Tổng thống Obama nêu vấn đề nhân quyền với Thủ tướng Campuchia
19.11.2012
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại về thành tích nhân quyền của Campuchia, trong một cuộc họp mặt mà các giới chức Hoa Kỳ mô tả là “căng thẳng” với Thủ tướng Hun Sen của Campuchia.
Tổng Thống Obama đã tới thủ đô Phnom Penh hôm thứ Hai, tại đây ông nêu vấn đề về các cuộc bầu cử tự do và công bằng, và việc giam giữ các tù nhân chính trị.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes thuật lại rằng Tổng Thống Obama đã nói với Thủ tướng Hun Sen là những vấn đề vừa nêu là một “vật chướng ngại” cho việc phát triển mối quan hệ sâu đậm hơn giữa Hoa Kỳ và Campuchia.
Các giới chức Campuchia đáp lại rằng những quan ngại về nhân quyền đã bị thổi phồng.
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hun Sen, Tổng thống Hoa Kỳ đã gặp 10 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN tại thủ đô Campuchia.
Nhà lãnh đạo Mỹ tới Phnom Penh từ Miến điện, tại đây ông đã ngỏ lời trước một đám đông tại Trường Đại học Rangoon. Tổng Thống Obama nói ông tới đây để giữ cam kết là mở rộng “bàn tay thân hữu.” Ông nói thêm rằng những “ánh sáng le lói của tiến bộ” mà ta đã trông thấy không nên bị dập tắt, mà phải trở thành “Sao Bắc Đẩu tỏa sáng” cho tất cả nhân dân trong nước.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng đề cập tới vấn đề tịch thu đất đai, quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận. Ông kêu gọi hãy chấm dứt bạo động tại Miến Điện, đơn cử các vụ đụng độ đẫm máu mới đây giữa các tín đồ Phật giáo và Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Trước đó trong ngày, ông Obama đã gặp riêng Tổng thống Miến Điện Thein Sein và biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi tại Rangoon, thành phố chính của Miến điện.
Sau một giờ hội đàm, trong khi tổng thống Thein Sein đứng bên cạnh ông, Tổng Thống Obama nói với các nhà báo rằng tiến trình dân chủ và cải tổ kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này, có thể dẫn tới những cơ hội phát triển khó tưởng tượng được. Ông nói thêm rằng, ông trông đợi sẽ được đi thăm Miến Điện một lần nữa trong “một dịp khác trong tương lai.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó đã gặp bà Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của nước này, tại tư gia ở Rangoon.
Sau cuộc hội đàm giữa Tổng Thống Obama và Aung San Suu Kyi, cả hai đều là khôi nguyên giải Nobel hòa bình, đã mở một cuộc họp báo chung.
Tổng Thống Obama nói với các nhà báo rằng ông đã thấy những dấu hiệu đáng phấn khởi tại Miến điện trong năm qua, kể cả việc bà Aung San Suu Kyi được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia, và sau đó, được bầu vào quốc hội.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện cảnh báo về nguy cơ của “ảo tưởng thành công.”
Tổng thống Obama nói chuyến viếng thăm tới Miến Điện – chuyến đi thăm đầu tiên của một tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm – không có nghĩa là Hoa Kỳ hậu thuẫn chính phủ Miến điện, nhưng là một sự thừa nhận những tiến bộ đạt được trong tiến trình cải cách chính trị đang diễn ra tại nước này.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thein Sein, nhà lãnh đạo Mỹ gọi nước này là “Myanmar” thay vì “Burma”, trong khi nói chuyện với các nhà báo.
“Burma” là tên mà lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và phong trào dân chủ của bà chọn và đó cũng là tên chính thức được sử dụng tại Washington.
Từ năm 1989, nhà cầm quyền quân sự Miến Điện đã quảng bá tên gọi “Myanmar” như một tên chính thức cho nước họ. Chính phủ Hoa Kỳ không chấp nhận tên gọi này, vốn bắt nguồn từ tên rút ngắn của Miến Điện “Myanma Naingngandaw.” Tổng Thống Obama không giải thích vì sao ông gọi Miến điện là “Myanmar” hôm thứ Hai.
Chuyến đi thăm này nhấn mạnh chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á của nhà lãnh đạo Mỹ giữa lúc ông đang cố gắng giữ lời hứa củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông. Chính phủ của Tổng thống Obama từng tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sang Châu Á trong tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét