Biên phòng Phần Lan nói ‘Nga giúp người nhập cư’ trốn sang nước họ
Trả lời BBC, đại tá Matti Pitkaniitty của lực lượng Biên phòng Phần Lan nói họ có “bằng chứng rõ rệt là quan chức Nga giúp người nhập cư trốn vào Phần Lan”.
Phần Lan đã quyết định đóng toàn bộ các cửa khẩu trên đường biên giới dài với Liên bang Nga để ngăn dòng người xin tỵ nạn đổ tới.
Chỉ trong tháng 11, đã có trên 900 người, đa số là từ Morocco, Pakistan và Syria, vào Phần Lan từ Nga.
Ông Pitkaniitty nói những lo ngại về trách nhiệm với người xin tỵ nạn mà Phần Lan phải tuân thủ, theo luật quốc tế, là lý do để nước ông đóng các trạm biên giới với Nga.
Phía Nga đã đóng các cửa khẩu để ngăn không cho những người đã sang Phần Lan có thể quay lại, đại tá Pitkaniitty nói.
Trên thực tế, trong tháng này, Phần Lan đã đóng 7 cửa khẩu, và vào thứ Năm tuần này sẽ đóng nốt một cửa khẩu cuối cùng ở Vòng Bắc Cực trong thời gian hai tuần.
Thủ tướng Petteri Orpo đã phát biểu rằng Phần Lan "phải chấm dứt tình trạng vượt biên trái phép" đang xảy ra.
Giới chức Phần Lan tuy thế cho hay những người tới bằng thuyền sẽ vẫn có quyền nộp đơn xin tỵ nạn.
Cùng lúc, bà Pia Lindfors, giám đốc điều hành Trung tâm Tỵ nạn Phần Lan nói với đài BBC bà sợ rằng việc đóng các cửa khẩu trên bộ chỉ đẩy người xin tỵ nạn tới các lối đi sâu trong rừng núi, xuyên qua sông, nằm trên các vùng rộng hàng trăm cây số.
Với mùa đông đang tới, việc đi lại đó “sẽ có thể nguy hiểm hơn” và bà cho rằng chính quyền Phần Lan cần tiếp tục giúp người cần được giúp ở bên kia biên giới với Nga, chứ không nên đẩy họ quay trở lại Nga bất hợp pháp.
Phần Lan có đường biên giới dài nhất trong số các nước EU với Nga: 1.340km.
Việc bảo vệ đường biên này là vấn đề an ninh cho Phần Lan, quốc gia đã quyết định gia nhập Nato tháng 4 năm nay sau khi Nga đánh Ukraine tháng 2/2022.
Trước đây, một quốc gia thuộc EU và Nato khác là Ba Lan cũng cáo buộc Belarus “trợ giúp hàng nghìn di dân từ Trung Đông, châu Á, châu Phi” vượt biên ồ ạt vào lãnh thổ Ba Lan.
Ba Lan sau đó đã cho xây hàng rào cao có dây thép gai để bảo vệ một số tuyến biên giới với Belarus.
Sau đó, hình ảnh trên truyền thông cho thấy những người đàn ông là di dân phá rào, dùng thang mà Ba Lan nói là do phía Belarus cung cấp trèo vào lãnh thổ EU.
Chính phủ Ba Lan đã điều quân đội ra bảo vệ biên giới và nói những ai muốn xin tỵ nạn cần đi vào các cửa khẩu chứ không nên phá hàng rào, vượt biên trái phép.
Tuy thế, các tổ chức nhân quyền ở Ba Lan đã phê phán chính phủ và yêu cầu quân đội tạo điều kiện cho họ triển khai công tác trợ giúp người tỵ nạn đã vào Ba Lan không phải trú ngụ trong rừng sâu khi trời giá lạnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét