Yếu tố Việt Nam trong quyết định rút khỏi Tam giác Phát triển của Campuchia
Một số nhà quan sát nhận định việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam là quyết định đột ngột đối với cả Việt Nam lẫn Lào, nhất là khi chỉ một tháng trước, Việt Nam còn nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này.
Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng, Giảng viên Sử học - Việt Nam học của Đại học Fulbright Việt Nam, trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 24/9 rằng bản thân ông thấy ngạc nhiên khi Campuchia rút khỏi sáng kiến này một cách đột ngột trước khi trao đổi với Lào và Việt Nam.
"Tôi mong rằng, như ông Hun Sen có viết trên trang Facebook cá nhân, Campuchia chỉ đang rút khỏi khuôn khổ hợp tác về mặt hình thức, trong khi hợp tác xây dựng Tam giác Phát triển sẽ tiếp tục được thúc đẩy."
Campuchia tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV-DTA) vào ngày 20/9, chỉ gần một tháng sau khi Việt Nam nhấn mạnh đến ý nghĩa chiến lược của khuôn khổ hợp tác này.
Thông báo đơn phương của Campuchia được đưa ra trong bối cảnh tâm lý bài Việt Nam của người Campuchia hải ngoại đang gia tăng.
Trong tháng 8, đã có nhiều cuộc biểu tình của người Campuchia hải ngoại, chủ yếu là phe đối lập, phản đối sáng kiến này nhân dịp kỷ niệm 25 năm sáng kiến được ký kết, với cáo buộc chính phủ hiện tại đang nhường đất cho Việt Nam.
Một lần nữa, Việt Nam dường như trở thành công cụ chính trị để các phe phái tận dụng và xoáy sâu.
Vào ngày 24/9, tại cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea khẳng định việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển không ảnh hưởng đến các cơ chế hợp tác khác cả về song phương và đa phương giữa ba nước.
Ông Pen Bona, người phát ngôn của chính phủ Campuchia, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 25/9 như sau:
“Chính phủ không lo lắng về ‘một nhóm đối lập nhỏ lẻ’ nhưng chúng tôi không muốn người dân tâm tư về vấn đề này vì nó được sử dụng như một chiêu trò chính trị gây ra sự chia rẽ người Campuchia. Thỏa thuận là tốt, nhưng nó được sử dụng như một ngón đòn chính trị. Chính phủ không muốn loay hoay với đám cháy. Chúng tôi muốn dập tắt hẳn đám cháy.”
"Đó chỉ là sự hợp tác được gọi là CLV-DTA. Chúng tôi chỉ ngừng nói về nó sau khi rút lui. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn như cũ. Campuchia và các nước láng giềng có thể hợp tác trong khuôn khổ ASEAN với tư cách là thành viên của khối này và là các quốc gia láng giềng. Không có vấn đề gì cả," ông nói thêm.
'Giảm rủi ro chính trị'
Sau tuyên bố chấm dứt tham gia sáng kiến CLV-DTA, vào ngày 24/9, Thủ tướng Campuchia Hun Manet phát biểu rằng chính phủ ông đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng biên giới các tỉnh phía bắc.
Tuyên bố rút khỏi Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được công bố trên trang Facebook chính thức của ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và sau đó được báo Khmer Times đăng lại.
Một nhà báo người Campuchia giấu tên nói với BBC rằng, đây quả thật là một bước đi đột ngột gây bất ngờ cho tất cả mọi người và thông cáo cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của ông Hun Sen trong nhiều quyết định quan trọng của đất nước, dù ông ấy không còn là thủ tướng.
Ông Hun Sen nói rằng CLV-DTA trong 25 năm qua đã mang lại nhiều thành tựu phát triển cho các tỉnh của Campuchia, gồm Kratié, Stung Treng, Mondulkiri và Ratanakkiri.
Việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển là để chấm dứt những cáo buộc của các phe đối lập và trấn an người dân về vấn đề lãnh thổ. Ông Hun Sen cũng nói rằng phe đối lập cáo buộc chính phủ đã nhượng đất bốn tỉnh ở miền đông bắc cho nước ngoài (điều mà ông luôn bác bỏ) nhưng không nêu tên Việt Nam.
Đảng đối lập như Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) do ông Sam Rainsy lãnh đạo từng tố ông Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam và gọi ông là “con rối” của Hà Nội.
Ông Rainsy cũng từng chất vấn tính minh bạch quanh việc các công ty Việt Nam được khai hoang đất tô nhượng làm kinh tế (ELC) và cho rằng những thương vụ ELC này cùng với việc phân giới cắm mốc biên giới là cách Việt Nam thể hiện mưu đồ “nuốt chửng” lãnh thổ Campuchia.
Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng cho rằng sự chống đối như ông Hun Sen nói từ phe đối lập là điều không đáng ngạc nhiên đối với những người quan sát chính trị Campuchia lâu năm, vì phe đối lập đã nhiều lần vin vào nỗi lo sợ Việt Nam trong xã hội Campuchia vốn bắt nguồn từ nhiều yếu tố lịch sử để đả kích đảng cầm quyền.
"Tôi có thể cảm thông một phần với giải trình của ông Hun Sen: một cơ chế hợp tác đã chạy 25 năm, có một số thành quả nhưng không quá to tát, và vẫn có thể tiếp tục hợp tác dưới nhiều hình thức khác, mà lại bị sử dụng để vu khống chính phủ vì những phần tử yêu nước cực đoan."
"Trong tình huống này, hoàn toàn có thể hiểu được khi nhà nước chọn phương án rút để giảm thiểu rủi ro chính trị và làm nguôi lòng dân, vì lợi thì không nhiều mà rủi ro thì lại cao. Tuy nhiên, cách mà Campuchia rút, đưa ra quyết định đơn phương, có lẽ không phải là cách hành xử khéo léo nhất," Tiến sĩ Hoàng bình luận.
Trong tháng 8, nhiều người Campuchia sống tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada đã biểu tình phản đối CLV-DTA.
Theo Khmer Times, phe đối lập ở nước ngoài bị cáo buộc đã kích động người dân biểu tình ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 18/8 để gây sức ép buộc chính phủ Campuchia rút khỏi CLV-DTA.
Thủ tướng Hun Manet gọi đây là âm mưu lật đổ chính phủ. Hơn 1.000 nhân viên an ninh được điều động và lô cốt được dựng lên để ngăn người dân đổ về thủ đô tham dự biểu tình. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), kể từ cuối tháng 7, có ít nhất 94 người bị bắt vì chống đối Tam giác Phát triển.
Nhà báo giấu tên người Campuchia nói với BBC rằng, thực tế những tiếng nói chống đối sáng kiến hầu hết là từ những người Campuchia hải ngoại, thuộc phe đối lập, còn trong nước thì đa phần tâm lý người dân vẫn ủng hộ chính phủ.
"Trước khi có thông báo rút nói trên, người dân vẫn bày tỏ ủng hộ, họ còn đổi ảnh đại diện trên Facebook, sáng tác bài hát ca ngợi sáng kiến này như một cách tạo sự đối trọng với những phản đối bên ngoài. Vì vậy, quyết định này của chính phủ là hoàn toàn bất ngờ với cả người Campuchia trong nước."
Ngày 14/8, Thủ tướng Hun Manet còn đăng video bài hát ca ngợi sáng kiến CLV-DTA. Bài hát có tên Ủng hộ kế hoạch hợp tác CLV.
Tam giác Phát triển sẽ ra sao?
Người Việt Nam có câu "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" hay "vững như kiềng ba chân". Vậy với việc Campuchia rút khỏi sáng kiến Tam giác Phát triển, chỉ còn lại Việt Nam và Lào, vậy thế "kiềng hai chân" sẽ như thế nào?
Việt Nam hiện chưa đưa ra bình luận chính thức về tuyên bố của Campuchia.
Ngày 24/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì buổi ăn sáng làm việc với các phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao Lào và Campuchia bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea khẳng định việc Campuchia rút khỏi CLV-DTA không ảnh hưởng đến các cơ chế hợp tác khác cả về song phương và đa phương giữa ba nước.
Báo chí Việt Nam không đưa tin về phản ứng hay bình luận của ông Bùi Thanh Sơn về việc này, nhưng viết rằng Campuchia, Lào và Việt Nam "nhất trí về tầm quan trọng của tình hữu nghị, gắn bó mật thiết giữa ba nước" đối với sự phát triển của mỗi nước; khẳng định mối quan hệ này là sự tiếp nối truyền thống khách quan, tất yếu vốn có từ trong lịch sử quan hệ ba nước.
Trước đó, trong công thư ký ngày 20/9 gửi ông Bùi Thanh Sơn, ông Sok Chenda Sophea viết:
"Sau khi cân nhắc và đánh giá cẩn trọng về sự tiến triển, chúng tôi kết luận rằng việc hợp tác đã đạt được các mục tiêu đã đề ra... Do đó, Campuchia muốn thông báo với ngài rằng chúng tôi đã quyết định chấm dứt việc tham gia vào sáng kiến CLV-DTA..."
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng, Việt Nam và Lào vẫn sẽ tiếp tục hợp tác phát triển khu vực biên giới, nhưng nếu có thêm Campuchia chung tay thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Thực tế, rất khó để đo lường được sự thành công của CLV-DTA.
"Trước khi có CLV-DTA, những tỉnh thuộc tam giác này là vùng sâu vùng xa của cả ba nước, có thu nhập dưới trung bình và nhiều hộ đói nghèo hơn các tỉnh khác, và từ đó đến nay CLV-DTA cũng chưa thay đổi được hoàn cảnh ấy."
"Có lẽ trong những năm tới, khi không còn CLV-DTA nữa, chúng ta mới có thể đo lường được ảnh hưởng của cơ cấu hợp tác này."
Theo Tiến sĩ Hoàng, CLV-DTA và những cơ chế đi kèm, ví dụ như Hiệp định CLV-DTA ký năm 2016, có vai trò tạo thêm điều kiện khuyến khích cho các doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ đầu tư vào một khu vực chậm phát triển của cả ba nước. Và điều này là có lợi cho cả Campuchia, Lào và Việt Nam.
Do đó, nếu sáng kiến đổ vỡ, sẽ bớt đi sự quan tâm của mọi người về khu vực này, nhưng cái nhu cầu phát triển thì vẫn còn nguyên đó, kèm theo những thách thức và những hứa hẹn nếu thành công.
"Cho tới khi nổi lên mạnh mẽ phong trào biểu tình của phe đối lập Campuchia năm nay thì nói chung hợp tác quanh khu vực này không gặp vấn đề gì lớn nhưng cũng không có đột phá nào thật lớn."
Về phía Việt Nam, chắc chắn Hà Nội cũng không lường trước được bước đi này của Phnom Penh vì mới tháng trước, vào ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tam giác phát triển, trong bối cảnh có các cuộc biểu tình phản đối của người Campuchia:
"Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đã đóng góp cho việc phát triển kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân của ba nước, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực này."
"Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và Lào tổ chức tốt hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại Campuchia."
Tiến sĩ Vũ Minh Hoàng cũng chia sẻ chỉ vài tháng trước, những đối tác Campuchia trong chính phủ đã nói với ông rằng sự hợp tác trong sáng kiến CLV-DTA là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Hun Manet và Tiến sĩ Hoàng cùng các đối tác đã suy nghĩ về các ý tưởng và dự án.
Ông nói với BBC rằng Việt Nam cần phải nắm rõ thông tin và tránh để bị rơi vào thế ngỡ ngàng, bị động.
'Lại là Việt Nam'
Việt Nam có một quan hệ rất phức tạp và nhạy cảm với Campuchia. Không chỉ là câu chuyện Khmer Đỏ của quá khứ gần. Những vấn đề lịch sử xa xưa của Đế quốc Khmer, của nhà nước Châp Lạp, và cả chủ quyền của đảo Phú Quốc, cũng thường xuyên được gợi lên trong các tranh cãi chính trị tại Campuchia.
Và từ khóa “Việt Nam” được các bên khai thác triệt để vì tính chất dễ kích thích cảm xúc công chúng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nhà báo người Campuchia nói với BBC rằng, một lần nữa, Việt Nam lại được dùng trong diễn ngôn chính của phe đối lập, của sự đấu đá chính trị và phía chính phủ của ông Hun Manet cũng nhân cơ hội này đưa ra một quyết định nhằm thể hiện họ luôn ưu tiên tâm tư của người dân, và rằng sự ổn định, hòa bình lâu dài của đất nước là do đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen mang lại.
Một điều đáng chú ý, sáng kiến CLV-DTA ra đời vào năm 1999 là theo đề xuất của chính ông Hun Sen. Nhưng giờ đây, chính ông lại chủ động đơn phương rút Campuchia khỏi khuôn khổ hợp tác này.
"Ông Hun Sen là người rất khó đoán và thậm chí khá thất thường. Do đó, việc ông có quyết định như vậy là điều vừa đáng ngạc nhiên, vừa không đáng ngạc nhiên cho những nhà báo đưa tin về nội chính như tôi," nhà báo người Campuchia nói với BBC.
Tác giả Trương Huy San, người có thời gian phục vụ quân đội Việt Nam ở Campuchia, từng nhận định và cảnh báo rằng, Việt Nam "không nên đánh giá Hun Sen dựa trên quá khứ ‘do chúng ta dựng lên’ mà chỉ nên đánh giá Hun Sen dựa trên những gì ông ấy đang làm với đất nước Campuchia và đặc biệt, ông ấy đang đối xử như thế nào với con dân người Việt".
Sau cuộc bầu cử vào tháng 7/2023, Campuchia đã có dàn lãnh đạo mới với người đứng đầu là ông Hun Manet, con trai ông Hun Sen. Điều này nghĩa là thế hệ cầm quyền cũ vốn từng chia sẻ vận mệnh chung với Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn nữa.
Dù những nhà lãnh đạo mới kế nhiệm cha mẹ họ nhưng thế hệ của ông Hun Manet, khác với ông Hun Sen, không có sự gắn kết mang tính đồng chí đồng đội với Việt Nam như trong suốt 30 năm qua. Mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia xuất phát từ nhiều ràng buộc giữa hai đảng, hai quân đội đã "chung chiến hào" trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ. Nhưng bước vào giai đoạn mới, với những xoay chuyển khôn lường của bức tranh địa chỉnh trị toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của Việt Nam tại Campuchia đang dần suy giảm, song song với ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại đất nước chùa tháp.
Nhà quan sát Ou Virak của Future Forum, một viện nghiên cứu độc lập tại Campuchia, từng nhận định với BBC rằng mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, tình bằng hữu, sự trung thành sẽ không còn nữa mà thay vào đó sẽ là quan hệ chuyên nghiệp giữa hai nước láng giềng khi thế hệ mới lên nắm quyền.
Việc Campuchia rút khỏi Tam giác phát triển mà không báo trước cho Việt Nam lẫn Lào, hay việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo mà lờ đi những thúc giục từ phía Việt Nam về chia sẻ thông tin, có thể là những điểm đổi mới trong cách ứng xử với Việt Nam dưới thế hệ lãnh đạo mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét