Philippines lại tố cáo Trung Quốc bội ước trên vấn đề bãi Scarborough
Các tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển ở bãi Scarborough ở cách đảo Luzon của Philippines 124 hải lý, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Ảnh chụp ngày 10/04/2012.
REUTERS/Philippine Army Handout
Trọng Nghĩa
Phát biểu trên đài truyền hình Philippines ABS-CBN vào hôm nay, 29/11/2012, Ngoại trưởng Philippines cho biết là Manila vẫn kiên trì đòi Bắc Kinh rút ba chiếc tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Scarborough, gần sáu tháng sau khi Trung Quốc hứa là sẽ rút đi. Theo ông Albert Del Rosario, trong vụ này, Manila đã tôn trọng cam kết, trong khi Bắc Kinh lại nuốt lời hứa.
Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên chủ quyền bãi Scarborough (mà người Philippines đặt tên là Panatag, trong lúc Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) đã bùng lên vào tháng Tư, với tàu của hai bên trực diện nhau tại khu vực tranh chấp.
Theo Ngoại trưởng Philippines, để giảm bớt căng thẳng, vào ngày 04/06, hai nước đã đồng ý cùng triệt thoái lực lượng ra khỏi khu vực, Philippines đã rút tàu của mình ra khỏi khu vực bãi Scarborough hôm 04/06, đúng theo cam kết, nhưng ba chiếc tàu của Trung Quốc vẫn trụ lại tại chỗ.
Ông Del Rosario cho biết là hồi tháng Sáu, một quan chức sứ quán Trung Quốc thoạt đầu giải thích là vì thời tiết quá xấu cho nên họ không thể dời tàu đi nơi khác được, nhưng không cho biết khi nào họ sẽ thực hiện việc này. Theo hãng tin Pháp AFP, họ không liên lạc được với sứ quán Trung Quốc tại Manila để hỏi rõ về vụ việc trên.
Trung Quốc và Philippines, cùng với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam, có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, Manila ngày càng lên tiếng quyết liệt chống lại các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, công khai nêu bật vấn đề này trong các hội nghị quốc tế, bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Del Rosario vào hôm nay, Trung Quốc không muốn Philippines đề cập đến vấn đề Biển Đông với các nước khác, kể cả với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, thậm chí cả với nhà báo.
Nhận xét
Đăng nhận xét