Truyện Nguyễn Huy Thiệp: Trần trụi, đau xót mà bay bổng
RFI
Đăng ngày:
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ngày 20/03/2021. Trong hơn 40 năm viết văn, ông đã để lại một di sản lớn. Đối với nhiều người yêu văn chương, truyện ngắn là cống hiến quan trọng nhất trong di sản của bậc thầy văn chương.
Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá là một người hâm mộ văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Ông Ngô Văn Giá cũng là người gần gũi với Nguyễn Huy Thiệp trong giai đoạn cuối đời (*). Trả lời RFI Tiếng Việt qua điện thoại từ Hà Nội, nhà phê bình Ngô Văn Giá chia sẻ nhận định chung của ông về một số cống hiến, mà theo ông là quan trọng nhất trong di sản truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
« Thế giới nhị nguyên » tan vỡ, thần tượng giải thiêng
Nhà phê bình Ngô Văn Giá : Trong vòng 10 năm chói sáng, quãng từ 1987 đến 1997, khoảng thế thôi, anh ấy đã để lại trên dưới 60 truyện ngắn. Truyện ngắn của anh không có trung bình. Đấy là điều khẳng định luôn. Truyện nào đọc cũng được, và cũng có cái để nghĩ, có cái để đối thoại, có cái để tác động vào người đọc. Nhưng để chọn ra những cái trội nhất, có ý nghĩa đỉnh cao trong sáng tác đỉnh cao của anh ấy, và cũng là đỉnh cao của thể loại truyện ngắn của nền văn xuôi Việt Nam đương đại, anh ấy có chừng trên 20 truyện. Chúng ta có thể kể ra « Những ngọn gió Hua Tát » chẳng hạn. Sau đó là « Tướng về hưu », « Muối của rừng », « Chút thoáng Xuân Hương », « Mưa Nhã Nam », « Sống dễ lắm », « Chảy đi sông ơi », « Huyền thoại Mẹ », « Những bài học nông thôn », « Những người thợ xẻ »…
Còn bây giờ đi vào những đóng góp tư tưởng nghệ thuật, thi pháp, tôi ghi nhận một số khía cạnh như thế này. Khía cạnh đầu tiên là, với sự xuất hiện hàng loạt, cùng một lúc một số truyện như « Tướng về hưu », « Muối của rừng », « Chút thoáng Xuân Hương », « Huyền thoại Mẹ » và nhất là chùm ba truyện ngắn lịch sử : « Vàng lửa », « Phẩm Tiết », « Kiếm sắc », Nguyễn Huy Thiệp đã thiết lập một cái nhìn, một quan niệm về đời sống, phá tan cách nhìn bổ đôi ngày xưa. Bên này tốt - bên kia xấu, bên này thiện - bên kia ác, bên này địch – bên kia ta. Các nhà văn phần lớn đều như vậy, sau này có rục rịch một chút, nhưng về cơ bản vẫn như thế. Nhưng đến Nguyễn Huy Thiệp, thì « thế giới » tan hoang cả, phân mảnh, vỡ vụn ra. Cuộc sống là đa diện : tốt pha xấu, thiện pha ác, quỹ dữ pha với thiên thần, và cái này có thể nay tốt mai thành xấu, phẩm chất đang ở « thời chiến » được coi là tốt, sang « thời bình » thành lạc thời… Như vậy, để nói là quan niệm của ông nhìn về thế giới, về hiện thực đời sống, nó khác lắm rồi.
Cái thứ hai là, cũng cùng một quan niệm, nhưng về lịch sử. Anh ấy nhìn lịch sử với tư cách một người phân tích, và đưa ra những kiến giải lịch sử theo cách của mình, chứ không phải là cách người khác muốn, và không có sự áp đặt nào cả. Nhất là với bộ ba truyện « Vàng lửa », « Phẩm Tiết », « Kiếm sắc », đó là một cái nhìn gần, cận cảnh, xét đoán con người trên phương diện con người, bản năng, bản thể, cá nhân. Ví dụ như một Quang Trung hiện ra, trước kia vốn được thuần túy ngợi ca như một anh hùng bách chiến, bách thắng, đẹp lộng lẫy, được thần thánh hóa. Bây giờ thì không. Quang Trung ngoài cái phần đó còn là cận cảnh Quang Trung đời thường, yêu đương, bộc lộ cả những cái rất đời thường. Như vậy, đó là cách ông ấy giải huyền thoại, kéo nhân vật về đời thường.
Cái thứ ba là sự phối hợp lạ lùng, nhuần nhuyễn – điều mà cho đến nay vẫn chưa có được sự lý giải thỏa đáng – giữa tính chất cực kỳ trực diện, cực thực, dữ dội, trần trụi, không kiêng kỵ bất cứ cái gì, kể cả những ngôn từ bị coi là tục tĩu, gọi sự vật đúng với tên gọi của nó trong đời sống, phối hợp với một lối viết vô cùng trữ tình, đầy chất thơ, lãng mạn, bay bổng. Tôi thấy lối viết như vậy nó đẩy người ta vào sự đau đớn, cái sợ hãi, cái ghê rợn, nhưng đồng thời nó lại cứu người ta ra khỏi đó, để bước vào một cái gì đó trong trẻo, thanh khiết. Đó là một cái điều cũng rất là lạ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa nói được hết, chưa khẳng định được hết (khi nói về văn chương Nguyễn Huy Thiệp).
Cái ác, nữ tính và thiên nhiên
RFI : Xin ông cho biết một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách kỳ lạ này ạ.
Nhà phê bình Ngô Văn Giá : Thí dụ ta lấy truyện ngắn « Những người thợ xẻ » nhé (tác phẩm công bố năm 1988) ! Ông tập trung mô tả một gánh xẻ gỗ thuê, trong đó có một phụ nữ đi cùng với nhóm đàn ông, và nhân vật tôi nữa. Trong đó, tất cả những người làm nghề sơn tràng có tính khí cực kỳ cục cằn, dữ dội, thô bạo. Đó là những người gần với chất thô sơ bản năng, lục lâm thảo khấu. Họ đối xử với nhau một cách rất trắng trợn, thực dụng, dữ dội. Nhưng đó là đàn ông với nhau. Một khi có người đàn bà ở đấy, người đàn bà nhìn họ, cho dù đó là những người lỗ mãng đấy, phàm phu tục tử đấy, có chất lỗ mãng, hoang dã man rợ ấy, nhưng trong cái nhìn của người đàn bà thì họ lại rất đáng thương. Và cái thiên tính nữ, bản năng che chở của người nữ hiện lên. Đấy chính là cái suối nguồn mát lành.
Miêu tả con người là thế, miêu tả thiên nhiên đẹp vô cùng. Tôi vẫn còn nhớ một câu kinh điển, như một giai điệu trở đi trở lại. « Này hoa ban nghìn năm trước mày vẫn trắng thế này ư ? ». Rồi đến một đoạn khác : « Này hoa ban nghìn năm sau mày còn trắng thế này không ? ». Miêu tả những cánh rừng như vậy nó hùng vĩ, con người đi trong đó cô độc, như muốn hòa vào lòng từ bi, mẫu tính của người nữ, để như dịt lại những vết thương, hoặc cứu chuộc lại những tính người đã bị rơi vãi, hao hụt, mất mát ở những con người thô lỗ, hoang dã kia.
Sự phối hợp lạ lùng giữa lối viết cực thực, trần trụi, cực kỳ dữ dội, không kiêng kỵ, với văn phong vô cùng thanh thoát, trữ tình, bay bổng, lãng mạn có thể coi là điểm hết sức riêng trong di sản văn chương Nguyễn Huy Thiệp, như nhà phê bình Ngô Văn Giá vừa gợi mở. Sáng tác văn chương thường là câu chuyện hết sức riêng tư, đầy bí ẩn và chắc chắn là vô cùng phức tạp, khó lý giải. Một số người cho đó là « thiên tài » riêng của Nguyễn Huy Thiệp, khó lòng xét đoán. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi : vì sao một phong cách kỳ lạ như vậy đã hình thành ở Nguyễn Huy Thiệp ?
Ngôn ngữ của nông dân, muối của văn
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn, tác giả một luận án tiến sĩ về văn Nguyễn Huy Thiệp dưới góc độ « nhân học văn hóa » và nhiều bài viết về Nguyễn Huy Thiệp (**), đặc biệt chú ý đến một số tiểu luận văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Trả lời RFI, ông Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn : Theo quan sát của tôi, có 5 tiểu luận rất quan trọng được Nguyễn Huy Thiệp công bố trong một giai đoạn từ 1989 đến 1992, tức là giai đoạn ông sung sức nhất, tạo nên hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn. Đó là « Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn » (1989), « Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn » (1991), « Nhà văn và bốn trùm ''Mafia'' » (1992), « Con đường văn học » (1992) « Con đường của nhà thơ » (1992). Có thể nói các tiểu luận quan trọng nhất xuất hiện trong giai đoạn của cái mà ông gọi là Tâm tuyệt, Khí tuyệt, tức là thời gian ông đã dồn hết sức lực và sự tinh anh của mình vào sáng tác.
Trong số các tiểu luận văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn quan tâm nhất đến hai tiểu luận « Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn » và « Nhà văn và bốn trùm ‘‘Mafia’’ ». Ông Mai Anh Tuấn cho biết sơ lược ý nghĩa của hai tiểu luận này.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn :Tôi thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất tâm đắc với bài « Nhà văn và bốn trùm ''Mafia'' » hoặc « Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn ». Cá nhân tôi xin được chia sẻ ngắn về hai tiểu luận này. Có hai điểm tôi tâm đắc trong « Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn ». Thứ nhất, ông nhấn mạnh đến tuổi thơ gắn bó, lớn lên ở nông thôn, và ông ấy học được ngôn ngữ của người bình dân lao động. Và cách nói, cách diễn đạt đó tác động ít nhiều ảnh hưởng đến lối hành văn sau này của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi cho rằng, ngoài ảnh hưởng của văn xuôi cổ điển, chắc chắn phải có ảnh hưởng của lối tư duy, diễn đạt của người bình dân, không làm chữ, không làm màu, đi thẳng vào đối tượng, vì thế chúng ta thấy nó cũng gây ra nhiều phản ứng, thậm chí là những quy kết không hề nhẹ nhàng đối với văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.
Thứ hai là trong tiểu luận này, ông có nói một cái ý, nhà văn viết phải rắc một ít muối đâu đó trên trang viết. Ông nói : Muối sát vào lòng người đọc một, thì sát vào lòng người viết 10 lần. Theo ông, văn học ở ta rất ít muối.
Còn trong tiểu luận « Nhà văn và bốn trùm ''Mafia'' », ông nói có bốn trùm « Mafia » bao lấy nhà văn, khiến nhà văn khó có thể thoát ra được. Đó là chính trị, ái tình, tiền bạc và tôn giáo. Bốn trùm này làm cho văn chương, làm cho con người luôn phải nhận thức, luôn phải cảnh giác với các hiểm nguy. Nhà văn nào, tác giả nào có khả năng đối diện với nó, có khả năng hiểu thấu nó, thì nhà văn đấy đi được xa.
Trong tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp, ông có nói : nhà văn có sự nhạy cảm khủng khiếp với sự nhục mạ nhân phẩm. Ông nhìn thấy nhà văn như một cá thể cô đơn. Ông có đặt ra như một định nghĩa : Nhà văn là gì ? Nhà văn chẳng là gì cả ! Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lầm lỗi và luôn tìm cách sám hối để vượt khỏi lầm lỗi ấy. Nó là một con vật nhạy cảm một cách đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó. Nó viết để cả bầy đoàn rút ra một lợi ích công cộng và lợi ích văn hóa.
Sự mong manh của nhân tính và sứ mạng của nhà văn
Trong tiểu luận « Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn », được nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn phân tích ở trên, Nguyễn Huy Thiệp tâm sự : « Nhưng tác phẩm dù hay ho đến đâu chăng nữa, nhà văn cũng sẽ hiện ra trước mắt chúng ta như một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh nhưng tốt bụng. Người ta cũng đã từng vẽ hình ảnh Chúa với những nét hao hao như thế ». Sự mong manh của nhân tính, con đường cô đơn tột cùng, sự thăng hoa trong đau đớn của người sáng tác - cảm nhận xuyên suốt trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp - bắt đầu được chú ý trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam những năm gần đây (***).
Sinh thời, trong một số lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Huy Thiệp cho biết truyện ngắn « Sang Sông » (1991) đánh dấu việc ông bước qua một giai đoạn khác trong sáng tạo. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh một chuyến đò ngang, với các nhân vật « một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò », có thể coi như một ẩn dụ về Nguyễn Huy Thiệp.
Câu chuyện – với đỉnh điểm là cảnh cậu bé bị kẻ buôn đồ cổ kề dao vào cổ, « tên cướp » tung côn đập vỡ bình cứu trẻ - kết thúc với cảnh nhà sư từ bỏ lộ trình đã định, để trở về cùng chuyến đò ngang. « Trăng lên, tiếng chuông ngân nga êm đềm. Nhà sư thầm thì đọc câu thần chú: – Gate gate! Para gate! Para para san gate! ». Con người đã đi qua chuyến đò, vượt được sông, nhưng quyết không rời bỏ chuyến đò nhân sinh.
RFI : Xin cảm ơn nhà phê bình Ngô Văn Giá và nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.
---
Ghi chú
(*) Ngô Văn Giá, « Nguyễn Huy Thiệp trở lại Hua Tát », Tiền Phong, 27/08/2017.
(**) Mai Anh Tuấn, « Nguyễn Huy Thiệp, bởi những trải nghiệm riêng khác », Tia Sáng, 21/06/2016 hay « Nguyễn Huy Thiệp : Không ai lí giải được gì về nó, cái sự sống vô cùng vô tận ấy », maianhtuan.wordpress.com, 26/07/2017.
(***) Trần Văn Toàn, « Nhà văn hiện đại Việt Nam : Những giới hạn và sứ mệnh (suy tư từ những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp) » in trong « Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy », NXB Giáo dục 2006.
Nhận xét
Đăng nhận xét