Trung Quốc vẫn khống chế được vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN
Một góc Cung điện Hòa bình, Phnom Penh, Cam Bốt, nơi diễn ra Thượng đỉnh ASEAN,, du 15 au 20/11/2012
RFI/Duc Tam
Đức Tâm
Tại hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh, các nước ASEAN một lần nữa lại không thể tạo được thành một khối thống nhất trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông. Với thế mạnh kinh tế , Trung Quốc đã chia rẽ và khống chế các nước thành viên hiệp hội không làm lớn chuyện Biển Đông vốn vẫn bị coi là một hồ sơ nhạy cảm trong quan hệ Asean với Trung Quốc.
Thân chào anh Đức Tâm, hôm nay, (19/11/2012), Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các Thượng đỉnh liên quan tại Phnom Penh, Cam Bốt bước sang ngày thứ sáu. Xin anh cho biết những sự kiện đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay.
Chương trình làm việc ngày hôm nay của ASEAN tại Phnom Penh được dành cho các cuộc gặp theo công thức ASEAN + 1 và ASEAN + 3, với những đối tác quan trọng. Chiều tối nay, tổng thống Mỹ Barack Obama từ Miến Điện sang Cam Bốt để tham dự Thượng đỉnh ASEAN + Mỹ.
Đặc phái viên Đức Tâm
19/11/2012
Nghe (06:32)
Trước đó, sự kiện đáng chú ý nhất và được giới báo chí quan tâm là Thượng đỉnh ASEAN + Trung Quốc lần thứ 15. Đương nhiên, trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, ngoài vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư, hồ sơ Biển Đông chiếm vị trí nổi bật và là câu hỏi thường xuyên được nêu ra trong các cuộc họp báo trong những ngày qua.
Vậy tại Thượng đỉnh lần này, vấn đề Biển Đông có tiến triển gì không thưa anh ?
- Cần phân định rõ hai nội dung mà ASEAN và đặc biệt là Cam Bốt, chủ tịch luân phiên của khối trong năm nay, muốn tách bạch : Đó là các căng thẳng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian qua và nội dung thứ hai là tiến trình đàm phán xây dựng một bộ luật về ứng xử của các bên tại Biển Đông - COC, một văn bản pháp lý có tÍnh ràng buộc.
Về nội dung thứ nhất, tức là những căng thẳng tại Biển Đông. Vấn đề này không hề được nêu ra. Trước các câu hỏi của giới báo chí, các quan chức Cam Bốt và ASEAN đều trả lời theo nội dung thứ hai, tức là ASEAN đang cố thuyết phục Trung Quốc khởi động tiến trình đàm phán « chính thức » và ở cấp cao về COC, để giải quyết các tranh chấp và phòng tránh những xung đột có thể xẩy ra.
Ngày hôm qua, tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan cho biết lãnh đạo các nước ASEAN đồng ý đề nghị Trung Quốc về việc này. Ông Pitsuwan nói : « Đương nhiên, các lãnh đạo ASEAN hy vọng là các cuộc thảo luận về Bộ luật ứng xử ở Biển Đông - COC sẽ được tiếp tục. Các nước ASEAN cho rằng điều quan trọng là cần phải chứng minh cho cộng đồng quốc tế và thế giới thấy là chúng tôi có thể có những khác biệt, nhưng chúng tôi có thể xử lý được những khác biệt và chúng tôi đang làm việc này. Chúng tôi có trách nhiệm xử lý các khác biệt một cách hòa bình. Chúng tôi biết vấn đề này là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng. Chúng tôi muốn chứng minh cho thế giới thấy là với sự hợp tác của phía Trung Quốc, chúng tôi có thể xử lý được vấn đề này một cách có hiệu quả ».
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký bản Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông - DOC, bước khởi đầu trong tiến trình xây dựng COC. Thế nhưng, từ một thập niên qua, các cuộc thương lượng tiến triển chậm. Trung Quốc tuyên bố ủng hộ trên nguyên tắc việc xây dựng bộ luật, nhưng tỏ ra không vội vã. Bắc Kinh nhấn mạnh là chỉ đàm phán vào thời điểm thích hợp, nhưng không cho biết là vào lúc nào.
Trong cuộc gặp song phương Cam Bốt-Trung Quốc, vào tối ngày hôm qua, thủ tướng Hunsen đã bày tỏ mong muốn của ASEAN thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC, nhưng dường như thủ tướng Ôn Gia Bảo không mặn mà với đề xuất này.
Trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chính quyền Mỹ luôn luôn kêu gọi cần phải tiến hành đàm phán đa phương. Liệu sự hiện diện của ông Obama tại Cam Bốt có giúp thúc đẩy việc đàm phán về hồ sơ Biển Đông theo hướng này hay không thưa anh ?
- Chắc chắn là không. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương, tức là giữa Bắc Kinh với từng nước Đông Nam Á có liên quan. Trung Quốc luôn luôn cho rằng những vấn đề ở Biển Đông phải do những nước trong khu vực giải quyết, không có sự can thiệp của bên ngoài, tức là của Mỹ. Nói một cách khác, Bắc Kinh phản đối việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông.
Lập trường này được thấy rõ qua phát biểu của Quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Cam Bốt, ông Kao Kim Huon, trong cuộc họp báo ngày hôm qua : « Trong cuộc họp thu hẹp, lãnh đạo các nước ASEAN đã thảo luận nhiều chủ đề trong đó có vấn đề Biển Đông, DOC và những công việc hướng tới COC. Các lãnh đạo ASEAN đã quyết định là họ không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông ».
Do Cam Bốt hiện là chủ tịch của ASEAN, nên có thể coi phát biểu của ông Kao Kim Huon là lập trường chính thức của toàn khối. Tuy nhiên, Philippines và dường như cả Việt Nam không hài lòng là ASEAN không đạt được đồng thuận chung về việc này. Thậm chí Ngoại trưởng Philippịnes cho biết là đã gửi thư tới các phái đoàn khác trong ASEAN để nhấn mạnh rằng không có đồng thuận chung. Cho đến nay, chỉ có Philippines là công khai lên tiếng đề nghị giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trong khuôn khổ đa phương, tức là quốc tế hóa hồ sơ này.
Như vậy, có thể nói trong quan hệ với Trung Quốc, một số nước trong ASEAN « bằng mặt mà không bằng lòng », phải chăng do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ?
Đúng vậy, bởi vì ngoài vấn đề Biển Đông, Trung Quốc là đối tác kinh tế rất quan trọng của các nước ASEAN. Hai bên đã ký thoả thuận thành lập khu vực tự do mậu dịch và văn bản này có hiệu lực từ đầu năm 2010 giữa Trung Quốc với một số nước và kể từ năm 2015, được áp dụng với toàn thể 10 nước ASEAN.
Về điểm này, tổng thư ký ASEAN cho biết : « Thỏa thuận tự do thương mại của chúng tôi vơí Trung Quốc đã được thực hiện rất tốt. Các nước ASEAN đã được hưởng lợi từ thỏa thuận này, thương mại tăng gần 20% mỗi năm. Chúng tôi hy vọng có nhiều đầu tư của Trung Quốc hơn vào các nước ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc mở cửa thị trường, nhưng chúng tôi muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn. Bởi vì có một sự chênh lệnh rất lớn giữa thương mại và đầu tư của Trung Quốc vào các nước ASEAN : Khối lượng và giá trị thương mại cao, còn đầu tư lại ít, trong khi đó, các đối tác khác của khu vực thì đầu tư nhiều và trao đổi thương mại còn thấp. Do vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh này ».
Giới phân tích đã nói nhiều về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Cam Bốt, chủ tịch ASEAN trong năm nay. Chỉ xin nêu một ví dụ để thấy Cam Bốt trọng thị quan hệ với Trung Quốc như thế nào : Khẩu hiệu đón thủ tướng Ôn Gia Bảo được ghi trên bức tường quây quanh khu vực Cung điện Hoà bình, ở Phnom Penh, nơi diễn ra các Hội nghị của Thượng đỉnh ASEAN, như sau : Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa muôn năm.
Xin cảm ơn anh Đức Tâm
Nhận xét
Đăng nhận xét