Don Quixote Đoàn Ngọc Hải, nói thẳng nhé, ông thắng làm sao được!
Mãi Vĩnh Cửu
2021-03-31
52 tuổi, diện mạo bình thường, lại là đảng viên lâu năm và từng là lãnh đạo chính quyền, ông Đoàn Ngọc Hải hội tụ đủ các yếu tố để … không thể trở thành ngôi sao trên truyền thông.
Ấy vậy mà người đàn ông này lại chứng minh điều ngược lại. Bài phỏng vấn mới nhất của ông với phóng viên báo Đất Việt đăng ngày 28/3/2021 vừa qua hứa hẹn một điều lý thú: càng “về vườn” lâu, ông Hải sẽ càng là một vựa muối bật mí những bí ẩn (không hề thơm tho) về chốn quan trường Việt Nam.
Dựa trên bài phỏng vấn dài và rất cởi mở đúng phong cách ông Hải từ trước đến giờ, tôi thử làm một bảng thống kê nho nhỏ về những gì ông đã được và mất, sau khi cởi áo về vườn vào … đến nay.
ĐƯỢC:
-Sức khỏe.
Ông Hải nói, trước kia “mỗi ngày họp khoảng 5 cuộc họp. Thậm chí có ngày 7 cuộc họp. Từ điểm họp này sang điểm họp kia, tôi tự lái xe liên tục. Có khi không còn thời gian, vừa lái xe vừa gặm ổ bánh mì cho xong”.
Bây giờ thì “bây giờ mọi cái từ đi đâu, gặp ai... tôi chủ động hết. Ngủ ngon hơn trước nhiều, giấc ngủ sâu hơn, cuộc sống rất vui”.
-Cảm xúc:
+ “Lái xe một mình qua rất nhiều cung đường, gặp các cháu bé người dân tộc vùng cao, nán lại, chuyện trò với các cháu có khi cả nửa tiếng rồi mới đi”. Do vậy, ông “có những cung bậc cảm xúc mà tiền nhiều không thể mua được.”
+Không còn bị oan ức.
Ông Hải nói thời còn làm việc, ông bị rất nhiều cái oan ức không chịu được (ví dụ Đảng ủy quận 1 chủ trương bắt chủ nhà có mặt tiền phải trả tiền để thuê lại đoạn vỉa hè trước mặt nhà mình, dùng giữ xe, ông Hải không đồng ý nhưng buộc phải ký giấy phép vì đó là trách nhiệm được giao. Vì việc này, báo chí và dư luận từng phê phán ông là kẻ hai mặt).
+Rời khỏi “môi trường thị phi và rất phức tạp” của đời sống công chức.
-Dẹp được bãi giữ xe ”đặc biệt” nhất của TP HCM. Được người dân gọi nó là “công viên ông Đoàn Ngọc Hải”.
Bãi này nằm sau lưng nhà hát TP, vị trí kim cương vì ngay giao lộ tâm điểm của các con đường buôn bán sầm uất nhất tại trung tâm TP. Doanh thu của nó là 3 tỉ đồng/tháng (thời điểm 2016-2017). Đặc biệt hơn nữa, bãi xe này “theo quy hoạch thì là công viên, nhưng suốt 20 năm công viên không thấy mà chỉ thấy mọc lên cái bãi giữ xe, không dẹp được”.
+”Được người dân yêu quý, đó là niềm vui tột bậc”.
+ Tự cảm thấy hạnh phúc trong nội tâm: “Những người vùng cao khổ như thế họ vẫn sống được. Trong khi tôi còn làm ăn, kinh doanh, đi đây đi đó. Sức khỏe vẫn còn sung. Vậy là hạnh phúc lắm rồi” (trích lời ông Hải).
-Lý tưởng:
“Được tự do đi theo chân lý, con tim mình mách bảo.” Thực hiện được lời thề phục vụ nhân dân khi là đảng viên tuyên thệ trước cờ Đảng”.
