Israel - Hezbollah: Quân sự là con đường duy nhất giải quyết xung đột ?
ĐIỂM TUẦN BÁO
RFI
Tại Trung Đông, cuộc chiến giữa Hezbollah và Israel và ý định của Nhà nước Do Thái xâm nhập bằng đường bộ vào miền nam Liban, vẫn là điểm nóng thời sự được nhiều tuần báo quan tâm.
Đăng ngày:
Theo tuần báo L’Express, giống như « Beyrouth », hay « Việt Nam », « Gaza » không chỉ còn là một tên địa danh bình thường mà mang tính biểu tượng của nỗi kinh hoàng, của thảm kịch. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng, « Liban » sẽ trở thành một « Gaza » khác, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah.
Israel đã kêu gọi thường dân ở khu vực biên giới đi sơ tán, giống như là đã làm với Gaza khi mở chiến dịch tấn công vào dải đất Palestine này. Tấn công vào Liban sẽ phác lại một cơn ác mộng, mà Israel thực hiện cách nay 18 năm, với một hậu quả về nhân mạng đáng buồn, cho thấy sự coi thường số phận con người đến tột cùng. « Một Gaza khác ở Liban » sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến không có hồi kết, do thiếu giải pháp ngoại giao từ một cộng đồng quốc tế bất lực.
Đặc phái viên của Le Nouvel Obs tại Liban thì nêu ra nỗi lo lắng của người dân miền nam nước này, đang sống chung với tiếng bom rơi đạn lạc. Nỗi sợ cũng bao trùm cả hai bên đầu biên giới, nhưng theo The Economist, hai phe vẫn còn thời gian và lý do đúng đắn để kiềm chế. Bởi nếu căng thẳng leo lên một nấc thang mới, thì sẽ chỉ thấy máu đổ, và cảnh phá hủy, đổ nát.
Israel điều nhiều quân đến miền bắc, giáp với nam Liban hơn là cách nay 9 tháng, khi xung đột giữa hai bên nổ ra liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên, để thực hiện cuộc xâm nhập trên bộ tiến vào Liban thì cần phải điều thêm nhiều nhân lực hơn.
Hiện Israel đã tuyên bố phá hủy gần như 50% kho vũ khí của Hezbollah, nhưng nhóm này được cho là sở hữu hơn 120.000 tên lửa. Các cuộc chiến trong quá khứ ở Liban đã chỉ ra rằng việc tăng cường chiến dịch quân sự ở nước Trung Đông này không bảo đảm thắng lợi cho Israel.
Giảng viên tại đại học Princeton, Bernard Haykeh, chuyên gia về Trung Đông nhận định rằng mặc dù đã bị Israel làm suy yếu nhưng Hezbollah vẫn có khả năng làm tổn hại cho Israel. « Phải nói rằng Hezbollah tồn tại không phải vì Liban mà là để bảo vệ Iran, làm tuyến đầu phòng thủ cho chế độ Teheran. Cũng chính vì lý do này, mà Hezbollah không hoàn toàn tham gia vào cuộc chiến sau sự kiện 07/10. Mặc dù nhiều thành viên đã bỏ mạng, nhiều ngôi làng đã bị phá hủy ở miền nam Liban. »
Tuy nhiên nếu điều quân để tấn công vào Liban trên bộ sẽ khiến lực lượng Israel bị phân tán, không thể dồn lực ở Gaza, và chống lại một kẻ thù được trang bị vũ trang tốt, biết rõ địa hình. « Mở một cuộc chiến thứ hai sẽ làm nguy hại đến kinh tế của Israel. Tình trạng khủng hoảng ở Liban sẽ trở nên trầm trọng hơn. Ngay cả Iran, bên yểm trợ cho Hezbollah cũng tỏ ra đề phòng trước nguy cơ leo thang »
The Economist kết luận rằng Israel không thể tiêu diệt Hezbollah, nhưng có thể khiến nhóm Hồi giáo Shia suy yếu, bằng cách phá hủy các kho vũ khí, chứa tên lửa tầm trung, cùng các chỉ huy cấp cao. Tuy nhiên, nếu Nhà nước Do Thái nhắm vào các lãnh đạo chính trị, bao gồm Hassan Nasrallah hoặc các tên lửa tầm xa, thì Hezbollah và Iran sẽ tính toán đến việc sử dụng các tên lửa tầm xa này, nhắm vào Israel, thay vì để mất chúng.
Israel và « cuộc chiến sinh tồn » với Hezbollah
Hezbollah có thể không muốn căng thẳng leo thang. Thế nhưng, chiến dịch tấn công của Israel gần đây (sau vụ nổ máy nhắn tin và Talki-walki và nhiều thủ lĩnh quân sự bị triệt hạ), ít nhất 500 người bỏ mạng, khoảng 1.600 người bị thương, Hezbollah bị cho là « yếu kém », « thảm hại ». Nhóm này được biết đến là có khả năng xoay sở tốt, dù không rõ các lãnh đạo của Hezbollah đang tính toán gì, « nhưng họ có khả năng nói nhiều mà không hành động, và thỏa mãn với các hành động mang tính biểu tượng. Nhưng đối với Israel, cuộc chiến với Hezbollah thì lại mang tính sinh tồn ».
Tuần báo Le Point thì cho rằng « cuộc chiến chống lại Hezbollah của Israel là tự vệ chính đáng ». Trong mục xã luận, cây bút Luc de Barochez nhắc lại rằng từ một năm qua, nhóm Hồi giáo có vũ trang ở Liban đã bắn hơn 8500 tên lửa, đạn pháo và drone vào Israel, và số lượng này không đáng kể so với lượng vũ khí khổng lồ mà Iran cấp cho. Các cuộc tấn công gần đây của Israel nhắm vào Hezbollah, theo Le Point, chỉ là một nỗ lực nhỏ bé, « nhằm khôi phục lại khả năng răn đe của Israel », hoặc chỉ là khởi đầu của chiến dịch đẩy lùi Hezbollah về phía bắc của sông Litani, được coi là đường ranh giới mà nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ấn định từ năm 2006, nhưng không được tôn trọng.
Các cuộc tấn công đẫm máu của Israel đã bị lên án là không tuân thủ luật pháp quốc tế về nhân đạo. Nhưng theo Le Point, cần phải tranh luận vì « trên hết, Israel là một Nhà nước có chủ quyền », và có quyền tự vệ khi bị tấn công.
Cuộc tự vệ của Israel là « chính đáng », vì trái với Hamas, nhóm Hezbollah lại không ngần ngại nêu ra những ý định « diệt chủng ». Lãnh đạo của tổ chức này, ông Hassan Nasrallah, coi Nhà nước Do Thái là một khối ung thư cần phải loại bỏ. Xã luận Le Point còn khẳng định rằng các chiến dịch của Mossad là tuân thủ luật chiến tranh, chỉ nhắm vào nhóm Hezbollah. Xã luận tuần báo kết luận rằng xung đột giữa hai bên chỉ có thể giải quyết được bằng con đường quân sự.
Ukraina nên chấp nhận sự thật nghiệt ngã là « đang thua »
Về chiến tranh Ukraina, The Economist chạy tựa « Ukraina và đồng minh cần phải thay đổi hướng đi ». Tuần san kinh tế khẳng định rằng nếu Kiev và đồng minh phương Tây muốn thắng Nga thì trước tiên phải thừa nhận là mình đang thua.
Điều mà Ukraina cần làm hiện nay là phải thay đổi lối tiếp cận, chứ không phải chỉ là một « kế hoạch chiến thắng Nga », được trình bày với tổng thống Mỹ trong tuần qua. Cuộc tiến công của Nga ở phía đông Ukraina, đặc biệt là xung quanh Pokrovsk cho thấy Ukraina đang suy yếu, dần « đánh mất vận may trên chiến trường ». Theo ước tính gần đây, khoảng 1.200 lính Nga bỏ mạng hoặc bị thương, trong tổng số 500.000 được điều động. Nhưng tổn thất của Ukraina cũng không nhỏ, khi các tuyến phòng thủ của nước này đang dần sụp đổ. Dân số Ukraina cũng chỉ bằng một phần năm của Nga.
Nga cũng phá hủy nhiều hệ thống điện khiến người dân Ukraina lại phải trải qua thêm một mùa đông lạnh giá, dù đã quá chán ngán với cảnh chiến tranh. Kiev cũng phải vật lộn để huy động, đào tạo thêm lính để duy trì các vị trí của mình, giữ vững phòng tuyến, chứ chưa nói đến việc giành lại lãnh thổ. The Economist nhận định rằng « có một khoảng cách rất lớn » giữa mong muốn giành chiến thắng của Ukraina và ý chí hoặc khả năng chiến đấu vì chiến thắng đó.
Ngán ngẩm với chiến tranh
Cộng đồng quốc tế cũng đang mệt mỏi với cuộc chiến ở sườn đông châu Âu từ hơn 2 năm qua. Phe cực hữu ở Pháp và Đức cho rằng ủng hộ Ukraina là lãng phí tiền bạc. Tại Mỹ, Donald Trump hoàn toàn có khả năng trở lại Nhà Trắng, và khẳng định rằng « muốn bán đứng Ukraina cho tổng thống Nga ».
Nếu tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn khăng khăng rằng Ukraina có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga đã lấy mất kể từ 2014, thì điều này chỉ làm suy giảm sự ủng hộ cho Ukraina, khiến xã hội Ukraina bị chia rẽ hơn.
Nếu Zelensky chấp nhận « sự thật nghiệt ngã » này, các nhà lãnh đạo phương Tây giúp Kiev bảo đảm năng lực quân sự và an ninh cần thiết, thì Ukraina có thể chứng minh được với Nga rằng các cuộc tấn công của mình là vô ích. Theo The Economist, Nga không phải muốn giành lãnh thổ của Ukraina, mà là muốn tấn công vào sự thịnh vượng và nền dân chủ xích lại gần phương Tây của Kiev. Vấn đề đặt ra là Ukraina không thể vạch ra con đường đến thắng lợi, nếu chưa biết được mức độ trợ giúp từ phương Tây.
Pháp : Tân chính phủ « mờ nhạt » trước đe dọa bị bất tín nhiệm
Về những chuyển biến trong chính trị Pháp gần đây, nhất là việc bổ nhiệm tân thủ tướng Michel Barnier, tuần báo Le Point nhận định rằng nước Pháp như ở trong một « vũ trụ song song », khi cánh tả của Pháp rõ ràng là bên « thắng cuộc » trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng Bảy, hóa ra lại là bên « thua » thảm hại. Theo xã luận của tuần báo, dẫu sao lựa chọn Michel Barnier là hợp lý, là một giải pháp tạm thời cho « một Quốc Hội không có đa số, tức là không thể lãnh đạo được ».
Nhà sử học Pierre Rosanvallon, trả lời Le Nouvel Obs cho rằng, việc bổ nhiệm Michel Barnier, đến từ một đảng chỉ dành được 47 ghế trong Quốc Hội, là « dấu hiệu về một tầm nhìn không cởi mở và cố chấp về nền dân chủ ». « Ông Macron bằng mọi giá, muốn chính phủ mới duy trì đường lối của chính phủ mà ông nắm đằng chuôi trước đó. Để đạt được điều này, ông đã không ngần ngại liên minh với cánh hữu bảo thủ nhất. Và điều này tạo ra một chân dung tổng thống ‘cự tuyệt nền dân chủ’. Tổng thống không biết được rằng xã hội có thể không có cùng niềm tin như ông ấy. »
Nhưng liệu Michel Barnier có thành công không ? Le Point nêu ra 3 thách thức khẩn cấp của Pháp hiện nay : nợ công và thâm hụt ngân sách, nhập cư, và một tân chính phủ mờ nhạt.
Trong bài đăng có tựa « Ai muốn hạ bệ Michel Barnier ? », Le Point nhắc lại danh sách thành viên chính phủ mới của Pháp, được công bố gần đây, là « không xứng tầm ». Tuần san liệt kê tên của những bộ trưởng mới, ngoài một vài người được giữ lại từ chính phủ trước, như Sébastien Le Cornu, Didier Migaud, thì những người mới thường là những cái tên lạ lẫm, không được biết đến.
Ví dụ, Antoine Armand, vừa tốt nghiệp Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA) vào năm 2019, được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng Kinh Tế. Anne Genetet, nghị sĩ Pháp, chuyên về các vấn đề quốc phòng, nhậm chức bộ trưởng Giáo Dục. Một danh sách thiên về cánh hữu và cánh trung, phe của Macron đã dấy lên nghi ngờ rằng những bộ trưởng mới này có phải do ông Barnier bổ nhiệm, hay người đứng sau là Macron.
Những chính trị gia kỳ cựu, những người tham vọng vào điện Élysée, như Laurent Wauquiez (đảng LR), cựu thủ tướng Édouard Philippe, đều bị loại khỏi danh sách. Điều này có thể khiến ông Barnier có thể rơi vào tầm ngắm của các chính khách này, khiến chính phủ mới của Pháp khó có thể yên ổn.
Một người thân cận tại điện Magtignon, trả lời Le Point, cho rằng « chính trị cũng như tâm lý học. Barnier không muốn người có cá tính mạnh, hay có tham vọng. Ông ấy là người có chiến thuật tốt, nhưng cũng là người kiêu ngạo ».
