Bắc Kinh bất lực trước làn sóng tự thiêu của người Tây Tạng
Lễ cầu siêu của giới tu sĩ lưu vong cho các nạn nhân tự thiêu (REUTERS)
Tú Anh
Nếu trong làng có người tự thiêu thì từ gia đình thân nhân, người chia buồn với tang gia cho đến cán bộ bày tỏ thiện cảm đều bị trừng phạt. Các dự án đầu tư tại thôn làng cũng bị đình chỉ. Trên đây là biện pháp mới của Bắc Kinh nhằm đối phó với phong trào tranh đấu của dân Tây Tạng sau hàng loạt chiến dịch bạo lực vô hiệu quả. Chỉ trong vòng 3 tuần của tháng 11 này, 19 người Tây Tạng đã tự thiêu.
Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, từ tháng ba năm 2009 đến hôm qua đã có 81 tu sĩ và người thế tục Tây Tạng tự thiêu. Chỉ riêng trong tháng 11/2012 , trong bối cảnh Trung Quốc thông báo ban lãnh đạo mới, đã có 19 vụ hy sinh bằng biện pháp bất bạo động tuyệt đối này. Chính phủ Tây Tạng lưu vong kêu gọi ông Tập Cận Bình « nhanh chóng đáp ứng nguyện vọng của người dân Tây Tạng » mà nỗi tuyệt vọng đưa họ vào con đường tranh đấu « bằng tự thiêu ».
Lời kêu gọi này rơi vào sa mạc. Theo hãng tin Asia News, Bắc Kinh ra lệnh cho chính quyền địa phương ở Thanh Hải thi hành một loạt biện pháp trừng phạt mới từ cá nhân đến tập thể : nếu xảy ra tự thiêu hay bất cứ một hình thức phản kháng nào thì từ thân nhân cho đến cả thôn làng đều bị trừng phạt.
Không kể lãnh địa Tây Tạng bị sáp nhập, tại Trung Quốc cộng đồng người Tây tạng còn sống tập trung tại ba tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Thanh Hải. Trong tháng 11 này, vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc huy động bộ máy an ninh kiểm soát mọi động thái của người dân, kể cả cấm xe taxi lưu thông ở Bắc Kinh hạ cửa kính, để « bảo vệ tốt » đại hội 18, thì làn sóng tự thiêu dâng cao chưa từng thấy.
Ngày khai mạc đại hội đảng 07/11/2012, một phu nữ 25 tuổi tự thiêu. Ngày 15/11/2012, ngày ông Tập Cận Bình chính thức được « bầu » làm lãnh đạo số một thì cũng tại Thanh Hải, một thiếu niên 14 tuổi tự thiêu. Trong ba tuần qua, chỉ riêng ở Thanh Hải đã có 11 vụ tự thiêu trong số 19 vụ.
Ngày 09/11/2012 tại huyện Rebkong, 5000 học sinh và thày giáo đã tuần hành biểu lộ lòng ưu ái đối với những người hy sinh và tố cáo thái độ vô cảm của chính quyền và báo chí nhà nước. Tại Dowa, sinh viên hạ cờ đỏ 5 sao của Trung Quốc treo tại học viện và của một vài cơ sở nhà nước để bày tỏ lòng phản kháng.
Sau các vụ này, Bắc Kinh chỉ thị cho Thanh Hải thi hành 5 biện pháp đối phó nghiêm ngặt.
Một là tất cả cán bộ các cấp phải tuân thủ và thi hành lệnh trừng phạt, ngưng mọi hình thức tài trợ xã hội cho thân nhân có con em tự thiêu. Cán bộ nào không chấp hành sẽ bị trừng trị để làm gương. Làng xã có cư dân tự thiêu sẽ bị ngưng tài trợ dự án đầu tư.
Thứ hai, phải điều tra, lập danh sách cán bộ bày tỏ tình liên đới với người tự thiêu như đến phúng điếu, chia buồn, dự tang lễ. Thứ ba, trừng phạt tu sĩ hay nhân viên nhà nước tham gia tổ chức tang lễ hoặc thăm viếng gia đình người tự thiêu.
Thứ tư, công an phải lập tức « điều tra và bắt ngay » những ai tham gia biểu tình hoặc hội họp đông người cầu siêu cho cho người « tự tử ». Điểm cuối cùng quy định chính quyền địa phương phải công bố chỉ thị này và bắt buộc dân tuân thủ. Ai không tuân thủ sẽ bị bắt giam và trấn áp.
Song song với chỉ thị đàn áp mới này, Bắc Kinh, qua báo chí chính thức, tung một chiến dịch truyền thông quy buộc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma « xúi giục » tuổi trẻ tự thiêu. Từ đàn áp đến bôi nhọ, phải chăng giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã cạn ý ?
Nhận xét
Đăng nhận xét