Ông Hải nói ông “học không biết bao nhiêu lớp chính trị, đều dạy cán bộ phải đến với người nghèo, đến với nhân dân”.
VÀ MẤT
Theo triết lý Đông phương, mỗi người đều là tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ, vì vậy những cái “mất” của ông Hải dưới đây, về bản chất đó là cái mất của thể chế, của chính quyền. Hơn thế, nó là sự thừa nhận trần trụi một góc thối nát của một cơ chế, mà nhiều đại diện tai to mặt lớn nhất của nó vốn có thói quen tự quảng cáo bằng những mỹ từ cảm động và vinh quang nhất.
Ông Hải nói thực trạng lấn chiếm vỉa hè ở TP HCM hiện tái diễn rất nhiều, nhưng nó “do cán bộ tự tạo ra chứ không phải người dân”.
Ông Hải nhấn mạnh: “Họ muốn một sự lộn xộn như thế”.
Nguyên nhân là tiền.
“Khi tôi còn công tác, họ thu của bà bán xôi mỗi tháng 1 triệu đồng. Sau đó tăng lên triệu rưỡi”. Bị tố cáo, thấy đúng, chuyển lên chủ tịch phường. Chủ tịch phường thấy đúng, báo cáo bí thư, chủ tịch quận về trường hợp này. Nhưng mọi cái rơi vào im lặng”.
“Mặt tiền các căn nhà quận 1 (trung bình 4m/căn) khi kinh doanh đều để xe máy của khách trước nhà. Nhưng chính quyền lại quy định đó là bãi giữ xe, 6 tháng phải cấp lại giấy phép một lần, nên cán bộ cứ 6 tháng/lần lại hành người ta để có được cái giấy phép đấy”.
Nghịch lý hiển nhiên như thế, nhưng “tập thể Thường vụ quận ủy không đồng ý, Bí thư không đồng ý bỏ giấy phép đó (...), Chủ tịch quận không chịu thay đổi”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Hải nhắc nhiều lần đến “họ”-những cán bộ muốn có một sự lộn xộn trên vỉa hè quận 1, bất chấp các chủ trương lập lại trật tự đô thị. Đến đoạn này, chúng ta hẳn đã hiểu rõ ràng hơn “họ” là ai.
Hết sức lý thú là câu chuyện nội cung của bãi giữ xe sau lưng nhà hát TP.
Với vị trí như đã nói, ai cũng hiểu để làm bãi giữ xe thì hốt tiền đến mức nào. Suốt nhiều năm, hầu như không lúc nào bãi xe này vắng khách. Đặc biệt vào buổi tối, các ngày cuối tuần hay lễ hội thì xe xếp san sát giọt nước không lọt. Ai cũng thích gửi xe ở bãi này vì nó quá thuận tiện, còn các bãi giữ xe khác ở các khách sạn hay chung cư cũ gần đó thì chật và thường nằm đường một chiều nên quay xe bất tiện.
Ông Hải cho biết doanh thu hàng tháng của bãi này vào khoảng 3 tỷ đồng/tháng.
Lý thú ở chỗ “theo quy hoạch trung tâm TP HCM thì nó là công viên, nhưng suốt 20 năm chỉ mọc lên bãi giữ xe”.
Giấy phép được cấp cho Đội quản lý trật tự đô thị quận 1. “Nhưng Đội quản lý trật tự đô thị có giữ xe đâu, lấy cái giấy phép đấy đưa cho “ông đầu nòng”kia, rồi xong!” (trích lời ông Hải).
Trừ tiền lương của vài nhân viên giữ xe và tiền điện chiếu sáng chẳng đáng bao nhiêu, hầu như 3 tỷ đồng mỗi tháng chui trọn vẹn vào túi những người có quyền nắm giữ nó, không sứt mẻ đồng nào. “Yang hồ” nào dám ra giá bắt nạt bãi giữ xe đứng tên UBND quận 1? Nhân vật nào đủ máu mặt mà dám cạnh tranh?
Và sắm được bản lĩnh như thế thì “ông đầu nòng” là ai? Hoặc những ai?
Nếu một nhiệm kỳ lãnh đạo chỉ kéo dài 5 năm, trong đó một hay hai năm đầu phải lo sắp xếp ổn định chỗ ngồi và phe cánh, sau đó mới “làm kinh tế”, thì thời gian 20 năm cho công viên không thể mọc lên là 4 nhiệm kỳ liên tiếp của lãnh đạo quận 1. Hoặc, của những lãnh đạo cao hơn nữa.
4 nhiệm kỳ liên tiếp mà kho vàng này, à nhầm-bãi xe này- không hề thay đổi hay gián đoạn, chứng tỏ “ông đầu nòng” phải thống nhất, xuyên suốt và luôn luôn nhất trí rất cao. Đấy chính là “họ”-những kẻ độc quyền tham nhũng, trục lợi công khai và bền vững trên khối tài sản mà suốt ngày họ rao giảng là “thuộc về toàn dân”.
Mặc dù điều này ai cũng biết, nhưng tiết lộ của cựu Phó chủ tịch UBND quận 1, người từng giữ trọng trách trong cuộc vẫn là tiếng nổ động trời.
Ngay lập tức, ông đương kim chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng phải lên tiếng cải chính trên báo Tuổi Trẻ vào ngày hôm sau (29/3).
Ông này phủ nhận hoàn toàn những gì ông Hải nói và cho biết: Quận (…) hoàn toàn không có thu phí (…) mà là để quản lý hoạt động vỉa hè chặt chẽ”
-Hoàn toàn không có chuyện tiêu cực - Ông Dũng khẳng định.
Hoạt động quản lý chặt chẽ mà ông Dũng nói là “yêu cầu các hộ kinh doanh để một hàng xe ngay ngắn và chừa lối đi cho người đi bộ”.
Ha ha ha thật buồn cười. Ông Dũng nên sờ lên mũi mình xem nó dài ra đủ làm cái cán gáo chưa, ông nhé. Hoặc, mỗi khi đi về trong địa bàn quận, ông nên nhờ cấp dưới dùng băng keo bịt mắt thật chặt, kẻo hình ảnh thực tế trên tất cả các vỉa hè quận 1 nó sẽ đâm vào mắt ông mất.
Xin có lời mừng, đồng thời cũng xin chia buồn với ông Đoàn Ngọc Hải. Tuy thích thú với hành động phản kháng “cởi áo về vườn”của ông sau khi lời hứa với nhân dân TP không thực hiện được, nhưng về bản chất, có lẽ ông cũng thấu hiểu nó là sự phản kháng của một người yếu thế. Ngoài việc mang lại cảm giác tự giải thoát cho bản thân ông ra, thực chất đó là hành động thua cuộc. Dù có “thua trên thế thắng”, khảng khái thế nào đi nữa, vẫn chính là thua cuộc.
Làm sao thắng được, ông Hải ơi, khi đối thủ của ông không phải là những bất tuân nhỏ lẻ của các cá nhân nào đó, mà chính là sự cố kết dày đặc tầng tầng lớp lớp những đảng viên đang chễm chệ trên cái ghế lãnh đạo (ít nhất của) UBND quận 1 nhà ông. Vỉa hè là của họ, lực lượng đi dọn dẹp lập lại trật tự là của họ, giấy phép là của họ, ti vi và báo đài cũng là của họ nốt, để tối tối lên rao giảng đạo đức sáng ngời.
Don Kihote Đoàn Ngọc Hải, thôi thì giữ sức khỏe để làm được điều gì khiến bản thân hạnh phúc như ông đã kể, và để tiếp tục vài “bản án tố cáo” hậu trường quận 1 (cho vui) nữa, nhé người anh em!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nhận xét
Đăng nhận xét