Bỏ phiếu tín nhiệm liệu có khách quan?
.
Bỏ phiếu tín nhiệm giúp Quốc hội Việt Nam thêm quyền lực?
Dự kiến Quốc hội Việt Nam, tại kỳ họp tháng Năm 2013, sẽ lần đầu tiên bỏ phiếu tín nhiệm với 49 vị trí lãnh đạo cao nhất Việt Nam.
Đây được cho là một thay đổi quan trọng, mặc dù chưa rõ việc bỏ phiếu sẽ diễn ra như thế nào và liệu chỉ mang tính tượng trưng hay không.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, trao đổi với BBC quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Trần Quốc Thuận: Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được đưa vào luật từ hai nhiệm kỳ (2001), không phải chuyện gì mới cả. Bây giờ vấn đề đang rộ ra sau các nghị quyết Trung ương Đảng, trở thành việc phải triển khai.
Nhưng có hai vấn đề quan trọng phải nhìn ra. Thứ nhất, Việt Nam đã có tự do báo chí, tự do ngôn luận chưa? Có chuyện đó thì mới tác động được vào những người bỏ phiếu.
Vấn đề thứ hai có ý nghĩa quyết định là cơ cấu của đại biểu Quốc hội, sẽ quyết định lá phiếu. Bây giờ trên 95% đại biểu đều là Đảng viên. Đảng viên lại bỏ phiếu với các lãnh đạo của Đảng, là vấn đề không đơn giản. Ở Quốc hội đã có tổ chức đảng, đoàn. Mỗi đoàn đại biểu Quốc hội lại có trưởng đoàn là lãnh đạo của địa phương. Có 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tương ứng 63 đoàn đại biểu. Trưởng, phó đoàn của họ là những ông trong Đảng, là thường vụ tỉnh ủy, thậm chí Bí thư tỉnh ủy. Liệu lá phiếu có khách quan không, còn phải chờ xem.
Tôi không đặt niềm tin lắm vào khả năng bỏ phiếu sẽ diễn ra khách quan.
BBC:Chưa dám nói về các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, nhưng một số vị Bộ trưởng cũng vẫn bị báo chí chính thống phê phán khá mạnh. Liệu có nghĩa là Quốc hội sẽ được tự do bỏ phiếu với cấp bộ trưởng chăng, thưa ông?
Bây giờ đúng là nhiều vị bộ trưởng cũng bị đại biểu Quốc hội nhắc đến. Nhưng lá phiếu đã bị ràng buộc như tôi giải thích. Hơn nữa, bỏ phiếu tín nhiệm là nhắm đến các ông cấp cao, mới có ý nghĩa. Cũng như Nghị quyết Trung ương 4 nói là phải kiểm điểm từ trên xuống, tức là từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng. Chứ bỏ phiếu các ông nhỏ hơn, đôi khi sẽ rơi rớt người nào đó, cũng hay, ra điều dân chủ. Nhưng nó không có nhiều ý nghĩa.
"Nếu trong cuộc bỏ phiếu, thực sự có tranh luận, giải trình, vận động, mọi người được thảo luận dân chủ, công khai, bỏ phiếu mới có ý nghĩa. Còn cũng có thể vị bộ trưởng nào đó sẽ “dính đạn”, nhưng sẽ không đi tới đâu."
Nếu trong cuộc bỏ phiếu, thực sự có tranh luận, giải trình, vận động, mọi người được thảo luận dân chủ, công khai, bỏ phiếu mới có ý nghĩa. Còn cũng có thể vị bộ trưởng nào đó sẽ “dính đạn”, nhưng sẽ không đi tới đâu.
BBC:Ở đây, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 18 vị cao nhất trong Quốc hội, là như thế nào?
Đến nay, qua theo dõi báo chí, người ta chưa biết cụ thể việc bỏ phiếu sẽ có các thủ tục thế nào. Liệu họ sẽ dồn danh sách 49 ông bà ra bỏ phiếu một lúc cho xong, hay là sẽ tiến hành chất vấn rồi mới bỏ phiếu. Đến bây giờ, qua các thảo luận, có vẻ họ dự định đem 49 người ra bỏ phiếu một lần. Chưa rõ có phải vậy không, nhưng như thế sẽ không phân biệt được ai tốt, ai xấu. Phải có giải trình minh bạch, phải có chất vấn rồi mới bỏ phiếu. Chứ lại xếp hàng ngang bỏ phiếu thì thật khó hiểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi kết luận là sẽ công khai ngay kết quả bỏ phiếu. Tôi cũng hy vọng họ làm vậy. Không nên úp úp mở mở, chứ không lại như chuyện một đồng chí X nào đó bị Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật nhưng Ban Chấp hành Trung ương không kỷ luật, cũng đã gây ra xầm xì.
BBC:Phiên họp vừa rồi của Quốc hội Việt Nam chưa bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng vẫn tiếp tục truyền thống chất vấn Thủ tướng và bộ trưởng. Ông thấy có thực chất không ạ?
Nhiều người nói có vẻ thẳng thắn hơn. Nhưng mặc dù Quốc hội đã từng có nghị quyết là phải truy đến cùng. Giá trị của việc chất vấn là sau khi chất vấn xong, phải có nghị quyết. Bây giờ về hình thức, họ cũng có nghị quyết rồi. Nhưng còn truy đến cùng thì chưa. Bây giờ chất vấn ông này, ông kia đều bị chi phối theo thời gian bao nhiêu tiếng đồng hồ.
"Việt Nam có khẩu hiệu Nhà nước của dân, do dân, vì dân, và mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực lớn nhất là người dân có quyền chọn lãnh đạo của mình. Ở Việt Nam, quyền ấy chưa thực hiện được."
Việc chất vấn đã khởi sắc, nhưng nó chỉ thực chất khi cơ cấu Quốc hội đổi khác. Khi nào đại biểu Quốc hội phụ thuộc hẳn vào lá phiếu cử tri, lúc đó tiếng nói của họ mới thể hiện tốt hơn. Bây giờ đại biểu chủ yếu do lãnh đạo giới thiệu, đưa lên, thì họ phải lệ thuộc thôi.
Việt Nam có khẩu hiệu Nhà nước của dân, do dân, vì dân, và mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực lớn nhất là người dân có quyền chọn lãnh đạo của mình. Ở Việt Nam, quyền ấy chưa thực hiện được.
BBC:Quốc hội họp vừa qua, ngoài vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và sửa đổi Hiến pháp, cũng thông qua Luật chống tham những sửa đổi. Theo ông, điều này có gì mới mẻ không?
Thực tế, luật pháp Việt Nam về chống tham nhũng đầy đủ hết rồi. Nhưng như Chủ tịch nước đã nói, không biết người ta có làm hay không. Lần này sửa đổi luật, chỉ là thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, theo đó, chuyển ban chỉ đạo chống tham nhũng từ chính phủ về bên Đảng. Ông Tổng Bí thư sẽ đứng đầu.
Điều này ở Việt Nam cũng hợp lẽ thôi. Vì muốn đụng một cán bộ đảng viên, phải làm việc với cấp ủy quản lý ông đảng viên đó. Còn cỡ Bí thư, Chủ tịch tỉnh thì phải được Bộ Chính trị gật đầu, công an mới xông vào nhà được.
Nhưng chống tham nhũng phải đặt ra tầm mức lớn hơn nữa. Đó là phải có cơ quan kiểm soát quyền lực, cơ quan tư pháp độc lập. Bao giờ tư pháp được hạch hỏi cái ông lớn nhất nước này, may ra tình hình mới bắt đầu tốt được.
Nhận xét
Đăng nhận xét