Israel - Palestine: Nhìn lại cội nguồn của xung đột
- TS. Nguyễn Phương Mai
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Mosul, Iraq
Vào ngày này cách đây 76 năm, 29-11-1947, BBC đưa tin về quyết định của Liên Hợp Quốc (LHQ) chia vùng Palestine làm hai phần, một cho dân Do Thái và một cho người Hồi.
Cuộc chiến hiện nay ở Gaza và xung đột ở Palestine thường coi đây làm mốc khởi điểm.
Tuy nhiên, cách nhìn này dễ bỏ qua bối cảnh lịch sử quan trọng đã dẫn tới tình trạng bất ổn nơi đây, nhất là vai trò của Anh ở cuộc chơi với những nước lớn trong ván bài lãnh thổ.
Palestine trước thềm thế chiến
Palestine là nơi sinh sống từ ngàn năm của nhiều sắc dân khác nhau. Có những bộ lạc đóng vai trò khởi thủy, di cư từ Hy Lạp, nhưng sau đó đã hoàn toàn biến mất như người Palestine, chỉ có cái tên của họ trở thành tên của vùng đất. Có những sắc dân di cư từ Iraq tới đây, thậm chí dựng nên quốc gia thịnh vượng, nhưng sau đó suy tàn, chỉ còn chiếm 3% dân số như người Do Thái. Sắc dân chủ đạo của Palestine là người Ả Rập Hồi giáo, nhưng dân các tôn giáo khác đều tự nhận mình là người vùng Palestine.
Là thánh địa của Thiên Chúa giáo, Palestine bị tàn phá nặng nề trong các cuộc Thập Tự Chinh. Suốt hơn 200 năm, theo lời chiêu dụ của Giáo Hoàng, các đoàn quân châu Âu không ngừng tấn công Jerusalem nhằm “giải phóng” vùng đất thiêng Thiên Chúa khỏi sự “chiếm đóng” của nhà cầm quyền Hồi giáo “ngoại đạo”. Dưới cái tên thánh chiến, quân Thập Tự vơ vét của cải, thảm sát người Hồi, người Do Thái và các tôn giáo khác.
Palestine yên ổn nhất trong 400 năm cai trị của Thổ Ottoman. Tuy là một đế chế Hồi giáo, nhưng với dân số vô cùng đa dạng, Thổ dùng sách lược “millet” (cộng đồng) dựa trên cơ sở “tôn giáo” để duy trì hòa bình. “Millet” công nhận danh tính, đặc quyền, khả năng tự trị của từng cộng đồng trong việc thực hành tín ngưỡng, bầu thủ lĩnh, thiết lập tòa án, lưu truyền ngôn ngữ và giải quyết tranh chấp nội bộ.
Chủ nghĩa phục quốc Zionism và Palestine
Vào thế kỷ 19, phong trào bài Do Thái ở Nga (pogrom) khiến một vài nhóm nhỏ chạy tị nạn đến Palestine. Năm 1886, họ được một người Do Thái tên là Theodor Herzl phát hiện ra.
Herzl là một nhà báo sinh ra là lớn lên ở châu Âu. Ông hầu như không quan tâm đến tôn giáo của mình cho đến khi chứng kiến dân Do Thái ở Pháp bị phân biệt đối xử tàn tệ. Khi biết về những người Do Thái Nga tị nạn ở Palestine, Herzl bắt đầu đổ tâm sức cho lý tưởng lớn giải cứu đồng loại.
Chủ nghĩa phục quốc Zionism thành hình với câu trả lời là người Do Thái phải có một quốc gia. Nó cũng đi kèm một câu hỏi lớn: quốc gia đó ở đâu và ai dám chấp nhận những kẻ lạ đến xây nhà trên đất họ?
Câu trả lời nằm trong bàn tay quyền lực của các đế chế thực dân. Họ tuy ngăn dân Do Thái di cư đến mẫu quốc, nhưng lại có thể cho dân Do Thái ở lại trên “đất đai vốn của kẻ khác”.
Theo tiểu sử của Herzl, năm 1902, ông kết nối được với giới chính trị gia nước Anh và ngỏ ý xin lập quốc ở đảo Cyprus hoặc vùng El Arish cạnh bán đảo Sinai (Ai Cập ngày nay). Đề nghị của Herzl bị bác bỏ, nhưng ông lại được gợi ý là thử xin Uganda xem sao. Chính phủ Anh đồng ý.
