Giáo sư Trung Quốc vô tình tiết lộ cách nước này chiếm đảo ở Biển Đông

 

Tác giả Ngọc Trân - Đông PhươngNguồnNTDNgày đăng: 2021-03-27


Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa giải thích, vừa chỉ vào “đường 9 đoạn” trên bản đồ Biển Đông trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Manila vào ngày 14/4/2015.(Ted Alhibe / AFP qua Getty)
Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong) là Giáo sư, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông Kim thường công khai đàm luận về chiến lược của các nước lớn và được cư dân mạng mệnh danh là “quốc sư”. Vào ngày 23/7/2016, ông Kim đã tổ chức một buổi tọa đàm tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế của Khách sạn Southern Club Quảng Châu với chủ đề "Triết học chiến lược Trung-Mỹ". Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, ông Kim đã tiết lộ nội tình về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chiếm đoạt các hòn đảo ở Biển Đông.
Căn nguyên của vấn đề Biển Đông
Trong Chiến tranh Thái Bình Dương (7/12/1941- 2/9/1945), Nhật Bản đã chiếm được tất cả các hòn đảo ở Biển Đông, ông Kim Xán Vinh nói: "Sau khi Nhật Bản bại trận vào năm 1946, Uỷ viên trưởng Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh đến đây bàn giao, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc đã vẽ một Đường chữ U nổi tiếng vào tháng 3/1947, cũng có người gọi đó là “đường 11 đoạn”... Nhưng sau đó đã có một sự thay đổi nhỏ, sau này khi quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam rất tốt, ông Hồ Chí Minh đã nói chuyện với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai rằng, ngư dân không có nơi đánh bắt truyền thống, sau đó được Chủ tịch Mao phê duyệt, hai đường trong đó đã được gạch bỏ, do đó, “đường 11 đoạn" trở thành “đường 9 đoạn”.
Theo cách nói của ông Kim, căn cứ chủ quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông là dựa trên “đường 11 đoạn” do chính Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra, nhưng nó lại chưa từng nhận được sự đồng thuận của các nước. Sau khi dùng bạo lực cướp đoạt được chính quyền, để hỗ trợ Việt Nam đối kháng với Mỹ, ĐCSTQ đã cắt “đường 11 đoạn” thành “đường 9 đoạn”.
Ông Kim cũng thừa nhận rằng: “Vào những năm 1960, một Ủy ban của Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng, dưới Nam Hải (Biển Đông) có rất nhiều dầu mỏ, và các cuộc tranh luận cũng bắt đầu từ đây… Sau khi đất nước ta (Trung Quốc) trở nên mạnh hơn, chúng ta đã bắt đầu để ý đến nó (Biển Đông). Lần can thiệp sớm nhất vào Nam Hải là Hải chiến Tây Sa (Hoàng Sa) diễn ra vào ngày 19/1/1974... Năm 1974, hai miền Nam, Bắc Việt Nam vẫn chưa thống nhất, lúc đó Nam Việt (miền Nam Việt Nam) sắp không trụ được nữa. Cũng vào thời điểm đó, chúng ta đến Nam Việt và chiếm lấy quần đảo Tây Sa, Bắc Việt đau đớn lắm, nhưng họ vẫn phải viết thư chúc mừng, vì họ vẫn phải dựa vào chúng ta trong cuộc nội chiến, trang thiết bị cũng phải dựa vào chúng ta, họ không có lựa chọn nào khác vào thời điểm đó”.
Sự thật mà ông Kim Xán Vinh tiết lộ cho thấy, trên thực tế, “đường 9 đoạn” hay “đường 11 đoạn” đối với ĐCSTQ mà nói cũng chỉ là khái niệm. Ngay sau khi nghe tin có dầu mỏ, ĐCSTQ đã lợi dụng tình hình hỗn loạn của Việt Nam vào năm 1974 và bất ngờ ra tay. Mặc dù ĐCSTQ nhiều lần kêu gọi hòa bình, hợp tác phát triển trên Biển Đông, nhưng họ đã trực tiếp sử dụng vũ lực ngay từ đầu.
Sự thật về trận hải chiến Trung-Việt
Ông Kim Xán Vinh đàm luận một cách say sưa về trận Hải chiến Hoàng Sa mà Hải quân ĐCSTQ không khỏi sùng bái, ông nói: "Khi đó, chúng ta đi 4 tàu săn ngầm (Submarine chaser) 500 tấn. Hạm đội của Việt Nam rất hùng hậu, Nam Việt có 1 tàu khu trục 4.000 tấn, 1 tàu hộ vệ corvette 2.500 tấn, 1 tàu hộ vệ corvette 1.500 tấn, còn có 1 tàu pháo 600 tấn... Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải (Biển Đông) của chúng ta biết rằng, trực tiếp đối đầu là điều không thể, vì vậy ông ấy đã tập hợp tất cả 4 tàu pháo nhỏ, tập trung đánh vào đài chỉ huy của tàu lớn... Nó không phải là pháo, mà là súng máy cao xạ, tốc độ bắn rất nhanh, khoảng 35mm, khả năng tác chiến không mạnh... 4 súng máy cao xạ của 4 tàu chiến bên chúng ta tập trung bắn vào phòng thuyền trưởng, một lúc sau thuyền trưởng chết, do người cầm lái không đủ kinh nghiệm, nên tàu corvette 1.500 tấn rất nhanh sau đó đã bị chìm”.
Ông Kim đã vô tình tiết lộ nội tình trận chiến thành công của hải quân ĐCSTQ. Ông thừa nhận rằng: "Kết quả trận chiến là 1 tàu bị chìm, 3 tàu trọng thương, chuyện là như vậy. Thực tế, không phải là chúng ta đánh chìm tàu, bởi vì 4 tàu pháo nhỏ không thể đánh chìm con tàu 1.500 tấn... Khi đó, chúng ta đã tổn thất 1 tàu săn ngầm, khi Việt Nam đến lãnh hải của họ thì họ đã bình tĩnh lại, tàu khu trục 4.000 tấn quay lại bắn một quả pháo khiến 1 tàu săn ngầm của chúng ta bị thương nặng. Cuộc chiến này thực sự rất rủi ro. Nếu Việt Nam bình tĩnh hơn một chút, chắc chắn chúng ta sẽ thua".
Ông Kim tiếp tục nói sự thật: "[Trận chiến] năm 1974 chỉ có Tây Sa (Hoàng Sa), không có Nam Sa (Trường Sa)... Người Việt Nam cho rằng Tây Sa và Nam Sa đều là của họ... Cuối cùng đã khai chiến [tại Trường Sa] vào ngày 14/3/1988 (Nhiều tài liệu Việt ngữ gọi vắn tắt sự kiện này là Hải chiến Trường Sa hoặc Thảm sát Gạc Ma, còn Trung Quốc gọi là Hải chiến Nam Sa hay Hải chiến 314)... Đến năm 1988, chúng ta đã có tàu khu trục 3.700 tấn do tự mình sản xuất… Tình hình khi đó là một bên bại trận... Kể từ ngày đó, chúng ta bắt đầu có tiếng nói ở Nam Hải (Biển Đông), nếu không thì đã không có quyền phát ngôn”.
Phát ngôn của ông Kim Xán Vinh đã phản ánh chính xác logic của các nhà lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ là dựa vào vũ lực để cướp đoạt dầu mỏ, đồng thời cũng triệt để vạch trần những lời dối trá yêu chuộng hoà bình của ĐCSTQ.
ĐCSTQ tự biết bản thân vô lý trong vấn đề Biển Đông
Ông Kim Xán Vinh còn nói đắc ý rằng: "Đến năm 1995, chúng ta đã chiếm được Đá Vành Khăn từ tay của Philippines, nên chúng ta có 7 bãi đá ngầm... Việt Nam chiếm được rất nhiều, 29 bãi... Nói một cách chặt chẽ thì nơi này hoàn toàn không có quyền tài sản rõ ràng, trong lịch sử chúng ta đã đến đây rất nhiều, đây là một sự thật... Nhưng các quốc gia láng giềng không phục thì biết làm sao? Thật vậy, những hòn đảo đó rất gần họ... Bãi ngầm James cách Tam Á 1.650 km, cách Malaysia chưa đầy 50 km. Quả thực là rất gần nó, nhưng ở gần cũng chẳng ích gì... Sau khi người Châu Âu đến, họ bị người Châu Âu kiểm soát nên quyền tài sản có chút không rõ ràng".
Ngay từ 5 năm trước (năm 2016), Kim Xán Vinh đã biết rằng quyền chủ quyền ở Biển Đông gây rất nhiều tranh cãi, nhưng ĐCSTQ vẫn chiếm đoạt công khai, ngay cả khi Biển Đông ở gần các quốc gia khác hơn, các quốc gia khác đã kiểm soát nó trước, tuy cũng là thông qua vũ lực. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng các vấn đề quốc tế nên được thảo luận và xử lý, không thể ai có nắm đấm lớn hơn thì phải nghe theo người ấy, nhưng cùng lúc ĐCSTQ cũng vung nắm đấm ra Biển Đông, cho đến khi nó thấy Mỹ có nắm đấm to hơn thì lại quay lại chỉ trích.
Kim Xán Vinh giải thích rằng căn cứ chủ quyền ở Biển Đông là khá khác nhau, ông nói: "Sau khi người Nhật đến đó, họ đã chiếm lấy tất cả, sau Thế chiến II, Nhật Bản đầu hàng, đem các đảo này giao lại cho chúng ta, cho nên đây chính là căn cứ lớn nhất hiện giờ của chúng ta. Sau khi chúng ta chiến thắng trong Thế chiến II, chúng ta đã lấy nó từ người Nhật, còn về việc người Nhật cướp được từ ai, chúng ta không quản, cũng không quan tâm. Dù sao thì cũng là họ cướp được và đưa lại cho chúng ta, vì vậy chúng ta cho rằng là của chúng ta, căn cứ nằm ở đường 11 đoạn, nhưng nếu thực sự đưa ra tòa án quốc tế thì xác thực là có vấn đề".
Căn cứ của Kim Xán Vinh như thể già mồm át lẽ phải. Ước chừng ngay cả Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng không thể đưa ra lập luận này. Không có gì ngạc nhiên khi trọng tài quốc tế không ủng hộ các tuyên bố của ĐCSTQ.
Tại sao Biển Đông lại bị giành giật?
Kim Xán Vinh cũng giải thích: "Vào những năm 1960 sau khi phát hiện rằng ở đây có dầu mỏ, các nước láng giềng bắt đầu giành giật nó. Chúng ta cũng không có năng lực kiểm soát nên đành trơ mắt nhìn nó bị lấy đi. Khi sức mạnh của đại lục được cải thiện một chút, chúng ta liền bắt đầu động thủ... Chúng ta đã tận dụng thời cơ khi Nam-Bắc Việt Nam xảy ra nội chiến và chiếm được Tây Sa (Hoàng Sa), thế nên người Việt Nam nhìn chúng ta rất tức giận. Mọi người đừng nghĩ rằng chúng ta hiền lành... Sau Thế chiến II, chúng ta đã chiến đấu với Hoa Kỳ ở Triều Tiên hơn ba năm, từ thập niên 1960 đến 1970, Việt Nam đánh nhau với Mỹ hơn mười năm, chúng ta đã gửi đi 350.000 người, quy mô vô cùng lớn, đây là cuộc chiến lâu dài với các cường quốc".
Kim Xán Vinh thừa nhận rằng chính vì dầu mỏ mà Trung Quốc bắt đầu cướp bóc ở Biển Đông, và sau đó là để lộ ra nội tình của Chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ không những phải chiến đấu với Việt Nam, mà là liên quân Trung-Việt.
Kim Xán Vinh cũng nói: "Sau đó là đảo Trân Bảo (tranh chấp giữa Trung-Nga), Ấn Độ, còn có lúc đầu [chúng ta] giúp Việt Nam, sau đó trừng phạt Việt Nam. Chiến tranh Trung-Việt (Việt Nam gọi là Chiến tranh biên giới Việt-Trung) diễn ra từ năm 1979 đến năm 1994. Tất cả quân đội của chúng ta đều từng được trui rèn, tất cả các thượng tướng hiện giờ của chúng ta đều đã được tôi luyện trong Chiến tranh Trung-Việt. Thực tế, quân đội của chúng ta đã chiến đấu rất nhiều. Bộ Ngoại giao ngày nào cũng nói rằng Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng không ai trong số các phóng viên bên dưới tin điều đó".
Ông Kim Xán Vinh đã liên tiếp tặng cho Bộ Ngoại giao ĐCSTQ mấy cái “bạt tai”. Ông ta không ngại khoe khoang: "Sau khi có sức mạnh, trước tiên chúng ta chiếm Tây Sa (Hoàng Sa) và kiểm soát Trung Sa (Bãi ngầm Macclesfield) vào những năm 1970. Đến những năm 1980, chúng ta đã chen được một chân vào Nam Sa (Trường Sa), sang những năm 1990 thì mở rộng thêm một chút. Năm 1995, chúng ta chiếm được Đá Vành Khăn từ tay Philippines, kỳ thực đứng trên quan điểm của Philippines mà nói thì [hành vi này] rất bá đạo ngang ngược. Sau khi chiếm được nó, chúng ta đã kiểm soát ngư trường và xua đuổi ngư dân Philippines, nên người Philippines rất bức xúc, vì Đá Vành Khăn chỉ cách Philippines hơn 200 km. Nhưng lại cách Tam Á của chúng ta hơn 2.000 km, ngư dân chúng tôi (Philippines) đánh cá ở đó hàng nghìn năm nay rồi, sao giờ lại thuộc về các ông? Vậy nên họ cũng rất oan ức".
Việc ĐCSTQ công khai cướp bóc ở Biển Đông dần dần khiến Hoa Kỳ phải cảnh giác.


Hình ảnh vị trí các quần đảo bị tranh chấp ở Biển Đông. Trong đó, Paracel là Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), Macclesfield là Bãi ngầm Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa), Scarborough là Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), Spratly là Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). (Nguồn ảnh: Phạm vi công cộng)
Bắt đầu ván cờ với Hoa Kỳ
Ông Kim Xán Vinh nói: "Hoa Kỳ bắt đầu có lập trường chống lại chúng ta vào năm 2012. Vào ngày 10/4/2012, một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines đã xảy ra trên đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough). Tàu chấp pháp của chúng ta đã đối đầu với tàu chấp pháp của họ, kết quả là Philippines thua…”.
"Từ năm 1997 đến 2012, trong 15 năm này thời gian thực tế Philippines kiểm soát [Bãi cạn Scarborough] nhiều hơn chúng ta, mỗi năm có 52 tuần, mà mỗi năm chúng ta chỉ kiểm soát được 2 tuần, còn Philippines kiểm soát 50 tuần. Tại sao? Bởi vì nó xa, khoảng cách từ Tam Á đến đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough) là 1.300 km, mỗi chuyến đi đều không dễ dàng, Palawan (một đảo của Philippines) chỉ cách đó 149 km, khoảng cách gấp 9 lần... Sau khi chiếm được chúng ta đã kéo đổ tượng đài do người Philippines dựng lên, rồi hét lên rằng đây là của chúng ta. Nhưng ở đó được 1 tuần thì phải quay trở về, vì thuyền nhỏ, đồ mang đi chỉ sống được một tuần ở đó, vì không có nước ngọt... Ở đảo Hoàng Nham, chúng ta có vài nhóm ngư dân bị Philippines bắt, và chúng ta đã trả tiền để chuộc họ về".
Kim Xán Vinh không hề né tránh khi kể về việc ĐCSTQ cướp phá trắng trợn đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough) do Philippines kiểm soát, nhưng ông này cũng nói: "Đảo Hoàng Nham là một kích thích lớn đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phát hiện ra rằng Trung Quốc hiện đang muốn kiểm soát Nam Hải (Biển Đông) nên họ đã cảnh giác... Hoa Kỳ bắt đầu có chiến lược quay trở lại châu Á từ năm 2010... Toàn bộ chiến lược của Mỹ đều tập trung vào chúng ta, và sau đó họ phát hiện ra chúng ta đã ra tay rất hiểm trên đảo Hoàng Nham, vốn dĩ các anh nhường rồi mà giờ lại công khai chiếm đoạt... Nhưng người Mỹ bắt đầu trực tiếp can thiệp vào là hồi giữa năm 2015, việc Mỹ can thiệp trực tiếp có lẽ liên quan đến việc xây dựng đảo".
Sau khi Kim Xán Vinh tiết lộ nhiều thông tin “rất gắt”, ông ta bắt đầu xu nịnh ông Tập Cận Bình, ông nói: "Sau khi nhà lãnh đạo mới của chúng ta lên, thái độ của ông ấy trở nên cứng rắn hơn. Vốn dĩ chỉ thị của Đặng Tiểu Bình về vấn đề Biển Đông là phải ưu tiên duy trì sự ổn định, bảo vệ quyền lợi xếp sau... Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều kế thừa [tư tưởng đó]... nhưng sau khi Chủ tịch Tập lên đã không làm như vậy... và ông ấy đã phê duyệt kế hoạch cải tạo đảo... Mà vừa phê duyệt đã xuất hiện kỳ tích... 3.200 mẫu Anh được lấp đầy trong một năm rưỡi. Việc này khiến Mỹ giật nảy mình, nên bắt đầu từ giữa năm ngoái (năm 2015) Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp trực tiếp... Vì vậy, từ giữa năm ngoái đến nay, vấn đề Biển Đông đã trở thành một ván cờ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
(Còn tiếp)

Tác giả: Dương Uy (Yang Wei) là nhà bình luận, phân tích chính sự người Hoa và chuyên viết bài cho tờ The Epoch Times
Ngọc Trân - Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung
----------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?