Nguyễn Quí Đức: 'Nhà' là nơi mình sinh ra

 Bui Van Phu

NGUỒN HÌNH ẢNH,BUI VAN PHU

Chụp lại hình ảnh,

Nguyễn Quí Đức trong buổi giới thiệu sách của tác giả Pháp gốc Việt Line Papin tại San Francisco ngày 25 tháng 3, 2023

  • Tác giả,Bùi Văn Phú
  • Vai trò,Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Berkeley, California

Tháng 3-1975 bộ đội cộng sản tiến vào Đà Nẵng, Nguyễn Quí Đức theo thân nhân di tản về Sài Gòn rồi ra Phú Quốc. Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975 thì Đức rời Việt Nam trên con tàu Challenger.

Đến Mỹ vào tuổi 17, lúc đầu định cư ở Ohio, rồi qua Virginia và như nhiều người tị nạn khi đó sống rải rác ở nhiều tiểu bang miền đông, Đức đã di cư lần thứ hai, tây tiến về California, nơi có đông người Việt, có nắng ấm, nơi cùng san chia biển mặn Thái Bình Dương với quê nhà Việt Nam.

Sau 30 năm ở Mỹ và có lúc sống bên Indonesia, Anh và Morocco, từ năm 2006 anh về sống ở Hà Nội và qua đời ở đó hôm 22-11-2023.

'Nhà truyền thông'

Nguyễn Quí Đức là một nhà làm truyền thông, một nhà văn yêu nước Việt, văn hoá Việt và người Việt. Tôi gặp anh lần đầu năm 1981, khi anh đang phụ trách một chương trình phát thanh tiếng Việt ở San Francisco và mời tôi lên sóng thảo luận về sinh hoạt cộng đồng vì tôi là thành viên trong ban chấp hành của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học U.C. Berkeley và cũng là trưởng nhóm của Bút nhóm Ý Thức.

Anh là người tiên phong thực hiện các chương trình phát thanh tiếng Việt ở thành phố này.

Lần đầu tiên trong đời có cơ hội đến trụ sở một đài phát thanh, nên tôi hình dung trong đầu là một nơi rộng lớn với máy móc tối tân. Nhưng không phải thế, đây là phòng ghi âm và phát thanh của đại học nơi anh đang học, rộng chừng 5 mét vuông, vừa đủ chỗ cho dàn máy và hai ghế ngồi, kiểu ghế trong lớp học có bàn để ghi nốt, nhưng thay vì để tập vở thì có microphone trên ghế.

Chúng tôi trò chuyện về hoạt động sinh viên, sinh hoạt văn hoá, báo chí của người Việt tại vùng Vịnh và rộng ra là ở tiểu bang California. Đức có giọng Huế, không nặng lắm mà truyền cảm, dễ nghe. Tiếng Anh thật trôi chảy cho tôi cảm tưởng như anh là sinh viên du học trước năm 1975. Đức theo học ngành truyền thanh tại Đại học San Francisco State University, với giọng tốt và đam mê nên sau này anh đã thành đạt trong nghề theo đuổi.

Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trong các sinh hoạt cộng đồng, thường là các buổi lễ truyền thống Việt do Trung tâm Định cư Đông Nam Á tổ chức ở San Francisco, lúc đó do anh Michael Huỳnh làm giám đốc điều hành và là một người anh tinh thần của Đức.

Hè 1983 tôi qua Togo, châu Phi dạy học trong chương trình Peace Corps. Sau đó nghe tin Đức qua làm việc bên trại tị nạn ở Đông Nam Á.

Bui Van Phu

NGUỒN HÌNH ẢNH,BUI VAN PHU

Chụp lại hình ảnh,

Nguyễn Quí Đức, thứ hai từ phải, trong một hội thảo tại San Jose năm 2000

Cuối năm 1985, không hẹn trước chúng tôi gặp lại nhau tại trụ sở đài BBC, trong Bush House ở London. Đức đang làm biên tập viên cho ban Việt ngữ, còn tôi vừa hết thời gian dạy học ở châu Phi và cũng muốn làm việc với chương trình Việt ngữ của BBC và đã gửi đơn xin việc trước khi rời Togo. Hôm đó tôi đến đài để làm bài thi và thử giọng.

Đức đưa tôi xuống căng-tin ăn trưa. Hỏi về công việc, Đức nói với văn bằng khoa học, về Mỹ chắc chắn tôi có việc mà còn lương cao nữa, chứ bên này chỉ đủ sống và buồn vì người Việt ở đây không đông như ở California. Điều này phó ban Việt ngữ cũng vừa nói với tôi mấy phút trước trong khi phỏng vấn xin việc. Anh kể cho tôi nghe vài chuyện thích thú như đi làm phóng sự gặp bộ trưởng từ Việt Nam qua mà anh có gặp mặt, phỏng vấn. Những quan chức cộng sản mà chúng tôi đã coi như kẻ thù.

Tôi cũng hỏi Đức về việc làm bên trại tị nạn ra sao vì tôi cũng muốn làm việc ở đó, Đức nói anh không thích các chương trình hướng dẫn hội nhập dành cho người tị nạn được Mỹ nhận cho định cư mà anh cho là một hình thức “cultural indoctrination” – nhồi sọ văn hoá.

Mấy năm sau, từ trại tị nạn ở Đông Nam Á về Hoa Kỳ tôi có dịp gặp lại Đức trong các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật của cộng đồng khi anh làm việc với đài phát thanh KALW-FM ở San Francisco.

Là người gốc Việt có khả năng làm truyền thanh dòng chính nên khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách phương Tây, anh đã về làm phóng sự về sinh hoạt đời sống, về những thay đổi đang diễn ra trên quê hương nguồn cội sau ngày có chính sách “Đổi mới”. Loạt phóng sự đem đến cho anh giải thưởng xuất sắc của Overseas Press Club. Anh cũng còn là một nhà bình luận trong chương trình “All Things Considered” trên hệ thống truyền thanh National Public Radio.

Giao tiếp với bên ngoài, anh có tên Duke Nguyễn, thường mặc trên người chiếc áo măng-tô trông rất mốt như dân Tây và hút thuốc lá liền tay, ngay cả trong lúc anh là mẫu hình trên những tấm bảng lớn của chương trình Sức Khoẻ Là Vàng khuyên cư dân không hút thuốc lá.

Từ năm 2000 đến 2006 anh phụ trách chương trình Pacific Time, mỗi tuần 30 phút vào chiều thứ Năm trên đài KQED-FM, chú trọng đến cộng đồng người Mỹ gốc châu Á, trong đó có sinh hoạt của người Việt và được phát thanh tại nhiều tiểu bang.

Đức còn có nhiều bài viết trên các báo Asian Wall Street Journal, New York Times, Los Angeles Times, Smithsonian, Mekong Review, San Francisco Examiner, San Jose Mercury News.

Hoạt động văn học, nghệ thuật

Ngoài lãnh vực truyền thông, Nguyễn Quí Đức bước vào sinh hoạt văn học với thơ văn, dịch thuật. Tác phẩm “Where The Ashes Are” [Nxb Addison & Wesley 1994] – Ở đâu có tro than – là một tự truyện về những gì gia đình anh đã trải qua trong thời chiến tranh và riêng anh đã hội nhập vào đời sống mới như thế nào từ khi đến Mỹ.

Với người cha là phó tỉnh trưởng hành chánh của Huế đã bị bắt đi khi Việt Cộng tấn công vào thành phố trong Tết Mậu Thân 1968, nhưng sau Hiệp định Paris 1973 cha của anh không được trao trả mà tiếp tục bị cầm tù ở miền Bắc cho đến năm 1980 mới được Hà Nội thả và gia đình qua Mỹ định cư năm 1984.

Trở lại quê nhà lần đầu tiên năm 1989, anh thấy “Việt Cộng” cũng là người thường, đâu có ghê sợ như anh thường nghe nói hay gặp trong những cơn ác mộng. Đức về quê nhà cũng là để mang tro than của người chị mắc bệnh tâm thần đã qua đời để được gần bên bố mẹ và anh em bên Mỹ.

Trở lại quê hương đã cho anh một cái nhìn thân thương hơn về đất nước, về con người Việt Nam. Ý tưởng dùng văn học làm nhịp cầu hoà giải và hàn gắn thương đau nẩy sinh và anh đã cùng một số bạn yêu thích văn học Việt lập nhóm Ink and Blood – Mực và Máu – tạo cơ hội thảo luận về dòng văn học Việt quá khứ cũng như tương lai. Nhưng dự án gặp sự phản đối của nhiều văn nghệ sĩ và cộng đồng người Việt tại hải ngoại khi hội thảo có các nhà văn từ trong nước.

Trong nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật khác, dù có những khuyên can không nên tham dự vào, không cho “Việt Cộng có cơ hội tuyên truyền”, nhưng anh vẫn đến nói chuyện về sự thiếu tự do ở quê nhà, lên tiếng cho văn nghệ sĩ còn bị cầm tù.

Năm 1999 anh có bài nói chuyện tại Bảo tàng Bowers ở Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, khi có triển lãm chủ đề “The Winding River” – Dòng sông uốn khúc – với tranh ảnh của những hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia từ trong nước và tại Hoa Kỳ. Anh không tán đồng quan điểm tẩy chay hay đòi hỏi ban tổ chức phải kiểm duyệt các tác phẩm được chọn trưng bày.

Nguyễn Quí Đức cũng là một dịch giả đã chuyển sang Anh ngữ văn, thơ, kịch bản của Hữu Thỉnh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nhã Thuyên, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thạc Chuyên, Đặng Nhật Minh, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp; đã giới thiệu với độc giả tiếng Anh về tranh của Trần Tuyết-Mai, Lê Thanh Minh, Thượng toạ Viên Thức.

Trở về Việt Nam

“Bún chả” Hà Nội được anh giới thiệu ra thế giới từ đầu thập niên 1990, mà hai mươi năm sau Tổng thống Barack Obama cùng Anthony Bourdin đã thưởng thức khi thăm Hà Nội.

Ba của anh, ông Nguyễn Văn Đãi qua đời năm 2000. Năm 2006 Đức quyết định đưa người mẹ đau yếu về Việt Nam sống tuổi già. Xây nhà cho mẹ trên đồi núi Tam Đảo, một căn nhà do chính anh vẽ kiểu với lối kiến trúc lạ, đẹp đã được lên báo New York Times và các tạp chí về kiến trúc, nhà cửa.

Chọn Hà Nội làm nơi mở quán rượu và nhà hàng Tadioto, mục đích không phải kinh doanh mà anh muốn tạo không gian sinh hoạt văn nghệ cho thủ đô, là nơi có những đêm nhạc sống, là chỗ gặp gỡ cho văn nghệ sĩ. Tadioto mang sắc thái nghệ thuật riêng của Đức, là điểm hẹn của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ quốc tế khi đến Hà Nội, dù quán đã phải đổi chỗ đến bốn lần trong hơn mười năm.

Năm 2014, phóng viên chuyên mục ẩm thực đường phố của CNN là Anthony Bourdin đã mời Nguyễn Quí Đức đi chung để giới thiệu ông với cố đô và các món đặc sản Huế. Xem chương trình, tôi ngạc nhiên nghe anh kể lại chuyện Mậu Thân 68 khi cha của anh bị Việt Cộng bắt đem đi và mấy nghìn dân lành bị Việt Cộng giết chết khi đó.

Một lần gặp lại khi anh về vùng Vịnh, tôi hỏi nhà nước có làm khó dễ vì chuyện kể Mậu Thân, anh cho biết họ không hài lòng. Tôi cũng hỏi anh có dự định phát hành tác phẩm “Where The Ashes Are” bản tiếng Việt, anh trả lời khó thực hiện vì Mậu Thân ở Huế còn là vấn đề nhạy cảm.

Dịp kỷ niệm 50 năm biến cố Mậu Thân, trên tạp chí Smithsonian tháng 1-2018 Nguyễn Quí Đức thuật lại chuyện đã bị cán bộ nhà nước công khai ngăn cản không cho anh kể lại chuyện Mậu Thân và còn doạ nạt phóng viên từ Đức-Pháp đến gặp anh tại nhà ở Hà Nội để làm phóng sự về Việt Nam.

Anh không ngại nói lên những sự thực. Qua bài viết về chính sách kiểm duyệt văn hoá tại Việt Nam trên báo New York Times ngày 27-4-2014, anh kể rằng những năm khi mới về Hà Nội sinh sống thì luôn có công an theo dõi, họ cũng tra vấn anh về những gặp gỡ với trí thức trong nước hay với nhà báo quốc tế.

Chào đời tại Đà Lạt năm 1958, lớn lên ở Huế, Đà Nẵng và năm 17 tuổi rời bỏ quê hương ra đi. Sau ba mươi năm phiêu bạt anh đã trở về, sống 17 năm cuối đời trên đất nước Việt Nam, dù nơi đó ra sao đi nữa thì cũng đã thực sự là “Nhà” của anh.

Tác giả Bùi Văn Phú là một giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?