Giới trẻ học được gì sau các cuộc biểu tình?
Khánh An, phóng viên RFA
2012-12-12
Khánh An đặc biệt chào đón 3 bạn vừa trở về sau cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 9/12 vừa qua. Chắc hẳn bây giờ các bạn có nhiều điều để kể về ngày chủ nhật đáng nhớ xảy đến cho bản thân của các bạn.
AFP photo
Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012
Khánh An sẽ không làm mất thời gian của các bạn thêm nữa đâu, mà chúng ta sẽ lần lượt tự giới thiệu để ngay sau đó có thể bắt đầu vào chương trình nhé. Nào, mời các bạn.
Trương Ba Không: Tôi là Trương Ba Không. Tôi đang giữ một đầu dây nói ở phía đằng Hà Nội của mình. Tôi là người có thể nói là được “chăm sóc” đặc biệt hơn một chút trong lần biểu tình 9/12 vừa rồi.
Dũng: Mình là Nguyễn Văn Dũng. Mình ở Phú Thọ.
Lâm: Trước tiên Lâm xin lỗi mọi người là giọng Lâm bây giờ hơi khàn.
Dũng: Mình cũng đang khàn đây.
Lâm: Tại vì hôm qua Lâm hét hò nhiều quá. Lâm xin giới thiệu Lâm tên là Bùi Tiến Lâm. Hiện tại Lâm đang sống ở Sài Gòn. Làm làm trang trí mỹ thuật và trang trí nội thất.
Những điều tuyệt vời
Khánh An: Một lần nữa Khánh An chào đón cả ba bạn đến với chương trình Café Wifi hôm nay. Như Khánh An đã nói từ đầu, chủ đề hôm nay của chúng ta chắc chắn có liên quan đến biểu tình hôm Chủ nhật. Có lẽ quý thính giả cũng đã nghe rất nhiều về chi tiết cuộc biểu tình. Các website cũng đã cập nhật đầy đủ cả hình và video. Bây giờ Khánh An chỉ hỏi các bạn vì tất cả ba bạn đều là những người trong cuộc, các bạn đã xuống đường biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 9/12 thì các bạn có thể kể cho mọi người nghe là điều gì đọng lại sau ngày chủ nhật vừa rồi?
Dũng: Ấn tượng nhất của mình là khi ở trong trại Lộc Hà, một sếp công an xuống hỏi một người bị bắt là “Anh là ai? Tên gì?”, thì tất cả 24 con người đều đồng thanh hát bài: “Anh là ai mà bắt tôi? Tôi làm điều gì sai?...”. Rất là vui! Và chương trình văn nghệ của 24 con người bị bắt trong trại toàn là “Dậy mà đi”, “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu”. Đấy là cái chưa bao giờ xảy ra trong các cuộc biểu tình.
Khánh An: Vâng, điều này thật là tuyệt vời.
Dũng: Cái video ấy đáng ra là upload lên Facebook luôn, nhưng ở đấy, họ đặt cạnh phòng giam một xe phá sóng nên không upload được lên Facebook. Sau đó là họ xóa hết thẻ nhớ của mình.
Khánh An: Vâng. Họ có thể xóa được thẻ nhớ trong máy của anh Dũng, nhưng người ta không thể nào xóa được tất cả những kỷ niệm đã in và lưu giữ rất kỹ trong bộ nhớ trong đầu mỗi người phải không? Cám ơn anh Dũng. Bây giờ thì Khánh An mời bạn Trương Ba Không.
Trương Ba Không: Với tôi thì có 3 kỷ niệm. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là xe của cảnh sát luôn muốn dẹp mọi người, muốn mọi người đi lên trên vỉa hè. Thế thì bạn Nguyễn Văn Phương là thành viên rất tích cực, năng nổ, là người đã đọc Tuyên cáo tại nhà hát lớn, anh ấy phẫn uất và nói một câu là “Khi mà nước nhà đã mất thì đến cái vỉa hè cũng chẳng còn mà đi đâu”, rồi sau đó anh ấy lặp đi lặp lại câu “Tổ quốc là trên hết”.
Ấn tượng thứ hai đối với tôi là lâu lắm rồi, từ cái lần đi thăm chị Hằng (Bùi Thị Minh Hằng) lần cuối cùng vào đầu năm nay thì chúng tôi cũng không có dịp được gặp nhau thường xuyên nữa. Lần vừa rồi thì cũng rất vui là tình cờ một lần nữa lại được đi cùng với chị và nhìn thấy hình ảnh một người dân oan khập khiễng bước đi trên đầu đoàn với một lá cờ màu vàng trên tay và chị khóc.
Những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc và diễu hành tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Riêng cá nhân tôi lần này được các lực lượng chức năng chăm sóc đặc biệt hơn, xuất phát từ một câu chuyện rất buồn cười, rất khôi hài. Vì họ cứ nghĩ rằng chúng tôi đang làm những việc tự phát này là do có một cái gì đó có tổ chức, hoặc do nước ngoài kích động thế nọ thế kia, cho nên một anh đã nói chuyện với sếp của mình ở quận Hoàn Kiếm là tôi là người đang điều động thêm quân ở nơi khác về ứng trực trong lúc lực lượng 113 đã giải tán chúng tôi. Họ bắt tôi và tôi là người bị tệ nhất trong lần vừa rồi, bị giữ ở một nơi riêng, 8 người thẩm vấn tôi lặp đi lặp lại chỉ một mục đích xem có tổ chức nào gây dựng cuộc biểu tình này không.
Khánh An: Vâng. Trở lại với cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Khánh An muốn hỏi bạn Lâm, bạn có thể kể lại một cách ngắn gọn về ấn tượng nào để lại trong bạn về cuộc biểu tình hôm chủ nhật?
Lâm: Kỷ niệm ngày hôm qua là nó ấn tượng ngay từ lúc ban đầu. Tối hôm trước, Lâm ngồi vẽ những băng-rôn, banner sẵn sàng hết. Sáng sớm 5 giờ sáng Lâm dậy tập thể dục, Lâm đứng trên lầu nhìn xuống thấy có 5 người an ninh đứng trước cửa nhà. Lâm mới vô điện thoại cho Thành và Kim Tiến nói rằng “Phải có một người hy sinh”. Lúc đó là khoảng 7:30 giờ, Thành mang cái áo “No-U”, còn mình thì mang áo “Ủng hộ luật biển đảo”, vừa mới mở cửa đi xuống thì anh công an khu vực chạy vào nhà liền và nói: “Thôi, ở nhà đi, đừng đi biểu tình nữa. Chủ trương nhà nước là vậy rồi”. Ổng nói: “Nếu mà tụi em mà cứ nhất định đi thì anh sẽ bắt tụi em”. Tụi mình mới nói: “Ok, bây giờ tụi em không đi nữa. Anh ra khỏi nhà em để tụi em ăn sáng”. Mình lên lấy áo khoác khoác lại để không cho thấy những cái áo biểu tình, rồi mình nói hai vợ chồng Thành đi ra trước đi. Lúc mình chạy vòng ra thì thấy Thành với Kim bị bắt lại. Đó cũng là một kỷ niệm.
Ngày hôm qua thì có sự ngăn chặn rất tinh vi. Có một nhóm gọi là “phản biểu tình”. Nó vẫn giả danh đi biểu tình nhưng luôn muốn lửa biểu tình bị dập xuống, hoặc là cứ hô “Có móc túi”, thế là an ninh nhảy vô đập.
Kinh nghiệm gì cho bản thân
Khánh An: Vâng, sau khi đi biểu tình về, các bạn có rút ra được bài học nào cho chính bản thân mình sau này không?
Dũng: Một kinh nghiệm quan trọng tôi rút ra là mình tôn trọng an ninh như những con người. Họ cũng bị áp lực cơm áo gạo tiền, họ buộc phải làm công việc đấy thôi. Có một anh an ninh làm việc với tôi trong trại Lộc Hà hôm qua anh chia sẻ “Thực ra là tôi mặc bộ quần áo này nên tôi phải nói như thế này theo chủ trương ở trên. Chứ còn ra ngồi trà đá bia bọt với nhau thì nó lại khác rất nhiều”. Tôi rất thoải mái với họ nhưng cái gì mình kiên quyết phản đối thì mình phản đối tới cùng. Tôi nghĩ tất cả đều là người Việt với nhau, làm sao cho họ hiểu được những người biểu tình là những người đơn thuần yêu nước, không có cái gì là cực đoan cả.
Công an ra sức giải tán người biểu tình chống Trung Quốc hôm 09/12/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Khánh An: Vâng, cám ơn anh Dũng. Còn hai bạn khác thì có rút ra được kinh nghiệm riêng nào cho bản thân không?
Trương Ba Không: Cá nhân tôi, qua các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng thì một kỹ năng lớn nhất rút ra được với tôi là tránh những cuộc hỏi theo kiểu vòng vo, tràng giang đại hải. Mình sẽ mất tập trung, mình trả lời một câu hỏi và nó sẽ đẩy đến câu hỏi và một kết thúc không hay, không có lợi cho mình. Thành ra trong buổi hôm qua là dù gặp được bạn an ninh là đồng hương với tôi nhưng tôi cố gắng tách bạch hai câu chuyện ra. Một câu chuyện của con người với con người, của người đồng hương với người đồng hương. Một câu chuyện của một người đang giữ quyền được phép thẩm vấn và một người dù muốn hay không cũng phải chấp nhận cuộc thẩm vấn như thế. Cho nên tôi yêu cầu bạn ấy hỏi từng câu hỏi và tôi trả lời từng câu một. Tôi nghĩ rằng là trong một cái áp lực mà một người có thể phải làm việc với 7, 8 người thì chúng ta nên trả lời trong một chừng mực và trả lời gọn, theo kiểu câu đối thoại, tránh những câu mang tính chất dẫn dắt. Nó có thể gây bất lợi cho mình.
Khánh An: Vâng, xin cám ơn anh Trương Ba Không. Bây giờ thì Khánh An muốn hỏi kinh nghiệm riêng của bạn Lâm?
Lâm: Lúc ban đầu, cách đây hơn 1 năm khi Lâm đi biểu tình thì cho đến bây giờ, sau nhiều lần bị bắt, Lâm cảm thấy mình mạnh mẽ hơn thêm. Chính những người an ninh làm cho Lâm mạnh mẽ hơn.
Khánh An: Vâng, một câu hỏi cuối, theo kinh nghiệm của các bạn, các bạn dự đoán sắp tới có biểu tình nữa không? Và biểu tình có dẫn đến một kết quả nào đó có lợi cho Việt Nam hay không?
Trương Ba Không: Mình xin nói ngay là vấn đề biểu tình hay không biểu tình nữa thì trước tiên nó phụ thuộc hoàn toàn vào động thái của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Mặc dù tất cả các cuộc biểu tình đều không được bật đèn xanh và đều bị chính quyền Việt Nam đàn áp bằng cách nọ hay cách kia để dập tắt, nhưng mình nghĩ rằng cho đến nay, qua 5 năm của phong trào biểu tình yêu nước chống Trung Quốc thì nó đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm của người dân Việt Nam. Thành ra mình nghĩ nếu trong tương lai, Trung Quốc còn gây hấn thì dù nhà cầm quyền Việt Nam có cản trở hay dùng các biện pháp nghiệp vụ thế nào thì biểu tình vẫn nổ ra. Còn hệ quả của nó thì mình nghĩ là mỗi người dân Việt Nam, mỗi một người xuống đường như chúng mình thì sẽ phải đi những bước đi rất dài trong nhận thức, trong suy nghĩ của mình. Như thế thì nó mới thúc đẩy được một bước đi khá là ngắn của một xã hội nhưng đó là những bước đi cần phải có, chứ không thể nào dừng lại được.
Khánh An: Vâng.
Dũng: Mình rất đồng ý với ý kiến của anh Trương Ba Không. Ngày hôm qua khi chào anh an ninh làm việc với mình thì anh ấy bảo “Thôi về, đừng đi nữa nhé”. Mình cười bảo “Cái đấy còn tùy thuộc vào Trung Quốc cơ”.
Còn về tác dụng của biểu tình, tôi thấy là nhận thức của người dân càng ngày càng nâng lên khi thấy nhiều người can đảm xuống đường biểu tình bất chấp mọi sự ngăn cản của nhà cầm quyền. Qua những cuộc biểu tình này, mọi người nhận rõ bộ mặt của chính quyền vì chính quyền tự thể hiện thôi. Ngoài chuyện trong nước thì chúng ta đã đánh động được dư luận quốc tế và cho Trung Quốc thấy cái quyết tâm bảo vệ tổ quốc của người dân Việt Nam bất kể chính quyền có như thế nào. Chính quyền có thể hèn nhát nhưng dân Việt Nam không bao giờ hèn.
Lâm: Đúng rồi.
Khánh An: Vâng. Cám ơn các bạn rất nhiều đã tham gia chia sẻ với chương trình.
Nhận xét
Đăng nhận xét