Tuần san L’Express thì cho rằng « đằng sau danh sách thành viên chính phủ thuộc cánh hữu, là một chính phủ mờ nhạt ». Một Quốc Hội không có đa số, không chỉ gieo rắc những nghi ngờ về lựa chọn chính trị của ông Barnier, mà dường như bản thân tân thủ tướng cũng mơ hồ, khi liên tục phải đối mặt với đe dọa bị bất tín nhiệm. Cánh tả muốn lật đổ chính phủ được cho là không chính đáng. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc thì thỏa mãn với vị trí « trọng tài » để áp đặt mong muốn của mình.
Vụ án hiếp dâm ở Mazan : Mở lại cuộc tranh luận về bình đẳng giới, về luật của Pháp
Vẫn về thời sự Pháp, trong tuần qua, vụ xét xử người chồng chuốc thuốc mê để gần 70 người lạ vào hiếp dâm vợ vẫn là chủ đề được nhiều báo quan tâm. Trang nhất tuần san Le Nouvel Obs đăng hình ảnh của nạn nhân là bà Gissèle Pelicot, ánh mắt thẫn thờ, nhìn xa xăm, ngay phía dưới là hàng tựa lớn ví vụ việc như « sóng xung kích » cho nước Pháp.
Cả xã hội Pháp đã phải mở to mắt, theo dõi vụ xét xử, khám phá một hiện thực kinh khủng ở Mazan, chứng kiến lòng dũng cảm của bà Gisèle, từ chối xử kín, dám đối mặt với người bà từng coi là chồng trong hàng chục năm và cả những người lạ mặt, « trông rất bình thường », nhưng lại xâm hại mình. Bà muốn để công chúng biết danh tính, biết được chuyện gì đã xảy đến với bà, để cảnh tỉnh xã hội. Trước những bằng chứng là những video, chỉ ra hành động phạm tội rõ ràng, hầu hết những người đàn ông lạ mặt, xâm hại bà Gisèle đều không nhận tội, và khẳng định rằng đã « được sự cho phép của chồng bà ».
Tuần san L’Express và Le Nouvel Obs đều nêu ra một đặc điểm căn bản trong « văn hóa xâm hại tình dục » là « bác bỏ việc coi phụ nữ là một chủ thể độc lập, mà coi cơ thể họ là một món đồ, phụ nữ không có quyền với cơ thể của chính mình mà quyền đó lại thuộc về người chồng ».
Để vụ án này có thể tạo được tiếng vọng lâu dài trong xã hội dân sự Pháp, xã luận của Le Nouvel Obs cho rằng cần phải thúc đẩy chính phủ mới và Quốc Hội, để vụ án của bà Gisèle Pelicot trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống lại bạo lực tình dục. Hiện một cuộc tranh luận đã được mở ra, về việc nêu rõ định nghĩa của xâm hại tình dục, bằng cách thêm vào khái niệm « đồng thuận ».
Trong bài đăng về hồ sơ này, Le Nouvel Obs đã thu thập những phản ứng từ cả phía nam giới và nữ giới tại Pháp, đều bị sốc bởi vụ việc. Vụ án tại Mazan cũng là chủ đề tranh luận trên khắp các phương tiện truyền thông tại Pháp trong thời gian qua. Tuần san Pháp cho rằng vụ án này có thể mang tính lịch sử, cho phép thay đổi nhận thức, thay đổi luật.
Trả lời tuần san Pháp, thượng nghị sĩ Pháp Laurence Rossignol cho rằng chỉ đưa khái niệm « đồng thuận vào trong luật là chưa đủ để tìm được công lý hiệu quả hơn trong các vụ bạo lực tình dục. Bởi vì hiện nay, chỉ 10 % số vụ xâm hại tình dục được báo cáo, và chỉ 10 % số đơn kiện được xét xử. Cảnh sát và tư pháp của Pháp thiếu nguồn lực, các nhà điều tra hay thẩm phán thì vẫn chưa được đào tạo đủ, để có thể hiểu về tệ nạn xâm hại tình dục », vẫn hoành hành tại xã hội Pháp.
Cả Le Nouvel Obs và L’Express đều cho rằng vụ án này đã nêu lại vấn đề về thái độ coi thường tình trạng bạo lực tình dục và phân biệt giới tính, cũng như sự bất bình đẳng có hệ thống trong quan hệ nam – nữ, chưa kể những mặt tối của các trang web đen mà chồng bà Gisèle sử dụng để « tuyển mộ » những kẻ hiếp dâm vợ mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét