Chính quyền Biden nỗ lực chống kỳ thị, nhưng người Việt ‘chưa có tiếng nói chung’
VOA
31/3/2021
Cộng đồng gốc Hàn ở Mỹ đoàn kết trước nạn kỳ thị
rong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra nhiều biện pháp đối phó với làn sóng kỳ thị người gốc Á thì người Việt do chia rẽ đảng phái không thể đoàn kết để có tiếng nói chung, một nhà hoạt động vì quyền lợi của người gốc Việt nói với VOA.
Trong lúc này, làn sóng tội ác thù hằn nhắm vào người gốc Á, trong đó có người gốc Việt, ở Mỹ đang dâng cao, điển hình như vụ một người da trắng tấn công một cụ ông gốc Việt ở San Francisco và các tiệm nail của người Việt ở California nhận được thư nặc danh đầy những lời lẽ nhục mạ.
Tòa Bạch Ốc hôm 30/3 ra thông cáo báo chí cho biết chính quyền Biden đã ban hành một số biện pháp để thực thi công bằng sắc tộc cũng như chống lại tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á châu và đảo quốc Thái Bình Dương.
‘Tâm và tầm’
Trong số các biện pháp này có thúc đẩy cơ hội và sự tham gia cho tất cả các cộng đồng gốc Á; thành lập một ủy ban đặc nhiệm về sự bình đẳng trong đại dịch Covid-19 để giải quyết tình trạng người gốc Á bị nhiễm và chết vì bệnh Covid nhiều hơn các sắc dân khác; mở ra một trang tương tác mới về tội ác thù hằn để tập trung vào việc trình báo các tội ác thù hằn nhắm vào người gốc Á với các ngôn ngữ gốc Á thông dụng nhất ở Mỹ là tiếng Hoa, Hàn, Tagalog (của cộng đồng Philippines) và Việt; đào tạo lực lượng chấp pháp biết cách nhận diện và báo cáo những hành động kỳ thị;mở thư viện online để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử và đóng góp của các cộng đồng người gốc Á và tài trợ cho các nghiên cứu để tìm cách giải quyết tình trạng kỳ thị người gốc Á…
Trao đổi với VOA từ miền bắc bang Virginia, bà Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, chủ tịch tổ chức Tiếng nói người Mỹ gốc Việt vốn đấu tranh cho sự thăng tiến của cộng đồng về chính trị và xã hội, nhận định rằng chính phủ Biden ‘đã nhìn rõ vấn đề và đang đi đúng hướng’.
“Tổng thống Biden đã đặt đúng trọng tâm vào những giá trị cốt lõi của Mỹ là ‘không được kỳ thị sắc tộc’,” bà Giao nói. “Ông đã biết lắng nghe những lo lắng của người dân, trong đó có người gốc Việt là ‘không biết ngày mai tôi đi làm sẽ có ai đến bắn tôi không’.”
Bà mô tả trong vấn đề chống kỳ thị, ông Biden đã ‘có tâm và tầm’, và ‘chúng ta sẽ chờ xem bốn năm nữa sẽ thấy kết quả như thế nào’.
Theo lời bà, trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại Alaska mới đây, phía Trung Quốc có thể lên lớp với Mỹ rằng ‘Mỹ không còn tư cách để rao giảng cho họ về dân chủ’ là ‘do những vụ bạo lực của cảnh sát nhắm vào người da màu và vụ những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Quốc hội’.
“Điều này rất tai hại cho nước Mỹ,” bà nhận định. “Muốn chống được cộng sản Trung Quốc thì phải bảo vệ nền tự do, dân chủ, nhân quyền tại Mỹ, trong đó có bảo vệ người Mỹ gốc Việt.”
‘Người Việt không lên tiếng đủ’
Tuy nhiên, bà Giao cho rằng quyết tâm của chính quyền là một chuyện, sự chống kỳ thị ở Mỹ có hiệu quả hay không ‘còn cần sự hợp tác của người dân’.
“Sự hợp tác của người dân là rất quan trọng, đặc biệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Họ cũng bị kỳ thị rất nhiều nhưng đến giờ chưa lên tiếng đủ,” bà nói và dẫn ra trường hợp anh Tommy Le, một thanh niên gốc Việt bị cảnh sát New York nhầm lẫn bắn chết hồi năm 2017 khi anh mới 17 tuổi nhưng sau đó cảnh sát đã ‘tìm cách lấp liếm chuyện đó’.
Bà cho là trước tình trạng kỳ thị hiện nay và đã có người Việt là nạn nhân, nhưng có vị lãnh đạo cộng đồng ‘không thừa nhận có kỳ thị mà lại cho là hiểu lầm’ và ‘không muốn làm lớn chuyện’ là ‘điều đáng buồn’.
“Có người còn nói việc kỳ thị này là do ‘Đảng Dân chủ thổi phồng để làm lớn chuyện kiếm phiếu bầu,” bà Ngọc Giao chỉ ra và nói rằng chính sự chia rẽ đảng phái trong cộng đồng người Việt khiến họ không thể đoàn kết chống lại nạn kỳ thị.
Theo giải thích của bà thì nhiều người Việt ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump do tin ‘ông Trump chống Trung Cộng mà mù quáng nghe theo ông là phải đổ cho Trung Quốc gây ra virus corona’. “Điều đó vô tình gây ra sự thù ghét đối với người châu Á khiến chính người gốc Việt cũng bị hại,” bà lập luận.
Do đó, bà kêu gọi các lãnh đạo cộng đồng gốc Việt ở Mỹ, cho dù họ ủng hộ ai hay đi theo đảng phái nào, ‘cũng phải đặt quyền lợi của những người họ đại diện lên trên hết’.
“Phải đặt quyền lợi người dân làm căn bản và không bị vấn đề đảng phái chia rẽ thì mới vượt qua sự chia rẽ đó,” bà nói.
Thay vào đó, bà ca ngợi ‘rất nhiều người trẻ là số đông thầm lặng, trước giờ họ không lên tiếng, nhưng trong những chuyện vừa qua họ đã xuống đường, viết bài phản đối, quyên góp giúp cho các nạn nhân bị kỳ thị dù là gốc Việt, gốc Hàn hay gốc Hoa’.
“Kỳ thị là sự thực đang xảy ra trước mắt chúng ta. Điều cần nhất là phải nói ra sự thật, xác nhận sự thật,” bà Giao kêu gọi các lãnh đạo cộng đồng.
Để việc đấu tranh chống kỳ thị có hiệu quả, bà Giao cho rằng ‘phải đặt căn bản là chống kỳ thị và cộng đồng nào bị kỳ thị mình cũng phải lên tiếng’.
“Tôi rất không đồng ý với những người dè bỉu hay nhục mạ người da đen, hay lên án phong trào Black Lives Matter là đập phá và hôi của. Điều đó không đúng với tinh thần của họ,” bà nói và chỉ ra việc có người gốc Việt lên tiếng ủng hộ Black Lives Matter đã bị chính những người trong cộng đồng gốc Việt đả phá.
“Điều quan trọng là không chỉ lên tiếng cho cộng đồng mình mà còn lên tiếng cùng với các cộng đồng thiểu số khác, đừng phân biệt sắc dân khác mình, đừng phân biệt người da đen,” bà kêu gọi và cho biết tổ chức của bà hồi cuối tuần trước có tham gia vào buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân gốc Hàn bị sát hại trong vụ xả súng ở Atlanta hồi giữa tháng Ba.
Nhận xét
Đăng nhận xét