Ukraine phản đối ‘đại diện Crimea’ dự thi hoa hậu tại Việt Nam
Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội đã lên tiếng phản đối việc cô Anna Baranova tham gia cuộc thi hoa hậu Miss Cosmo 2024 đang được tổ chức tại Việt Nam.
Theo tuyên bố từ Đại sứ quán Ukraine, ban đầu cô Anna Baranova đã được “giới thiệu bất hợp pháp là đại diện của Crimea” tại cuộc thi này.
Tuyên bố của Đại sứ quán Ukraine viết: “Chính quyền chiếm đóng của Nga đã thúc đẩy cô Baranova đại diện cho Crimea trong một nỗ lực trắng trợn nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine, bao gồm Crimea.”
Sau sự can thiệp của Đại sứ quán, ban tổ chức cuộc thi Miss Cosmo đã khắc phục bằng việc gỡ bỏ đeo băng chéo “Miss Cosmo Crimea” của cô Baranova.
Hiện tại, cô này vẫn tham gia cuộc thi và được giới thiệu trên các nền tảng truyền thông của Miss Cosmo là thí sinh đến từ Nga, cùng với thí sinh Nga khác là Alisa Oganezova.
Crimea, vùng lãnh thổ rộng 27.000 km2, là một bán đảo nhô ra Biển Đen.
Vùng này thuộc Ukraine và bị Nga chiếm đóng vào năm 2014.
‘Công nhận ngầm’
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Yevhen Zhupieiev, Phó Đại sứ, Tham tán chính trị của Ukraine tại Việt Nam, cho biết mối quan ngại của Đại sứ quán Ukraine phản ánh một mô hình rộng hơn về việc Nga cố gắng thao túng các sự kiện và thể chế quốc tế để hợp pháp hóa việc sáp nhập bất hợp pháp đối với Crimea.
“Trong trường hợp này, việc cho phép cô Anna Baranova đại diện cho Crimea tại Miss Cosmo 2024 chính là sự công nhận ngầm đối với việc sáp nhập bất hợp pháp của Nga,” ông Zhupieiev nhấn mạnh.
“Chúng tôi coi đây là một phần trong chiến dịch thông tin sai lệch được ghi lại rõ ràng của Nga nhằm mục đích bình thường hóa các hành động bất hợp pháp của họ trên trường thế giới thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao và các nền tảng có vẻ ngoài là phi chính trị khác."
Quan chức ngoại giao của Ukraine cũng cho biết việc ban tổ chức cuộc thi gỡ bỏ dải băng cho thấy nhận thức về tính nhạy cảm của vấn đề, tuy nhiên việc cô Anna Baranova tiếp tục tham gia dưới bất kỳ danh xưng nào vẫn đặt ra một mối quan ngại đáng kể.
Miss Cosmo (tên tiếng Việt là Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế) do Unimedia có trụ sở ở TP HCM tuyên bố sáng lập, tổ chức lần đầu tiên năm 2024 tại Việt Nam.
Trước đó, Công ty Miss Cosmos International Inc. - một đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp ở Mỹ - đã gửi email đến các cơ quan báo chí thông tin rằng cuộc thi Miss Cosmo do Unimedia sáng lập có tên gần giống với Miss Cosmos International của họ.
Cuộc thi Miss Cosmo đầu tiên đang diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia các thí sinh đến từ hơn 60 quốc gia tranh tài từ tháng 9/2024, thông qua sự hợp tác của chính quyền địa phương để tổ chức các lễ hội và sự kiện lớn trên khắp Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Long An và Đà Lạt.
Ông Phạm Quang Vinh, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tham gia ban giám khảo, theo website chính thức của cuộc thi.
Đêm chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 5/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ban tổ chức, giải thưởng dành cho hoa hậu gồm vương miện, 100.000 USD (gần 2,5 tỷ đồng); một năm đương nhiệm sử dụng căn hộ, xe hơi…
Sau đăng quang, tân hoa hậu sẽ sinh sống và làm việc chính tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm, đồng hành cùng tổ chức Miss Cosmo thực hiện các công việc và hoàn thành nhiệm kỳ của mình.
Unimedia không phản hồi trước yêu cầu bình luận của BBC về trường hợp của cô Baranova.
‘Có chủ đích’
Theo Phó Đại sứ Yevhen Zhupieiev, mục tiêu của Nga không chỉ là danh hiệu, mà là đưa câu chuyện của họ vào các tổ chức quốc tế.
