Bản tin ngày 27-3-2021

 BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Sáng nay, tàu hải cảnh TQ CCG 5304 lại xâm nhập vào khu vực lô khai thác dầu khí 05.03. Đây là lần xâm nhập thứ 12 của tàu TQ vào khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Ông Nam cho biết, trong mấy ngày qua, TQ đã tăng nhanh nhịp độ các lần xâm nhập trái phép vào lô khai thác 05.03 và các lô kế cận. 

Lần xâm nhập thứ 12 của tàu hải cảnh TQ CCG 5304 vào khu vực lô khai thác dầu khí 05.03 của VN. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

Ông Nam cho biết thêm, nhiều tàu đánh cá của TQ, thực chất là tàu “dân quân biển”, đang tập trung ở khu vực giữa cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks), đá Ken Nan và đá Phúc Sĩ. Hiện nay, nhiều tàu trong số này đã tắt định vị vệ tinh AIS để tránh bị theo dõi. 

Nhiều tàu “dân quân biển” TQ hiện tập trung ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn, gần Đá Ba Đầu. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

Vụ TQ tập trung một lượng lớn tàu “dân quân biển” ở khu vực Đá Ba Đầu, đài CNN có clip độc quyền: Video cho thấy hơn 100 tàu TQ đang tụ tập xung quanh Đá Ba Đầu. Tại giây 52 của clip cho biết, có ít nhất 183 tàu “dân quân biển” án ngữ xung quanh Đá Ba Đầu.

Zing có bài: Ảnh vệ tinh chụp đội tàu Trung Quốc neo đậu trái phép gần đá Ba Đầu. Bài viết cung cấp loạt ảnh vệ tinh do Công ty công nghệ Maxar của Mỹ chụp lực lượng tàu “dân quân biển” của TQ vây quanh khu vực Đá Ba Đầu. Ngoại trừ một số tàu hoạt động đơn lẻ, hầu hết các tàu còn lại của TQ ép sát vào nhau theo cụm. Có những cụm tàu có tới hơn 20 chiếc áp sát vào nhau theo bề ngang.

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc thông báo tập trận ở Biển Đông sau lệnh của ông Tập Cận Bình. Hôm qua, Cục Hải sự TQ thông báo, nước này sẽ tổ chức tập trận ở Biển Đông từ 6h-18h30’ trong 2 ngày 29 và 30/3/2021, ở phía đông đảo Hải Nam. Từ đầu năm đến nay, quân đội TQ đã tiến hành ít nhất 10 cuộc tập trận ở Biển Đông, gồm 4 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng trên trang web của Cục Hải sự TQ. 

VOA đưa tin:Trung Quốc điều 20 máy bay quân sự xâm nhập không phận Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận, 20 máy bay quân sự của TQ đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này hôm qua. Đài Bắc cho biết, lực lượng phòng vệ trên không của họ đã triển khai tên lửa để “giám sát” các máy bay TQ. Máy bay của Đài Loan cũng phát thông điệp cảnh báo máy bay TQ, kể cả bằng radio.

Mời đọc thêm: Hàng trăm tàu Trung Quốc lại xuất hiện gần bãi Ba Đầu (GT). – Trung Quốc điều 20 máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan (VNE). – Đài Loan tố Trung Quốc đưa máy bay nhiều bất thường vào không phận (TP). – Đài Loan tố Trung Quốc đưa 20 máy bay xâm nhập ADIZ (PLTP). – Đài Loan báo động: Vùng nhận dạng phòng không bị 20 phi cơ Trung Quốc xâm nhập (RFI). – Hải cảnh Trung Quốc có thể tăng cường trang bị vũ khí, khiêu khích Nhật Bản (TN). – ‘Cơn thịnh nộ’ của ông Dương Khiết Trì nói lên điều gì? (VNN). – Đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc (RFA). 

Tin chính trường

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Ông Phạm Minh Chính giải thích vì sao chưa sửa Điều lệ Đảng. Người hiện đứng đầu ban Tổ chức Trung ương, sắp ngồi vào ghế Thủ tướng nói càn rằng, Đại hội 13 vừa qua chưa sửa Điều lệ đảng do “Điều lệ Đảng không sửa là vì còn đang phù hợp. Những vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng cũng có nhưng có thể điều chỉnh được bằng các Nghị quyết của Trung ương. Và như vậy cũng phù hợp với tình hình”.

Trước Đại hội 13, thông tin lộ ra từ Hội nghị Trung ương cuối, rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí thư và rằng Điều lệ đảng sẽ được sửa trong Đại hội 13, vì Điều 17 quy định, một người không được giữ chức Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhưng Đại hội 13 kết thúc mà Điều lệ đảng không được sửa, tức là người đứng đầu đảng CSVN tự xé điều lệ do đảng của ông ta lập ra.

Báo Người Đưa Tin có bài: Hơn 85.000 tỷ đồng không được xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán. ĐBQH Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của QH lưu ý, theo luật Kiểm toán Nhà nước thì kiến nghị của KTNN có giá trị bắt buộc thi hành, nhưng báo cáo nhiệm kỳ công tác 2016 – 2021 của cơ quan KTNN cho thấy, có chưa tới 75% kiến nghị xử lý tài chính của đơn vị này được thực hiện.

Ông Giang đặt ra các câu hỏi: “Vì sao kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo luật là bắt buộc thi hành nhưng báo cáo của Kiểm toán cho thấy chỉ có 75% kiến nghị này được thực hiện? Vậy 25% kiến nghị còn lại thì đi đâu? Tại sao 25% đó không được thực hiện? 25% đó là bao nhiêu tiền?”

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ nói gì về việc không tái cử HĐND tỉnh TT-Huế? Người được cho là đồng minh thân cận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, bản thân ông không bảo đảm độ tuổi theo quy định, nên “đương nhiên” không thể tham gia HĐND tỉnh và tái cử chức Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khoá tới: “Vấn đề này Thường vụ Tỉnh ủy, bản thân tôi đã được quán triệt, nhất trí ngay từ thời điểm làm công tác nhân sự”.

Theo quy định về độ tuổi ứng cử, nhân sự tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất nửa nhiệm kỳ, đối với nam sinh từ tháng 8/1963 trở về sau sẽ được ứng cử cho đến tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động 2019. “Căn cứ theo quy định này, ông Phan Ngọc Thọ sinh ngày 18/6/1963, như vậy ông Thọ còn thiếu khoảng 1,5 tháng”.

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân: Kinh phí bầu cử năm 2021 tăng 2,6 lần so với kỳ trước, RFA đưa tin. Một người dân ở miền Trung nhận định: “Nếu dự toán chi phí bầu cử năm 2021 tăng gấp 2,6 lần, tức khoảng 3.754 tỉ, vượt mức cần thiết 1.985 tỉ là quá phi lý! Những điều tôi vừa phân tích ở trên là nói trên bình diện quốc gia… các tỉnh, thành phố có thể có chi phí cao hoặc thấp khác nhau. Song, bình quân chung cả nước là như thế!”

Mời đọc thêm: Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội vào tuần tới — ĐBQH chỉ ra mảnh đất màu mỡ của tham nhũng chính sách (NĐT). – Lo lắng với ‘tham nhũng chính sách’ (TP). – Cán bộ sử dụng bằng giả cũng là một dạng tham nhũng, sâu mọt phá hoại đất nước (GDVN). – ‘Không cho phép ai được nghiêng ngả, dao động’ (PLTP). – Có thật nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm như lời các lãnh đạo? (RFA). – Giới chức Quốc Hội CSVN nói ‘đặc khu là đầu tàu của đất nước’ (NV). 

Tin nhân quyền

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho biết: Ông Lê Trọng Hùng đã bị bắt sáng nay. “Tội” của ông Hùng là tự ứng cử ĐBQH để thể hiện quyền công dân, cũng như ông lên tiếng giúp đỡ dân oan. Trước đó, một người khác tự ứng cử ĐBQH là ông Trần Quốc Khánh cũng bị bắt. Đã có hai người dân bị bắt chỉ vì họ thực hiện “quyền lợi” mà chế độ thường tuyên truyền rằng mỗi người dân đều có.

Bà Hạnh lưu ý, “hoàn cảnh gia đình Hùng hết sức khó khăn, vợ Hùng là người khiếm thị, hai con còn nhỏ. Hùng là lao động chính, làm mọi việc nhà cũng như đưa đón vợ đi dạy, đưa đón con đi học… Nay Hùng bị bắt, vợ mù con dại sẽ sống ra sao?”

Ông Lê Trọng Hùng cùng người vợ khiếm thị và 2 con nhỏ. Ảnh: FB nhân vật

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên lưu ý: Đây là vụ bắt bớ thứ 2 xảy ra trong tuần lễ vừa qua. Trước đó, vào ngày 22/3, BS Nguyễn Duy Hướng đã bị công an Nghệ An bắt giam, khởi tố với cáo buộc “chống nhà nước”, dù BS Hướng chỉ dùng Facebook cá nhân để chia sẻ, đăng tải các bài viết về các mặt trái của xã hội VN.

Các công dân VN muốn bày tỏ chính kiến trái với đường lối của chế độ thường bị bắt bớ, giam cầm, kết án tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo bà Nghiên, đó đều là những người “quả cảm, dám lên tiếng đấu tranh đòi công bằng xã hội, chống bất công, dấn thân cho các quyền tự do dân chủ”.

Mời đọc thêm: Ứng viên ĐBQH Lê Trọng Hùng vừa bị bắt (Phan Vân Bách). – Một người dùng dao tự đâm vào ngực khi làm việc với công an? (RFA). – Trước sự kỳ thị người gốc Á, cộng đồng Việt ở Mỹ nên làm sao? (VOA). Mời đọc lại: Việt Nam bắt Facebooker Trần Quốc Khánh sau khi ông tuyên bố tự ứng cử ĐBQH (VOA). 

Cập nhật tình hình Miến Điện

Lại thêm một ngày đẫm máu ở Miến Điện: ‘Một ngày đáng xấu hổ’, 50 người biểu tình Myanmar bị bắn chết, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Thảm sát diễn ra trong bối cảnh người biểu tình tiếp tục xuống đường tại hai TP Yangon, Mandalay và một số nơi khác, bất chấp quân đội cảnh báo những người chống đối sẽ “bị bắn vào đầu và lưng”. 

Biểu tình chống chế độ quân phiệt tại Miến Điện. Ảnh: Reuters/PLTP

Reuters dẫn nguồn tin địa phương cho biết, có 3 người, gồm một thanh niên trẻ, bị bắn chết khi biểu tình ở quận Insein, TP Yangon. Còn trang tin Myanmar Now đưa tin, có 13 trường hợp tử vong khác đã được ghi nhận tại vùng Sagaing gần TP Mandalay, thị trấn Lashio, TP. Bago và các khu vực khác. Cũng theo Myanmar Now, tổng cộng ít nhất 50 người biểu tình đã bị sát hại trong hôm nay.

Hàng trăm người biểu tình bị bắn chết, nền dân chủ bị tàn phá nhưng lãnh đạo của chế độ quân phiệt vẫn nói dối không biết ngượng: Thống tướng Myanmar hứa ‘bảo vệ dân chủ’. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Các lực lượng vũ trang Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw hôm nay, Thống tướng Min Aung Hlaing nói: “Quân đội đang tìm cách chung tay bảo vệ nền dân chủ với cả đất nước. Những hành động bạo lực gây ảnh hưởng tới an ninh và ổn định nhằm đề ra các yêu sách là không phù hợp”.