Tuy nhiên, khi Herzl chia sẻ tin vui với tổ chức của mình thì nhiều người lại không hào hứng. Bất chấp việc người Do Thái phải chịu kiếp lưu vong và nhiều khổ nạn, họ cho rằng quốc gia Do Thái phải ở Palestine, nơi có thành Jerusalem mà tổ tiên họ đã lập nước từ 3000 năm trước.
Người Anh không mặn mà với ý tưởng này cho đến khi Thế Chiến thứ nhất bắt đầu nóng lên.
Lò lửa quyền lực châu Âu
Thế Chiến I (1914-1918) được châm ngòi sau vụ ám sát vị thái tử sẽ thừa kế ngai vàng Áo-Hung khiến nước này tuyên chiến với Serbia. Tuy nhiên, yếu tố khiến lò lửa thế chiến bùng lên là nỗi lo ngại một nước Đức đầy tham vọng bành trướng, đe dọa vùng ảnh hưởng của thực dân Anh, thậm chí kiêu ngạo cho rằng Anh sẽ không dám đối đầu.
Chính vì Đức về phe bảo vệ Áo-Hung nên Anh Pháp Mỹ vì sợ Đức lợi dụng xung đột để bành trướng mới thấy cần nhập cuộc. Chính vì Nga Sa Hoàng chọn bảo vệ Serbia nên Thổ Ottoman mới bị Đức lôi vào để đánh đổi cho phần thưởng là miếng bánh Nga sau khi thắng trận.
Theo sử gia gốc Palestine Rashid Khalidi, Anh coi việc Nga trở thành đồng minh là điều cực chẳng đã. Palestine (do Thổ cai trị) là vùng đệm để chặn Nga. Điều Anh lo sợ là đồng minh Nga sẽ lấy luôn Palestine nếu Nga thắng trận. Tuy nhiên, Đức cũng sẽ lấy luôn Palestine nếu Đức thắng trận. Tóm lại, Đức là kẻ thù phía Tây và Nga là kẻ thù phía Đông. Bài toán của Anh là làm sao để cả “đối thủ Đức” và “đồng minh Nga” đều thua trận.
Lời giải cho nước Anh khi đó là: chiếm luôn vùng đệm Palestine. Việc làm chủ Palestine sẽ biến nơi đây thành chiếc cầu nối liền các phần lãnh thổ của đế chế Anh trên hai lục địa Á Phi, thông suốt cả đường bộ lẫn đường thủy, đặc biệt là kênh đào Suez.
Những toan tính của Anh
Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, quyền tự quyết dân tộc (self-determination) trở thành một làn sóng tư tưởng mạnh mẽ, trong đó nổi bật là nhà cách mạng Nga Lenin với mục tiêu lật đổ chế độ Sa hoàng và Tổng thống Mỹ Wilson với mục tiêu xây dựng một châu Âu ổn định hơn sau thế chiến. Quyền tự quyết được hưởng ứng mạnh mẽ bởi các dân tộc sống trong chế độ thuộc địa. Họ muốn tự do lập quốc và quyết định vận mệnh của mình.
Chính vì thế, sử gia người Mỹ David Fromkin cho rằng, việc chiếm Palestine khiến Anh đối mặt với một câu hỏi mang tính thời đại: Làm sao để đô hộ vùng đất này mà không đi ngược lại làn sóng tư tưởng phản đối chủ nghĩa đế quốc thực dân của chính đồng minh? Giải pháp là Anh sẽ không “đô hộ”, mà chỉ nhận sự ủy nhiệm (mandate) của Hội Quốc Liên (LHQ hiện nay), “giữ trật tự” trong thời gian những sắc dân ở Palestine chuẩn bị cho quá trình lập quốc.
Câu hỏi thứ hai không kém phần quan trọng: Làm sao để người Palestine về phe với Anh và chống lại chính quyền Thổ đang cai trị? Giải pháp là cam kết McMahon-Hussein ký năm 1915 với lời hứa: dân Ả Rập sẽ có độc lập trên lãnh thổ Palestine sau khi Thổ thua trận.
Câu hỏi thứ ba nối liền với hai câu hỏi đầu tiên: nếu “cho phép” người Hồi Ả Rập và Do Thái lập quốc thì ảnh hưởng của Anh và đồng minh sau thế chiến sẽ ra sao?
Câu trả lời là hiệp ước Sykes-Picot giữa Anh Pháp Nga ký năm 1916. Ba cường quốc đã bí mật vẽ lại bản đồ Trung Đông, chia vùng ảnh hưởng trong trường hợp Thổ thua trận. Cả người Hồi lẫn người Do Thái đều không biết rằng vùng Palestine (đã hứa cho cả hai) vì quá đặc biệt nên bị tạm coi là vùng quốc tế, sẽ được chia sau khi thắng trận.
Tại sao Anh ủng hộ Zionism?
Ngoài những lời hứa với người Ả Rập bản địa, Anh dần nhận ra ích lợi của việc một số dân Do Thái châu Âu theo Chủ nghĩa Phục quốc cứ khăng khăng phải đến Palestine mới chịu.
Với học giả người Anh Bernard Regan, về bản chất, đó là “di cư đến quê hương mới”. Nhưng vì chủ nghĩa dân tộc đang lên cao, việc họ gọi đó là “trở về quê hương cũ” hoàn toàn phù hợp với tư tưởng dân tộc tự quyết. Anh trở thành kẻ bảo vệ các dân tộc bị áp bức, đồng thời có một lý do chính đáng để tiến vào và “giữ trật tự” vùng Palestine.
Nếu lý do thứ nhất được ngụy trang dưới hình thức tư tưởng dân tộc tự quyết, lý do thứ hai lại là sự chân thành kỳ lạ xuất phát từ cội nguồn tôn giáo. Một góc trái tim của nhiều chính trị gia Anh khi đó tin vào sự kết nối sâu sắc Do Thái-Thiên Chúa khi kinh thánh của họ đều nói về tộc người Do Thái 3000 năm trước lập quốc ở Palestine.
Lý do thứ ba là việc Anh có thêm đồng minh từ cả ba nhóm dân Do Thái (A) tuy nhỏ nhưng đang ở sẵn Palestine, (B) dòng dân Do Thái khổng lồ sẽ di cư nếu Anh cho phép và (C) dân Do Thái ở khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Anh dường như đã phán đoán sai về năng lực của nhóm dân thứ ba, có lẽ là do khả năng ngoại giao của các lãnh đạo Zionism. Đại sứ Anh ở Nga báo cáo rằng người Do Thái Nga thực ra vô cùng yếu thế. Việc ủng hộ Zionism sẽ không khiến Do Thái Nga thuyết phục được những nhà cách mạng (đang muốn lật đổ Nga Sa Hoàng) để họ thành đồng minh của Anh. Báo cáo này bị gạt qua một bên.
Vấn đề là, không chỉ Anh mà Pháp cũng tin vào sức mạnh của dân Do Thái ở Nga và Mỹ.
Cuộc chạy đua Anh Pháp để ủng hộ Zionism
Thoạt tiên, Pháp không ủng hộ người Do Thái ở Palestine vì đất thánh phải là của người Thiên Chúa. Tuy nhiên, Pháp thay đổi bởi tài nghệ ngoại giao của lãnh đạo Zionism. Họ khiến Pháp tin rằng người Do Thái ở Nga (Sa hoàng) và Mỹ sẽ tác động để hai đất nước này tiếp tục tham chiến, giúp Anh Pháp thắng lợi. Đổi lại, họ cần Pháp gật đầu với Chủ nghĩa Phục quốc.
Năm 1917, Pháp viết một bức thư tuyên bố ủng hộ Zionism (Cambon letter). Dù đã cố tình dùng sáo ngữ để không bị ràng buộc cụ thể, nhưng Pháp công nhận cội nguồn của người Do Thái là vùng “đất thánh” và việc họ trở về là “lẽ công bằng”.
Bức thư khiến chính trường Anh dao động. Nếu Pháp công khai ủng hộ Zionism thì Anh cũng cần làm tương tự. Nếu chậm chân, họ sẽ mất lợi thế khi chia chác Palestine - về nguyên tắc là vùng quốc tế cần đàm phán như trong mật ước Sykes-Picot.
Lực cản lớn nhất đến từ chính cộng đồng Do Thái của Anh. Họ phản đối Zionism vì cho rằng ý tưởng “quay về Jerusalem” khiến nhiều thế hệ Do Thái phải chối bỏ nguồn gốc châu Âu từ hàng nghìn năm của mình. Tệ hơn, chính quê hương châu Âu có thể lợi dụng tạo sức ép để họ phải di cư đến quê “gốc”. Đây cũng là cách nhìn của nhiều cộng đồng Do Thái ở Mỹ.
Sự phản đối này bị dập tắt khi một tờ báo của Đức cho rằng Anh ủng hộ Zionism để có lý do thâu tóm Palestine, nối liền hai lục địa Á Phi. Vì thế, Đức cũng nên ủng hộ dân Do Thái vì điều đó có lợi cho giấc mơ đế quốc.
Lo sợ bị chậm chân, ngay trong năm 1917, chính phủ Anh viết một bức thư gửi đến công dân Do Thái nổi tiếng nhất của Anh, chính thức bày tỏ sự ủng hộ với Zionism.
Bức thư Balfour
So với bức thư Cambon của Pháp, bức thư Balfour khẳng định rõ ràng sự bảo trợ của chính phủ Anh. Chỉ gồm 1 câu 67 chữ, nó thâu tóm những điểm cơ bản làm nền tảng cho cuộc xung đột kéo dài cho đến tận hôm nay.
Trước hết, đó là khái niệm “national home” chưa hề có tiền lệ, để ngỏ cửa cho việc dịch thế nào cũng được, từ việc coi đó là “nơi chốn nương thân cho dân tộc” hay quyền “lập quốc” của người Do Thái.
Tiếp theo, nó được viết bởi một đế chế chưa có quyền hành gì ở Palestine, nhưng lại hứa sẽ tặng Palestine cho một nhóm người không hề sống ở Palestine. Một cách gián tiếp, bức thư dùng lý lẽ tôn giáo để bào chữa cho ý đồ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân.
Điều đáng phê phán nhất là toàn bộ bức thư không hề có tên người Hồi Ả Rập - khi đó chiếm 94%. Họ được nhắc đến với tư cách làm nền cho nhóm Do Thái trung tâm. Balfour miêu tả họ là “non-Jewish” - những người không-phải-Do-Thái. Chưa hết, 94% dân số này chỉ được đảm bảo quyền công dân và quyền tín ngưỡng chứ không phải quyền chính trị và quyền tự quyết dân tộc.
Hệ lụy hơn 100 năm sau
Bức thư Balfour năm 1917 mở toang cánh cửa cho cuộc di cư ồ ạt của người Do Thái từ châu Âu. Trong ba thập kỷ cho đến khi Israel chính thức lập quốc, dân số Do Thái tăng khoảng 10 lần, từ vài chục ngàn thành 600.000, chiếm 33%.
Người Palestine lập tức phản đối bằng cả con đường ngoại giao lẫn bạo lực cách mạng. Anh bị bất ngờ trước được sự phản kháng mãnh liệt này. Bởi tự sâu trong thâm tâm, họ đã đối xử với Palestine với quan điểm thực dân. Đó không chỉ là sự coi thường quyền lợi của dân bản xứ mà còn là niềm tin thượng đẳng rằng mình đang làm điều tốt, rằng người Do Thái sẽ đóng góp cho sự phát triển của Palestine.
Vào ngày này năm 1947, Anh đã nhìn ra sự sai lầm của mình và bỏ phiếu trắng trong quyết định của LHQ chia lại Palestine. Từ đó đến nay, các sử gia Anh không ngừng chỉ trích chính sách ủng hộ Zionism. Tờ Guardian cho rằng bức thư Balfour là lỗi lầm tệ hại nhất trong lịch sử 200 năm gần đây bởi những hệ lụy của nó đã khiến Palestine 100 năm qua không ngừng đổ máu.
TS. Nguyễn Phương Mai là chuyên gia về Giao tiếp-Quản trị đa văn hoá và Khoa học Thần kinh Ứng dụng dựa trên kiến thức về não bộ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét