TIN TỔNG HỢP - : 26/09/2024

 RFI

(RFI) – Vụ một nữ sinh Pháp 19 tuổi bị người nhập cư bất hợp pháp sát hại làm dấy lên tranh luận về việc đẩy mạnh trục xuất người nước ngoài tái phạm tội. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bruno Retailleau xem vụ thanh niên Maroc 22 tuổi sống bất hợp pháp tại Pháp giết hại cô Philippine nữ sinh viên đại học Paris-Dauphine là « tội ác ghê tởm ». Thanh niên này từng bị kết án hồi năm 2021 về tội hiếp dâm và đã được thả sau khi thụ án. Pháp sau đó đã có lệnh trục xuất người này, nhưng chưa kịp thực hiện thì vụ án xảy ra, khiến nhiều chính trị gia, từ cánh hữu đến cánh tả, đặt lại câu hỏi về hệ thống xử lý hình sự và hành chính của Pháp cũng như việc thực hiện lệnh trục xuất di dân bất hợp pháp.

(Reuters) – Công đoàn Tây Ban Nha kêu gọi biểu tình để đòi giảm giờ lao động. Các công đoàn lớn của Tây Ban Nha kêu gọi biểu tình trên toàn quốc hôm nay, 26/09/2024, để thúc đẩy đạt được thỏa thuận về giảm giờ làm việc mỗi tuần từ 40 giờ đến 37,5 giờ. Chính phủ của thủ tướng Pedro Sanchez hiện đang đàm phán với các doanh nghiệp về vấn đề này, đề xuất cấp một mức thưởng dành cho tuyển dụng đối với các doanh nghiệp dưới 10 lao động. Tuy nhiên, giới chủ Tây Ban Nha lo ngại là việc giảm thời gian làm việc có thể tác động đến năng suất lao động. Số giờ làm việc mỗi tuần tại Tây Ban Nha cao hơn phần lớn các nước láng giềng châu Âu. Theo Eurostat, người Tây Ban Nha làm việc khoảng 36,4 giờ/tuần, trong khi mức trung bình ở châu Âu là 36,1 giờ.

(AFP) – Hạ Viện Nga xem xét dự luật cấm công dân các nước cho phép chuyển giới được nhận con nuôi người Nga. Dự luật mới được các dân biểu Nga thảo luận từ hôm qua 25/09/2024 và đã thu được 379 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống trong phiên bỏ phiếu đầu tiên. Chủ tịch Hạ Viện xem đây là một đạo luật bảo vệ trẻ em Nga, bảo đảm các em được nuôi nấng trong « các gia đình truyền thống ». Để có hiệu lực, dự luật cần phải được thông qua tại Thượng Viện và được tổng thống Putin phê chuẩn, nhưng đây sẽ chỉ là vấn đề thủ tục. Trước đó một hôm, các dân biểu đã thảo luận về dự luật cấm tuyên truyền, quảng bá lối sống không sinh con, trong bối cảnh Nga đang khủng hoảng dân số. Hồi năm 2023, Nga đã thông qua luật cấm chuyển đổi giới tính và cấm người chuyển giới được nhận con nuôi

(AFP) – Trung Quốc: Vụ bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là hoàn toàn « hợp pháp » và « bình thường ». Phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm nay, 26/09/2024, đã phát biểu như trên, đồng thời khẳng định vụ thử nghiệm ở Thái Bình Dương, không có nghĩa là « Trung Quốc chạy đua vũ trang », và Bắc Kinh « sẽ tiếp tục duy trì khả năng hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia ». Vụ thử tên lửa đã khiến nhiều nước như Nhật Bản, Úc và New Zealand bày tỏ quan ngại về việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc. Lãnh đạo vùng hải ngoại Pháp Polynésie, Moetai Brotherson, trước đó cho biết tên lửa đã rơi « không xa vùng đặc quyền kinh tế của Pháp, ở phía Marquesas », một trong năm quần đảo thuộc lãnh thổ Pháp tại Thái Bình Dương.

(AFP) – Hàn Quốc là 1 trong 6 « nền kinh tế có sức phát minh mạnh nhất thế giới ». Theo bảng xếp hạng Global Innovation Index, GII của Liên Hiệp Quốc được công bố ngày 26/09/2024, Hàn Quốc đã có một bước nhảy vọt từ hạng 10 lên hạng 6. Thành công này có được nhờ « những tiến bộ về công nghệ, y tế, tin học». Năm nay, ba quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng GII theo thứ tự làThụy Sĩ, Thụy Điển và Hoa Kỳ.

(Reuters) – Hàn Quốc sẽ hỗ trợ tìm chỗ mới để nuôi 500.000 chó được các trang trại nuôi lấy thịt. Bộ Nông Nghiệp Hàn Quốc hôm nay 26/09/2024 thông báo sẽ hỗ trợ các trang trại nuôi chó lấy thịt và thúc đẩy họ chuẩn bị cho việc thực thi vì lệnh cấm ăn thịt chó sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2027. Hồi tháng Giêng 2024, Quốc Hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cấm tiêu thụ và buôn bán thịt chó, một truyền thống gây tranh cãi và đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ tại quốc gia này.

(AFP) – Úc : Các tổ chức bảo vệ môi trường lên án chính phủ về việc triển hạn khai thác mỏ than. Thứ Ba tuần này, chính phủ Úc đã thông qua lệnh triển hạn khai thác mỏ than thêm 22 năm nữa tại vùng Hunter và vùng Narrabi của nước này. Trước thông tin nói trên, hôm qua, 25/09/2024, đại diện của Green Peace và Australian Conservation Foundation đã lên án quyết định của Canberra, đứng về phía các doanh nghiệp khai khoáng, nhất là trong bối cảnh thế giới đang từ bỏ năng lượng hóa thạch. Úc là một trong những nước xuất khẩu than và khí đốt nhiều nhất thế giới, và sử dụng nhiều nhiêu liệu hóa thạch để sản xuất điện. Chính phủ của thủ tướng Anthony Albanese cam kết giảm 43% phát thải CO2 so với năm 2005, từ nay đến năm 2023. Đây sẽ là một thách thức đối với Canberra, vì phải tìm ra giải pháp thay thế khi phải đóng cửa 16 nhà máy điện than trong những năm sắp tới.

(AFP) – Tại Ấn Độ, 46 người chết đuối vì tắm sông theo một truyền thống tôn giáo. Các giới chức tại bang Bihar, miền đông Ấn Độ hôm 26/09/2024 cho biết đại đa số các nạn nhân là trẻ em. Theo truyền thống Ấn Độ Giáo, vào mùa lễ hội Jitiya Parv, các tín đồ có thói quen tắm sông. Năm nay do thiên tai, mực nước dâng cao, 46 người, trong đó có 37 trẻ em tại 15 quận khác nhau ở bang Bihar bị nước cuốn trôi trong hai ngày 24 và 25/09.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?