Trung Quốc áp dụng ý tưởng 'đồng xu carbon' để đạt mục tiêu trung hòa khí thải trước 2060
Tại một trạm metro mới toanh gần thành phố Thâm Quyến, chính quyền địa phương đang khuyến khích những người đi tàu sử dụng "các đồng xu carbon" để có thể đổi lấy những voucher mua sắm hoặc vé đi tàu. Đây là một nỗ lực nhằm khuyến khích các hộ gia đình cùng tham gia cuộc chiến của Bắc Kinh chống biến đổi khí hậu, theo một phân tích từ Reuters.
Theo chương trình "Con đường carbon cho mọi người" ở thành phố miền đông nam Trung Quốc, những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng được tặng điểm.
Thâm Quyến là một trong hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc, đang khuyến khích người dân ngưng sử dụng xe ô tô, trồng cây và cắt giảm sử dụng năng lượng.
Các chương trình "cùng tham gia chung cắt giảm carbon" là một phần trong chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm huy động toàn bộ xã hội, không chỉ là một lĩnh vực công nghiệp, để chuyển đổi quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới trở thành quốc gia trung hòa carbon trước thời điểm năm 2060.
Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết nạn biến đổi khí hậu đang được giám sát chặt chẽ trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (COP28) sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 30/11.
"'Cùng cắt giảm carbon' là một nền tảng có quy mô khổng lồ và một cách thức hiệu quả để huy động cả cộng đồng cùng thực hiện các hoạt động carbon thấp, không carbon và âm carbon," ông Giải Chấn Hoa, Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc nói hồi tháng 8, khi công bố một ủy ban cùng tham gia cắt giảm carbon của chính phủ nước này.
Trong bối cảnh nhiệm vụ cắt giảm khí thải carbon của Trung Quốc là vô cùng to lớn, lượng cắt giảm khí thải theo cấp độ cá nhân có thể rất đáng kể. Một nghiên cứu hồi năm 2021 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Trung Quốc nói các hộ gia đình nước này chiếm hơn 50% lượng khí thải carbon của Trung Quốc - hiện là hơn 10 tỷ mét khối mỗi năm.
Cuối cùng, thì Trung Quốc muốn các kế hoạch sẽ được tích hợp vào chương trình giao dịch khí thải carbon quốc gia và tạo ra nguồn tín dụng để có thể bù đắp cho những thiệt hại từ việc phái thải khí carbon từ các ngành công nghiệp phát thải, các kế hoạch chính phủ cho thấy.
Giao dịch carbon cá nhân
Các tham vọng cùng tham gia chung hạn chế carbon đã được Trung Quốc 'thai nghén' từ năm 2015, khi tỉnh Quảng Đông, ở miền đông nam, công bố các quy định về chuyển đổi hoạt động carbon thấp sang tín dụng.
Kể từ khi đó, hàng chục kế hoạch đã xuất hiện trên khắp quốc gia, tiếp cận dữ liệu cá nhân như đếm số bước chân, sử dụng phương tiện giao thông, và mua các sản phẩm thân thiện và hiệu quả với môi trường để tạo ra các đồng xu carbon.
Các ngân hàng cũng thử nghiệm các hệ thống "tài khoản carbon cá nhân". Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành thử nghiệm chương trình "đổi carbon để vay mua vàng" tại thành phố Cù Châu, cho phép khách hàng thu thập điểm carbon, để cải thiện xếp hạng tín dụng.
Các quốc gia khác đang xem xét ý tưởng giao dịch carbon cá nhân, với các chương trình thử nghiệm, được thiết lập tại Phần Lan và đảo Norfolk của Úc. Bộ Môi trường Anh cũng đã yêu cầu tiến hành một nghiên cứu liên quan đến khả năng này vào năm 2006, nhưng kết luận vấn đề này chưa khả thi xét về mặt kinh tế và chính trị.
Singapore hiện đang tiến hành kế hoạch thưởng cho những người sử dụng điện hiệu quả với các thẻ "lá" có thể chuyển đổi sang những voucher mua sắm.
"Những nước khác đã thử nghiệm chương trình tự nguyện, gồm đồ họa hoặc chia sẻ dữ liệu phát thải khí carbon hoặc năng lượng ở quy mô nhỏ hơn," Benjamin Sovacool, Giáo sư về Trái Đất và Môi trường từ Đại học Boston cho biết.
"Nhưng họ thiếu quy mô như cách Trung Quốc đang làm, và không được tích hợp vào đồng xu carbon, và đây là một ý tưởng thông minh."