Thống tướng Min Aung Hlaing trong lễ duyệt binh hôm nay. Ảnh: Reuters/VNE

Ông Min Aung Hlaing phát biểu, quân đội tiếp quản quyền lực vì “những hành động phi pháp” của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Cũng theo lãnh đạo của chế độ quân phiệt, có thêm nhiều lãnh đạo NLD “bị phát hiện tham nhũng”. Ông Hlaing cũng cam kết sẽ tổ chức bầu cử lại, nhưng không đưa ra thời gian cụ thể.

***

Sau Trung Quốc, thêm một chế độ độc tài công khai ủng hộ chính quyền quân phiệt Miến Điện: Nga muốn tăng cường quan hệ quân sự với Myanmar, VnExpress đưa tin. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing tại TP Naypyidaw hôm qua. Trong cuộc gặp, ông Fomin nói rằng Miến Điện là “đồng minh và đối tác chiến lược đáng tin cậy” của Nga ở châu Á, Moscow “cam kết thực hiện chiến lược nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước”.

Sau cuộc này, quân đội Nga ra tuyên bố: “Các bên đánh giá tích cực mối quan hệ cùng có lợi đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực quân sự và tái khẳng định quyết tâm tận dụng tối đa tiềm năng hiện có để tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, trên tinh thần đối tác chiến lược”.

Trước đó, Nga đã ngầm thể hiện sự ủng hộ với chính quyền quân phiệt Miến Điện, qua vụ nước này cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam ngăn LHQ lên án phe đảo chính. Moscow cũng có lúc thể hiện thái độ “nước đôi” khi bày tỏ quan ngại về tình hình dân thường thương vong ở Miến Điện.

Nhưng bây giờ thì, thái độ của Nga đã rõ, khi một trong các quan chức cấp cao nhất của quân đội nước này bắt tay với chính quyền quân phiệt. Với sự ủng hộ của cả Nga và TQ, hai chế độ độc tài có quân đội rất mạnh, chế độ quân phiệt Miến Điện càng có thêm chỗ dựa để duy trì quyền lực, tiếp tục đàn áp người dân.

Trong khi đó, cơ sở thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Myanmar bị nã đạn, Zing đưa tin. Aryani Manring, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Miến Điện, cho biết: “Chúng tôi xác nhận một số phát súng hướng về Trung tâm Mỹ ở Yangon vào ngày 27/3, và không ghi nhận thương vong nào. Chúng tôi đang điều tra vụ việc này”.

Các vết đạn bắn trên cửa sổ của Đại sứ quán Mỹ ở TP Yangon hôm nay. Ảnh: Reuters/Zing

Mời đọc thêm: Myanmar: 50 người chết, nhóm dân tộc vũ trang nói sẽ ‘không đứng nhìn’ (VTC). – Thương vong lớn khi Myanmar diễu binh và gửi đi thông điệp của Thống tướng (VOV). – Miến Điện: Tập đoàn quân sự kỉ niệm Ngày Quân Lực, người dân tiếp tục biểu tình RFI). – Quân đội Myanmar bị chỉ trích vì bắn chết người biểu tình trong ngày trọng đại (NLĐ).

– Hơn 320 người biểu tình thiệt mạng kể từ khi binh biến Myanmar nổ ra (Zing). – Myanmar: 320 người biểu tình thiệt mạng, quân đội cảnh báo ‘bắn vào đầu và lưng’ (VNF). – Tư lệnh quân đội Myanmar hứa sẽ tổ chức bầu cử (VNN). – Chính biến tại Myanmar: Liên Hợp quốc kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự (KTĐT).  – Thứ trưởng Nga nói gì trong cuộc gặp Tổng tư lệnh Myanmar? (TĐ).

***

Thêm một số tin: Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm (Zing). – Cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam sắp hầu tòa (VTC). – Bảo vệ sinh thái: Giáo hoàng lên án giới tài chính, kêu gọi ‘‘cách mạng’’ (RFI). – Phụ nữ Việt Nam: Vượt qua sự kiềm hãm của truyền thống (BBC). – Iran và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác 25 năm (RFI).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?