“Chiến thuật này là một sự thao túng có chủ đích để ép buộc các cơ quan đơn vị được tôn trọng và người dân, những bên thường không hiểu đầy đủ về hậu quả địa chính trị của vấn đề, nhằm củng cố các mục tiêu phi pháp của Nga,” ông nói với BBC.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng nêu ra một ví dụ về trại hè thiếu niên Artek nổi tiếng của Ukraine tại bán đảo Crimea hiện đang bị Nga chiếm đóng đã bị chính quyền Moscow sử dụng để thao túng nhận thức quốc tế.
“Thanh thiếu niên Việt Nam và nhiều nước khác được mời đến trại hè vào năm 2019 không phải để trao đổi văn hóa hay rèn luyện thể chất mà đây là một thủ đoạn chính trị nhằm lợi dụng sự hiện diện của công dân nước ngoài để biện minh cho việc Nga chiếm đóng Crimea,” ông Zhupieiev diễn giải.
Tháng 6/2019, đoàn 9 học sinh phổ thông Việt Nam và người phụ trách đã có 20 ngày tham dự trại quốc tế thiếu nhi Artek.
Truyền thông Việt Nam giới thiệu Artek “không chỉ là địa chỉ mơ ước của hàng triệu em nhỏ ở khắp nơi trên thế giới”, mà còn đang nhân rộng mô hình và cơ chế hoạt động để tăng thêm số lượng các em nhỏ được trải qua những ngày vui chơi và học tập ở một “vương quốc của tình bạn”.
Ông Zhupieiev cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Nga thường không mời những em nhỏ từ các khu vực khác trên lãnh thổ của mình vì “không có lợi ích chính trị nào”.
“Crimea và công dân nước ngoài từ các quốc gia được tôn trọng như Việt Nam trở thành con bài mặc cả cho Nga - không nhằm trao đổi văn hóa mà để hợp pháp hóa hành động xâm lược tàn bạo và sáp nhập bất hợp pháp của nước này,” ông cho biết.
‘Vượt quá phạm vi cuộc thi sắc đẹp’
Quay lại cuộc thi Miss Cosmo, tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam nói bằng cách tiếp tục cho phép cô Baranova tham gia, những người tổ chức cuộc thi đã trở thành nạn nhân của các chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch theo kiểu KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) của Nga.
“Sự miễn cưỡng lên tiếng vì sự thật của đơn vị tổ chức khiến cho tuyên truyền của Nga được phát tán mạnh mẽ mà không bị kiểm soát,” ông Zhupieiev nói.
Theo phía Ukraine, dù việc đổi cô Baranova thành đại diện của Nga trên trang web của cuộc thi là một động thái thay đổi hình thức nhưng không giải quyết được vấn đề.
Việc để cô này tiếp tục tham gia cùng với một đại diện khác của Nga được cho là giúp củng cố chiến lược rộng lớn hơn của Nga về sự chiếm đóng bán đảo Crimea bất hợp pháp thông qua ảnh hưởng văn hóa.
Theo quan điểm của Ukraine, sự đại diện kép này đã vượt quá phạm vi cuộc thi sắc đẹp, mà là một nỗ lực nữa nhằm thúc đẩy câu chuyện rằng Crimea là một phần của Nga, âm thầm làm thay đổi nhận thức toàn cầu.
“Và những người tổ chức Việt Nam, dù cố ý hay không, đang tích cực ủng hộ những câu chuyện sai sự thật của Nga bằng cách để tình hình này tiếp diễn,” Phó Đại sứ Zhupieiev nói.
“Bộ máy độc tài của Nga đã cẩn thận lựa chọn những người tham gia vào các sự kiện quốc tế, và lợi dụng các quốc gia và dân tộc thân thiện, hòa nhã vẫn trân trọng di sản Liên Xô và từng được Liên Xô viện trợ,” ông giải thích.
Sau khi Tổng thống Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã bị quốc tế cô lập và áp những lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.
Việt Nam là một trong những nước vẫn giữ mối quan hệ giao hảo với Nga.
Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến Ukraine – Nga và đã bỏ các phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.
Tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, quốc gia xa xôi nhất mà ông có chuyến công du sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Xem thêm:
Ông Putin đến Hà Nội: Việt Nam quan trọng như thế nào với Nga?
Nhận xét
Đăng nhận xét