Rào cản về định lượng hóa và giao dịch
Thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để chuyển đổi sang hàng hóa lượng khí thải CO2 từ các cách hành vi đa dạng của con người - bao gồm cách họ đi làm, sưởi ấm hoặc đổ rác.
"Tất cả là về vấn đề xác thực," ông Lý Ấp Phi, Giáo sư môi trường, Đại học New York tại Thượng Hải cho biết. "Khi xét về mức độ thay đổi, cách sống của người dân vô cùng khác biệt. Đây là một vấn đề lớn."
Bà Trương Hân, phó chủ tịch ủy ban cùng tham gia cắt giảm carbon của Bộ Môi trường Trung Quốc nói, cần có những tiêu chuẩn tốt hơn để định lượng thái độ cắt giảm carbon, đưa ra cảnh báo trong các bình luận được công bố hồi năm nay rằng việc nở rộ những kế hoạch như vậy "đã dẫn đến sự nhầm lẫn và không thống nhất".
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết không rõ là các kế hoạch đã tạo nên những mức cắt giảm khí thải CO2 mới hay không hoặc chỉ thuần túy ghi nhận tình trạng đang xảy ra.
Thành phố Thượng Hải tuyên bố trong các quy định đã có hiệu lực hồi tháng này rằng, các kế hoạch của thành phố này sẽ cuối cùng "được kết nối hoàn toàn" vào thị trường carbon địa phương, với các doanh nghiệp để phép áp dụng mức cắt giảm carbon hộ gia đình để đạt mục tiêu.
Quảng Đông cũng để các doanh nghiệp đạt được nghĩa vụ phải cắt giảm 10% mức thải carbon thông qua tích điểm cùng tham gia chung cắt giảm khí thải.
Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thành những tham vọng giao dịch khí thải hiện tại. Đa số người sử dụng vẫn còn tham gia thụ động: một chương trình tại Bắc Kinh dù có hơn 30 triệu người dùng, nhưng chỉ có 1,4% người hoạt động.
Và cũng có những quan ngại rằng các chương trình cùng tham gia chung cắt giảm carbon có thể 'bỏ lọt lưới' những công ty gây ô nhiễm trong ngành công nghiệp, bằng cách chuyển gánh nặng cắt giảm khí thải sang những hộ gia đình.
"Con đường mà họ đang hướng đến vào lúc này, thật sự là chuyển những nghĩa vụ khí hậu từ các công ty lớn sang thêm nhiều cá nhân," ông Lý cho biết.
"Điều này cực kỳ nguy hiểm," ông nói thêm, vì có thể "tách biệt những cá nhân ra khỏi hành động chống biến đổi khí hậu."
Tự nguyện đối lập với bắt buộc
Trong khi hàng chục triệu người đã đăng ký tham gia vào các chương trình trên khắp đất nước, một số chuyên gia lo ngại điều này sẽ trao cho nhà nước Trung Quốc nhiều quyền lực hơn để can thiệp vào đời sống người dân, và trừng phạt những người không lựa chọn mức giảm carbon đúng.
"Trong khi kế hoạch này hiện tại mang tính tự nguyện, việc thiếu tính minh bạch, bản chất không chịu trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc và việc quốc gia này đã sử dụng dữ liệu lớn (big data) nhằm kiểm soát xã hội là tất cả các lý do gây quan ngại," bà Vương Á Thu, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc từ tổ chức Freedom House nói.
Giới chỉ trích cũng nói đến cách Trung Quốc giải quyết các vấn đề môi trường bằng những biện pháp gây tranh cãi như đóng cửa hàng ngàn doanh nghiệp để cắt giảm ô nhiễm, di dời nhiều hộ gia đình để lấy chỗ làm công viên quốc gia, cấm các gia đình nghèo khó sử dụng than đá để đốt sưởi ấm.
Một quan chức về khí hậu của Trung Quốc, Tô Uy nói với truyền thông trong nước rằng việc chuyển đổi xanh của Trung Quốc sẽ "không thể tránh khỏi việc bao hàm những thay đổi sâu sắc trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân và mô thức tiêu dùng", nhưng ông Tô cho biết chương trình cùng tham gia chung cắt giảm carbon sẽ vẫn mang tính tự nguyện.
Việc khuyến khích các đồng xu carbon ở trạm tàu ở thành phố Thâm Quyến đã không thu hút nhiều sự chú ý từ những người đi tàu vào một ngày làm việc bận rộn hồi tháng 10. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn phấn khởi về dự án này, tuyên bố hồi tháng trước rằng đã có 14,6 triệu người dùng đã đăng ký kể từ khí tiến hành hồi tháng 8/2022, cắt giảm lượng khí thải là 720.000 tấn mét khối.
Nhận xét
Đăng nhận xét