Tin Tổng Hợp – 26/3/21
Mỹ không thể là «sen đầm quốc tế» bằng giấy trước Trung Quốc
26/03/2021 – Tác giả Alain Frachon bắt đầu bài bình luận trên Le Monde bằng từ «ngạo mạn»: Trung Quốc nay chính thức bị bệnh dịch mãn tính này. Le Figaro cho rằng để đối phó với Bắc Kinh, «Nước Mỹ không nên trở thành sen đầm bằng giấy».
Trang nhất các báo Pháp hôm nay rất đa dạng, từ việc chính khách cánh hữu Pháp Xavier Bertrand ra ứng cử tổng thống, bệnh nhân Covid nặng ngày càng trẻ, kênh đào Suez bị tắc nghẽn cho đến vụ diệt chủng Rwanda.
Bắc Kinh mắc bệnh ngạo mạn mãn tính
Liên quan đến châu Á, tác giả Alain Frachon bắt đầu bài bình luận trên Le Monde bằng từ «ngạo mạn»: Trung Quốc nay chính thức bị bệnh dịch mãn tính này. Thỏa mãn với sức mạnh vừa tìm lại được, Trung Quốc tin rằng đã chiếm ưu thế trên trường quốc tế, và suy nghĩ đã biến thành hành động, ở trong cũng như ngoài nước.
Các vị không cần giảng đạo đức, chúng ta nói chuyện bình đẳng. Thứ Năm 18/03 tại Anchorage (Alaska), Trung Quốc đã phản ứng khi chủ nhà Mỹ đề cập đến các vấn đề Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan, gián điệp tin học, Biển Đông và những hành động hiếu chiến khác. Cũng với cùng cảm tưởng đang ở thế thượng phong, Bắc Kinh đã trừng phạt các nghị sĩ và nhà bình luận châu Âu, không phải vì những gì họ làm, mà vì những điều họ nói về Trung Quốc.
Tập Cận Bình hôm 05/03 tuyên bố phương Đông đang lên và phương Tây đang suy tàn. Trước Quốc Hội Trung Quốc, ông Tập khẳng định «Trung Quốc nay có thể nhìn thẳng vào mắt thế giới». Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cán cân quyền lực nay nghiêng về phía mình chứ không phải Hoa Kỳ.
Để bảo đảm tính ưu việt, Bắc Kinh tiến hành «ngoại giao lệ thuộc»: thống trị nhiều đối tác bằng kinh tế và công nghệ. Tất cả sức mạnh của các doanh nghiệp high-tech, được Nhà nước tài trợ ồ ạt, phải phục vụ cho chiến lược bành trướng về chính trị. Úc đã phải trả giá đắt vì dám đòi mở điều tra về xuất xứ con virus corona ở Vũ Hán.
Thực dụng được coi trọng hơn các giá trị dân chủ
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn áp trong nước, nuốt lời cam kết về Hồng Kông, đe dọa quân sự với Đài Loan, chiếm đóng các đảo nhỏ trên Biển Đông, lãnh thổ tranh chấp ở Himalaya, và gián điệp trên mạng, mà không ảnh hưởng đến bành trướng kinh tế. Các mối liên hệ mang tính chư hầu về kinh tế được lập ra ở nhiều nơi theo các mức độ khác nhau, tại Liên Hiệp Quốc và những nơi khác, nhằm phục vụ cho lợi ích Bắc Kinh.
Trong một thế giới toàn cầu hóa được «Hán hóa», chế độ dân chủ tự do không mang tính chính danh hơn chế độ độc tài. Các «giá trị» được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc được diễn dịch theo kiểu Trung Quốc, nhất là hủy bỏ tự do ngôn luận.
Để bảo đảm vị trí lãnh đạo thế giới, các tổng thống Mỹ John Kennedy năm 1961 rồi Ronald Reagan trong thập niên 80 đã dẫn dắt Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trụ. Joe Biden hứa hẹn sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong các công nghệ mũi nhọn hiện nay như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Nhưng trái với Kennedy và Reagan, Biden chiến đấu không phải với một Liên Xô đang xuống dốc, nhưng với nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Tính thực dụng đã khiến không có công ty Mỹ nào muốn rút khỏi Hoa lục, không một ngân hàng lớn nào của phương Tây rời Hồng Kông. Trung Quốc luôn làm các láng giềng sợ hãi, bị dư luận Mỹ và có thể cả châu Âu ghét chưa từng thấy. Tuy nhiên khó thể cô lập được một nền kinh tế như Trung Quốc, và theo tác giả, lời đáp tùy thuộc vào khả năng của các chế độ tự do dân chủ có thể lại chứng tỏ mô hình của mình hiệu quả như trước hay không.
Mỹ không nên trở thành «sen đầm bằng giấy»
Cũng về Trung Quốc, Le Figaro cho rằng «Nước Mỹ không nên trở thành sen đầm bằng giấy». Ông Biden khẳng định Hoa Kỳ quay lại trên trường quốc tế, nhưng những tuyên bố đao to búa lớn không đi đôi với phương tiện và bối cảnh hiện thời, và lại đánh giá thấp chiều sâu của cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.
«Nước Mỹ trở lại» để tương phản với «Nước Mỹ trước hết» thời tổng thống Donald Trump, nhưng sự trở lại này có ý nghĩa gì trong lúc Mỹ quốc đã thay đổi hẳn trong bốn năm qua. Phải chăng là quay lại với các đồng minh châu Âu và châu Á? Với vai trò cường quốc giữ trật tự thế giới, bảo vệ dân chủ trước các chế độ độc tài, trước hết là Trung Quốc? Ê-kíp Biden chắc chắn đã xác định các mục tiêu này, với các tuyên bố hùng hồn.
Tuy nhiên trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro, ông Elbridge Colby, chiến lược gia thời Donald Trump cảnh báo sự khác biệt giữa các bài diễn văn và thực lực. Theo ông, các mục tiêu của những con diều hâu cánh tự do (tức cánh tả) của Biden không phù hợp với phương tiện quân sự hiện có. Không nên cao giọng ở khắp nơi, với nguy cơ bỗng trở thành một sen đầm bằng giấy, nếu Bắc Kinh trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ về Đài Loan. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần tập trung vào chiến trường chính là châu Á, để cho các đồng minh châu Âu tự lo các vấn đề của châu lục.
Đài Loan quan trọng hơn cả Tây Berlin thời chiến tranh lạnh
Cụ thể, ê-kíp Biden rất mạnh miệng, nói những điều tuyệt vời về Đài Loan – và họ có lý. Tân chính quyền muốn duy trì lực lượng ở Afghanistan và Irak, trừng phạt Miến Điện. Nhưng nguồn lực không đi đôi, và đừng quên rằng kinh tế của Trung Quốc cũng lớn như Mỹ. Nga thì yếu hơn nhưng không ngại sử dụng sức mạnh quân sự tiềm tàng, ngoài ra còn Iran và Bắc Triều Tiên, trong khi ngân sách quốc phòng của các nước dân chủ lại giảm.
Biden và Blinken tin rằng các nền dân chủ sẽ đứng về phía Mỹ vì có cùng các giá trị, nhưng theo chuyên gia Colby, quan niệm này sai. Các nước coi trọng lợi ích của mình trên hết, các giá trị chỉ đứng thứ nhì thậm chí thứ ba. Khả năng châu Âu chia sẻ tương quan lực lượng ở châu Á hầu như bằng 0, lợi ích kinh tế với Trung Quốc khiến các nước sẽ không đứng cùng với Mỹ trong cuộc thập tự chinh.
Riêng về Đài Loan, Colby đánh giá quan trọng hơn Tây Berlin trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá. Berlin mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng lớn, nhưng chỉ là biểu tượng, còn Đài Loan còn có cả ý nghĩa chiến lược. Toàn bộ kỹ nghệ bán dẫn được đặt tại đây.
Tất cả các nước trong khu vực đều muốn Hoa Kỳ là đối trọng với Trung Quốc, nhưng quan trọng là sự khả tín của Mỹ. Chính quyền Trump ý thức được điều này, và không ngại chứng tỏ sẽ thẳng tay với Bắc Kinh. Ngày nay, mối nguy chính không phải là chọc giận Trung Quốc, mà là tỏ ra yếu đuối trước chế độ độc tài Bắc Kinh.
Bắc Kinh viết lại lịch sử «virus Trung Quốc» bằng mọi giá
Về đại dịch Covid, trang web Le Monde có bài điều tra dài « Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến thông tin để viết lại nguồn gốc đại dịch như thế nào ». Trên mạng xã hội và tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bắc Kinh tuyên truyền để cố thuyết phục thế giới là con virus corona xuất phát từ…Mỹ, xóa cho bằng được dấu vết «virus Trung Quốc» – như ông Trump gọi.
Từ tháng 10/2019, đã có mấy chục bệnh nhân nhập viện tại Hồ Bắc, nhưng để che giấu, bộ máy tuyên truyền ra 3.200 chỉ thị và 1.800 văn bản cho các cơ sở địa phương trên toàn quốc. Tại Genève, WHO đợi đến ba tháng sau mới chịu tuyên bố đại dịch. Giả thiết vật chủ là con tê tê được đưa ra: những con vật được xét nghiệm đến từ Malaysia, do hải quan Trung Quốc tịch thu. Nhưng mùa thu 2020 một ê-kíp sinh học và thú y Malaysia sau khi phân tích mẫu từ 330 con tê tê không hề thấy dấu vết của virus corona.
Bắc Kinh quy cho lính Mỹ đã mang virus đến, rồi cá hồi và các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu…Hỏa mù được tung liên tục, các nhà nghiên cứu tại Hoa lục và xã hội dân sự thì hoàn toàn bị bịt miệng. Một chuyên gia ở Genève cho rằng không còn có thể gởi phái bộ Liên Hiệp Quốc nào đến điều tra về chủ đề nhạy cảm này tại Trung Quốc: «Một năm sau mới đến, là quá trễ». Trong khi ngưỡng nửa triệu người Mỹ chết vì con virus từ Vũ Hán đã bị vượt qua hôm 21/02 và toàn thế giới có 2,7 triệu nạn nhân.
Kinh tế châu Á: Trung Quốc và Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch
Về mặt kinh tế, Les Echos nhận định về tình trạng bất bình đẳng ở Châu Á trong quá trình hồi phục. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam đến cuối 2021 có thể tìm lại được mức độ trước đại dịch, những nước khác hết sức khó khăn.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới được công bố hôm nay, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ là 8,1% còn Việt Nam là 6,6%. Những nước châu Á khác lùi xa phía sau, với tỉ lệ trung bình 4,4% và nhất là việc tái khởi động sẽ rất chậm chạp.
Kế hoạch khổng lồ của chính quyền Biden sẽ giúp châu Á tăng trưởng thêm được 1%, tuy nhiên tình trạng rối loạn của chiến dịch tiêm chủng có thể làm vô hiệu hóa tác động tích cực của kế hoạch. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Covid đã làm nạn nghèo đói ở châu Á tăng lên lần đầu tiên từ 20 năm qua, gia tăng bạo lực đối với phụ nữ : 25% phụ nữ ở Lào và 83% ở Indonesia là nạn nhân.
Nguyễn Huy Thiệp: «Độc giả tự tìm kiếm sự thật không được nói ra»
Trên lãnh vực văn hóa, mục tưởng niệm của Le Monde được dành cho nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp, qua đời hôm thứ Bảy tuần trước ở tuổi 70.
Cuốn « Tướng về hưu » của ông được dịch ra tiếng Pháp, xuất bản tại Paris vào thập niên 90. Đó là lần đầu tiên một nhà văn Việt Nam đương đại được in tại Pháp kể từ cuộc chiến tranh Đông Dương. Ông là một trong những khuôn mặt lớn, biểu tượng cho sự tái sinh của văn chương Việt trong thập niên 80.
« Tướng về hưu » xuất bản ở Việt Nam năm 1987 với bút lực sắc bén, gây dấu ấn trong một môi trường lâu nay bị kiểm duyệt bóp nghẹt và đang bắt đầu được nới lỏng. Tác giả bài viết cho biết có gặp Nguyễn Huy Thiệp tại Paris vào cuối những năm 2000, nhà văn thổ lộ với một nụ cười: «Nghề nghiệp của nhà văn là viết ra những điều dối trá, nhưng làm thế nào để độc giả tìm kiếm sự thật không được nói ra».
Kim Jong Un muốn cùng Tập Cận Bình chống «thế lực thù địch»
Nhìn sang Bắc Á, Le Figaro nhận thấy «Kim Jong Un khiêu khích tổng thống Mỹ», khi bắn đi hai hỏa tiễn đạn đạo hôm qua. Còn đối với La Croix « Kim Jong Un trắc nghiệm Joe Biden», tương tự với Le Monde «Bắc Triều Tiên gởi tín hiệu đến Biden».
Theo một nhà nghiên cứu ở Seoul được Le Figaro trích dẫn, Kim Jong Un sợ nhất là không được ai chú ý, mục tiêu là nhằm thuyết phục Biden phải thương lượng với mình. Hỏa tiễn được phóng đi sau khi cô em quyền lực Kim Yo Jong cáo buộc Washington « gieo rắc mùi thuốc súng ». Le Monde lưu ý là tuyên bố của cô Kim trùng hợp với thời điểm các cuộc gặp 2+2 lần đầu tiên từ 5 năm qua, giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ với các đồng nhiệm Hàn Quốc, Nhật Bản, nhằm tăng cường liên minh Mỹ-Nhật-Hàn trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Phía sau kịch bản quen thuộc này, là cái bóng của Bắc Kinh và Matxcơva. La Croix ghi nhận Bắc Triều Tiên chưa hề thử nghiệm nguyên tử hay hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa từ 2017, và sau thất bại trong cuộc gặp với tổng thống Donald Trump ở Hà Nội, mới bắt đầu bắn đi các tên lửa tầm ngắn. Mọi áp lực quốc tế với Bình Nhưỡng đều phải có sự hợp tác của Trung Quốc, nơi hàng xuất nhập khẩu của Bắc Triều Tiên hoàn toàn phải đi qua. Kim Jong Un tuần này cũng đã nhấn mạnh với Tập Cận Bình là phải đoàn kết chống lại «các thế lực thù địch».
Thụy My
(Reuters) – Đài Loan và Mỹ tăng cường phối hợp hàng hải. Thỏa thuận đầu tiên giữa Đài Bắc và chính quyền của tổng thống Joe Biden đã được đại diện của Đài Loan tại Mỹ, bà Tiêu Mĩ Cầm (Hsiao Bi-khim) và ông Sung Kim, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ký ngày 25/03/2021 tại Washington nhằm hình thành Nhóm Công Tác Tuần Duyên để đối phó với Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, cho phép bắn đạn thật vào tầu nước ngoài. Thỏa thuận mới này cũng là một cách để Mỹ trấn an Đài Loan và thể thiện cam kết vững chắc đối với hòn đảo.
(AP) – Bắc Triều Tiên xác nhận đã thử nghiệm một loại tên lửa dẫn đường mới. Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA ngày 26/03/2021 cho biết hai “đầu đạn (có thiết bị) dẫn đường chiến thuật kiểu mới” đã bắn trúng mục tiêu ngoài khơi bờ biển phía đông hôm 25/03. KCNA dẫn lời quan chức hàng đầu Ri Pyong Chol, người giám sát vụ thử nói rằng việc phát triển vũ khí mới “có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả mối đe dọa quân sự hiện có trên Bán đảo Triều Tiên”.
(Reuters) – Hungary tiếp đón bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc nhân một chuyến thăm chính thức. Theo tin từ đài truyền hình Trung Quốc ngày 25/03/2021, ông Ngụy Phượng Hòa đã được cả tổng thống, phó thủ tướng và bộ trưởng Quốc Phòng Hungary đón tiếp tại Budapest ngày 24/03. Chính quyền Hungary ngược lại không công khai loan báo về chuyến công du, một chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Budapest vừa chỉ trích quyết định trừng phạt của Bruxelles nhắm vào các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
(Reuters) – Thủ tướng Nhật Bản có thể mời tổng thống Mỹ tham dự Thế Vận Hội mùa hè Tokyo. Theo truyền thông Nhật Bản, ông Suga cho “đó là lẽ tự nhiên” vì nhiều lãnh đạo các nước thuộc nhóm G7 ủng hộ duy trì Olympic Tokyo 2021. Theo dự kiến, thủ tướng Suga sẽ đến Mỹ vào tháng Tư và họp thượng đỉnh với tổng thống Joe Biden.
(RFI) – Facebook, Twitter và Google bị chỉ trích vì tin thất thiệt về vac-xin. Ông chủ của ba tập đoàn công nghệ Mỹ đã phải ra điều trần ngày 25/03/2021 trước một ủy ban nghị viện Mỹ. Trách nhiệm của các tập đoàn này trong việc phổ biến thông tin sai lệch về vac-xin ngừa Covid-19 là một trong những chủ đề hiếm hoi có tiếng nói chung của nghị sĩ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.
(AFP) – Brazil phá kỷ lục buồn với hơn 100.000 ca nhiễm trong một ngày còn Mêhicô vượt ngưỡng 200.000 ca tử vong. Tính đến hôm 25/03/2021 ba quốc gia tại châu Mỹ có số nạn nhân cao nhất thế giới. Mêhicô đứng thứ ba, sau Mỹ và Brazil, với hơn 200.000 ca tử vong vì Covid-19. Còn tại Brazil, bộ Y Tế cho biết tới nay đã có trên 300.000 bệnh nhân tử vong. Đáng lo ngại không kém là số ca nhiễm mới vẫn tăng rất mạnh. Trong 24 giờ qua đã có thêm hơn 100.000 trường hợp dương tính với virus corona.
(CNA) – Công luận Thái Lan hốt hoảng vì 1 ca tử vong sau khi tiêm chủng ngừa Covid-19. Bộ Y Tế Thái Lan ngày 26/03/2021 ra sức trấn an công luận sau vụ 1 người chết đúng 10 ngày sau khi được chích ngừa. Bangkok không thông báo tên vac-xin đã dùng cho nạn nhân. Thái Lan tới nay đã chích ngừa 136.000 liều cho dân chúng, chủ yếu là dùng thuốc của Trung Quốc SinovacBiotech và cũng có cả một số vac-xin AstraZeneca. Hôm 16/03/2020 thủ tướng Prayut Chan O Cha là người đầu tiên được chích thuốc của AstraZeneca.
(AFP) – Covid-19 đục khoét ngân sách của chính phủ Pháp. Theo thống kê của viện INSEE công bố ngày 26/03/2021, dưới tác động của đại dịch, tổng nợ công của Pháp trong năm 2020 đạt đỉnh điểm tương đương với 115,7 % GDP, tức là 211,5 tỷ euro. Trong khi đó GDP sụt giảm hơn 8 %. Ngân sách bị bội chi 11,3 %.
(AFP) – Một bức họa của Van Gogh bán đấu giá 13 triệu euro. Trong phiên bán đấu giá tại Paris hôm 25/03/2021, bức tranh mang tựa đề “Scène de rue à Montmartre” của danh họa người Hà Lan này đã đổi chủ. Tác phẩm sáng tác năm 1887 đã được bán với giá 13 triệu euro. Đây là bằng chứng mới cho thấy Vincent Van Gogh vẫn “rất có giá”.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210326-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Nhận xét
Đăng nhận xét