Hộ chiếu lưỡi bò : Mưu toan mới của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông



Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.



Bản đồ yêu sách lãnh hải tại biển Đông, trong đó có yêu sách của Trung Quốc mang tên gọi "đường lưỡi bò", hay hình chữ U.
eia.doe.gov


Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 22/11/2012, như vậy là cả Việt Nam lẫn Philippines đều lên tiếng công khai phản đối việc Trung Quốc cho lưu hành hộ chiếu mới có in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn - còn gọi là lưỡi bò - thể hiện yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Hành động này được cho là một bước leo thang mới trong chiến lược của Trung Quốc, dùng mọi thủ đoạn để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, bất chấp luật lệ quốc tế hay các tuyên bố ngược lại của các láng giềng Đông Nam Á.


Theo giới phân tích, sự kiện Hà Nội hay Manila cực lực phản đối hành động của Trung Quốc không phải là không có lý. Nhật báo Anh Financial Times, cơ quan truyền thông đầu tiên lên tiếng về vụ việc này ngay từ hôm qua, 21/11 đã cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể nào hài lòng trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ đều bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.

Báo Financial Times đã trích lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A tại Hà Nội cho rằng : "Theo tôi, đây là một bước đi rất hiểm độc của Bắc Kinh trong số hàng ngàn các hành động thâm độc khác. Khi người Trung Quốc muốn thăm Việt Nam, chúng tôi buộc phải chấp nhận họ và đóng dấu hộ chiếu của họ”. Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, không chỉ là người Việt Nam, mà tất cả mọi người trên thế giới phải lên tiếng ngay bây giờ để phản đối hành động sai trái đó của Bắc Kinh.

Khi đưa tin về việc Việt Nam và Philippines đồng thời lên tiếng phản đối Trung Quốc về vụ này, hãng AFP vào hôm nay đã nêu bật tuyên bố đầy quan ngại của ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines : “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.

Như vậy, Trung Quốc đã tung ra thêm một thủ đoạn nhằm gián tiếp quảng bá cho chủ quyền của Bắc Kinh ngoài Biển Đông, bên cạnh các hành vi cụ thể thô bạo như tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chận bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình, mời thầu dầu khí quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đó là chưa kể đến các hành vi nhằm củng cố tình trạng đã rồi tại những vùng mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng như thành lập “thành phố Tam Sa” ngay tại quần đảo Hoàng Sa để cai quản ba quần đảo mà họ đòi chủ quyền là Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa; xây dựng hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), cử đơn vị quân đội đồn trú tại đấy, phát triển hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, du lịch trên một số đảo…

Theo một nhà ngoại giao cao cấp công tác tại Bắc Kinh xin giấu tên, được báo Financial Times trích dẫn thì việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là “một sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm ». Đối với nhà quan sát này, sự kiện trên nghiêm trọng vì lẽ nếu sau này mà Bắc Kinh thay đổi ý kiến, thì họ sẽ mất rất nhiều công sức để thu hồi hàng triệu hộ chiếu như vây.

Đối với báo Financial Times, việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu “lưỡi bò” là dấu hiệu cho thấy là Bắc Kinh khó có thể nhượng bộ các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông.

Nhận định trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh mới đây, tại các Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN tại Phnom Penh – kết thúc hôm 20/11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc một lần nữa lại lớn tiếng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.

Tuy nhiên, không phải là ai cũng đồng ý với quyết định dùng hộ chiếu để áp đặt chủ quyền của chính quyền Trung Quốc. Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu có thể « chứng minh chủ quyền quốc gia » nhưng cũng có thể làm cho vấn đề « vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm”.

Đối với Giáo sư Hoằng, quyết định cho phát hành này có lẽ đã được cấp bộ đưa ra chứ không phải là cấp Nhà nước Trung Quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?