu họ biết rằng từ giữa năm 1990 và 2013, Đông Đức đã chuyển qua Tây Đức 1600 tỷ Euros cho những chương trình tư nhân hóa cấp bách nên kinh tế Đông Đức.
Người ta thường nhắc về những hậu quả của giai đọan đau buồn này với những người dân Đông Đức. Trái lại, rất ít nói tới những kẻ hưởng lợi lớn nhờ những thay đổi từ sau khi Bức Tường sụp đổ. Họ cũng là dân Đức, nhưng thuộc phía Tây Đức.
Tài sản của Đông Đức được chuyển nhượng, sang, bán lại cho Tây Đức để cùng phát triển đất nước theo nền kinh tế thị trường tự do. Chương trình này do Treuhand, một cơ quan chuyên môn trách nhiệm. Mọi hoạt động được báo cáo rất rõ ràng.
Năm 1990, Treuhand được giao tư nhân hóa 8000 xí nghiệp, 1,72 tỷ mẩu đất nông nghiệp, 1,96 tỷ mẩu rừng và 25 tỷ m2 nhà và đất. Ngoài ra, còn giao cho phía Tây Đức 40000 cửa hàng, rạp chiếu bóng, khách sạn và nhà thuốc tây. Cuối năm 1994, khi chương trình chuyển nhượng này chấm dứt, dân Đông Đức thấy buồn lòng mà không giữ được tiếng thở than “Tây Đức đã mua sạch Đông Đức rồi!”.
Người ta không thấy suốt 30 năm qua, những xí nghiệp này làm ăn ra sao, đất đai ruộng vườn này sinh lợi như thế nào? Nhưng nay bán đi thì ai cũng thấy bị mất mát và đau lòng.
Tài sản xứ sở đem bán sạch. Đúng quá. 80% xí nghiệp Đông Đức do Treuhand quản lý bán lại cho người dân Tây Đức, 15% bán cho ngoại quốc và chỉ có 5% bán lại cho công nhân của xí nghiệp.
Trong những người hưởng lợi trong dịp ngàn năm một thuở này, có Công ty Bảo hiểm Allianz là hưởng lợi nhiều hơn hết nhờ sự thông minh của ông Tổng Giám đốc Chủ tịch của Công ty. Chỉ 6 ngày sau khi Bức Tường sụp đổ, ông cho triệu tập Hội đồng Quản trị để bàn bằng mọi cách phải mua cho được Công ty Bảo hiểm quốc doanh quản lý tất cả hợp đồng bảo hiểm của người dân Đông Đức. Việc Allianz mua lại không gặp khó khăn vì ông Phó Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Đông Đức đang cần một đối tác vững mạnh để dựa vào đó mà tồn tại. Lúc này Cơ quan Treuhand chưa ra đời, nhưng việc mua bán giữa hai bên kết thúc rất đơn giản. Thế là Allianz mua lại được 30 triệu hợp đồng với giá 271 Đức mã Đông Đức (giá thấp hơn tiền Tây Đức lúc đó) và trở thành công ty lãnh đạo duy nhất về ngành bảo hiểm ở Đông Đức. Dĩ nhiên bị nhiều công ty khác phản đối nhưng rồi đâu cũng vào đó.
Sau cùng Ngân hàng Nhà nước Đông Đức bán rẻ lại cho Ngân hàng Tây Đức để trở thành ngân hàng tư.
Hai mươi năm sau, Phó Chủ tịch Bang Thuringe, xu hướng bảo thủ theo Helmuk Kohl, gay gắt tuyên bố “rõ ràng một xí nghiệp Đông Đức hy sinh cho sự sống còn của một xí nghiệp Tây Đức. Nhân đó tôi mói thấy bộ mặt lạnh lùng và ghê gớm của chủ nghĩa tư bản”. Nhưng đừng quên khi sửa soạn thống nhất hai nước Đức, ông Helmuk Kohl quả quyết với nhân dân Đông Đức sự thống nhất sẽ biến Đông Đức cũ trở thành rực rỡ không thua kém bất kỳ ai.
Chênh lệch Đông-Tây vẫn còn
Nước Đức là một. Những ông chủ Tây Đức tỏ ra ưu ái với vùng lảnh thổ phía Đông vì ở đây mức lương công nhân thấp hơn bên phía Tây. Năm 2018, sự chênh lệch lương bổng còn khá cao. Cùng một việc làm, ở phía Đông, tiền lương là 2600€ so với 3339€ ở phía Tây. Cho nên hai hảng xe nổi tiếng của Đức BMW và Porsche đưa qua Đông Đức một phân xưởng để hưởng mức lương công nhân thấp.
Các thị xã Đông Đức chỉ thâu được thuế bằng 61% của mức thuế của thị xã bên Tây Đức thâu được.
Nhưng trước khi Bức Tường sụp đổ, người dân Đông Bá Linh không phải không bằng lòng đời sống của họ. Một thợ lau chùi nhà cửa lãnh lương 964 Đức mã mỗi tháng. Đây là mức lương tương đối cao. Mức lương trung bình là 600 Đức mã.
Anh làm việc ngày 8 giờ. Anh bắt đầu 7 giờ sáng tới sở, cùng bạn bè ăn sáng. Tới 9 giờ 30, anh với các bạn mới thât sự bắt đầu làm việc. Giờ ăn trưa tới, mọi người nghỉ ăn trưa. Xong bửa ăn trưa, ngày làm việc cũng sắp hết. Thế là chuẩn bị ra về.
Làm công việc lau chùi nhà cửa, phòng ốc, cửa kiếng, anh phải học ba năm. Đúng vậy. Chế độ xã hội chủ nghĩa kỹ lưỡng, trọng sự hiểu biết và lao động lắm. Người chùi rửa thảm bắt buộc phải biết từng loại chỉ dệt thảm, biết màu sắc và phải có trình độ hóa học tương đối. Cả dụng cụ làm việc như chổi, giẻ lau, máy hút bụi, máy chà bóng, cũng phải biết đặc tính và công dụng của mỗi thứ.
Sau 3 năm học, phải qua kỳ thi để trở thành “Kỹ sư Lau chùi Cộng hòa Dân chủ nhân dân Đức”.
Nếu có ai bảo ở đây buồn chết, anh sẽ phản đối kịch liệt. Anh quả quyết nếu có ai chạy tới xô bức tường ngã xuống, anh cũng không thèm bước chân qua bên kia nữa. Ở đây, hạnh phúc lắm rồi. Anh là kỹ sư lau chùi, anh chắc chắn có miếng steak của anh, được bảo đảm theo tiêu chuẩn của anh. Đó là chế độ mà! Trước đây, lúc còn đi học, anh có dịp qua Hòa Lan nhưng anh không hề có ý nghĩ ở lại đó tuy anh ở lại, cũng không phải là khó.
Ở đây, tức ở Đông Bá Linh, người ta muốn thứ gì cũng có. Cả xì gà Cuba, 15 Đức mã cho một hộp 3 điếu. TV đen trắng của Tiệp giá 1200 Đức mã. Còn đi nhảy nhót, thì không ở đâu bằng ở đây vì ở đây có vô số những club, những bar mở cửa không bao giờ đóng.
Ngày nay, sau 30 năm nước Đức thống nhất, vẫn còn một bộ phận khá quan trọng người dân của Đông Đức cũ bất mản đời sống hiện tại, vẫn hoài vọng về Đông Đức trước khi Bức Tường sụp đổ.
Thực hiện chương trình thống nhất, Tây Đức đã chi 2000 tỷ € để nâng kinh tế Đông Đức đưa vào hội nhập nền kinh tế thị trường tự do, giải quyết nạn thất nghiệp, cải thiện và nâng cấp đời sống xã hội. Nhưng thất nghiệp bên Đông Đức vẫn cao, mức lương vẫn thấp do khả năng làm việc kém, tay nghề non nớt, khó hội nhập. Lớp tuổi 40, lúc thống nhất, đã không làm việc theo kịp nhịp độ của Tây Đức. Tu nghiệp không nổi. Lớp tuổi 50 còn buồn chán hơn nữa vì cảm thấy bị loại ra ngoài lề xã hội.
Họ tiếc cho Đông Đức cũ vì với Đông Đức, họ an tâm theo chế độ bao cấp. Họ xếp hàng cả buổi nhưng họ có được món hàng theo tiêu chuẩn của họ. Ghi tên mua chiếc xe Trabant, sau khi hội đủ hồ sơ, có khi họ chờ đợi 10 năm và giá bằng 2 năm lương, nhưng nếu họ có điều kiện mua, họ chắc chắn mua được. Ngày nay, khỏi xếp hàng, khỏi chờ đợi dài hơi, mọi thứ có sẵn trước mắt, nhưng không phải muốn là có được.
Sau 30 năm thống nhất, Bức Tường Bá Linh đã hoàn toàn sụp đổ nhưng trong lòng một lớp người dân Đức vẫn còn một bức tường nhỏ ngăn cách giữa cùng người Đức với nhau.
Nhưng bức tường đó như thế nào?
Tưởng nên trở lại năm 90, lúc Bức Tường chia đôi Bá Linh, chia đôi nước Đức và chia đôi thế giới sụp đổ, giai đoạn Trung Âu vừa thoát ra khỏi cộng sản, chuyển biến qua dân chủ tự do theo Tây Âu. Ngay lúc này, nhiều dấu hiệu phản kháng xuất hiện đây đó, không phải toàn khắp. Sự chống đối rõ hơn khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trên đà mất hẳn nhường bước cho nền kinh tế thị trường tự do.
Trong giới trí thức bảo thủ, nhiều người lo ngại cho xã hội tự do vì nó sẽ biến toàn bộ xã hội cũ thành một thứ tập họp những gia đình hạt nhân, mất đi mối liên hệ thân ái tập thể sẽ dẫn đến mất đi sự đoàn kết dân tộc.
Người dân Đông Đức đã một lần lo sợ mất mát lớn lúc xe tăng Liên Sô càn quét và đè bẹp họ dưới chế độ cộng sản toàn trị. Nay bánh xe cao su mềm mại của Tây Âu cũng đè bẹp họ thêm một lần nữa, biến họ thành những mảnh vụn rời rạc!
Nhìn lại Việt Nam. Nếu ngày mai này, nếu cộng sản Hà Nội sụp đổ qua một cơn gió thoảng, thì Việt Nam có bị ngăn cách giữa người Việt Nam với nhau bằng một bức tường nào đó hay không?
Chắc phải có. Hiện giờ, ở Việt Nam đã có một bức tường sừng sửng Bắc/Nam ngăn cách người của 2 miền. Về nhiều mặt. Ít nhất là người Bắc ở miền Bắc có học, có lý luận (theo Nguyễn Phú Trọng nói trước đại hội đảng cs XII), có trình độ văn minh xã hội chủ nghĩa cao, khôn ngoan biết cách làm kinh tế chớp nhoáng theo qui trình XHCN giàu lớn và mau… Người miền Nam không học được theo CNXH, chỉ có một số ít biết chạy theo ủng hộ anh chị Cả miền Bắc làm giải phóng miền Nam, để mong trở thành người có học, có lý luận XHCN, nhưng sau cùng, vì không tiến theo kịp, cũng trở thành thứ cầm c… chó đái!
Có thêm một bức tường nữa, tuy nhỏ hơn, nhưng cũng kiên cố, đang ngăn cách giữa người Việt Nam Hải ngoại với người Việt Nam ở trong nước, về mặt văn hóa và những giá trị truyền thống dân tộc.
Khi ấy, tay bắt mặt mừng đoàn tụ nhưng sau đó, phải cần bao nhiêu năm tháng để san bằng? Để người Việt Nam thật sự một nhà sum họp?
24/11/2019
Nguyễn thị Cỏ May
Nhận xét
Đăng nhận xét